Con hẻm 33 Phan Đình Phùng (Đà Lạt) trước đây là con đường "thông hành địa dịch" nối đường Phan Đình Phùng với đường Hai Bà Trưng bằng chiếc cầu gỗ bắc qua con suối Phan Đình Phùng. Đó là chuyện ngày xưa, chứ sau ngày giải phóng miền Nam chiếc cầu gỗ đã bị dỡ bỏ vì mục nát và dân phía đường Hai Bà Trưng làm nhà xây bít sát ven suối, nên con hẻm thành con hẻm cụt.
Con hẻm 33 Phan Đình Phùng (Đà Lạt) trước đây là con đường “thông hành địa dịch” nối đường Phan Đình Phùng với đường Hai Bà Trưng bằng chiếc cầu gỗ bắc qua con suối Phan Đình Phùng. Đó là chuyện ngày xưa, chứ sau ngày giải phóng miền Nam chiếc cầu gỗ đã bị dỡ bỏ vì mục nát và dân phía đường Hai Bà Trưng làm nhà xây bít sát ven suối, nên con hẻm thành con hẻm cụt.
Hồ Tuyền Lâm. Ảnh: Đặng Văn Thông |
Con hẻm dài khoảng 200 mét nó chạy thông với đường Tô Ngọc Vân sau khi Đan Mạch hoàn thành hệ thống kè con suối Phan Đình Phùng. Cư dân sống hai bên hẻm chỉ có 171 hộ với 820 nhân khẩu: có hộ chạy chợ buôn thúng bán bưng, có hộ mở quán cơm ở chợ, có hộ làm nghề mộc, có hộ là công chức, là cán bộ viên chức cũ, có hộ là giáo viên, là cán bộ hưu trí…
Nói chung cuộc sống của cư dân thuộc tầng lớp nghèo, tiểu thị dân thành phố. Con hẻm thành đề tài được đưa ra bàn bạc, thảo luận nhiều lần ở tổ dân phố, vì cái lẽ con hẻm là “con hẻm đau khổ”, thường xuyên nắng bụi mưa bùn và gặp cái nạn ngập nước.
Mùa hè gió xoáy chạy dọc theo con suối thổi ngược vào con hẻm tung bụi như sương giăng buổi sáng mùa đông và chỉ một trận mưa lớn là nước chảy trên mặt đường như con suối nhỏ, vì lúc ấy toàn bộ nước mưa đường Phan Đình Phùng đều đổ dồn vào con hẻm do hệ thống thoát nước đã tắc nghẽn từ lâu. Thế là lụt, nhân dân lại phải í ới cùng nhau xắn quần tát nước. Cực lắm, ai cũng than thở - thở than.
- Phải kiến nghị cấp trên cho làm lại con hẻm này thôi.
- Đúng thế! Phải nâng cấp, làm lại. Nhưng làm lại bằng cách nào? Lấy tiền đâu để làm. Nhân dân đóng góp? Một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Thế là tắc.
Đến năm 2011, con hẻm lại một lần nữa bị cày lên xới xuống do Đan Mạch viện trợ cải tạo hệ thống thoát nước toàn thành phố. Con hẻm gồng mình để chịu đặt vào lòng nó ba hệ thống thoát nước: một thoát nước thải, một thoát nước mưa và hệ thống cổng chính phi 800mm. Tổ dân phố lại một phen chịu đựng đất cát, bùn lầy nhơ nhớp phủ vào nhà, nhưng vì lợi ích chung nhân dân trong con hẻm đều hồ hởi ủng hộ đơn vị thi công. Hộ dân còn mang nước, bánh trái ăn lót dạ cho kíp thợ.
Nhưng khi hệ thống thoát nước hoàn thành, đội thi công san lấp mặt đường lại làm một cách cẩu thả, làm cho xong việc. Con hẻm trở nên lồi lõm, nhấp nhô rất khó đi lại, dễ vấp ngã, dân lại kêu.
- Phải làm lại con hẻm này thôi! Ai cũng đồng tình. Nhưng vấn đề cốt lõi là lấy đâu ra tiền để làm? Lại tắc.
Chi bộ và tổ dân phố đề nghị mời Ủy ban phường về dự họp để nghe dân trình bày, thỉnh cầu. Cuộc họp liên tịch ấy có quá nhiều ý kiến trái ngược.
- Phải san lại mặt bằng con đường, tạo một lớp cơ bản chắc chắn rồi mới rải nhựa.
