Khi nông dân hát

03:07, 23/07/2013

Họ là những người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, vườn rẫy, giản đơn như hạt lúa, hạt bắp. Nhưng họ khoác lên mình những phục trang biểu diễn lộng lẫy, họ cất lời hát, dẻo chân múa đã phô bày một khía cạnh khác trong cuộc sống của những người nông dân giản dị...

Họ là những người nông dân chân chất, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, vườn rẫy, giản đơn như hạt lúa, hạt bắp. Nhưng họ khoác lên mình những phục trang biểu diễn lộng lẫy, họ cất lời hát, dẻo chân múa đã phô bày một khía cạnh khác trong cuộc sống của những người nông dân giản dị. Đó chính là nét sinh hoạt văn hóa rất mộc mạc, mang đậm bản sắc quê hương mà Liên hoan Tiếng hát đồng quê Lâm Đồng, sân chơi lớn nhất của những người nông dân mang tới cho mọi người thưởng thức.

Một tiết mục tại Liên hoan
Một tiết mục tại Liên hoan


Sân chơi Tiếng hát đồng quê là liên hoan văn nghệ định kỳ do các cấp Hội Nông dân tổ chức dành cho những người nông dân thể hiện khả năng văn nghệ, ca múa của mình. Các cuộc thi được tổ chức từ cấp tổ hội, xã, huyện và cấp tỉnh, tạo nên một phong trào, rèn luyện, lựa chọn bài hát, điệu múa rất sôi động ở những vùng nông thôn. Ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tâm sự: “Nông thôn của chúng ta có thể đời sống kinh tế đã khá hơn song đời sống văn hóa còn nhiều thiệt thòi so với thành thị. Chúng tôi tổ chức các dịp liên hoan nhằm tạo ra nơi để bà con sinh hoạt giao lưu văn nghệ, làm phong phú đời sống văn hóa nơi nông thôn, đồng thời cũng giúp bà con bảo tồn bản sắc dân tộc”. Là địa phương đón nhận rất nhiều cư dân tới từ các vùng đất Lâm Đồng nên mang trong mình tính giao thoa văn hóa đậm đặc. Quả thật, bà con mang tới liên hoan những tiết mục rất đặc sắc, mang đậm dấu ấn quê hương cũ trên vùng đất mới. Từ câu ví dặm dân ca Thanh - Nghệ, làn điệu quan họ Kinh Bắc, điệu lý câu hò phương Nam và tất nhiên, không thiếu những dân ca Nam Tây Nguyên nóng bỏng. Tất cả hòa trộn trong một không khí ấm áp tình bè bạn, tình quê hương.

Ông Nguyễn Hùng Lân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương hồ hởi cho biết: “Mỗi dịp liên hoan văn nghệ như thế này bà con chúng tôi rất vui, việc luyện tập, thi thố bắt đầu từ cả tháng, từ cấp tổ hội, qua xã rồi mới tới huyện, tới tỉnh. Đời sống ở nông thôn nói chung là quanh năm bình lặng, có những dịp như thế này sôi động hơn nhiều. Nói chung chúng tôi mong thường xuyên có những đợt văn nghệ để bà con vừa thể hiện tài năng, vừa đem giao lưu với các đơn vị bạn khác”. Quả thật, những ca sỹ, diễn viên hôm nay đứng trên sân khấu lại là những người nông dân giản dị, quanh năm gắn bó với vườn, với rẫy. Và khi có dịp, họ đã khẳng định tài năng, lòng nhiệt tình và hăng say của mình. Tạm quên nỗi lo mùa màng, họ mang lên sàn diễn lời ca, tiếng hát với cả sự chân thành, mộc mạc mà không kém tài năng.

Nông dân hát, đơn sơ mộc mạc nhưng không kém phần bay bổng, đó là nhận xét chung của những người được nghe, được xem Liên hoan Tiếng hát đồng quê. Nhạc sỹ Dương Toàn Thắng, thành viên ban giám khảo Liên hoan chia sẻ: “Thật sự các tiết mục còn mang đậm chất nông dân, đơn sơ, mộc mạc, chưa có bàn tay chuyên nghiệp can thiệp, dàn dựng. Nhưng phải nói tôi giật mình thấy nhiều giọng ca rất tuyệt vời, hát rất hay, rất chuẩn, phục trang, đạo cụ được các đội chuẩn bị rất kỹ, rất đẹp. Mỗi dịp liên hoan ca múa như vậy mới thấy ở bà con còn nhiều viên ngọc sáng nằm ẩn mình, chờ dịp là sáng lên”. Thế mới thấy dù còn nhiều thiệt thòi về sinh hoạt văn hóa tại vùng nông thôn, trong nông dân vẫn không thiếu những tài năng trời cho, chỉ chờ dịp là thể hiện.

Những tiết mục hay nhất Liên hoan cấp tỉnh sẽ tham dự Liên hoan miền Trung - Tây Nguyên và nếu có giải, sẽ tham gia thi thố với cả nước. Những người nông dân sẽ được tham dự một sân chơi lớn hơn, sẽ được gặp nhiều bà con tới từ những vùng quê khác nhau. Nhưng trên hết, “hiệu ứng” từ việc luyện tập chuẩn bị liên hoan đã, đang và sẽ tiếp tục làm cho sinh hoạt văn hóa tại nhiều vùng quê sôi động hơn, thổi thêm một luồng gió mát và làm sôi động đời sống văn hóa nơi những vùng quê yên bình.

Diệp Quỳnh