Đại tá Nguyễn Chí Long – nguyên giảng viên Học viện Lục quân, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Quân đội nhân dân tại Lâm Đồng, hiện giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội VH-NT Lâm Đồng, Tổng Biên tập Tạp chí Lang Bian vừa trình làng tuyển tập ký, ghi chép, truyện ngắn "Một thời hoa đỏ" (NXB Văn học 2013) giàu cảm xúc, tràn đầy trách nhiệm của người cầm bút với những năm tháng cầm súng bảo vệ Tổ quốc…
Đại tá Nguyễn Chí Long – nguyên giảng viên Học viện Lục quân, nguyên Trưởng Văn phòng đại diện Báo Quân đội nhân dân tại Lâm Đồng, hiện giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội VH-NT Lâm Đồng, Tổng Biên tập Tạp chí Lang Bian vừa trình làng tuyển tập ký, ghi chép, truyện ngắn “Một thời hoa đỏ” (NXB Văn học 2013) giàu cảm xúc, tràn đầy trách nhiệm của người cầm bút với những năm tháng cầm súng bảo vệ Tổ quốc…
Tham gia từ thời đánh Mỹ, Nguyễn Chí Long có gần 50 năm phục vụ trong quân đội; vừa chiến đấu, giảng dạy vừa viết báo, viết văn; trong đó 15 năm làm báo chuyên nghiệp. Ông từng nhận tới 14 giải thưởng báo chí, văn học toàn quốc, ngành và cấp tỉnh… Theo tác giả: “Một thời hoa đỏ” tuyển 36 bài ký, ghi chép và truyện ngắn trong số trên 500 tác phẩm đã đăng trong nghiệp gắn bó với chữ nghĩa. Sắp tới, tác giả tiếp tục hoàn thành hai tác phẩm: Dọc dài miền Trung, Nhật ký ra trận.
Chủ đề “Một thời hoa đỏ” phần lớn liên quan đến đề tài chiến tranh cách mạnh, đây vốn là thế mạnh của tác giả. Có thể điểm qua các tác phẩm: Gặp người tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Đất thiêng nhuộm máu anh hùng, Chia lửa cùng Hà Nội - Hải Phòng, Ông Thiếu tướng và chiến thắng Đa-m’roong xuân 1962, Kỷ niệm về trận đánh Mỹ đầu tiên của người anh hùng đặc công, Nhớ mãi tết Mậu Thân năm ấy, Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại, Côn Đảo – khát vọng độc lập, tự do... Tác giả cũng dành nhiều trang viết cho con người, sự việc quan trọng liên quan đến Đà Lạt, Lâm Đồng.
Đọc “Một thời hoa đỏ” ta cảm nhận mạch viết giàu cảm xúc, chân thực, khách quan và sự đồng cảm của tác giả với nhân vật là trung tâm sự kiện được phản ánh. Trong các trang viết, tác giả luôn trân trọng đánh giá cao phẩm chất anh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời chiến cũng như thời bình, người hậu phương có những mối quan hệ mật thiết với chiến trường… Đó là “thời hoa đỏ” của những con người, những tấm lòng nhân hậu, sự can trường, quả cảm, dám hy sinh vì độc lập, tự do và phồn thịnh của đất nước.
Thế mạnh của Nguyễn Chí Long là sự khúc triết trong câu từ, kết cấu; đầy ắp thông tin về con người, hoàn cảnh xã hội, giàu chất nhân văn thế nhưng cũng thể hiện sự trăn trở trước khi chọn từng chi tiết điển hình, bút pháp trữ tình của thể tài ký, truyện ngắn... Điều này, chứng tỏ tác giả chịu hòa mình với cuộc sống, chịu đọc, chiêm nghiệm, tích lũy… từ thực tế, từ lý luận cùng từ kinh nghiệm của đồng nghiệp. Ở tác phẩm “Nguyệt” có thể coi là ký hay truyện ngắn đều hợp lý, tác giả có sự “chắc tay” khi phát triển cốt truyện, khắc họa nhân vật, đưa đẩy kịch tính và đồng thời cũng không kém phần trữ tình.
