Hoàng Nguyên và mối tình âm nhạc với xứ sương mù

04:06, 05/06/2013

Nhạc sỹ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ra ở Quảng Trị vào năm 1932. Theo nhiều thăng trầm của cuộc sống, đầu những năm 1950 ông lên Đà Lạt dạy học ở trường Bồ Đề. Chính những năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, ông đã có thời gian thỏa mãn thú đam mê âm nhạc của mình.

Đà Lạt, cũng giống một vài đô thị ở Việt Nam, là một trong những vùng đất được rất nhiều nhạc sỹ yêu mến và bởi vậy, rất nhiều ca khúc hay viết về nơi này. Một trong những nhạc sỹ viết về Đà Lạt hay nhất, ấn tượng nhất là Hoàng Nguyên, người nhạc sỹ tài hoa đoản mệnh.

Những ca khúc tuyệt vời ông viết về Đà Lạt được sinh ra chính trong thời gian nhạc sỹ gắn bó với thành phố mù sương, trong tuổi hoa niên tươi đẹp, lãng mạn của chàng thanh niên Hoàng Nguyên.

Xuân cao nguyên. Ảnh: Minh Ngọc
Xuân cao nguyên. Ảnh: Minh Ngọc


Nhạc sỹ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ra ở Quảng Trị vào năm 1932. Theo nhiều thăng trầm của cuộc sống, đầu những năm 1950 ông lên Đà Lạt dạy học ở trường Bồ Đề. Chính những năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, ông đã có thời gian thỏa mãn thú đam mê âm nhạc của mình. Ca khúc đầu tiên của ông viết về Đà Lạt là ca khúc Bài thơ hoa đào. Có lẽ bởi tới từ vùng đất khô nóng, lần đầu tiên chạm mặt vào hơi sương lạnh, ngắm nhìn màu hoa đào mơ màng, rực rỡ, Hoàng Nguyên đã bật ra xúc cảm để viết những ca từ ca ngợi loài hoa đặc trưng nhất của phố sương: hoa đào.

Chiều nào dừng chân phiêu lãng
Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi

Nhưng dù cảm hứng được nảy sinh từ hoa hay sương, nó vẫn không khỏi gắn với tuổi xuân, với tình yêu, với những dáng thiếu nữ áo dài xinh đẹp của phố núi.

Màu hoa in dáng trời
Tình hoa in dáng người

Sau một vài năm sống và dạy học ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên đã tích đủ tình yêu, sự gắn bó và cảm hứng để viết lên một trong những ca khúc tuyệt vời nhất, ca khúc mà dường như ai cũng biết về Đà Lạt: Ai lên xứ hoa đào. Chắc hẳn rằng, trái tim đôi mươi dâng tràn nhựa sống, tình yêu của chàng trai trẻ mang tâm hồn nhạc sỹ đã vang lên những lời thúc giục, đòi hỏi thốt lên những lời tình nồng nàn. Ngay từ những lời đầu tiên, những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, một Đà Lạt mơ huyền, lãng mạn, một Đà Lạt mang đậm “chất Đà Lạt” đã hiện ra trong lòng người nghe.

Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ

Ca từ tuyệt đẹp, giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào đã mang lại cho “Ai lên xứ hoa đào” một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Lạt, người yêu Đà Lạt và làng âm nhạc Việt. Và dù bài hát đã ra đời quá nửa thế kỷ, mỗi khi nhắc tới Đà Lạt, không ai có thể không nhớ tới ca khúc tuyệt vời ấy.

Không chỉ có “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào” viết cho Đà Lạt, Hoàng Nguyên còn “Đà Lạt mưa bay” dành cho phố núi. “Đà Lạt mưa bay” vẫn mang dáng dấp một Hoàng Nguyên tài hoa, đa tình với những dáng hình thiếu nữ dịu dàng “Sương mù chiều vương trên làn tóc rối”.

Đà Lạt vào xuân. Ảnh: Phan Văn Em
Đà Lạt vào xuân. Ảnh: Phan Văn Em


Đà Lạt trong ca khúc Hoàng Nguyên quen mà lạ. Quen bởi những gì ông nhắc tới đều là những điều đặc trưng nhất của phố núi, là sương, là hoa, là thông, là tà áo dài thấp thoáng trong sương. Lạ bởi những hình ảnh thân quen ấy được nhìn qua lăng kính một tâm hồn lãng mạn, một “người phiêu lãng” như ông tự nhận về mình. Ca từ lãng mạn, âm nhạc của ông cũng không khác, nhẹ nhàng, ngọt ngào, tha thiết như một lời tự sự. Giữa tuổi hoa niên cháy bỏng, ông đã trao hết tài năng thiên phú vào những ca khúc dâng tặng thành phố mù sương, nơi ông neo bước trên đường lữ hành xa tít.

Năm 1956, bởi những biến cố bất ngờ Hoàng Nguyên rời Đà Lạt và dường như, theo lời nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, người em và là học trò thân thiết của ông, người được ông dìu dắt trong thời gian dạy học ở trường Bồ Đề, ông ít có dịp quay lại phố núi. Nhưng tình yêu trong ông dành cho thành phố mù sương, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất thuở hoa niên thì không bao giờ phai nhạt. Vẫn thoảng đâu đó trong những ca khúc ông viết trong hoàn cảnh khác, tâm trạng khác chút mơ màng của phố núi. Ông ra đi rất sớm trong một tai nạn, khi tuổi chưa chớm 50, dừng lại quãng đời phiêu du trong cuộc đời và trong âm nhạc. Năm 2013 là tròn 40 năm ngày Hoàng Nguyên lìa xa cõi thế nhưng những ca khúc của ông còn mãi. Và nhất là, khi dâng lên câu hát “Ai lên xứ hoa đào”, người Đà Lạt không quên Hoàng Nguyên cũng như hàng triệu trái tim yêu âm nhạc không quên ông, người nhạc sỹ đã dành cho Đà Lạt những ca khúc tuyệt vời.

DIỆP QUỲNH