Những bức tranh thêu gây hai niềm rung cảm

04:06, 06/06/2013

Nét khác biệt của tranh thêu Hữu Hạnh là mỗi bức tranh được chăm chút cả vẻ đẹp mỹ thuật lẫn vẻ đẹp kỹ thuật. Khi đứng xa ngắm tranh của chị, người xem sẽ rung cảm trước vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật với đường nét, sắc màu được phối hài hòa tạo nên từ đường kim mũi chỉ bằng sự sáng tạo của một nghệ sĩ.

Ai là con gái Đà Lạt ít nhiều cũng biết đan móc, thêu thùa, vá may; chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh cũng vậy, từ nhỏ đã quen thuộc với đường kim mũi chỉ trên những chiếc khăn. Được mẹ khen khéo tay, thêu đẹp, chị thêm thích thú với công việc. Lớn lên, Hữu Hạnh thêu phù hiệu, gối cưới, áo dài, rồi thêu chân dung theo yêu cầu của khách đặt hàng như một nghề mưu sinh mà không chọn công việc nào khác. Nghề thêu như cái “nghiệp” quấn lấy chị khó gỡ ra. Vốn có năng khiếu hội họa, chị nghĩ “tại sao mình không tạo ra những bức tranh thêu”, thế là vẽ, rồi thêu; ròng rã hàng tháng trời, cuối cùng những bức tranh thêu tay đầu tiên cũng ra đời. Năm 1990, tại triển lãm nghề truyền thống được tổ chức tại Hà Nội, thành phố Đà Lạt đã mang tranh thêu Hữu Hạnh tham dự và những tác phẩm của chị nhanh chóng chinh phục được người thưởng lãm.
 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh

Nét khác biệt của tranh thêu Hữu Hạnh là mỗi bức tranh được chăm chút cả vẻ đẹp mỹ thuật lẫn vẻ đẹp kỹ thuật. Khi đứng xa ngắm tranh của chị, người xem sẽ rung cảm trước vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật với đường nét, sắc màu được phối hài hòa tạo nên từ đường kim mũi chỉ bằng sự sáng tạo của một nghệ sĩ. Khi đứng gần, soi vào từng chi tiết sẽ nhìn rõ từng canh chỉ hiện lên mềm mịn, đều đặn xen kẽ vào nhau, như từng mũi chỉ đang “vẽ” làm người thưởng lãm rung cảm trước sự tỉ mỉ, khéo léo, sự công phu, lòng kiên trì, nhẫn nại của người nghệ nhân với bàn tay điêu luyện.
 

Nhân kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành - phát triển và Festival Hoa Đà Lạt 2014, nghệ nhân Hữu Hạnh đã cho ra thị trường 2 sản phẩm mới phục vụ du khách là khăn quàng cổ bằng voan với các họa tiết cỏ hoa Đà Lạt do chính chị vẽ và khăn tay thêu hoa hai mặt. Chị nghĩ đây sẽ là một món quà lưu niệm phù hợp với tất cả du khách tới Đà Lạt.

Để tạo ra được bức tranh đẹp gây cho người xem hai niềm rung cảm, chị Hữu Hạnh đã tự tay thiết kế các mẫu vẽ với rất nhiều đề tài: tranh trang trí (hoa lá, cỏ cây Đà Lạt, phong cảnh quê hương), tranh con vật (chim, cò, công, hổ...), tranh con người (tình mẫu tử, tình cha con, tình anh em, tình yêu đôi lứa), tranh nghệ thuật (những tác phẩm hội họa của các họa sĩ nổi tiếng được vẽ lại và thêu sống động, và cả những tác phẩm chị sáng tạo rồi vẽ), tranh tôn giáo... Chị cần mẫn kèm cặp, chỉ dẫn và truyền nghề cho học trò của mình với những yêu cầu khắt khe: khi thêu đuôi chim công phải vặn từng mũi chỉ, tỏa ra, xoáy tròn, để thấy rõ từng chấm hoa trên lông đuôi với óng ánh sắc màu, từng sợi lông vũ phơ phất, sống động; khi thêu cỏ hoa phải đi vào từng đường gân, chú ý đến từng cánh hoa, nhụy hoa để từng mũi chỉ đan xen hợp với thiên nhiên... Vì vậy, thương hiệu tranh thêu Hữu Hạnh xuất hiện sớm nhất trên thị trường Đà Lạt và đến nay vẫn giữ nguyên vẻ đẹp nghệ thuật và vẻ đẹp kỹ thuật của nó. Vẻ đẹp ấy đã được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, đón nhận và tranh của chị có mặt ở rất nhiều nước: Pháp, Đức, Úc, Mỹ, Anh, Nhật... Chị từng nhận được thư ngợi khen của Tổng thống Pháp Jacques Chirac từ bức tranh chị thêu chân dung tổng thống do UBND tỉnh Lâm Đồng gửi tặng đoàn bác sĩ từ thiện “Những người theo chân bác sĩ Yersin” của Pháp đến Đà Lạt vào năm 1997.

Không ngừng sáng tạo, chị thêu tranh 2 mặt trên nền voan mỏng tạo những bức tranh trên bình phong và cho ra đời tranh thêu 3D với hình ảnh nổi lên mặt vải một cách sắc nét. Với dòng tranh 3D, bên cạnh việc phối màu chỉ thêu tinh tế, công phu từng mũi chỉ; còn phải tạo hình khối làm cho tranh sống động như có thể nắm bắt được. Vừa lưu giữ các kỹ thuật thêu tay truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh còn là người sáng tạo ra kỹ thuật thêu mũi caro mà chỉ có ở tranh thêu Hữu Hạnh, nhìn gần người xem có cảm giác bức tranh được tạo nên từ vô số những ngôi sao đủ màu sắc.

Điều đáng quý nhất ở nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh là sự tận tâm truyền nghề cho nhiều người. Bất cứ ai muốn học nghề tìm đến, chị đều chỉ dạy mà không lấy bất cứ chi phí nào. Từ khi ra đời đến nay HTX của chị luôn gắn với những người khuyết tật. Trung tâm dạy nghề miễn phí của chị đã trực tiếp dạy cho khoảng 1.200 người thành thợ thêu giỏi, trong đó có hơn 40% là người khuyết tật. Chị không ngại khó khăn đến với những hoàn cảnh bất hạnh, người khuyết tật; dạy nghề, tạo việc làm ổn định, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Từ tranh thêu, chị Hữu Hạnh đã bắc nhịp cầu nhân ái và sẻ chia với hàng trăm số phận kém may mắn, hàng trăm cảnh đời bất hạnh trên khắp mọi miền đất nước.

Đam mê sáng tạo, cống hiến để lưu giữ và phát huy giá trị nghề thêu truyền thống không mệt mỏi, chị Nguyễn Thị Hữu Hạnh đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý: Huy chương Vàng 1996, 1997, 1998, 1999, 2000, 2001; Bàn tay vàng 1997, 1999; Sao vàng Đất Việt 2003; Dải băng xanh 2010 cho thành tích tạo việc làm cho người khuyết tật; Bông hồng vàng 2012 dành cho nữ doanh nhân thành đạt; danh hiệu “Nghệ nhân quốc gia”; danh hiệu cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước toàn quốc... Đó là kết quả xứng đáng cho tâm huyết và nỗ lực gìn giữ nghề, truyền nghề, hành nghề và phát triển những tinh hoa của nghề thêu truyền thống mà chị đã miệt mài cống hiến.

QUỲNH UYỂN