Trường Sơn một thuở hào hùng

04:05, 15/05/2013

Nhân dịp Ban Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp mặt nữ chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng lần thứ I, năm 2013, tại thành phố Đà Lạt, Báo Lâm Đồng cuối tuần trân trọng giới thiệu hai chân dung nữ chiến sĩ Trường Sơn là những người cầm bút làm thơ, viết văn ở Lâm Đồng: Đó là Tạ Thị Ngọc Hiền và Phương Liên.

LTS: Nhân dịp Ban Liên lạc chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp mặt nữ chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tỉnh Lâm Đồng lần thứ I, năm 2013, tại thành phố Đà Lạt, Báo Lâm Đồng cuối tuần trân trọng giới thiệu hai chân dung nữ chiến sĩ Trường Sơn là những người cầm bút làm thơ, viết văn ở Lâm Đồng: Đó là Tạ Thị Ngọc Hiền và Phương Liên.

* Ký ức Trường Sơn

Người phụ nữ ấy đã đến với thơ văn trong tâm thế và khí chất của một người lính Trường Sơn. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, mà chị là chứng nhân, đã được ánh xạ qua những trang viết đầy hào khí. Bút pháp chị sử dụng thường dung dị, dễ hiểu; có những chỗ sâu đằm, đắm đuối. Chị là Tạ Thị Ngọc Hiền, hội viên Hội VH-NT tỉnh Lâm Đồng.

 “Tôi lên rừng lúc 14 tuổi. Sau Mậu Thân (1968), hoạt động cách mạng trong thành của ba và kế mẫu tôi bị lộ, nên từ Sài Gòn, ba tôi đưa tất cả chúng tôi về Trảng Bàng; rồi sau đó, lần lượt đưa từng đứa vô “Rờ”. Ba tôi nói: Nếu không cho các con tham gia cống hiến, đến khi đất nước thống nhất sẽ không còn cơ hội nữa!” - Chị mở đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi.

Chị Tạ Thị Ngọc Hiền
Chị Tạ Thị Ngọc Hiền

Lên rừng từ lúc tuổi đời còn rất trẻ, chứng kiến biết bao cảnh chiến tranh tàn khốc cũng như những nỗi buồn vui đời lính, hàng ngày, chị vẫn lì lợm quan sát, vẫn đau đớn, ray rứt, vẫn âm thầm viết về những sự kiện nóng hổi xung quanh mình. “Ngày 5/1/1972: Loạt B52 vừa dứt, âm thanh rền rĩ của hơi bom vẫn còn hầm hập, mảnh bom văng vèo vèo, cắm phùm phụp trên mặt đất. Tôi chui ra khỏi miệng hầm ếch, cánh rừng như khác hẳn, trống hoang. Cây cối ngổn ngang, đổ chồng lên nhau như vừa qua một trận bão rừng. Đang đi, tôi dừng phắt lại. Bên đám lá rừng tả tơi, có tiếng rên khẽ, một người lính trong trang phục xanh lá rừng đang nằm quằn quại. Ban đầu, tôi hơi ngạc nhiên vì người lính ấy không có vẻ đau đớn, mặc dù viết thương trên đầu đang rỉ máu. Anh lính mấp máy môi, mắt nhìn tôi đăm đắm. Tôi vội cúi xuống sát hơn để nghe xem anh lính nói gì, song vẫn không nghe được. Trên gương mặt ấy đang nở một nụ cười hiền hậu. Anh run run đưa tay lên vuốt tóc tôi rồi gục đầu vào ngực tôi. Suýt nữa, tôi đã xô anh ấy ra khỏi tay mình. Đột nhiên, anh gọi tôi bằng “Mẹ!”: “Mẹ ơi! Mẹ đừng buồn!...”. Tôi bàng hoàng khóc nấc vì ân hận. Người lính ấy đã chết trên cánh tay tôi”.

Nhớ lại chuyện cũ, chị vẫn đau xót và day dứt khôn nguôi, khi vẫn còn đó những nỗi đau thời hậu chiến: “Bao đồng đội xưa thân xác giờ vẫn mỗi nơi một mảnh. Người về lại được quê hương, thì vết tích chiến tranh hằn đầy thân thể. Hạnh phúc, tình yêu chưa từng biết đến. Nhưng họ không lùi bước trước số phận, trước tật nguyền, cứ lầm lũi lao động trên mảnh ruộng, để tìm lấy cuộc sống đời thường trong bình yên đất nước” - Chị chia sẻ.

