Nội lực văn hóa ở nhà văn

03:07, 03/07/2013

Đọc hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào năm 2009 của Ma Văn Kháng, mỗi người tất có những cảm nhận riêng bắt nguồn từ những chiêm nghiệm riêng của chính mình...

(Nhân đọc hồi ký của Ma Văn Kháng)

Đọc hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào năm 2009 của Ma Văn Kháng, mỗi người tất có những cảm nhận riêng bắt nguồn từ những chiêm nghiệm riêng của chính mình. Với tôi, trước nhiều trang viết chân thực đến như phơi mình ra đến tận cùng kia, ý tưởng ấn tượng hơn cả có lẽ ẩn ở câu văn này: “Văn chương là chuyện tàng ư danh sơn, truyền ư vạn thế chứ đâu có phải là chuyện chốc lát, nhất thời” (tr.316). Nhà văn chắc có nhiều dụng tâm khi nhấn mạnh tới vế sau - truyền ư vạn thế. Tôi thì lại nghĩ, nếu không tàng ư danh sơn thì văn chương không thể truyền ư vạn thế được. Sự tiềm ẩn dồi dào tạo nên nội lực của văn hẳn phải bắt nguồn từ sự tiểm ẩn đa dạng làm nên nội lực ở người làm văn. Bởi vậy, tôi xin đi vào ý thức học hỏi nhằm trau dồi nên bề dầy và chiều sâu văn hoá nơi nhà văn qua tập sách của Ma Văn Kháng.

 Nét đẹp miền Trung - Ảnh: Bình Nguyên
Nét đẹp miền Trung - Ảnh: Bình Nguyên


Tiếp xúc với những ý nghĩ chân thật về nghề của nhiều nhà văn, đôi lúc tôi rất thú vị trước sự lúng túng phải nói là thật đáng yêu khi cần giải đáp những câu hỏi tưởng vô cùng giản đơn liên quan đến nghề viết. Chẳng hạn, câu hỏi sau với Ma Văn Kháng: “Gần hết một đời viết rồi… bỗng dưng muốn đặt ra một câu hỏi: vậy thì nhà văn viết bằng cái gì?”. Ôi! Làm nghề viết, trải bao trận bút trường văn, lại bước vào chặng cuối của con đường dằng dặc kia, mà lại đặt ra vấn đề quá ư “thông thường” đến mức “thông tục” thế sao? Chưa hết, lại đi cùng với sự thú nhận này nữa: “…và để trả lời tự nhiên tôi thấy lúng túng như sa vào đám tù mù sương khói hư vô vậy”. Có lẽ những câu thơ cổ gợi ra một cách lý giải nào đó: Quan hải nan vi thủy (Nhìn mặt bể khó thấy gợn nước), và: Thiên thủy hữu thâm nguyên (Nước nông cũng có nguồn mạch sâu). Nhà văn tiếp tục giãi bầy với một giọng điệu tâm tình gần như thủ thỉ: “Ừ thì ai chả biết và các giáo trình giảng dạy, các kinh nghiệm được phổ biến từ các bậc cao thủ…: viết bằng nhận thức, bằng cảm xúc, bằng kỷ niệm chứ còn bằng cái gì nữa. Nhưng mà, ngoài những cái ấy ra? Còn cái gì nữa hình như chưa được nói tới và rất khó diễn đạt nó thành lời? Vì sự bí ẩn của nó, vì mới chỉ cảm nhận được nó mơ hồ?”. Lời giải dần hé lộ ra những điều vi tế mà mới nhìn thì chưa thể tỏ tường hết được. Đọc nhà mỹ học Tây Ban Nha Ortega y Gasset, anh thấm thía với câu nói, đại ý, nhà văn viết không chỉ bằng cảm hứng thôi đâu. Nhà văn viết bằng chất liệu. Không có chất liệu thì tài năng cũng vô nghĩa. Cũng giống như bác tiều phu giỏi ở giữa sa mạc vậy! (tr.145). Bảo là hoàn toàn mới mẻ như một phát hiện động trời thì có lẽ không phải. Nên xem đây chỉ là một cách nhấn nhá khi bàn tới vốn liếng nhiều mặt ở nhà văn. Lại như một cuộc đối thoại ngấm ngầm. Với mình nhiều hơn là với người. Cái đích cần đạt là tạo nên sự cảm thông rộng rãi cần thiết nơi bạn đọc. Nên, Ma Văn Kháng như mang cả cuộc đời và những thành tựu sáng tạo được nhiều người thừa nhận của chính mình ra làm minh chứng. Làm sao mà không thuyết phục cho được!

