Sự kiện “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trở thành “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá, tâm linh. Đó là kết quả của niềm tin thiêng liêng, của sức mạnh gắn kết cộng đồng, của tinh thần dân tộc để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong quá trình phát triển đất nước.
[links()]Sự kiện “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” trở thành “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá, tâm linh. Đó là kết quả của niềm tin thiêng liêng, của sức mạnh gắn kết cộng đồng, của tinh thần dân tộc để vượt qua mọi khó khăn thử thách trong quá trình phát triển đất nước.
Đền Thượng - với dòng đại tự “Nam Việt Triệu Tổ” (Tổ tiên Việt Nam) là nơi Vua Hùng tiến hành các nghi lễ |
Việc lựa chọn “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” để lập hồ sơ di sản, PGS.TS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam, cho biết: Trước đó, có rất nhiều tranh luận với những đề xuất về: các di tích thời đại đồng thau và sắt sớm; không gian văn hoá Hùng Vương; lễ hội Đền Hùng;…Sau, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được chọn. Bởi lẽ, một trong những tiêu chí để công nhận là di sản của nhân loại là "được cộng đồng thừa nhận và trao truyền từ đời này sang đời khác". Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là diện mạo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt, có sức lan toả và được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng, bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản về ký ức sống của thời đại Hùng Vương. Đó là những thực hành xã hội liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương gắn với không gian văn hoá rộng lớn của cộng đồng. Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử, nhưng Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được duy trì và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo tục lệ cổ xưa, thời gian thực hành nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trong ba ngày, ngày kỵ chính là ngày 11/3 Âm lịch hàng năm, lễ hội diễn ra từ Núi Hùng đến 41 làng chung quanh chân núi, lúc đầu mang tính địa phương. Trong Ngọc phả Hùng Vương được viết vào năm 1470, ghi: "Từ đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần rồi đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (Cổ Tích). Tại đây, dân chúng toàn quốc đều được lễ bái để tưởng nhớ công lao của đấng Thánh Tổ Xưa". Đến triều nhà Nguyễn, cứ 5 năm nhà nước đứng ra tổ chức lễ Giỗ Tổ một lần gọi là Quốc Tế, những năm khác địa phương đăng cai tổ chức. Thời gian tổ chức 3 ngày. Tới năm Khải Định thứ 2 (1917), quan tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc xin Bộ lễ ấn định ngày Quốc Tế vào ngày mồng 10/3 âm lịch (Tức trước ngày húy của vua Hùng một ngày), ngày 11 để dân sở tại làm lễ. Tại Đền Thượng còn lưu giữ tấm Bia về "Điển lệ miếu thờ Hùng Vương" năm Khải Định thứ 8 (1923), nội dung bia có đoạn ghi: "Phụng sao văn bản của Bộ lễ định ngày Quốc Tế": từ nay về sau lấy ngày mùng 10/3 là ngày Quốc Tế và là ngày hội kỷ niệm hàng năm. Trước ngày này, Phủ Đường thẩm xét, quyết định trích số tiền lợi tự điền bao nhiêu, cùng số tiền 100 đồng do Nhà Nước cấp mỗi năm, giao cho quan Phủ Lâm Thao nhận lấy mua lễ phẩm và chi tiêu vào các khoản...
Lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương ở các địa phương đều giống nhau, bao gồm: xôi, oản, hoa quả, rượu, vàng hương, gạo muối, bánh chưng - bánh dày, gà luộc (bắt buộc phải là gà trống thiến), thịt lợn (bắt buộc là lợn đen). Một số làng có những tục lệ dâng lễ đặc biệt, như làng Vy, Trẹo (Hùng Sơn), Hùng Lô (Việt Trì) cúng lợn thường đặt cả con đã mổ sạch kèm theo số tiết lợn cắt được; ở Đào Xá, Bến Đá (Cẩm Khê) cúng cá chép; ở Đoan Hùng, Yên Lập quy định đồ dâng lễ phải có thịt trâu đen... Đặc biệt hơn, trong lễ vật dâng cúng của làng Cổ Tích còn có 3 đon mạ xanh tốt bày lên mâm lễ vật cầu mong Thánh Tổ phù hộ cho mùa màng bội thu; làng Vy, Trẹo dâng cúng kèm theo một "ông Voi" màu đen có đủ cả bành và yên cương, 2 "ông ngựa" (một màu hồng, một màu trắng, đều được làm bằng nứa đan, phết giấy, to giống như thật). Ông voi và hai ông ngựa được thắp hương dâng cúng để diễn lại sự tích "Đón vua về ăn tết" với dân làng, cho đến hết hội rồi đem hoá (đốt); Đình Vân Luông (Vân Phú), lễ vật dâng cúng có chiếc thuyền rồng làm bằng giấy, rọ lợn bằng tre, khi cúng xong ông Chủ tế tung lên cho dân làng cướp, nếu ai cướp được, năm đó gia đình sẽ được mùa chăn nuôi.
Mỗi đền trong Khu di tích thờ cúng Hùng Vương đều có Thủ nhang (ông Từ) hàng ngày lo đèn hương, trang hoàng đồ thờ tự. Vào dịp lễ hội, thành lập Đội Tế từ 9 - 11 người đàn ông trung niên có đạo đức tốt, được nhân dân kính trọng, gia đình không có tang ma. Riêng vai Chủ Tế được lựa chọn cẩn trọng, khắt khe với tiêu chuẩn là người đã lên lão, am hiểu cách thức tế lễ, có tư cách đạo đức tốt, được cộng đồng kính trọng, gia đình hoà thuận và không vướng tang ma. Khi được chọn làm Chủ Tế, bản thân người đó phải tập luyện thành thục các động tác tế lễ cùng với Đội Tế. Hoạt động của Đội Tế được Chủ Tế đứng ra điều hành và được những người am hiểu cách thức cúng tế truyền dạy. Nhiệm vụ của đội tế là thực hành nghi lễ dâng hương hoa, rượu, trà, đọc và hoá Trúc. Thông qua thực hành các nghi lễ, Đội tế thay mặt cho cộng đồng hy vọng được giao cảm với tổ tiên và các đấng thần linh, cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh.
Bài 3: Bảo tồn và trao truyền di sản qua việc thực hành Tín ngưỡng Hùng Vương
Lê Hoa