NGUYỄN THANH
Báo Lâm Đồng Cuối tuần trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Nguyệt” của tác giả Nguyễn Chí Long.
Nguyệt
Nghe tiếng rú ầm ào của B52, Nguyệt nhảy vội xuống hầm chữ A. Cả khu rừng già Cát Tiên, nơi đặt trạm giao liên Tư Anh nghiêng ngả. Tiếng nổ chát chúa, khói bụi mịt mù, đất đá tung lên, cây cối gãy đổ ầm ầm… Hai tay bịt chặt lấy tai, mắt nhắm nghiền, Nguyệt lẩm bẩm: “Sống rồi, sống rồi”. Bỗng cô sực nhớ bên trạm khách Sáu Già có đoàn cán bộ mới tới đêm qua, các chú, các anh đều từ ngoài Bắc mới vô. Nguyệt là giao liên dẫn đường cho đoàn khách này. Còn hai loạt bom nữa, chắc nó sẽ dội trúng trạm khách. Không chần chừ, cô lao ra khỏi hầm chạy hướng tới trạm khách.
- Nguyệt… Dừng lại, xuống hầm ngay! - Từ một hầm trú ẩn gần đó, Chinh quát to. Nguyệt chững lại trong giây lát rồi chạy tiếp. Không thể được, mình là chiến sĩ giao liên. Chú Sáu đã dặn: Chiến sĩ giao liên không chỉ là người dẫn đường mà còn là người bảo vệ, phải mưu trí, dũng cảm, hướng dẫn tỉ mỉ, bảo đảm an toàn tuyệt đối các đoàn cán bộ. Khách đi trong tuyến giao liên này phần lớn là cán bộ lãnh đạo, có cả nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ. Nguyệt có giọng hát trầm lắng, quyến rũ và rất mê tiểu thuyết. Có lần nhạc sĩ Xuân Hồng qua đây đã chép và dạy hát cho cô bài “Xuân chiến khu”, “Bài ca may áo”, chỉ vài tiếng sau cô đã thuộc và hát rất đúng nhạc.
Minh họa: Ngọc Minh |
Quê Nguyệt ở mãi Củ Chi. Cha cô bị giặc giết hại, ít lâu sau, anh trai cũng hy sinh trong chiến đấu. Căm thù giặc, cô xin má cho theo mấy chú giải phóng, chiến đấu trả thù cho ba, cho anh hai. Đêm trước hôm lên đường, má cứ ôm riết lấy cô, sụt sùi trong nước mắt: “Ráng giữ gìn sức khỏe nghe con, hết giặc rồi về với má”. Cái tuổi mười bảy, háo hức và sôi động, cô đâu có hiểu được nỗi lòng cô quạnh của má.
Thoắt cái đã ba năm…
Nguyệt về công tác tại Trạm giao liên Tư Anh ở Chiến khu Đ được gần hai năm rồi, lúc đó Chinh đã ở đây. Anh là Trưởng đài báo vụ của Trạm. Một lần sau chuyến đi công tác, anh mang về cho Nguyệt quyển truyện “Sống như Anh” của nhà văn Trần Đình Vân. Cô đọc và khóc. Chinh hỏi:
- Sao em khóc ?
- Em thương chị Quyên quá! Sao quả bom trên cầu Công Lý hôm ấy không nổ để giết chết cái thằng chó đẻ ấy đi, chặn bàn tay tội ác của chúng? Sao chị Quyên lại phải mất chồng hả anh? Giá như anh Trỗi còn sống!
- Anh, em và đồng đội của chúng ta sẽ làm tiếp công việc của anh Trỗi em ạ! Chinh an ủi.
Nguyệt gục đầu vào vai Chinh. Những giọt nước mắt cứ từ từ lăn. Mái tóc dài mượt xõa xuống ngực Chinh. Mùi hoa rừng ngào ngạt tỏa hương. Anh ôm nhẹ bờ vai mềm mại, tinh khiết như lan rừng của Nguyệt. Một cảm giác ngây ngất lan khắp người anh.
