Nhà văn, nhà giáo Dương Trần (tên thật là Dương Uẩn) là một trong những cây bút viết truyện ngắn khá hay ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Chuẩn bị cho ngày giỗ lần thứ 5 của anh, gia đình và bạn bè đã tập hợp phần lớn những truyện ngắn, tản văn của anh in trên Báo Lâm Đồng, Đà Lạt nguyệt san, các tạp chí văn nghệ Nha Trang, Văn thành phố Hồ Chí Minh, ChưYangsin, Langbian; trong ấn phẩm Về nguồn; Tâm hồn cao thượng, Những bài báo chọn lọc của Báo Lâm Đồng,….thành ấn phẩm “ Tạ ơn nhau”...
Nhà văn, nhà giáo Dương Trần (tên thật là Dương Uẩn) là một trong những cây bút viết truyện ngắn khá hay ở Đà Lạt - Lâm Đồng. Chuẩn bị cho ngày giỗ lần thứ 5 của anh, gia đình và bạn bè đã tập hợp phần lớn những truyện ngắn, tản văn của anh in trên Báo Lâm Đồng, Đà Lạt nguyệt san, các tạp chí văn nghệ Nha Trang, Văn thành phố Hồ Chí Minh, ChưYangsin, Langbian; trong ấn phẩm Về nguồn; Tâm hồn cao thượng, Những bài báo chọn lọc của Báo Lâm Đồng,….thành ấn phẩm “ Tạ ơn nhau”. Đây là một trong những ấn phẩm văn chương để lại ấn tượng đặc biệt với người đọc vì những truyện ngắn, tản văn của Dương Trần thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc và lòng hỉ xả bao dung đối với con người, với những thân phận trong xã hội.
Ngày 29 tháng 4 năm 2008, Dương Trần giã biệt dương gian khi tuổi đời mới bước sang 62, kể cả tuổi mụ. Cái hôm ông nhà giáo, nhà văn này chưa vĩnh viễn ra đi, tôi đến thăm, thấy cái bụng của anh đã căng cao, khuôn mặt tuy vẫn còn tươi, nhưng tâm hồn thì khô héo khi anh nói về người mẹ của mình. Anh tâm sự: Mình về Huế thăm mẹ tưởng ở bên mẹ lâu dài phụng dưỡng, hóa ra mình là thằng bất hiếu. Ai đời: Lá vàng lại ở trên cây. Lá xanh rụng xuống rải đầy mặt sân… Anh khóc ngon lành. Tôi thấy đôi mắt anh đỏ hoe, giọt nước mắt cứ tự nhiên lăn trên đôi gò má gầy hóp và chỉ dừng lại trên chòm râu không tỉa tót của anh. Tôi phải “lái” sang chuyện khác cho anh bớt buồn hơn…
Ngày anh mất, lúc đó là Chủ tịch Hội, tôi cùng anh chị em trong văn phòng Hội Văn nghệ Lâm Đồng mang vòng hoa đến viếng anh. Hôm trước, nhà thư pháp Mưu Lê đã nhiệt tình nhận “nhiệm vụ” hạ bút thảo hai câu thơ của Dương Trần viết vào ngày 20 tháng 4 năm 2008 trước khi từ giã trần gian được mấy ngày: Xác thân về với bụi hồng/ Yêu thương gửi lại hòa chung tình người. Hai câu thơ này sau đó được dán lên tường tưởng nhớ anh. Anh Dương Trần vào Hội Văn nghệ tỉnh từ ngày hội mới khai sinh, nhưng sau đó anh giãn dần ra, xa dần và lặng lẽ dành thời gian để viết. Một người viết đặc biệt.
Đọc tác phẩm của anh, dẫu là truyện ngắn, tản văn hay thơ - mới thấu hiểu hết được cái tình của anh dành cho quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cái làng Quảng Ngạn bên phá Tam Giang sông nước ngày nào anh được sinh ra và lớn lên; mới thấy được cái duyên nợ mà anh gắn bó với cuộc đời với nhân gian.