Hồi ức với một nhà văn giàu ý thức nghề nghiệp như Ma Văn Kháng không chỉ là nhớ lại mà trên hết là kiểm duyệt lại. Một cách nghiêm cẩn nhất có thể. Những bài học về nghề vì thế thường được đúc kết trong một dạng thức sinh động nhất. Kèm theo những lời dẫn giải nhìn chung là thấu lý thấu tình. Tôi nghĩ anh hoàn toàn có cơ sở để dành cho nhà trường vai trò đào luyện mang tính quyết định khi nhìn lại chặng đường viết văn dài lâu và cực nhọc của mình: “Và nếu hôm nay tôi có được bạn đọc công nhận là nhà văn thì công lao tạo nên tôi, trước hết là thuộc về nhà trường” (tr.39). Bởi, theo anh, “nhà trường thuở thiếu niên bao giờ cũng vẫn là cái vườn ươm gây mầm các tài năng văn chương”, “vì ít nhất nó cũng góp phần làm cho nhà văn có được khái niệm kiến thức văn hóa của mười nghìn năm trước mình, như Garcia Marquez đã có lần nói” (tr.42). Câu nói lưu truyền rộng rãi của văn hào Mỹ Latinh này rồi được nêu ra đầy đủ như sau: “Những người biết cách kể có thể trở thành nhà văn, sau khi đi một con đường dài để học hỏi kỹ thuật và một cái gì đó vô cùng quan trọng, đó là văn hóa cơ bản - PQT lưu ý”. Anh hiểu “văn hóa cơ bản” với nhà văn trước hết là hàng nghìn năm văn chương dân tộc và nhân loại kết tinh trong những tác phẩm được xem là cổ điển đã vượt thoát khỏi bao thử thách khắc nghiệt của thời gian. Tuy nhiên, anh rất nhớ, G. Marquez còn lưu tâm tới con đường “nhất thiết phải là đặc thù”, và, điều này còn đáng nhớ hơn, nhất thiết phải “không chính quy”. Văn hào này đã từng thực thi đúng như vậy tại trường điện ảnh San Antonio de Los Banos ở Cuba, trong một lớp huấn luyện mang tên Kể chuyện như thế nào? (tr.189).

