Ghi nhận qua Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ I

04:07, 04/07/2013

Nhằm biểu dương những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc trong những năm gần đây có ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của nhân dân và cổ cũ văn nghệ sỹ sáng tác nhiều hơn nữa những tác phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của đông đảo công chúng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 134/2004/QĐ-UB ngày 30/7/2004 về việc ban hành "Quy chế Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng".

Nhằm biểu dương những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc trong những năm gần đây có ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của nhân dân và cổ cũ văn nghệ sỹ sáng tác nhiều hơn nữa những tác phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của đông đảo công chúng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 134/2004/QĐ-UB ngày 30/7/2004 về việc ban hành “Quy chế Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng”.

Hiện thực cuộc sống lao động rất cần sự quan tâm thể hiện của văn nghệ sỹ. Trong ảnh: Ống kính nhiếp ảnh trước nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: BN
Hiện thực cuộc sống lao động rất cần sự quan tâm thể hiện của văn nghệ sỹ. Trong ảnh: Ống kính nhiếp ảnh trước nghề dệt thổ cẩm. Ảnh: BN


Được xét trao Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I là những tác phẩm công bố từ năm 1998 đến 2012 có chủ đề phản ánh, ca ngợi con người và đất nước Việt Nam (ưu tiên những sáng tác về con người và quê hương Lâm Đồng) trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, hướng con người đến chân - thiện - mỹ, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và địa phương. 25 tác phẩm thuộc 7 chuyên ngành VHNT đã được trao tặng giải thưởng, trong đó có: 3 Giải A, 10 Giải B, 9 Giải C, 3 Giải Khuyến khích.

 Thơ: có 4 tác phẩm được tặng giải thưởng. 2 Giải B: trao cho các tác phẩm: “Những cánh rừng, những bài ca” (tập thơ) của Phạm Quốc Ca và “Bóng quê” (tập thơ) của Phạm Vĩnh. 1 Giải C: trao cho tác phẩm “Gió đồng” (tập thơ) của Uông Thái Biểu. 1 Giải Khuyến khích: trao cho tác phẩm “Hồn quê” (tập thơ) của Nguyễn Tấn On.

Nhìn chung, các tác giả viết có nghề, giàu cảm xúc, có chiều sâu nội tâm, có những tìm tòi sáng tạo, diễn đạt mới. Thơ Phạm Vĩnh đậm chất trữ tình gắn bó với Lâm Đồng - Đà Lạt. Thơ Phạm Quốc Ca nghiêng về vẻ đẹp truyền thống, có sức truyền cảm. Thơ Uông Thái Biểu có cách diễn đạt mới, nghiêng về nội tâm. Thơ Nguyễn Tấn On có cách dãi bày riêng về thời mình sống, mở rộng được nhiều góc độ tình cảm.

 Văn xuôi: có 3 tác phẩm được tặng giải thưởng. 1 Giải B: trao cho tiểu thuyết “Đất đình Gừng” của Nguyễn Khương Trung. 2 Giải C: trao cho tiểu thuyết “Rừng khát” của Nguyễn Hường Thanh (Nguyễn Thanh Hương) và tập ký, truyện ngắn “Miền đất lạnh” của Lê Công.

Cả ba tác phẩm được tặng giải thưởng đã phản ánh khá sâu sắc hiện thực cuộc sống của quê hương, đất nước và vùng đất Lâm Đồng trong quá trình đấu tranh cách mạng, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay.

 Lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học - nghệ thuật: có 4 tác phẩm được tặng giải thưởng. 2 Giải B: trao cho các tác phẩm: “Quan niệm văn chương cổ Việt Nam từ một góc nhìn” (tập chuyên khảo) của Phạm Quang Trung và “Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 - 2000” của Phạm Quốc Ca. 1 Giải C: trao cho tác phẩm “Nam Tây Nguyên  những điều kỳ thú” (tập nghiên cứu và giới thiệu văn hóa) của Võ Khắc Dũng. 1 giải khuyến khích: trao cho tác phẩm “Cấu trúc hội họa” (nghiên cứu hội họa) của Đặng Ngọc Trân.

Công trình “Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 - 2000”  của tiến sĩ, nhà thơ Phạm Quốc Ca là chuyên luận vừa có tính chất hệ thống của một công trình nghiên cứu vừa có tính chất thời sự của một tác phẩm phê bình văn học. Là một nhà thơ, tác giả am hiểu lao động nghệ thuật và nhạy cảm với những biến đổi trong đời sống thơ ca Việt Nam hiện nay.

Công trình “Quan niệm văn chương cổ Việt Nam từ một góc nhìn” của PGS. TS Phạm Quang Trung đã hệ thống hóa những vấn đề có liên quan đến quan niệm văn chương cổ Việt Nam và đưa ra những cách kiến giải mới từ góc nhìn hiện nay.
 
Cấu trúc hội họa của Đặng Ngọc Trân là cuốn sách cung cấp những kiến thức căn bản về hội họa trên cơ sở đúc kết lịch sử phát triển của loại hình nghệ thuật này.