Một vùng đất khác mà anh luôn canh cánh bên lòng, sâu nặng cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay, đó là thành phố Đà Lạt mộng mơ quyến rũ. Dẫu viết về tình yêu đôi lứa, về quê hương đất nước hay về những mảnh đời, thân phận con người… lúc nào anh cũng chọn Đà Lạt làm bối cảnh, nơi xảy ra các sự kiện. Phải yêu Đà Lạt đến cháy lòng anh mới dành những điều tâm huyết như thế!
Đọc tác phẩm của anh mới hiểu được tình yêu nồng nàn, cháy bỏng của anh dành cho từng cuộc đời, từng mảnh đời, từng thân phận mà anh có dịp gặp gỡ trong đời thường, từng trò chuyện cùng họ và chia sẻ qua từng trang viết của mình. Phải yêu lắm, tha thiết lắm, sâu sắc lắm anh mới viết được như vậy.
Bạn bè cùng trang lứa của anh, hay những đứa em nhận anh làm sư huynh đã có thời gian cùng sống bên anh đều kính trọng anh. Không phải vì anh viết văn hay, dạy tốt, mà chính nhân cách sống của anh đã làm cho họ kính phục. Anh không vỗ ngực xưng tên tự nhận mình là nhà văn lớn, nhà thơ lớn, trạng nguyên thơ, thần đồng văn như một số người hợm hĩnh, háo danh. Làm văn nghệ mà thiếu nhân cách thì tốt nhất nên quẳng bút đi, chọn cho mình một cái nghề khác để sống. Dương Trần đã vượt qua cái ải cám dỗ những hư danh phù phiếm mà con người bịa ra. Anh viết bằng sự trăn trở, thôi thúc của một con người yêu cuộc sống đến cháy lòng.
Những dòng cảm nghĩ, bài viết của anh em, bầu bạn trong cuốn sách này đã khắc họa một phần những gì mà anh Dương Uẩn (bút danh Dương Trần) đã từng gắn bó với họ. Cuộc đời của Dương Trần duyên nợ với văn chương là do nghiệp mà ra. Lỡ vướng vào nghiệp thì khó dứt được. Anh cũng yêu nó như chính những người thân trong gia đình mình. Chị Phương – vợ anh – một phụ nữ gốc Huế đảm đang, nhân hậu suốt cả cuộc đời gắn bó, chia sẻ cùng anh vẫn đau đáu một ước nguyện của anh về mẹ mà anh thổ lộ cùng chị. Một người mẹ mà cả lúc anh buông tay từ giã cõi trần, anh vẫn cho là mình chưa làm tròn đạo hiếu. Chị vẫn là người thay anh nghĩ về mẹ những khi trái gió trở trời, những lúc buồn đau gian khó. Chị tiếp tục nuôi các con anh khôn lớn, dạy dỗ các con nên người, không để các con thua thiệt với đời. Không có cơ hội được thấy các cháu vui vầy bên bà, bên mẹ, nhưng giờ này ở phía bên kia thế giới có lẽ anh đang có nụ cười mãn nguyện.
Có lẽ sẽ rất thừa khi viết thêm về anh, vì anh em bầu bạn đã dốc tình trên từng trang viết. Đọc những gì họ viết, người đọc sẽ hiểu thêm những gì mà anh Dương Trần đã gởi lại cho trần thế này.
“Tạ ơn nhau” của Dương Trần là một trong những tuyển tập văn xuôi cá nhân ở Đà Lạt - Lâm Đồng đã tạo được một dấu ấn riêng. Tuyển tập này của anh góp phần gợi mở một cách viết giản dị, nhưng gần gũi giữa nhân vật với người đọc, giữa tác giả với các sự kiện đầy ắp trong cuộc sống đang diễn ra hằng ngày. Cảm ơn nhà văn, nhà giáo Dương Trần dẫu anh không còn trên cõi đời này nữa, nhưng những tác phẩm của anh để lại đã thổi vào nền văn nghệ địa phương một luồng gió mới; cũng là cách nhắc nhở những người cầm bút hôm nay cần phải yêu hơn cuộc đời này, cuộc sống này và có thêm nhiều tác phẩm hay về thân phận con người, về những con người lao động rất đáng yêu ngày nay.
TRẦN NGỌC TRÁC