Trong công tác, Nguyệt là người cứng rắn, quả cảm, lanh lẹ. Có lần một mình đánh lui cả toán biệt kích, rồi cắt rừng đưa đoàn cán bộ tới địa điểm đúng hẹn. Khi về tới hậu cứ, Chinh hỏi: “Sao em giỏi vậy?”. Nguyệt bắt chước mấy anh bộ đội miền Bắc, đập mạnh hai gót chân đứng thẳng, giơ tay ngang cặp mi: “Báo cáo, vì em là chiến sĩ giao liên Giải phóng quân miền Nam!”. Đôi mắt đen láy, long lanh, bộ ngực căng tròn, phập phồng làm Chinh cứ đứng ngây ra. Ấy vậy mà Nguyệt lại hay sợ ma. Những lần Nga - bạn gái của Nguyệt đi công tác vắng, khi ra suối tắm, cô bắt anh phải xách súng đi theo, nhưng chỉ được đứng đằng xa để canh chừng con ma. Những đêm trăng sáng, dắt nhau ra bờ suối ngắm trăng trên mặt nước, anh kể: “Quê anh có hồ Bán Nguyệt - hồ “Nửa vầng trăng” đẹp lắm. Hồ nằm ngay ở đô thị cổ “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, nhãn lồng rợp bóng quanh hồ… Hết chiến tranh, anh sẽ đưa em về quê anh chơi, đi thuyền rồng trên hồ Bán Nguyệt”. Nguyệt cứ nhìn trân trân vào anh, chẳng nói gì. Có lần anh gặng hỏi: “Chúng mình xin phép chú Sáu làm lễ cưới đi em?”. Nguyệt cười: “Phải chờ ý kiến của má!”. “Nhưng má ở quá xa, biết đến bao giờ mới được gặp má?”. Vậy mà… hôm rồi Nguyệt lại giục anh: “Hết mùa khô này, mình sẽ làm đám cưới nghe anh”… Chinh như đắm say trong niềm hạnh phúc, suy nghĩ miên man. Bỗng Nguyệt đứng phắt dậy, lau nước mắt:
- Không… em sẽ không lấy chồng! Chinh trố mắt nhìn Nguyệt. Cô gào lên:
- Chiến tranh… Trời ơi, chiến tranh!
*
Loạt bom thứ hai vang rền phía bên trái trạm khách. Chinh tháo vội máy bộ đàm lao ra khỏi hầm.
- Nguyệt ơi… Nguyệt!
Kia rồi, Nguyệt kia rồi. Cô như bông lan rừng chấp chới giữa giông tố. Chinh cố chạy. Chạy thật nhanh. Sắp tới rồi. Chỉ còn hai sải chân nữa là Chinh ôm được Nguyệt vào lòng để che chở cho em. Bỗng những tia chớp nhoang nhoáng xanh lét, những khối lửa bùng lên trước mặt. Loạt bom thứ ba rơi sát ngay trạm khách Sáu Già. Nguyệt chững lại, chới với. Chinh lao tới.
- Nguyệt, Nguyệt, anh đây!
Bờ vai và ngực trái của cô đầm đìa máu. Nguyệt nói trong hơi thở gấp:
- Sao anh lại ra đây? Anh phải bảo vệ hầm máy. Các chú, các anh có ai việc gì không? Em khuyết điểm quá, đã không nhắc nhở các chú, giờ cao điểm phải xuống hầm kèo nghỉ.
- Không, không ai việc gì cả!
Chinh bế thốc Nguyệt lên, chạy như bay về phía trạm phẫu, vừa lúc Nga tới, cô băng bó vết thương cho Nguyệt. Máu ra nhiều quá, đỏ sẫm cuốn băng.
- Có lẽ em không sống được nữa anh Chinh!
- Nguyệt tỉnh táo nói.
