Vài nét về bảo tồn di sản văn hóa dân tộc bản địa

04:06, 19/06/2013

Ngày 18 - 6 - 2013, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Hội nghị có nhiều tham luận tích cực, Báo Lâm Đồng Cuối tuần xin lược trích một số ý kiến tại hội nghị nói trên.

LTS: Ngày 18 - 6 - 2013, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Hội nghị có nhiều tham luận tích cực, Báo Lâm Đồng Cuối tuần xin lược trích một số ý kiến tại hội nghị nói trên.

Lâm Đồng có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống; trong đó, cư dân thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 17% dân số với ba tộc người bản địa gồm Mạ, K’Ho, Churu. Cư dân người Kinh chiếm trên 70% dân số là các cộng đồng cư trú di cư từ nhiều vùng miền trong cả nước đến sinh cơ lập nghiệp. Biến động về cư trú và áp lực tất yếu của quá trình hiện đại hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa truyền thống của các tộc người bản địa Lâm Đồng. Qua 15 năm thực hiện NQ Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc bản địa tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả tích cực.

Vũ điệu Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Toàn
Vũ điệu Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Toàn


Sưu tầm di sản văn hóa các dân tộc bản địa

Đây là một trong những nhiệm vụ, biện pháp chuyên ngành nhằm tìm kiếm, thu nhập có hệ thống các loại hình di sản văn hóa của cư dân bản địa. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của bất kỳ dân tộc nào cũng phải dựa trên cơ sở mức độ bảo tồn các loại hình di sản của chủ nhân. Việc sưu tầm được tiến hành thông qua cách thức và phương tiện như ghi chép trên giấy, ghi chép bằng hình ảnh, lời nói… nhằm lưu giữ lâu dài các hình thái, đặc trưng của di sản như làm cơ sở để đánh giá, phân tích giá trị của di sản. Thông qua các nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số; từ 1999-2012, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã thực hiện có kết quả các dự án sưu tầm:

+ Lễ hội Lìr boong của người K’Ho Srê (năm 1999).

+ Lễ hội Nhô R’he của người Mạ (năm 2000).

+ Lễ hội Pơthi của người Churu (năm 2001).

+ Lễ hội Nhô Gùng mìr của người Mạ (năm 2004).

Đồng thời tổng điều tra, kiểm kê văn hóa cồng chiêng của người Mạ, K’Ho và Churu (năm 2005).

+Sưu tầm âm nhạc dân gian Churu – năm 2006.

+ Sưu tầm âm nhạc dân gian Mạ – năm 2007

+ Sưu tầm âm nhạc dân gian K'Ho – năm 2008

+ Sưu tầm nghề thủ công truyền thống của người K’Ho, Mạ (năm 2010 – 2011).

+ Kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng huyện Đạ Huoai (năm 2012).

Quá trình sưu tầm được lồng ghép với việc giáo dục, nâng cao nhận thức của cư dân bản địa về giá trị của di sản đã góp phần thúc đẩy một số cộng đồng bản địa khôi phục lễ hội truyền thống như: Lễ Nhô wèr (Uống kiêng cữ – cúng ruộng vào tháng 9 – 10 hàng năm của người K’Ho nhóm Srê ở Bảo Thuận, Đinh Lạc, Gung Ré, Liên Đầm, huyện Di Linh), lễ Pơthi (lễ bỏ mả của người Churu ở Pró, Lạc Xuân, Ka Đô, huyện Đơn Dương)… Nhờ đó mà kết quả sưu tầm không chỉ dừng lại trên các phương tiện bảo tồn mà nó còn được lưu giữ thông qua ý thức của người dân, đó cũng chính là mục tiêu của bảo tồn và phát huy.