Âm nhạc: có 4 tác phẩm được trao giải thưởng. 1 Giải A: trao cho tác phẩm “Trở về đồi cỏ cháy” (ca khúc) của Đình Nghĩ. 1 Giải B: trao cho tác phẩm “Chào Lang Bian mùa xuân” (ca khúc) của Dương Toàn Thiên. 1 Giải C: trao cho tác phẩm “Giữ ấm bếp hồng” (ca khúc) của Kra jan K’Plin. 1 Giải Khuyến khích: trao cho tác phẩm “Thiếu nữ K’Ho” (ca khúc) của Bùi Công Huân.

Ca khúc Trở về đồi cỏ cháy của Đình Nghĩ đã vận dụng nhuần nhuyễn các yếu tố dân tộc, hiện đại. Tác phẩm ca ngợi tình yêu quê hương hướng về cội nguồn của đồng bào dân tộc Nam Tây Nguyên.

Chào Lang Bian mùa xuân của Dương Toàn Thiên là tác phẩm có nghệ thuật cao, đặc biệt là phần soạn bè công phu, phản ánh cuộc sống ngày càng phát triển của cao nguyên tươi đẹp.

Giữ ấm bếp hồng của Kra jan K’Plin là tác phẩm đầy ắp những âm hưởng, chất liệu dân gian có những nét riêng đáng yêu.

  Mỹ thuật: có 4 tác phẩm được tặng giải thưởng. 1 Giải A: trao cho tác phẩm “Mất rừng người về đâu” của Vi Quốc Hiệp. 1 Giải B: trao cho tác phẩm “Ký ức Tây Nguyên” của Đỗ Xuân Phòng. 1 Giải C: trao cho tác phẩm “Tráng ca” của Phạm Mùi.

Tác phẩm “Mất rừng người về đâu?” của Vi Quốc Hiệp (chất liệu: sơn dầu) tạo được ấn tượng ám ảnh trong đề tài bảo vệ rừng. Tác phẩm có bố cục tốt, táo bạo trong cấu trúc.

 “Ký ức Tây Nguyên” của Đỗ Xuân Phòng (chất liệu: tượng gỗ) là tác phẩm có bố cục tròn, giải quyết những lỗ thủng lấy đi từ một khúc gỗ rất sáng tạo. Tác phẩm là một trục thẳng, cách bố cục này gợi nghệ thuật tượng gỗ Tây Nguyên, tạo hình khái quát cao, chất biểu cảm tốt.

Tác phẩm “Tráng ca” của Phạm Mùi (chất liệu: sơn dầu) thể hiện đề tài chiến tranh cách mạng. Các nhân vật được thể hiện chân thật, phản ánh được khí phách và niềm  tin của đồng bào Tây Nguyên trong lửa đạn khốc liệt.

Nhiếp ảnh: có 3 tác phẩm được trao giải thưởng. 1 Giải A: trao cho tác phẩm “Niềm vui tuổi già” của Vũ Đức Quang. 1 Giải B: trao cho tác phẩm “Nụ cười mới” của Vũ Thị Tịnh. 1 Giải C: trao cho tác phẩm “Hoàng hôn Lang Bian” của Trần Thiết Dũng.

Tác phẩm “Niềm vui tuổi già” của Vũ Đức Quang thể hiện sự kết nối yêu thương giữa các thế hệ, tạo được cảm xúc nơi người xem về hạnh phúc ấm áp, giàu tính truyền thống của gia đình Việt Nam.

“Nụ cười mới” của Vũ Thị Tịnh đã bắt được khoảnh khắc hạnh phúc của em bé bị dị tật hàm ếch sau khi được giải phẫu. Tác phẩm tạo được xúc động cho người xem.

“Hoàng hôn Lang Bian” của Trần Thiết Dũng có bố cục, ánh sáng tốt, thể hiện đậm nét văn hóa đặc trưng Tây Nguyên, góp phần quảng bá Không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.

 Kiến trúc: có 4 tác phẩm được trao giải thưởng. 2 Giải B: trao cho các công trình: “Nhà làm việc và nghiên cứu của Viện Sinh học Tây Nguyên” của Công ty TNHH Ngô Thanh Hùng và  “Thiền viện Trúc Lâm” của Công ty Kiến trúc Lâm Đồng. 02 Giải C: trao cho các công trình: “Khu nhà Tỉnh ủy Lâm Đồng” của KTS Nguyễn Phạm Như Thủy và  “Đài Tưởng niệm Liệt sỹ huyện Đơn Dương” của KTS Trần Đức Lộc. Nét chung của những tác phẩm kiến trúc được giải thưởng là phù hợp, hài hòa với cảnh quan, có bản sắc riêng độc đáo và đảm bảo công năng sử dụng.

Giải thưởng lần này ở một vài chuyên ngành nghệ thuật chưa có, hoặc có ít tác phẩm tham dự. Ở một số tác phẩm được tặng giải thưởng vẫn còn có khiếm khuyết… Mặc dù vậy có thể khẳng định Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I đã đạt kết quả tốt đẹp, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ vươn tới những tầm cao mới trong lao động sáng tạo phục vụ đất nước, nhân dân.

KHÁNH THI