Từ "Bài ca chim Chơrao" đến… mênh mang cõi thơ Thu Bồn

04:06, 12/06/2013

Không biết có phải là một cuộc phối ngẫu kì vĩ giữa người và đất chăng, mà cùng với sức sống huyền thoại của một dòng sông, đất đai xứ sở ấy lại sinh nở một nhà thơ mang tên chính dòng sông chảy giữa lòng quê xứ của mình. "Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở. Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu".

Không biết có phải là một cuộc phối ngẫu kì vĩ giữa người và đất chăng, mà cùng với sức sống huyền thoại của một dòng sông, đất đai xứ sở ấy lại sinh nở một nhà thơ mang tên chính dòng sông chảy giữa lòng quê xứ của mình. “Sông Thu Bồn ơi! Ta nghe người đương thở. Vỗ triền miên gội tóc những nương dâu”.
 

Nhà thơ Thu Bồn
Nhà thơ Thu Bồn

Kỳ thực gọi Thu Bồn là nhà thơ (cho dù ông sáng tác cả văn xuôi lẫn thơ), là bởi cái tâm hồn thi sĩ của ông có cảm giác như thường hằng một thứ gió, vừa đa đoan ưu du nhưng cũng vừa nhuốm màu phong trần. Vâng, thì chính ông đã nói: “Em đừng trách anh là ngọn gió. Của trăm miền nên giờ vẫn xa xăm”… Thực ra khối lượng văn xuôi của Thu Bồn cũng không kém gì thơ ông sáng tác, có đến hơn cả chục tác phẩm: Hòn đảo chân ren (1972), Dưới đám mây màu cánh vạc (1975), Dòng sông tuổi thơ (1973), Em bé trong rừng thốt nốt (1979), Đỉnh núi (1980), Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (1986), Cửa ngõ miền Tây (1986), Dưới tro (1986), Vùng pháo sáng (1986)… Nhưng nói đến Thu Bồn, hầu như người ta biết đến thơ ông nhiều hơn, điều này phần nào nói lên những giá trị nghệ thuật của thơ Thu Bồn, mà hiệu quả là sức sống của nó giữa lòng đại chúng. Nói như Albert Camus trong diễn từ của mình tại Lễ nhận giải thưởng Nobel văn học: “Đối với nghệ thuật không phải là một lạc thú để hưởng riêng một mình. Nó là phương tiện để cảm xúc đông đảo quần chúng bằng những hình ảnh đặc thù về những nỗi đau thương chung và những niềm hoan lạc chung. Như vậy nó buộc người nghệ sĩ phải phục tùng sự thật tầm thường nhất và đại chúng nhất” (Văn học phương Tây. NXB Giáo dục. Tr759). Thơ Thu Bồn đã chiếm lĩnh được trái tim đại chúng bởi một thứ lửa được thắp lên, đốt lên từ những sự thật đó. Sự thật yêu thương, sự thật nỗi đau, sự thật hào hùng và bi tráng…, nhất là những tháng năm đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh trận mạc. Năm tháng khói lửa dằng dặc ấy, hầu như khi đọc thơ Thu Bồn, người ta ai cũng biết đến đỉnh trong mọi đỉnh thơ của thi sĩ là trường ca “Bài ca chim Chơrao”.

Trong hồi ức của mình, lúc còn sinh thời, Thu Bồn đã từng nhiều lần nói đến trường ca “Bài ca chim Chơrao”, trường ca đầu tiên của nhà thơ, đồng thời cũng là tác phẩm có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp sáng tác của ông về sau này. Hãy nghe Thu Bồn kể lại nơi ra đời của bài trường ca huyền thoại ấy: “… đi bộ suốt mười lăm ngày vượt qua một cung đường nguy hiểm nhất Pờ lây me (Pleime) để đến với cái làng Đêpapơlêch – Cái làng đã đẻ ra bản trường ca của tôi. Tôi tìm ông già Siu Ken người từng thổi kèn Dingnam cho tôi nghe và cô gái xinh đẹp Hơ Tó thường đốt lửa lồ ô và nứa suốt đêm cho tôi ngồi viết bản trường ca…” (Gói Nhân Tình, Tr 277 - NXB Văn học 2004). Vậy đấy, trường ca “Bài ca chim Chơrao” được sinh khai từ thăm thẳm đại ngàn Tây Nguyên. Còn hơn thế nữa, về sau được Giải thưởng Văn học Nguyễn Đình Chiểu, rồi chu du khắp thế giới qua Giải thưởng Văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á – Phi. Cái mốc son, cái đỉnh điểm của tác phẩm nào phải nhường ấy, mà chính là nó đã tạo dựng, đã đưa vị thế Thu Bồn đứng vào vai trò người khai mở, người dẫn đầu cho hàng loạt những trường ca của nhiều nhà thơ khác về sau.

Khai thác, làm mới những giá trị truyền thống, nhất là được đứng trên mảnh đất Tây Nguyên lung linh sử thi, nhưng phải là một Thu Bồn lãng mạn, khỏe khoắn, ào ạt, cuồn cuộn và đầy ắp vốn sống. Từ bao giờ Tây Nguyên đã thấm đẫm vào tâm hồn ông, nhà thơ đã nhuần nhuyễn chất liệu Tây Nguyên trong mọi cách sử dụng:

“Sức mạnh Đam San tay thần Xinh Nhã
Dồn vào lồng ngực Nơ Trang Lơn
Rốc, xếch lên cung, Giàng khiếp sợ
Đá lăn sấm động chuyển Trường Sơn
Một rừng nứa tre nướng trăm gùi nếp
Rừng lá dong trải thịt đầy
Ngổn ngang ché rượu tràn ra đất
Rừng cây chếnh choáng núi cùng say”.