Ý kiến khác: Không cần rải nhựa, chỉ cần san phẳng, nén chặt rồi phủ lên một lớp bê tông dày cỡ 14 - 16cm là được!
Bàn đi tính lại, lại quay về tiền. Nếu làm thế phải mất cỡ mấy trăm triệu chứ chẳng chơi!
Ủy ban phường lắc đầu: phường không có ngân sách. Việc này phải trình lên Ủy ban Thành phố. Đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố hỗ trợ thôi.
Cuộc họp giải tán mà chưa giải quyết được gì. Mọi người lại lắc đầu, chờ. Con hẻm cứ trơ ra “thi gan cùng tuế nguyệt”. Nhân dân trong con hẻm lại phải chịu cảnh nắng bụi mưa bùn.
Mãi sau này ý kiến đôi bên gần khớp nhau thì lại nảy sinh vấn đề mới.
- Thế thì nhân dân đóng góp bao nhiêu phần trăm, nếu thực hiện theo phương châm “xã hội hóa”?
Phường đưa ra một con số chắc nịch: 50/50. Nghĩa là nhân dân đóng góp 50%, Ủy ban phường hỗ trợ 50%. Nhân dân cho rằng tỷ lệ ấy chưa thỏa đáng, vì rằng con hẻm liền kề, năm rồi phường cho tỷ lệ đóng góp của dân 30/70. Lại tắc!
Con hẻm lại tiếp tục phơi mình cùng nắng gió. Nhân dân lại chịu đựng. Thế rồi, bỗng trong cuộc họp tổ dân phố cuối năm 2011 có cả đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch ủy ban phường về dự. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban phường tuyên bố có lối thoát, có chủ trương mới: nhà nước cung cấp vật tư: đá, cát, xi măng, nhân dân đóng góp công thi công công trình.
“Được lời như cởi tấm lòng” nhân dân bàn nhau kẻ ít người nhiều tùy hoàn cảnh, kinh tế từng hộ gia đình, nhưng mức đóng góp bình quân là 1.600.000/hộ. Nhân dân vui vẻ xắn tay áo vào việc.
Ngày thi công làm con hẻm thực sự là một ngày hội với đầy đủ cái ý nghĩa của từ ngữ ấy. Hộ dân nào của con hẻm cũng cử người tham gia cùng đội thi công: người cầm cuốc, kẻ xẻng, người cầm bay, í ới cào xới, san lấp, trộn vữa và san vữa.
Ôi chao! Vui quá. Ai cũng hồ hởi, vui mừng như chính mình đang thi công ngôi nhà mới của mình.
Người hăng hái tham gia tích cực nhất phải kể đến cậu Thọ, mặc dù có mẹ trên 90 tuổi đang yếu nhưng cậu không bỏ buổi thi công nào. Chỗ nào khó, “chỗ nào dơ dáy” đều có cậu Thọ tham gia. Hộ nào cần giúp đỡ, Thọ cũng sẵn sàng. Ngoài cậu Thọ cần phải kể đến là Phúc. Phúc trẻ, khỏe và hăng hái nhất trong việc thi công làm con hẻm này: Phúc lăn lộn, hiến kế tháo gỡ những nút thắt và làm hết mình. Một người nữa không thể không nhắc đến đó là đồng chí tổ trưởng tổ dân phố 4, đồng chí Hùng. Anh vừa tham gia “chỉ huy” và trực tiếp làm cùng anh em.
Ngày thi công lại được đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường đến thị sát, “động viên, cổ vũ..” nên thực là một ngày hội của tổ dân phố con hẻm 33. Ý Đảng – lòng dân gặp nhau như cá gặp nước, ai cũng vui mừng.
Con hẻm 33 Phan Đình Phùng giờ là một con hẻm đẹp, khang trang, sạch sẽ không còn cảnh nắng bụi mưa bùn. Bây giờ nó còn là cái sân chơi của đám trẻ con, học sinh tiểu học trong những ngày hè. Chúng có chỗ vui chơi: đá banh, đá cầu, đi xe đạp, nô đùa khiến các bậc phụ huynh yên tâm… Các cụ cao niên cũng có chỗ tập thể dục, thư giãn vào buổi sáng trong không khí mát lành. Con hẻm lại còn được Ủy ban phường trang bị thêm đèn chiếu sáng khiến cho trật tự an ninh tốt hơn.
NGUYỄN TÙNG CHÂU