Nghĩ về người đã khuất

04:07, 24/07/2013

Chiến tranh đã đi qua, nhưng dấu ấn của nó cứ hằn sâu vào trái tim mỗi người. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và những tháng năm đấu tranh giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, những người con thân yêu của đất nước đã ngã xuống. Máu của họ đã tô thắm thêm màu cờ...

Chiến tranh đã đi qua, nhưng dấu ấn của nó cứ hằn sâu vào trái tim mỗi người. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ và những tháng năm đấu tranh giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc, những người con thân yêu của đất nước đã ngã xuống. Máu của họ đã tô thắm thêm màu cờ. Những người mẹ Việt Nam, những người vợ, người yêu ở lại vẫn còn đó những ký ức không thể nào quên. Thơ ca Việt Nam cũng theo dòng chảy của đất nước mà tồn tại, lưu giữ cho đến bây giờ. Những câu thơ như xé buốt tâm can của người đọc. Thời gian cũng khó lấp đầy những đau thương mà chiến tranh gây ra. Đã có nhiều nhà thơ, nhà văn đã vĩnh viễn ra đi trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu này. Họ vừa là chiến sĩ, vừa là nghệ sĩ.

Cháu ngoan Bác Hồ thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt. Ảnh: TDH
Cháu ngoan Bác Hồ thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt. Ảnh: TDH


Nhà thơ Lê Anh Xuân đã khắc họa hình tượng người chiến sĩ Giải phóng quân thật hùng dũng, mạnh mẽ trong bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”: Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất / Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng / Và Anh chết trong khi đang đứng bắn / Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng/ …Và, Tên Anh đã thành tên Đất Nước / Ôi, anh Giải phóng quân! / Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất / Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Tháng 3 năm 1968, nhà thơ Lê Anh Xuân viết bài thơ này. Và hai tháng sau ông đã hy sinh khi tham gia chiến đấu ở vùng ven Sài Gòn. Người nghệ sĩ, người chiến sĩ ấy đã trở thành liệt sĩ. Riêng nhà thơ Hoàng Lộc là một trường hợp đặc biệt. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp và mất tại chiến khu Việt Bắc tháng 11 năm 1949, nhưng bài thơ “Viếng bạn” vẫn còn vang mãi. Ông viết:  Hôm qua còn theo anh / Đi ra đường quốc lộ / Hôm nay đã chặt cành / Đắp cho người dưới mộ / … Khóc anh không nước mắt / mà lòng đau như cắt / Gọi anh chửa thành lời / Mà hàm răng dính chặt /….

Sát cánh với thế hệ Trần Đăng, Thâm Tâm, Trần Mai Ninh… nhà thơ Thôi Hữu cũng đã lên đường chiến đấu và hy sinh khi chưa đầy 30 tuổi đời. Ông đã để lại một số bài thơ gắn bó với những năm tháng kháng chiến hào hùng, như: Lên Cấm Sơn, Tuổi 26, Sau lũy tre xanh, Mùa cốm mới, Đi tuần, Về gần Hà Nội… Trong bài thơ “Lên Cấm Sơn” ông viết: Tôi lên vùng Cấm Sơn / Đi tìm thăm bộ đội / Đây bốn bề núi, núi / Heo hút vắng tăm người / Đèo cao rồi lũng hẹp / Dăm túp lều chơi vơi / Bộ đội đóng ở đó /Cách xa hẳn cuộc đời /  Ngày ngày ngóng đợi tin xuôi ngược / Chỉ thấy mây xanh bát ngát trời / … Và: Lòng tôi xao xuyến tình thương xót /Muốn viết bài thơ thấm lệ nhòa / Tặng những anh tôi từng rỏ máu / Đem thân xơ xác giữ sơn hà…/ Sáng tác không nhiều, nhưng tấm lòng nhiệt thành với cách mạng, sự độc đáo trong tư duy và phong cách viết của ông đã tạo ra được một dấu ấn đặc biệt trong văn học và báo chí cách mạng Việt Nam. Tháng 12 năm 2000, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Ngày mất của nhà thơ Thôi Hữu. Nhà báo Hồng Vinh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam lúc bấy giờ đã có hai bài diễn văn đánh giá cao những đóng góp của nhà thơ Thôi Hữu trong kháng chiến, tuy cuộc đời của ông quá ngắn ngủi.

Cùng với Thôi Hữu, nhà thơ Hồng Nguyên có một bài thơ viết theo thể tự do mộc mạc, giản dị mà gây được sự cảm tình của người đọc.

Bài thơ "Nhớ” của ông, sau hơn 60 năm vẫn còn vang lên:  Lũ chúng tôi / Bọn người tứ xứ / Gặp nhau hồi chưa biết chữ / Quen nhau từ buổi “một hai” / Súng bắn chưa quen / Quân sự mươi bài / Lòng vẫn cười vui kháng chiến/ Lật sắt đường tàu / Rèn thêm dao kiếm / Áo vải chân không / Đi lùng giặc đánh/….Chúng tôi đi / Nắng mưa sờn mép ba lô / Tháng năm bạn cùng thôn xóm / Nghỉ lại lưng đèo / Nằm trên dốc nắng / Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng / Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa / - Đằng nớ vợ chưa! / - Đằng nớ! / - Tớ còn chờ Độc lập / Cả lũ cười vang bên ruộng bắp / Nhìn cô thôn nữ cuối nương dâu.

Một bài thơ có sức sống lâu bền trong dòng văn học Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp, đó là bài thơ “Núi đôi” của Vũ Cao. Bài thơ như một câu chuyện kể nhưng làm lay động bao thế hệ: Bảy năm về trước em mười bảy / Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng / Xuân Dục Đoài Đông đôi gánh lúa / Bữa thì em tới bữa anh sang / Lối ta đi giữa hai sườn núi / Đôi ngọn nên làng gọi Núi Đôi / Em vẫn đùa anh sao khéo thế / Núi chồng núi vợ đứng song đôi / Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới / Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau / Mới ngỏ lời thôi đành lỗi hẹn / Đâu ngờ từ đó mất tin nhau / Anh vào bộ đội lên Đông Bắc/ Chiến đấu quên mình năm lại năm / Mỗi bận dân công về lại hỏi / Ai người Xuân Dục Núi Đôi chăng? / …Nao nức bao nhiêu ngày trở lại / Lệnh trên ngừng bắn anh về xuôi / Hành quân qua tắt đường sang huyện / Anh ghé thăm nhà, thăm Núi Đôi / Mới đến đầu ao, tin sét đánh / Giặc giết em rồi dưới gốc thông / Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa / Em sống trung thành, chết thủy chung / Anh ngước nhìn lên: Hai dốc núi / Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen / Nắng lại bỗng dưng mờ bóng khói / Núi vẫn đôi mà anh mất em! Đọc những câu thơ này lòng ta xa xót đến tận tâm can. Sự mất mát quá lớn lao và hẫng hụt đến khó tả. Sự mất mát như thế tràn ngập trong từng áng thơ ca của những người lính đã cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc.

Bài thơ “Màu tím hoa sim” được nhà thơ Hữu Loan viết vào năm 1949, sau đó được một số nhạc sĩ chuyển thành ca khúc đã làm xao xuyến bao thế hệ và vẫn lung linh đến tận lúc này: Tôi ở đơn vị về / Cưới nhau xong là đi / Từ chiến khu xa / Nhớ về ái ngại / Lấy chồng thời chiến chinh / Mấy người đi trở lại / Lỡ khi mình không về /Thì thương/ người vợ chờ / Bé bỏng chiều quê/ Nhưng không chết / người trai khói lửa/ Mà chết / người gái nhỏ hậu phương / … Một chiều rừng mưa/ Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc/ Biết tin em gái mất/ Trước tin em lấy chồng/  Gió sớm thu về rờn rợn nước sông / Đứa em nhỏ lớn lên / Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị? Khi gió sớm thu về /Cỏ vàng chân mộ chí/ Chiều hành quân/  Qua những đồi sim / Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim / Tím chiều hoang biền biệt/ … Và sau gần nửa thế kỷ, bài thơ “Màu tím hoa sim” của nhà thơ Hữu Loan đã được một người yêu thơ là một doanh nhân mua với giá 100 triệu đồng.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh ở Phú Yên, tham gia bộ đội khi mới 16 tuổi. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Năm 1968, trở về miền Nam làm phóng viên mặt trận, hoạt động ở Ban Tuyên truyền Văn nghệ khu 5. Hy sinh ngày 16/5/1971 trên bờ sông Đăkta, thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng. Ông đã để lại cho văn học cách mạng một bài thơ hay. Đó là bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” được viết vào năm 1964. Bài thơ gợi lên biết bao điều với niềm tin yêu cháy bỏng: Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ / Tươi như cánh nhạn lai hồng / Trưa một ngày sắp ngả sang đông / Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ / Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ / Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa / Chồng của cô sắp sửa đi xa / Cùng đi với nhiều đồng chí nữa / Chiếc áo đỏ rực như than lửa / Cháy không nguôi trước cảnh chia ly/ Vườn cây xanh và chiếc nón kia / không giấu nổi tình yêu cô rực cháy / Không che được nước mắt cô đang chảy /….Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy /Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy / Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi / Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/ Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp /Một làng xa giữa đêm gió rét / nghĩa là màu đỏ ấy theo đi / Như không hề có cuộc chia ly…/

Vì thông tin thất lạc nên mãi đến năm 1993, gia đình nhà thơ Nguyễn Mỹ mới nhận được bằng liệt sĩ. Từ một bài báo nhỏ trên tờ Tuổi Trẻ đã thôi thúc Nguyễn Văn Điền (Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Trà My) và Huỳnh Thanh Phước (phóng viên Báo Quân đội Nhân dân) đã tìm ra mộ nhà thơ Nguyễn Mỹ. Tất cả kỷ vật của nhà thơ được đem chôn trên ngọn đồi Ngok Do (xả Íp, nay là Trà Don).

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều văn nghệ sĩ đã lên đường chiến đấu. Chúng ta từng biết đến nhà văn nhà báo liệt sĩ Chu Cẩm Phong - một người con của Hội An tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 1962-1966, Chu Cẩm Phong (tên thật là Trần Tiến) được Ban Thống Nhất cử vào chiến trường B, tăng cường cho lực lượng văn nghệ ở Quảng Đà. Nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý cũng được bổ sung về Liên khu 5 và chị đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này.

Hình ảnh mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc - mười cô gái anh hùng của Tiểu đội 4, Đại đội 552 thuộc Ty Giao thông tỉnh Hà Tĩnh đã chốt giữ và ngày đêm bảo vệ cung đường Ngã ba Đồng Lộc để những đoàn quân ra trận và anh dũng hy sinh ngày 26/7/1968 đã đi vào lòng người Việt Nam như một huyền thoại. Và trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ sáng tác. Chúng ta đã từng được nghe nhiều bài thơ, ca khúc; được xem những vở kịch, phim ảnh khắc họa về những cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc anh hùng… Những hình ảnh ấy mãi mãi còn đọng lại trong tâm khảm nhiều người.   

Rất nhiều văn nghệ sĩ tham gia hai cuộc kháng chiến của dân tộc đã để lại nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khắc họa những năm tháng gian khổ, hy sinh nhưng trọn vẹn tấm lòng chung thủy với đất nước. Người đọc Việt Nam từng quen thuộc với những bài thơ nổi tiếng như “Đồng chí”, "Đường ra mặt trận”, “Ngọn đèn đứng gác” của Chính Hữu; “Tây tiến”,“Những làng đi qua”, “Mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng; “Bài thơ Hạnh phúc” của Dương Hương Ly; “Lượm”, “Hãy nhớ lấy lời tôi”, "Những người không chết”, "Bầm ơi!”, “Mẹ Suốt”, “Người con gái Việt Nam” của Tố Hữu… và rất nhiều bài thơ khác của nhiều nhà thơ khác viết về những người đã khuất, những người đã có mặt trên các chiến trường khốc liệt của chiến tranh để giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.

Nghĩ về những người đã khuất, tuổi trẻ hôm nay cần làm tốt hơn nữa những gì mà bao thế hệ cha ông chúng ta đã gây dựng, hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Nghĩ về những người đã khuất, bút lực của những người cầm bút hôm nay cũng cần vào cuộc để Việt Nam mãi mãi là đất nước của ngàn năm văn hiến.

TRẦN TRỌNG VĂN