Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Song, hiện nay đã và đang xuất hiện xu hướng xem nhẹ vai trò của văn hóa, văn nghệ và xuyên tạc vị trí của người nghệ sĩ…
Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Song, hiện nay đã và đang xuất hiện xu hướng xem nhẹ vai trò của văn hóa, văn nghệ và xuyên tạc vị trí của người nghệ sĩ…
Ảnh: Đặng Văn Thông |
“Chất thép” trong văn học cách mạng
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam gắn liền với chiến tranh dựng nước và giữ nước. Từ xa xưa ông cha ta đã biết dùng ca dao, hò, vè (truyền khẩu) để giáo dục con cháu tình yêu nước thương nòi, lòng căm thù giặc sâu sắc, động viên nhân dân đứng lên đuổi giặc ngoại xâm cứu nước từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hình ảnh của dân tộc Việt Nam là “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”; và, đó là khi “Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, Nguyễn Du viết truyện Kiều, đất nước hóa thành văn”.
Qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và trong thời kỳ xây dựng CNXH, văn hóa văn nghệ, trong đó có văn học, nghệ thuật (VHNT) đã song hành cùng dân tộc, cổ vũ nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng đất nước ta giàu, đẹp như hôm nay. Trong kháng chiến, phần lớn các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường. Thơ, văn, nhạc của họ là những bài ca phơi phới niềm tin chiến thắng, là hành khúc rộn ràng thúc giục lớp lớp người xung phong ra trận tuyến và ngợi ca hậu phương đảm đang tay súng tay cày nuôi quân, cứu thương, tải đạn… “Chất thép” trong thơ, văn kháng chiến thể hiện phẩm chất cao đẹp, sự dấn thân cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của người nghệ sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh với những câu thơ có giá trị như tuyên ngôn của người nghệ sĩ lúc bấy giờ “Nay ở trong thơ nên có thép/nhà thơ cũng phải biết xung phong”; hay Sóng Hồng “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ/mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. Ngay cả nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu cũng đã có những câu thơ khẳng khái làm “sáng mắt, sáng lòng” biết bao người: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”…
Có thể nói, văn học yêu nước và cách mạng là “dòng chảy” của lịch sử có sức mạnh to lớn như nước lũ, thác dâng. Một thời “tiếng hát át tiếng bom” đã thôi thúc cả dân tộc vượt qua bao nhiêu đau thương, gian khổ để chiến đấu, hy sinh tất cả cho thắng lợi cuối cùng. Tố Hữu đã thán phục thốt lên: “Việt Nam, ôi Tổ quốc thân yêu/trong khổ đâu người đẹp hơn nhiều”. Một thời, chúng ta vô cùng tự hào trước hàng triệu triệu người rầm rập ngày đêm Nam tiến, tất cả vì miền Nam thân yêu “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…” để rồi niềm sung sướng vỡ òa trong ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối; khúc tráng ca trở thành khúc khải hoàn của cả dân tộc.
Người nghệ sĩ trong dòng văn học yêu nước và cách mạng (có người vừa cầm bút vừa cầm súng, có người không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận); song, tất cả họ đều là chiến sĩ ! Trong thơ, văn, nhạc, họa… của các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ đều sang sảng “Chất thép”; đó là tình yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, căm thù giặc sâu sắc; họ biết dùng ngòi bút làm thứ vũ khí sắc bén để lên án tội ác của kẻ thù xâm lược; hiệu triệu nhân dân đoàn kết một lòng giết giặc cứu nước và sau này, tiếp tục chung lưng đấu cật khắc phục hậu quả chiến tranh “lấp hố bom xây dựng cuộc đời”…
Tiếp tục khẳng định “văn nghệ sĩ là chiến sĩ”
Đất nước ta đã trải qua 38 năm độc lập, trong quá trình hội nhập và phát triển bên cạnh những thuận lợi được khai thác, phát huy thì những tác động “trái chiều”, những tiêu cực cũng đang phát sinh. Hiện nay, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã và đang lợi dụng những vấn đề nhạy cảm để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”; trong đó, lĩnh vực văn hóa và VHNT đang được chúng lợi dụng triệt để chống phá các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Những năm gần đây xuất hiện các trào lưu, xu hướng đòi giải thiêng lịch sử, giải thiêng các giá trị lịch sử của dân tộc, phủ nhận thành tựu của cách mạng, phủ nhận văn học cách mạng và kháng chiến, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ; nhầm lẫn giữa chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống kẻ thù xâm lược với các cuộc nội chiến, phi nghĩa… Đã xuất hiện một số bộ phim, cuốn sách in, xuất bản ở nước ngoài; phát tán trên các trang mạng, Internet, blog cá nhân… những bài báo, tác phẩm thơ, văn, bình luận… có tư tưởng lệnh lạc, nội dung bịa đặt, bôi đen lịch sử đấu tranh của cách mạng Việt Nam, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín lãnh tụ, chống đối Đảng và Nhà nước Việt Nam…
Điều đáng lưu ý là xuất hiện ngày càng nhiều các Hội, Nhóm, Câu lạc bộ gồm những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị đã cấu kết thành bè với cái gọi là những người “đồng chí hướng”, “những công dân tự do”… để sáng tác thơ, văn (thậm chí vè) có tư tưởng cực kỳ phản động; nội dung đả phá, chỉ trích “nổi loạn” hay thiên về kích dục tầm thường, phản văn hóa, phản khoa học. Nhiều tác phẩm rơi vào cái “tôi” cá nhân bi đát, sám hối, “tự sự”, lời văn, câu thơ đầy tục tĩu rất trơ trẽn và phản cảm.
