Thiêng liêng Tín ngưỡng Hùng Vương

04:05, 02/05/2013

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan toả mãnh liệt, trở thành di sản vô giá của dân tộc mà không một dân tộc nào khác trên thế giới có được.

“Trẩy hội Đền Hùng”, hay “Giỗ Tổ” vào dịp mồng 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành sự kiện tâm linh mang bản sắc văn hoá của cộng đồng người Việt từ bao đời nay. Đặc biệt, ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” càng cho thấy, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang có sức lan toả mãnh liệt, trở thành di sản vô giá của dân tộc mà không một dân tộc nào khác trên thế giới có được.

Điện thờ Quốc tổ Lạc Long Quân
Điện thờ Quốc tổ Lạc Long Quân


Bài 1: Cơ sở hình thành Tín ngưỡng Hùng Vương

Theo các nhà triết học, tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để giải thích thế giới và để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng mang tính dân tộc, dân gian và thường có tổ chức không chặt chẽ. Tín ngưỡng được hình thành từ tâm linh. Tâm linh hình thành từ ý thức trên cơ sở những đặc điểm về lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân tộc. Chính điều này đã hình thành nên tín ngưỡng thờ các vị thần đã khai sáng ra dân tộc, đất nước ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, trong gia đình là tục thờ tổ tiên, làng xã là tục thờ Thành Hoàng ở đình - miếu. Với dân tộc Việt Nam thì biểu tượng linh thiêng nhất, thành kính nhất trong đời sống tâm linh - là biểu tượng Vua Hùng, tạo nên tín ngưỡng thờ Lạc Long Quân (cha Rồng), Âu Cơ (mẹ Tiên) là người khai sáng ra dân tộc Việt, và các Vua Hùng dựng nên đất nước Việt Nam.

Từ trong truyền thuyết cha Lạc Long Quân đi ra từ miền biển gặp mẹ Âu Cơ và đẻ ra bọc trăm trứng nở thành 100 người con. Sau đó, người con cả ở lại làm vua, 49 người con theo cha về biển, 50 người con theo mẹ lên núi. Triều đại Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang truyền đến đời thứ 18 thì chuyển qua nhà nước Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương. Từ đây, lịch sử Việt Nam nối tiếp cho đến thời nay. Trong triều đại Vua Hùng có các truyền thuyết còn lưu lại tới bây giờ là: Bọc trăm trứng, Bánh trưng bánh dày, Thánh Gióng, Sự tích dưa hấu, Sơn Tinh – Thủy Tinh, Chử Đồng Tử... Như vậy, dù là truyền thuyết hay lịch sử, triều đại Vua Hùng chính là gia đình đầu tiên, là tổ tiên dựng nước và giữ nước của dân tộc, đất nước Việt Nam. Và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là có thực, cụ thể, thiêng liêng và cũng biểu hiện cho tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư "trăm con một bọc”, “con cháu Tiên Rồng", “con Lạc, cháu Hồng”... nhưng không phải siêu nhân, có pháp thuật hoá thân như Phật, Chúa, Thần, Thánh... Tâm linh - văn hoá tâm linh thời đại Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ Vua Hùng trong sáng, lành mạnh.

Cùng với sự phát triển của lịch sử đất nước, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng có vị thế đặc biệt trong tâm thức người dân. Các ngôi đền thờ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi trung tâm thực hành tín ngưỡng đặc sắc ấy, về sau lan rộng ra các làng xã trong tỉnh Phú Thọ. Thế kỷ thứ XVII, theo sách “Nam Việt thần kỳ hội lục” có 73 làng thờ cúng Hùng Vương, trong đó có 11 làng đã có sắc phong của triều đình. Từ vùng đất Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lan toả mọi miền đất nước. Theo thống kê của Cục Văn hoá thông tin cơ sở vào năm 2005, cả nước có 1.471 di tích thờ Vua Hùng, con cháu và tướng lĩnh của Vua Hùng. Riêng tỉnh Phú Thọ có 181 di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Như vậy, từ nơi nguồn cội là núi Nghĩa Lĩnh ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, không gian văn hoá, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mở rộng và lan toả khắp cả nước, trường tồn cùng với lịch sử, là một phần bản sắc văn hoá dân tộc, được các thế hệ người Việt Nam tự nguyện lưu truyền, bảo tồn và phát huy giá trị.

Từ sau Cách mạng tháng Tám  năm 1945, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc thờ cúng Vua Hùng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 22C NV/CC ngày 18/2/1946 quy định Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 (âm lịch) là ngày lễ lớn của đất nước, nhân dân cả nước được nghỉ làm việc. Ngày 26/7/1999, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết tổ chức các ngày lễ lớn trong năm 2000, trong đó quy định ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức như một "Biểu tượng của giá trị văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam". Ngày 2/4/2007, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10 tháng 3 âm lịch) để hành hương về cội nguồn và cộng đồng cùng tham gia thực hành nghi lễ tín ngưỡng giỗ Tổ.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam: Trải suốt chiều dài lịch sử, ít nhất hơn 500 năm đến nay, biểu tượng Vua Hùng được thừa nhận trên cả nước Việt Nam như một biểu tượng cội nguồn chung cho cả dân tộc. Trong mỗi gia đình Việt Nam, việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng vô cùng quen thuộc và bình dị, vượt qua mọi rào cản khác biệt về tôn giáo và các chế độ xã hội. Hình tượng Vua Hùng trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu tượng cội nguồn của quốc gia - dân tộc. Tính độc đáo tiêu biểu được quốc tế thừa nhận trong “tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Việc coi quốc gia – dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều không phải quốc gia nào cũng có”.

Bài 2: Tín ngưỡng Hùng Vương - Di sản đặc biệt của dân tộc

LÊ HOA