Trang nhật ký đầu tiên

04:05, 15/05/2013

Trước khi vượt Trường Sơn, tôi được phân công phục vụ Đại hội.

Ngày 27/12/1971               
                                                                         
Trước khi vượt Trường Sơn, tôi được phân công phục vụ Đại hội.

Tôi phục vụ chỉ có 10 người “ăn kiêng” do yêu cầu sức khoẻ. Sổ chấm cơm với những cái tên Bác Hai bao tử, Chú Ba cữ mỡ, cô Năm kiêng ớt, chú Năm cơm nhão... Mười người có mười cái tên như vậy cho dễ nhớ. Bếp đặt dưới hầm, đường ngầm hút khói bếp đi rất xa. Tôi cũng ăn ở tại bếp để phục vụ vì ban đêm hay có món cháo cheo, cháo gà rừng, lúc nào cũng cần nước sôi để pha trà, pha chế cà phê, nên bếp luôn nóng. Thực phẩm, gia vị, nước sinh hoạt nấu nướng, cung cấp tận nơi. Việc đưa cơm cho đại biểu và thu hồi chén bát về cho tôi rửa dọn là của chú thiếu tá đầu bạc. Thực đơn sẽ được đặt ra buổi tối của ngày trước để chuẩn bị, kèm lời góp ý cần điều chỉnh cách nấu nướng, phục vụ. Dần dần tôi nhận ra sự kiêng cữ chỉ là cái tên gọi.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh


Buổi sớm thường ăn xôi bắp, xôi đậu xanh, đậu phộng với muối mè. Thực đơn cho mười người này khá đặc biệt vì tôi đã được học lớp chế biến món ăn cho đại hội nên những món đặt ra hôm nay rất chọn lọc như canh chua thơm, cá kho nồi đất. Gà kho sả ớt, canh lá vang nấu gà, thịt rừng chiên muối, canh khoai mỡ hoặc canh rau cải bẹ xanh nấu tôm nêm gừng ăn với thịt kho tiêu hoặc kho sả, kho tương hột... Ở rừng, ngoài rau rừng cá suối, thịt nuôi từ các đơn vị sản xuất đóng gần sông suối chuyển về, anh em đi săn bắn cải thiện thêm thức ăn để phục vụ đại hội. Tôi nhận ra đại hội lần này tập trung thực phẩm đặc biệt nhất so với những đại hội trước. Tôi thường được phân công đi nấu ăn phục “cán bộ” về chỉnh huấn, chỉnh quân. Nhưng lần này đại hội có vẻ bí mật, tôi không được đi đâu lên mặt đất, kín kẽ từ thức ăn tới nước uống. Nơi tôi nấu ăn có một đường hầm ếch thông qua các ngã như lối thoát hiểm khi bom đánh. Từ lối ấy tôi thường căng tai nghe ngóng xem đại hội nói những gì vang vang từ các con đường hầm qua bếp.

Đó là một chiến dịch lớn, chuẩn bị cho cuộc công kích và nổi dậy toàn miền vào mùa hè 72. Hình ảnh ngày “Giải phóng miền Nam” đang hiện lên trong đầu. Tôi ao ước sẽ được phất ngọn cờ chiến thắng về tận xóm nghèo Cây Quéo. Lãng mạn đến ngây ngất, tôi vẽ trong tưởng tượng một hành trình tiến về Sài Gòn, như chính mình sẽ là người dẫn đường vậy. Thì ra mười đại biểu ăn kiêng ấy là các chỉ huy của chiến dịch. Giọng nói oang oang, khoẻ, trẻ. Tôi hình dung các tướng lĩnh ấy bặm trợn và phong độ lắm. Mỗi khi máy bay giặc vút qua đánh xoẹt, tôi như nín thở. Tiếng kẻng báo động “hạn chế ánh sáng”, sau đó tiếng mi-crô lại vang lên trong đường hào, tôi lại bước ra đường thông gió van vái bình yên cho cuộc họp. Tôi vui sướng nhận ra mình được phục vụ các thủ trưởng của chiến dịch.

Mỗi tối, tôi hồi hộp chờ đợi quyển sổ góp ý mang xuống hầm bếp. Mừng vui khi thấy cuối sổ nhận xét “tốt, phát huy!” hoặc “được!”. Mâm bát thu về, tôi và chú bếp trưởng cứ nhìn chằm chằm vào đĩa, vào chén. Họ dùng hết khẩu phần là hai chú cháu mừng rơn, mâm nào ăn còn thì áy náy, lo lắng ngồi hội ý, hội bàn suốt cả giờ để thay đổi món. Chúng tôi căng thẳng giống như mình sắp ra trận.

                                                             *  

Một tháng trôi qua thật nhanh, khi quảy ba lô trở về, tôi được “bảo vệ” không thua gì “đại biểu”. Về tới đơn vị, tôi té ngửa, quyết định đi Bắc trao cho. Tôi nhứt định không chịu, thế là lời ra, tiếng vào, đoán non, đoán già của anh chị em:

- Chắc là gặp hoàng tử nào ở đại hội nên đi không nỡ chứ gì?

Tôi tròn mắt phản ứng:

- Làm gì có thấy mặt ai mà hoàng tử với công chúa?

- Đại hội những 400 người mà không gặp ai, hứ...!

Tôi chợt im re. Thì ra trên mặt đất còn một bếp lớn phục vụ đông người nữa.

Thủ trưởng hỏi:

- Đồng chí có biết, được đi học là sự ưu đãi của Đảng, không phải ai cũng có cơ hội?

- Cháu biết, nhưng... cháu muốn...

Tôi ấp a, ấp úng như kẹo vướng cổ họng. Thế là thủ trưởng nổi sùng ký
cái “rẹt!” đưa cho tôi tờ giấy có bốn chữ “Lệnh vượt Trường Sơn”! Tựa như “Tôn Ngộ Không bị Phật Bà Quan Âm gắn niềng kim cô”, tôi hết dám cựa quậy, lủi thủi về hầm chuẩn bị sớm mai lên đường. Trong hầm bếp bay bay thơm phức món lương khô thịt Voọc chắc chị nuôi đang làm cho tôi mang theo... Đêm chia tay, tôi thức trắng về bài thơ đầu tiên của Trường Sơn.

Lệnh vượt Trường Sơn

Vượt Trường Sơn ra Bắc
Bây giờ đang mùa đông
Mùa khô, rừng thay lá
Ta nghe buồn mênh mông
*
Rộn ràng vào chiến dịch
Người đi, có mình ta
Kẻ ở, đang hối hả
Họ mừng, ta buồn xa!
*
Đại hội một tháng qua
Đã vạch sẵn “Đường ra…”
Toàn quân, dân, một ý
Tiến công, cứu nước nhà!
*
Tiếc, không được ở lại
Cùng chiến đấu phen này
Lệnh vượt, phải đi ngay
Ôi! Mệnh lệnh, tiếc thay!
*
Ta chỉ là cánh én
Đâu làm nên mùa Xuân
Chỉ là niềm trắc ẩn
Muốn phỉ chí tung hoành!

Tạ Thị Ngọc Hiền