Điêu khắc gia và những công trình

03:07, 18/07/2013

Không chỉ riêng ở TP Bảo Lộc mà nhiều nghệ nhân điêu khắc trên đất nước ta đều biết đến tên tuổi của anh. Một điêu khắc gia trẻ, tài hoa với những công trình nổi tiếng…

Không chỉ riêng ở TP Bảo Lộc mà nhiều nghệ nhân điêu khắc trên đất nước ta đều biết đến tên tuổi của anh. Một điêu khắc gia trẻ, tài hoa với những công trình nổi tiếng được anh thực hiện như: Tượng Quan Thế Âm cao 43,5 m tại Chùa Hưng Thiện (Phú Hội, Bạc Liêu), tượng Quan Thế Âm cao 70 m ở Chùa Linh Ứng 3 (Bãi Bụt - Đà Nẵng)… Anh chính là điêu khắc gia Châu Viết Thạnh (ngụ tại phường B’Lao, TP Bảo Lộc).

Tác giả đang thi công tượng Quan Thế Âm ở Chùa Hưng Thiện
Tác giả đang thi công tượng Quan Thế Âm ở Chùa Hưng Thiện


Mê nghề

Sự tình cờ và cũng là “cái duyên” để tôi được gặp điêu khắc gia Thụy Lam tại Chùa Phước Huệ (TP Bảo Lộc). Trong cái duyên tình cờ ấy, tôi được nghe ông kể và giới thiệu về Châu Viết Thạnh, một cậu học trò “cưng” được ông đặt niềm tin nối nghiệp mình. Điêu khắc gia Thụy Lam cho biết: “Giống như tôi và anh, quan hệ thầy trò của tôi và Châu Viết Thạnh cũng là sự gặp gỡ “tình cờ”. Tại chính ngôi chùa này, chúng tôi được gặp nhau rồi kết nghĩa thầy trò và trở thành hai người bạn tâm giao nghề nghiệp. Chỉ sau ít lần trao đổi về sự đam mê nghề nghiệp, tôi đã nhận thấy ở Châu Viết Thạnh đang ấp ủ hoài bão lớn và có tài điêu khắc thật sự”.

Anh chỉ mới 37 tuổi, cái tuổi sung sức nhất để thực hiện những hoài bão của mình. Châu Viết Thạnh sinh ra trên mảnh đất gắn với truyền thống điêu khắc Thừa Thiên - Huế. Giống nhiều trai làng khác ở Huế, anh đã có cơ hội tiếp cận với nghề điêu khắc từ nhỏ. Anh cho biết: “Tôi có 2 người thầy là Phạm Quang Tuấn và Thụy Lam. Họ đều là những điêu khắc gia có tên tuổi. Ở quê, năm 14 tuổi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi phải nghỉ học sớm. Cũng từ đây, tôi đi theo thầy Tuấn chẻ đá, phụ hồ để giúp thầy xây tháp và đắp phù điêu. Năm 1992, vào Bảo Lộc lại được thầy Thụy Lam hướng dẫn cho tôi theo nghề đắp tượng Phật”.

Theo Châu Viết Thạnh, thì đối với một nghệ nhân đắp tượng và phù điêu phải hội tụ nhiều yếu tố cần phải có, như năng khiếu, lòng yêu nghề, tính kiên nhẫn trong công việc… Đặc biệt, nhà điêu khắc phải có tâm thánh thiện thì mới có thể “gửi hồn” vào tác phẩm nghệ thuật.

Gửi hồn vào tác phẩm

Cũng giống như điêu khắc gia Thụy Lam, khi nhắc đến Châu Viết Thạnh, thì người ta đều nghĩ ngay đến người “tạc nụ cười Phật”. Chưa thể sánh bằng người thầy của mình, nhưng anh cũng đã để lại cho đời nhiều công trình nổi tiếng khiến mọi người trong giới phải thán phục, ngưỡng mộ. Anh là tác giả của pho tượng Quan Thế Âm tại Chùa Hưng Thiện - Bạc Liêu (cao 43,5 m). Đây là pho tượng sơn màu cao nhất Việt Nam, được anh hoàn thành trong vòng 14 tháng. Rồi tượng Quan Thế Âm tại Chùa Linh Ứng 3, Đà Nẵng (cao 70 m) do anh cùng điêu khắc gia Thụy Lam đồng thi công, đang giữ kỷ lục Guiness Việt Nam. Cùng nhiều pho tượng Phật, Bồ tát và hàng trăm bức phù điêu khác mà anh đã và đang thi công tại các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Huế… Anh cũng là tác giả của tháp Minh Tích Ấn tại Chùa Vĩnh Minh Tự Viện (Đại Ninh - Đức Trọng).

Qua trao đổi với điêu khắc gia Châu Viết Thạnh về những công trình tượng Phật khổng lồ mà anh thực hiện, tôi mới thấy được cái tâm yêu nghề của anh. Theo nghệ nhân Viết Thạnh, xây tượng cũng như xây nhà là phải có thiết kế bản vẽ. Nhưng, xây tượng khó khăn nhất là việc tạo nét cho khuôn mặt. Khuôn mặt tượng phải thể hiện được tính trang nghiêm, từ bi, bác ái mà ai cũng có thể cảm nhận và cung kính. Đường nét của tà áo cũng cần phối hợp được sự mềm mại và trang nghiêm. Từ đó, khi pho tượng hoàn thành mới toát lên được vẻ đẹp thánh thiện, từ bi khiến mọi người ai ai cũng đều cung kính. Dù là tượng hay phù điêu, thì khi mọi người nhìn vào khuôn mặt phải cảm nhận được cái hồn và cái tâm của tác giả gửi gắm ở bên trong.

Nói về pho tượng Quan Thế Âm được tô màu lớn nhất Việt Nam tại Chùa Hưng Thiện (Phú Hội, Bạc Liêu), anh cho biết: “Năm 2011, khi nhận thi công pho tượng này, do kinh phí của chùa không đủ để làm hoàn chỉnh nên các thầy chỉ yêu cầu trước mắt hoàn thành từ phần vai của pho tượng trở lên. Do đó, buộc tôi phải chỉnh chu từng chi tiết, nhất là khuôn mặt. Thậm chí, có những đêm nằm nghỉ, bất chợt nhớ đến một số chi tiết còn thiếu, tôi vội bật dậy nghiền ngẫm cho bằng được cách điều chỉnh mới thôi. Để rồi, khi hoàn thành phần vai trở lên của pho tượng đã được khách hành hương, nhà hảo tâm, phật tử đến đây nhìn thấy, họ cảm động và hỗ trợ kinh phí cho chùa để tôi hoàn thành nốt phần còn lại của pho tượng”.

“Ngoài những năng khiếu bẩm sinh được “trời phú”, thì nghề điêu khắc đòi hỏi sự tận tâm, tận lực, yêu nghề… Đặc biệt, người nghệ nhân phải gửi được hồn mình vào tác phẩm. Tôi thấy, ở Châu Viết Thạnh có tất cả những điều này” - Nghệ nhân Thụy Lam tự hào về người học trò của mình.

KHÁNH PHÚC