Gần đây, dư luận rất bất bình trước Luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên): Giảng viên Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bản luận văn có một “Góc nhìn” hết sức phản văn hóa và phản động; trong đó tác giả của Luận văn đã hết lời tán dương, tung huê, cổ xúy cho sự “nổi loạn” của một nhóm thơ “cách tân” - Nhóm Mở Miệng, gồm 4 nhân vật: Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán tự nhen nhóm nhau lại để sáng tác những bài thơ mà chính họ tự cho là “thơ dơ, thơ rác rưởi, thơ nghĩa địa…”; ngôn ngữ thơ thô tục bẩn thỉu, nghệ thuật thơ bế tắc, lập dị. Đặc biệt Nhóm này đã dùng thủ pháp giễu nhại để vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ hạ bệ thần tượng, giải thiêng lãnh tụ và các danh nhân, bôi nhọ các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc… Thế mà Đỗ Thị Thoan từ sự đồng lõa, tán dương, đề nghị “tôn vinh” thứ thơ bệnh hoạn này đến việc công khai lên án thể chế chính trị nước ta, phê phán sự lãnh đạo của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Và, lại có một vị GS tên tuổi nhưng đã có suy nghĩ hết sức lệch lạc và cực đoan đòi bỏ quan điểm của Bác Hồ khi nói về vai trò quan trọng của văn hóa, văn nghệ và vị trí của văn nghệ sĩ; ông ta cho rằng “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ” chỉ đúng trong thời kỳ kháng chiến, không còn đúng với bây giờ, văn nghệ sĩ chỉ làm trách nhiệm công dân thôi (?)…
Chúng ta thử đặt lại vấn đề: trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ là gì? Đó có phải là trách nhiệm đối với dân với nước, với sứ mệnh lịch sử của dân tộc; chí ít phải có trách nhiệm đối với cuộc sống xã hội, với mọi người và trách nhiệm với chính bản thân mình? Hay nói nôm na, người cầm bút phải có trách nhiệm với những gì mình suy nghĩ, nói, hay viết ra; biết ca ngợi cái tốt, cái đẹp, cái thiện; đấu tranh bảo vệ chân lý, chính nghĩa, góp phần hướng con người tới Chân - Thiện - Mỹ; đồng thời phê phán, lên án và dám đấu tranh loại bỏ dần cái xấu, cái ác, cái phi lý… Đó có phải chăng là “Chất thép” của VHNT chính thống, là tư tưởng, phẩm chất của người nghệ sĩ chân chính hiện nay!
Hiện nay, tình hình an ninh chính trị trong nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường; lẽ ra đội ngũ văn sĩ, trí thức, nhất là những người có trình độ cao cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có quan điểm lập trường và cái nhìn sáng suốt; sao lại có một giảng viên ở một trường đại học lớn, một GS có tên tuổi lại có quan điểm cực đoan, tư tưởng lệch lạc nguy hiểm đến vậy(?).
Trên mặt trận tư tưởng hôm nay, không thể nào khác là chúng ta phải tiếp tục đặt Văn hóa, văn nghệ đúng với vai trò, vị trí quan trọng của nó và cần tiếp tục khẳng định “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ”…
HỒNG THANH