- Không, em phải sống, ngày mai em sẽ khỏi! Hết mùa khô này, chúng mình sẽ xin phép chú Sáu về Củ Chi thăm má. Má sẽ đồng ý cho tụi mình làm đám cưới. Mình sẽ làm đám cưới ở dưới địa đạo Củ Chi nghe em!
- Rồi anh đưa em về Hưng Yên chứ?
- Ừ, ừ, anh sẽ đưa em về thăm bố mẹ anh, đưa em đi chơi Phố Hiến, ra hóng mát bên hồ Bán Nguyệt, ngắm trăng, ăn nhãn lồng.
- Anh kể về quê anh cho em nghe đi!
- Anh kể, anh kể! Có lẽ Chinh đã kể đến trăm lần cho Nguyệt nghe về quê hương Hưng Yên của anh, về những dự định sau chiến tranh. Chẳng thế mà Nguyệt đã thuộc hết tên các địa danh, tên làng, tên xã, tên các anh chị em, người thân của anh. Anh sẽ về Đại học tổng hợp Hà Nội học tiếp khoa Văn. Nếu không có chiến tranh, có lẽ anh đã trở thành nhà văn hoặc thầy giáo dạy văn ở một trường cấp III nào đó. Anh sẽ đón má và em về sống ở quê anh. Quê anh nghèo nhưng đẹp lắm. Mấy chú tập kết mang dừa về trồng ở quê anh, nó đã cao bằng cây tre và xanh tốt lắm. Em hát hay, em sẽ đi học làm văn công, quê anh bà con cũng thích nghe cải lương lắm…
Nguyệt khẽ cựa mình, khuôn mặt vui hẳn lên, giọng đuối dần nhưng vẫn rất trong:
- Ứ ừ, em không làm văn công đâu, em làm cô giáo cơ! Cô giáo ở làng Nghĩa, ngôi trường có cây gạo cao, gốc to đến mấy chục người vòng tay ôm mới xuể. Hồi còn để chỏm anh vẫn đến học ở trường ấy mà. Em sẽ làm con thầy giáo Ngô Đại Đình, thầy dạy anh hồi lớp bốn, đúng không?
- Ừ, hôm rồi thầy biên thư vào, nói hết chiến tranh, em về thầy sẽ truyền nghề cho.
- Thích quá anh nhỉ!
Rừng yên tĩnh lạ thường. Tiếng con chim lạc đàn thảng thốt gọi mẹ nghe đến não lòng. Có lẽ trận ném bom hồi chiều của giặc Mỹ đã giết chết mẹ của nó.
- Thế không kịp làm đám cưới, mẹ có nhận em làm con dâu không? Nguyệt mấp máy môi, nói trong hơi thở yếu ớt.
- Có, có! Mẹ đã chả biên thư cho em là gì. Mẹ nói em là con dâu trưởng mà!
- Anh có thương em không?
- Anh thương em nhiều lắm! Không có em, với anh cuộc đời này là vô nghĩa!
- Chết là thế nào hả anh?
- Không, em không chết, những người như em, như chúng ta không có ai chết cả!
- Thế thì thích quá! Anh coi cho em ngủ nghe! - Nguyệt khẽ mỉm cười, đầu nghiêng sang một bên. Khuôn mặt vẫn hồng hào, xinh đẹp…
Ôm Nguyệt vào lòng Chinh ngủ thiếp đi. Tỉnh dậy, anh đặt nhẹ tay lên má cô.
- Không… Nguyệt ơi…! - Anh gào lên, ôm chầm lấy cô, ghì chặt Nguyệt vào lòng, hôn lên má, lên miệng, lên mắt cô. Cả rừng cây như quay cuồng điên đảo.
Chinh nức nở: “Nguyệt ơi, Nguyệt… ơi…! Ngủ đi em… Em ngủ đi… Anh coi cho em ngủ đây. Ngủ… đi… em!”.
Nước mắt Chinh đầm đìa khuôn mặt Nguyệt.
NGUYỄN CHÍ LONG