Trong chiến tranh, sự sống và cái chết là một lẽ tự nhiên, nhưng có những cái chết sừng sững như những tượng đài trong mắt người còn sống: “Ngày 13/1/1972: Chúng tôi vượt ngầm Tà Lê an toàn. Đoàn xe chở hàng vào miền Nam đang sắp sửa vượt ngầm. Người nữ thanh niên xung phong từ barie chạy vụt ra, tay cầm cờ phất cho xe vượt ngầm. Nhưng máy bay đang ầm ào lao tới. Thằng giặc trời C130 trút bom xối xả. Tôi chứng kiến 3 cô gái lần lượt thay nhau phất cờ. Một người nằm xuống, người khác lại lao ra. Cứ thế, cho đến chuyến xe cuối cùng vượt qua ngầm. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ: Sao mà dũng cảm, gan dạ thế? Về sau, tôi mới biết, vì tình yêu Tổ quốc thì người ta mới dám hy sinh”.

Đọc lại những dòng chữ do chính tay mình viết cách đây đã 42 năm, chị không nén được cơn xúc động. Giọng chị run run: “Mình là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử, nếu mình không viết thì ai biết mà viết. Nghĩ vậy, nên tôi cố gắng viết lại”.

Năm 1972, Tạ Thị Ngọc Hiền được lệnh chuyển ra miền Bắc học tập. Và năm 1976, chị quay lại Sài Gòn. Đến năm 1999, chị cùng với 3 người con từ Sài Gòn chuyển lên định cư tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Hiện, chị là Ủy viên Ban chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn tỉnh Lâm Đồng. Ngoài ra, chị còn kiêm nhiệm các chức vụ khác trong Hội Cựu chiến binh xã Đạ Kho, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ…

Mặc dù bận nhiều công tác xã hội như vậy, nhưng chị vẫn không quên dành sự đam mê cho văn thơ. Sự bền bỉ, kiên trì đã mang lại kết quả: Một số bài thơ, truyện ngắn của chị đã được đăng tải trên các báo: Báo Lâm Đồng, Báo Sài Gòn Giải phóng, Tạp chí Tài hoa trẻ, Tạp chí Lang Bian…

Giờ đây, ngoài những chuyến công tác xã hội, chị lại cặm cụi ngồi viết, chỉ với hy vọng sẽ có một số bạn đọc; trong đó, có người thân, bạn bè đọc những trang viết này, sẽ mỉm cười và biết đâu trong họ sẽ dâng lên một niềm vui nho nhỏ.

Không kể những tuyển tập thơ mà Tạ Thị Ngọc Hiền góp mặt, “gia tài” riêng của chị hiện nay đã có 7 tập thơ, gồm:  Nhớ miền Đông, Có một lần đi, Địa đạo xôn xao, Bến bờ em, Biển là anh, Bông chùm ruột, Nhật ký Trường Sơn và 1 tập truyện ngắn Lán điểm. Hiện, chị đang gấp rút hoàn thành cuốn nhật ký nhiều tập, có tên Đường trăng để ra mắt bạn đọc trong thời gian tới.

Một trang nhật ký của nữ chiến sĩ Trường Sơn
Một trang nhật ký của nữ chiến sĩ Trường Sơn

TRỊNH CHU


* Phương Liên “lúc nào cũng tuổi 20”…

“Tôi thích làm thơ từ năm 17 tuổi, khi tôi tình nguyện vào quân đội (1971) nơi gian khổ và ác liệt nhất của chiến trường Quảng Trị - Nam Lào, của tuyến đường Trường Sơn thân yêu. Tôi không ngờ khi gian khổ và ác liệt thì con người ta lại vô tư như những chú nai rừng, hiền hòa như dòng suối xanh mát để lưu lại những khoảnh khắc thật đẹp cho những vần thơ đơm hoa kết trái. Tôi yêu thơ và càng thấy cuộc sống vô cùng lạc quan, ý nghĩa, thấy mình lúc nào cũng ở tuổi 20…”.

Với những lời tâm sự chân thành ấy nên ta rất đồng cảm khi Phương Liên - người lính Trường Sơn năm xưa như cánh én chao liệng giữa trời xuân trên chiến trường lửa đạn.

Nữ chiến sĩ Trường Sơn - Phương Liên (giữa) và đồng đội
Nữ chiến sĩ Trường Sơn - Phương Liên (giữa) và đồng đội

 
Xuân đã đến - Ôi mùa xuân đẹp quá!
Tết này tôi ở chiến trường xa
Cái tết đầu tiên tạm xa nhà
Mà cảm thấy mùa xuân tươi lạ…
(Tết này)

Cựu chiến binh, Trưởng ban “Nữ chiến sĩ Trường Sơn” tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thị Phương Liên, nguyên quán Quế Võ (Bắc Ninh), hiện sống tại Gia Lâm (Lâm Hà, Lâm Đồng). Theo tiếng gọi của non sông, của lý tưởng của hàng vạn thanh niên ở “hậu phương lớn” miền Bắc “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”, Phương Liên “gấp trang vở còn thơm mùi mực tím/Gói niềm thương cha mẹ, giấu trong tim” để “đi theo tiếng gọi từ trái tim mình”, nhập ngũ khi đang ngồi trên ghế trường cấp 3.

Trong chiến tranh, nào đâu súng nổ và bom gầm mới là khốc liệt mà còn đó nhiều hoàn cảnh quá nghiệt ngã với phận “liễu yếu đào tơ”. Chẳng hạn cảm nhận rất thật của thân thể qua sự hành hạ của cơn sốt rét rừng

“Đầu nhức - Gối mỏi - Mắt tối - Lưng đau
Bụng đói như thét như gào
Ăn vào cũng khổ như cào ruột ra”
(Lại sốt)

hay

“Cắt sốt thân thể gầy còm
Thịt da lặn hết chỉ còn bộ khung”
(Cắt sốt)

Thế nhưng lửa đạn và gian khó không dập vùi được ý chí, khát vọng tuổi thanh xuân là được cống hiến cho Tổ quốc.

“Trường Sơn xuân hết hè về
Vui cùng nhiệm vụ chẳng hề tiếc xuân”
(Hè về)

Rời chiến trường, tâm hồn Phương Liên vẫn dào dạt lạc quan và thơ của chị không vơi sự đằm thắm tình yêu quê hương, đất nước và cuộc sống hòa bình… Vang lời ca quan họ trữ tình trên quê mới cao nguyên, hết mình cùng công tác xã hội tại địa phương, Phương Liên tiếp tục làm thơ.
 
 Nhà chẳng giàu nhưng không nghèo chữ “nghĩa”
Thơ chung tình, bạn hữu nặng sắt son.

Là hội viên Câu lạc bộ thơ Việt Nam, năm 2011, chị xuất bản tập thơ “Sen đồng nội” (NXB Hội Nhà văn). Báo Lâm Đồng Cuối tuần trân trọng giới thiệu đôi lời về nữ chiến sĩ Trường Sơn và chùm thơ của Phương Liên.


Nhớ quê
(Phatha Nakhet Lào 4-1974)


Đêm nằm nghe tiếng tắc kè
Suối reo gío thổi bờ khe thì thầm
Ngoài trời mưa cứ lâm thâm
Lòng con trăn trở nhà hầm nôn nao
Bâng khuâng nghĩ lại ngày nào
Trung thu vằng vặc trăng sao quây quần
Rộn ràng trống ếch vang ngân
Tuổi quân nay đã bao tuần trăng qua
Đêm trường muôn nỗi nhớ nhà
Nghĩ là nhiệm vụ mới là cần hơn
Hận thù bè lũ Ních-Sơn
Trong lòng rực lửa căm hờn ngút cao
Quyết noi gương bậc anh hào
Làm người chiến sĩ phất cao cờ hồng
Một lòng theo Đảng đến cùng
Kiên tâm hai chữ “hiếu, trung” trọn đời
Làm theo “di chúc của Người”
Thống nhất xây dựng hơn mười năm xưa
Hiền Lương văng vẳng giọng hò
Trăng tròn lại tỏa đôi bờ sáng trong.



Vẫn đợi anh về
(Viết cho ngày 27-7)

… “Các anh đi, ngày ấy đã lâu rồi”
Nhớ hay quên? Tên “Sông Cầu” em đó
Rất riêng nữa - nghe đẹp “duyên quan họ”
“Như Nguyệt” - “Sông Trăng” ước hẹn bồi hồi!
Dòng sông xưa sóng nước tiếng ru hời…
Cò sải cánh, lũy tre chiều xào xạc
Diều no gió, lượn hướng sông bát ngát
Bến vắng anh
Mặt nước thiếu tiếng cười…
Tuổi trong ngần lặn vào sông mát rượi
Tay vô tư giang ôm sóng vào người
Răng trắng muốt, mắt long lanh ngời sáng
Ngực căng đầy hơi thở ấm triền đê
Tạm biệt giảng đường, bịn rịn bến sông quê
Tươi đẹp tuổi đôi mươi, mười tám
Vắng bóng các anh dòng sông em tím lặng
Cánh cò chiều ngơ ngác lẻ đàn bay
Dù trăm năm hay ngàn năm chẳng tính ngày
Sông vẫn đợi… anh về xanh mát rượi
Sóng sánh những ngày trên dòng Thương bến mới
Sông biếc dạt dào… ru ấm mãi tình anh!  
 

NGUYỄN THANH giới thiệu, tuyển thơ