Bảo tồn các loại hình di sản văn hóa bản địa

Trên cơ sở kết quả sưu tầm, công tác bảo tồn trước hết phải tiến hành phân loại, đánh giá đầy đủ giá trị của văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa Lâm Đồng làm cơ sở cho việc xác định các yếu tố và mức độ cần bảo tồn, khắc phục tình trạng bảo tồn thiếu chọn lọc. Hoạt động bảo tồn được triển khai theo nguyên tắc: đảm bảo sự tồn tại, phát triển về lâu về dài của các loại hình di sản vật thể và phi vật thể. Đối với di sản văn hóa các dân tộc Mạ, K’Ho và Churu, việc bảo tồn không có nghĩa là cố gắng giữ lại càng nhiều càng tốt những gì thuộc về quá khứ, hoặc bảo lưu một cách cứng nhắc những hình thái, thuộc tính giá trị của văn hóa truyền thống. Các loại hình di sản văn hóa của cư dân bản địa Lâm Đồng là kết quả của phương thức sinh hoạt kinh tế, hình thái và tổ chức xã hội truyền thống; tiếp biến theo hướng hiện đại hóa là hệ quả tất yếu của quá trình phát triển. Vì vậy, khả năng “tự điều chỉnh” là một trong những nguyên tắc nhằm bảo tồn di sản văn hóa, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và xã hội để di sản văn hóa Mạ, K’Ho và Churu không ngừng được duy trì và phát triển phù hợp hơn với thời đại. Nghề dệt vải truyền thống của người K’Ho là một minh chứng điển hình cho quá trình “tự điều chỉnh” để thích ứng. Ngày nay, khi trang phục truyền thống không còn được ưa chuộng và duy trì một cách phổ biến; giá trị của sản phẩm dệt chỉ còn được sử dụng trong một vài thủ tục hôn nhân, tang ma, lễ hội; các chủ nhân của nghề dệt đã chuyển dần sang sản xuất hàng hóa bằng cách đa dạng hóa giá trị sử dụng của sản phẩm, thay đổi mẫu mã, cải tiến hoa văn, thay thế một số nguyên liệu truyền thống bị mai một trong tự nhiên, nhằm phục vụ nhu cầu khách du lịch và làm quà biếu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những bước đi ban đầu, hiệu quả kinh tế chưa cao và chưa bền vững. Trong thời gian tiếp theo, ngành VHTT&DL sẽ tiếp tục định hướng để những loại hình di sản đặc trưng có cơ hội phát triển gắn với hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù. Đây là những bước đi cần thiết để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mạ, K’Ho và Churu một cách bền vững.

Tuy nhiên, văn hóa cồng chiêng là một loại hình di sản dân gian có tính nguyên hợp với các loại hình di sản văn hóa tộc người khác (kể cả di sản vật thể lẫn di sản phi vật thể) như: kiến trúc, ẩm thực, nghề thủ công… đang có sự thay đổi nhanh chóng; trong khi đó, các điều kiện liên quan đến công tác bảo tồn còn nhiều hạn chế và bất cập. Do đó, việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng về lâu dài vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể:

-    Việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa chưa được tiến hành một cách thường xuyên, do đó nhận thức của xã hội, nhất là chủ nhân của di sản về công tác bảo tồn và phát huy chưa đầy đủ, đúng đắn. Việc sử dụng, ứng dụng di sản văn hóa vào các hoạt động kinh tế, xã hội như phát triển du lịch, dịch vụ, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”… còn chưa được quan tâm đúng mức.

-    Đội ngũ cán bộ chuyên môn về công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến di sản văn hóa còn mỏng, năng lực chuyên môn hạn chế nhất là ở cơ sở; số nghệ nhân dân gian lần lượt qua đời, trong khi đó số trẻ hiện nay ít quan tâm đến văn hóa truyền thống, công tác truyền dạy lại thiếu tính hệ thống.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn NQ Trung ương 5, khóa VIII về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, thời gian tới cần phải quan tâm một số vấn đề sau:

-    Tiếp tục sưu tầm, đánh giá phân loại giá trị các di sản; tiến hành quy hoạch, xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy và phát triển di sản gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh; đặc biệt cần chú trọng phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

- Hàng năm, ngân sách của địa phương cần dành kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Đối với Lâm Đồng, một tỉnh Nam Tây Nguyên có nhiều lợi thế phát triển du lịch, đầu tư bảo tồn di sản văn hóa chính là giữ gìn và gia tăng các giá trị tiềm năng về tài nguyên du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bền vững.

- Tăng cường đầu tư về nhân lực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa. Hiện nay, công tác bảo tồn di sản văn hóa gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu, nhất là cán bộ chuyên trách ở cấp cơ sở, nơi di sản văn hóa từng ngày đang chịu sức ép lớn của quá trình hội nhập và phát triển.

-    Cần cụ thể hóa hơn một số chế tài đối với các hoạt động khai thác, sử dụng di sản văn hóa – kể cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc bản địa Lâm Đồng.

Di sản văn hóa của các dân tộc bản địa Lâm Đồng chỉ thực sự “sống” khi các loại hình di sản phát huy được giá trị, vai trò trong đời sống đương đại. Trong quá trình phát triển những yếu tố lạc hậu, không phù hợp tất yếu bị đào thải; bên cạnh đó vẫn có những yếu tố văn hóa truyền thống tích cực mai một do tác động của việc giao thao của các nền văn hóa cần quan tâm bảo vệ. Để làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Đồng, trong giai đoạn 2015-2020, ngành VH&DL với vai trò, chức năng là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về di sản văn hóa cần sự phối hợp của các ngành, các địa phương và toàn dân trong việc đề ra và thực hiện các chiến lược bảo tồn di sản.

Đà Lạt, tháng 5/2013

NGUYỄN THỊ NGUYÊN
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch