UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đồng ý về mặt chủ trương cho Sở VH-TT-DL Lâm Đồng xúc tiến việc lập hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng là "di tích quốc gia đặc biệt".
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa đồng ý về mặt chủ trương cho Sở VH-TT-DL Lâm Đồng xúc tiến việc lập hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận khu di chỉ khảo cổ Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng là “di tích quốc gia đặc biệt”. Như vậy, trong tương lai không xa, di tích quốc gia khảo cổ học Cát Tiên sẽ là một trong những di tích có giá trị đặc biệt tiêu biểu của quốc gia - di tích quốc gia đặc biệt.
Di tích khảo cổ Cát Tiên còn là nơi thu hút giới sinh viên trong thực hiện nghiên cứu khoa học |
Tính đến thời điểm này, qua 3 đợt xếp hạng, Việt Nam hiện có 34 di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 7 di sản thế giới (chưa kể di sản phi vật thể). Trong 34 di tích quốc gia đặc biệt này, số di tích lịch sử đơn thuần chiếm phần lớn (14 di tích), số còn lại là các di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật (6), danh lam thắng cảnh (4), kiến trúc nghệ thuật (3), lịch sử - kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ (2), lịch sử và khảo cổ (2), lịch sử và danh lam thắng cảnh (2) và di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật (1). Trong đợt xếp hạng 11 di tích quốc gia đặc biệt lần thứ 3 vào tháng 9.2012, Lâm Đồng (cùng với hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước) có 1 di tích được công nhận là “danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên”. Về di sản văn hóa phi vật thể thế giới, Lâm Đồng là tỉnh cùng với các tỉnh Tây Nguyên khác (Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai và Kon Tum) đồng sở hữu “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận. Như vậy, tính cho đến lúc này, Lâm Đồng vẫn chưa sở hữu một di tích quốc gia đặc biệt hay di sản văn hóa thế giới nào của riêng mình. Nói điều đó để thấy rằng, nếu trong thời gian đến, di tích khảo cổ học Cát Tiên được công nhận là “di tích quốc gia đặc biệt” thì điều đó có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển tiếp theo của di tích khảo cổ học Cát Tiên gắn với Vườn quốc gia Cát Tiên đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào tháng 9.2012. Nói cách khác, một khi di tích khảo cổ học Cát Tiên được công nhận là “di tích quốc gia đặc biệt” thì trong mối quan hệ tổng thể, di tích khảo cổ Cát Tiên sẽ có tác động rất lớn đến di tích danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên, và ngược lại.
Theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, việc lập thủ tục để đề nghị công nhận di tích khảo cổ Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt sẽ được Sở hoàn thành trong thời gian sớm nhất để đệ trình lên Bộ VH-TT-DL xem xét và trình Chính phủ ra quyết định công nhận ngay trong đợt xếp hạng thứ tư sắp đến. Cũng cần lưu ý rằng, di tích khảo cổ Cát Tiên của tỉnh Lâm Đồng đã được xếp hạng di tích quốc gia sau 12 năm kể từ khi được phát hiện: Phát hiện năm 1985, được công nhận di tích quốc gia năm 1997. Do đặc điểm về địa lý và cả về lịch sử của mình nên di tích Cát Tiên có mối quan hệ rất đặc biệt đối với di tích danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên. Trong hiện tại, qua những lần khai quật, tuy vẫn đang nằm trọn trong địa bàn huyện Cát Tiên nhưng theo phỏng đoán của các chuyên gia khảo cổ, di tích Cát Tiên có thể kéo dài sang bên kia sông Đồng Nai thuộc địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước. Cũng như vậy, di chỉ trong lòng đất của khu di tích này trong hiện tại đang nằm chủ yếu ở vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên nhưng rất có thể nó còn kéo dài đến tận vùng lõi của Vườn. Nói cách khác, di tích danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt đang “trùm” lên một phần đáng kể di tích khảo cổ Cát Tiên sẽ được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt trong tương lai gần.
Như vậy, sau khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, di tích khảo cổ Cát Tiên sẽ cùng với di tích danh lam thắng cảnh Vườn quốc gia Cát Tiên đặt ra cho lãnh đạo địa phương vấn đề tiếp tục tính đến chuyện lập hồ sơ đề nghị công nhận cả hai là di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới.
Khắc Dũng