Từng hoàn cảnh xuất hiện, khi gay cấn dữ dội, lúc can trường khẩu khí, lúc lãng mạn trữ tình, bố cục nào cũng chặt chẽ theo mạch cảm xúc. Trường ca Thu Bồn ngoài sức vóc của một năng lực bẩm sinh lúc nào cũng hừng hực, còn đầy ắp cái vốn quí của những dày dạn mưa nắng phong trần dồn nén tích tụ, hễ có dịp là bùng vỡ. Ưu thế này không những được thể hiện trong những trường ca của ông lần lượt xuất hiện về sau, mà còn trong nhiều tập thơ xuất bản sau đó: Quê hương mặt trời vàng (Trường ca, 1975), Badan khát (Trường ca, 1976), Oran 76 ngọn (Trường ca, 1979), Người vắt sữa bầu trời (Trường ca, 1985)… Và Tre xanh (Thơ, 1969), Mặt đất không quên (Thơ, 1970), Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên (Thơ, 1992), Tôi nhớ mưa nguồn (Thơ, 2001)…

Dẫu chưa là trọn vẹn đọc tất cả các tác phẩm của Thu Bồn, dù vậy với tôi cũng có thể tạm phân kỳ thời gian để nhận ra cái dòng sông thi sĩ cuồn cuộn sức chảy ấy. Và, dù cho là thời điểm nào chăng nữa cũng thấy vóc dáng nhà thơ cháy bỏng khát vọng và đam mê ở vị trí hàng đầu. Từ trận mạc trong chiến tranh cho đến đổi mới trong hòa bình, có lẽ mẫu thi sĩ kiểu như ông bước đi trong tư thế nào cũng dồn dập xốc tới, ngang tàng quyết liệt và… kiêu bạc, nhưng cũng dễ mềm lòng đến rưng rưng. Từ “Ta là con chim ngậm vành kết cỏ. Quê hương nuôi ta lớn thành người”, cho đến “Cả một thời trai trẻ kéo nhau đi/ sấm sét ở lại tìm thi sĩ/ miền đất hứa đau buồn chung thủy/ thơ tuôn trào và núi lửa đang phun”. Tưởng chừng như vào bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu, lồng ngực thơ Thu Bồn cũng vạm vỡ và chất chứa căng tràn, hễ chạm tới nguồn mạch nào là cảm hứng chờ chực vỡ òa ra nguồn mạch ấy. “Cầu vồng lũ trẻ chơi màu sắc. Ta thích làm mây mang bão giông. Rạch chéo đất trời tia kiếm chớp. Thức reo làm thác ngủ làm sông”. Kiêu bạc, hào sảng đến thế mà lại có những lúc “Lấy khăn mà gói bơ vơ/ tay cầm nước mắt bao giờ sang sông/ gặp minh mang cũng mênh mông/ nắng qua bao chuyến mà không nhạt nhòa/ lòng anh rúc tiếng tù và/ gọi đò mãi bỗng nhớ ra gọi mình”.

Dường như vào những năm tháng cuối đời, thơ Thu Bồn có giảm đi phần nào cái nhịp điệu hừng hực trào tuôn lưu tốc của một dòng sông cuồn cuộn xiết chảy. Cố nhiên là không tính đến những ngày tháng cơn bệnh tai biến vây khốn ông. Nhưng có lẽ bắt đầu từ “Tôi nhớ mưa nguồn” (2001) ta có thể đọc ra thanh âm ấy, ngữ nghĩa ấy một nỗi đau đáu bàng bạc về những ý nghĩa nhân sinh, thân phận con người: “Chúng ta đều là đất cả thôi!/ xin đừng nặn ta thành những tượng thần/ xin đừng nặn ta thành những non cao/ hãy nặn ta thành những ông táo nhỏ/ cho nồi cơm em bé nghèo hèn/ cho người lớn khát tự do/ trẻ em khát sữa”.

Giảm lưu tốc của một dòng chảy cũng có thể không hàm nghĩa là báo hiệu cho một sự khép lại, mà có khi là sự chuyển động theo một nhịp điệu mới, khám phá mới. Nó có thể là trò chơi “Đánh đu cùng dâu bể ” hoặc là gì chăng nữa, nhưng tôi tin rằng vẫn nguyên vẹn một tình yêu trong Thu Bồn, như chính ông đã chiêm nghiệm cuộc dâu bể và đã viết trong trường ca Badan khát: “Nhưng tất cả sẽ trở thành vô nghĩa. Nếu như mồ bia kia không gọi được mặt trời”.

Tiếc thay bao khát vọng đẹp đẽ ấy đã phải chịu dừng bước trước ngưỡng cửa định mệnh. Thi sĩ bây giờ đã thuộc về hư không, là gió thổi qua miền bất diệt. MàThu Bồn đã nói như một lời ước nguyện rồi: “Em đừng trách anh là ngọn gió. Của trăm miền giờ vẫn thổi xa xăm”. Ôi chao, những ngọn gió như những tình nhân suốt đời chung thủy trong ý niệm siêu việt của Tagore, để mỗi khi gọi tên Thu Bồn ta lại nghe ra sông suối thơ ông xao xuyến từng cung bậc thanh âm: “Em đi rồi chiếc bình hoa tưởng vọng, đêm đêm ta cắm những kỷ niệm buồn!

NGUYỄN NHÃ TIÊN