Bài 3: Bảo tồn và trao truyền di sản qua việc thực hành Tín ngưỡng Hùng Vương

02:05, 07/05/2013

Lễ hội Đền Hùng đã trở thành lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh và lớn nhất của dân tộc Việt Nam...

Lễ hội Đền Hùng đã trở thành lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh và lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Theo truyền thống, lễ hội gồm hai phần chính: Phần nghi lễ được tổ chức thành kính, trang nghiêm vào ngày mùng 10/3 Âm lịch tại Đền Thượng - "Điện Kính Thiên”, tiến hành dâng hương, hoa, lễ vật, đọc Trúc văn tưởng niệm các Vua Hùng; phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian của vùng đất Phú Thọ như hát xoan, hát ghẹo, kéo co, thi vật, bơi trải...

Rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng ở Đà Lạt - Ảnh: VĂN BÁU
Rước kiệu trong Lễ hội Đền Hùng ở Đà Lạt - Ảnh: VĂN BÁU


Hàng năm, con cháu khắp mọi miền đất nước hành hương về nguồn cội, thành kính tri ân công đức tổ tiên và cùng cộng đồng tham gia lễ hội. Năm 2013, tại các di tích thờ cúng Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ đồng loạt tổ chức thực hành nghi lễ dâng hương hoa, lễ vật; ở các tỉnh thành khác trong cả nước thực hiện dâng hương kính Tổ theo Hướng dẫn 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch. Đặc biệt, từ năm nay - 2013, Phú Thọ trở thành vùng đất hai di sản, nên trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội Đền Hùng, mỗi ngày, đều có biểu diễn hát xoan - loại hình dân ca nghi lễ tương truyền có từ thời Hùng Vương và đã được công nhận “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” ngày 24/11/2011. Lễ hội Đền Hùng trở thành đỉnh cao của các lễ hội truyền thống, thể hiện tính cộng đồng và tinh thần đại đoàn kết của dân tộc.  

Theo ông Nguyễn Xuân Các - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hằng năm, tỉnh thường xuyên kiểm kê khoa học Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng tại các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ Vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở các làng quê trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ Vua Hùng của các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ…

Thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong tâm linh người Việt thể hiện qua nghi lễ thờ cúng. Những yếu tố cấu thành của tín ngưỡng được cộng đồng chú trọng nhất là: Cách bài trí thờ tự, lễ vật dâng cúng và nghi thức thực hành tín ngưỡng. Sau đó mới tổ chức hội với các trò diễn xướng dân gian kể lại sự tích, miêu tả cuộc sống sinh hoạt thủa hồng hoang dựng nước của các Vua Hùng. Đại diện phụ trách báo chí của UNESCO - bà Cecile Duvelle, cho biết: Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam được đánh giá rất cao bởi tín ngưỡng thờ cúng này không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là ở tỉnh Phú Thọ; mà người Việt Nam còn áp dụng tín ngưỡng đó trong giáo dục và cả nghiên cứu khoa học.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là kết quả của quá trình lịch sử hoá và huyền thoại hoá đan xen một cách hài hoà, là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hoá và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Huyền thoại độc đáo về nguồn gốc của người Việt Nam qua truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ không chỉ mang ý nghĩa "đồng bào", ý nghĩa về cộng đồng dân cư; mà còn mang ý nghĩa về lãnh thổ, về giang sơn, đất nước. Đó là câu chuyện chia con đi trấn trị từ đồng bằng đến miền núi, khẳng định Văn Lang là một đất nước thống nhất, và cộng đồng dân cư có chung một nguồn cội. Thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giữ gìn một di sản văn hoá quý báu, thiêng liêng, không có tổ chức truyền bá, nhưng được cộng đồng tự nguyện, đồng thuận tham gia và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Việc trở thành Di sản của nhân loại đã khẳng định: Tín ngưỡng Hùng Vương là đức tin truyền thống, linh thiêng của người dân đất Việt đã tồn tại và sẽ mãi mãi trường tồn, lan toả. Để tôn vinh, duy trì và bảo tồn bền vững di sản này, cần nhận dạng đầy đủ các yếu tố của di sản một cách khoa học; xây dựng kế hoạch và biện pháp bảo vệ với sự hiểu biết và tôn trọng truyền thống của những người tham gia; khuyến khích các cộng đồng nâng cao nhận thức và tự quản lý di sản văn hoá của địa phương mình một cách hợp lý. Đối với các không gian văn hoá liên quan đến “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” cần được giới thiệu một cách chuyên nghiệp và sâu sắc qua việc đào tạo một đội ngũ nhân viên có kiến thức sâu rộng về văn hoá và du lịch, nhất là kiến thức về bảo tồn di sản văn hoá, đặc biệt là di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”. Bên cạnh đó, trong gia đình, việc duy trì truyền thống thờ cúng tổ tiên là phương cách giáo dục con cháu và lan truyền đạo lý “uống nước nhớ nguồn” - đạo lý căn bản của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”.

LÊ HOA