  Điều này không hề mâu thuẫn với những lớp truyền nghề tập trung. Ẩm hà dương tự ngộ (Khi uống nước sông tự ta phải tỉnh ngộ). Ma Văn Kháng từng tu luyện về nghề viết suốt 9 tháng trời ở Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ của Hội Nhà văn, tại Quảng Bá từ 1973 đến 1974. Anh diễn tả ấn tượng có được từ lớp học nghề thực thụ lần đầu tiên này: “Có cảm giác mình từ con ngòi nhỏ bé bức bối, giờ ra sông ra bể, đứng trước một thế giới mở bao la, bộn bề, mới mẻ, tôi như kẻ khát được uống, đói được ăn, như tờ giấy thấm tiếp nhận một cách tham lam tất cả” (tr.188). Cuối tháng 4 năm 1974, khóa học kết thúc. Như không kìm nén được dòng cảm xúc mới lạ dâng trào, anh bồi hồi nhớ lại: “Một vùng trời mới đã mở ra trước mắt tôi. Trong tôi, một sức sống mới đang nảy mầm, cựa động… tôi muốn đoạn tuyệt, đoạn tuyệt hẳn với những trang viết trước đấy của mình” (tr.193). Một sự rạn vỡ của nhận thức cũ đi cùng với một sự soi sáng bởi nhận thức mới: “Với tôi, lớp học là một cuộc khai sáng”. Có thể một ai đó xem đây đơn thuần chỉ là một cách nói nhằm tôn vinh những cách nhìn mới cùng lối tư duy mới về nghề viết. Nếu đặt vào hoàn cảnh riêng của nhà văn Ma Văn Kháng khi đó và hoàn cảnh chung của các cây bút trẻ thời ấy thì sẽ thấy tin hơn vào những gì anh bộc bạch là chân thực. Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi biết những tư liệu văn chương mới mẻ mà anh được tiếp xúc qua lớp học: “Tôi thường được các bạn truyền tay cho đọc những tác phẩm không được phổ biến lúc bấy giờ. Một ít ấn phẩm từ Sài Gòn gửi ra… Đặc biệt là bài phát biểu của Xôngiênítxưn trong lễ trao giải Nôben, trong đó ông nói: cuộc sống có nhiều chứ không phải có một bậc thang giá trị - PQT lưu ý. Đây là một ý tưởng đơn giản nhưng hết sức sâu sắc với tôi mà lần đầu tiên tôi được tiếp nhận và nhớ mãi” (tr.192). Từ đó, những lời nói mang tính quan niệm hiện đại của các nhà văn đến từ những chân trời khác đều được anh chủ tâm ghi nhớ. Như câu nói L. Borges, nhà văn lớn Argentina: “Văn chương bắt đầu bằng huyền thoại và kết thúc cũng chính bằng điều đó” (tr.257). Dòng chủ lưu tả thực xã hội được điều chỉnh nếu không muốn nói là được bổ sung. Từ quan niệm uyển chuyển tất sẽ đưa tới một cách viết uyển chuyển. Mục tiêu khám phá cuộc sống và biểu hiện tư tưởng của nhà văn đã tìm thấy nhiều con đường thể hiện. Không còn độc tôn một cách thức như trước nữa. Chúng hỗ trợ cho nhau, tạo nên thế giới có sức cuốn hút kỳ diệu mà ta gọi là văn chương.

Cũng cần hiểu việc trau dồi vốn văn hoá không hề tách biệt với việc trau dồi các vốn liếng khác ở nhà văn, như vốn sống. Ma Văn Kháng viết: “Tôi đã lắng nghe, đã dõi theo cuộc đời, đã sống cuộc sống với các cung bậc, cùng là những huyền thoại của nó, như G. Marquez có lần nói” (tr.238). Đã có những phát hiện trong những ý kiến tưởng như quen thuộc, chẳng hạn “các cung bậc” của cuộc đời. Ý thơ sâu sắc của Nguyễn Trãi lại đem tới một sự khai mở khác: Tổ kiến nhỏ sụt toang đê vỡ! “gợi ý cho tôi một cách đánh giá cuộc sống” (tr.255). Không phải người cầm bút nào khi đi vào cuộc sống cũng chú tâm tới “cách đánh giá” như thế đâu! Phải tỉnh táo và bản lĩnh lắm mới thấu được cái lẽ lớn lao ấy của cuộc đời để nâng tầm các trang viết. Rồi vốn văn hoá trong quan hệ mật thiết với vốn nghề nghiệp nữa, bởi như Ma Văn Kháng xác định: “Nhà văn làm việc với từng từ một” (tr.490). Thế nên nhiều trang hồi ký của anh tự nhiên xoay quanh vốn liếng nghề nghiệp là vì thế! Theo lời khuyên của  Ortega y Gasset - “tiểu thuyết là một thể loại đủng đỉnh”, cuốn sách Ngược dòng nước lũ được Ma Văn Kháng viết trong tinh thần “Hãy vội vàng một cách chậm rãi”. Điều này được anh giải thích: “Trước hết đó là một cuộc chuẩn bị thật kỹ lưỡng, tỉ mỉ về mặt tư liệu. Và sau đó triển khai bằng một lối viết nhẩn nha” (tr.427). Với một định hướng nhất quán, anh tìm đến quan niệm tiểu thuyết hiện đại của M. Kundera, nhà văn Pháp gốc Tiệp Khắc, ứng cử viên nhiều năm của Giải Nobel Văn chương. Bàn về tiểu thuyết, M. Kundera cho rằng, “nó là một thiết bị có khả năng sáp nhập tối đa mọi diễn từ nhằm đạt tới một hiệu quả chân lý mà không một phương tiện nào có thể đạt được”. Mở rộng ý tưởng này của nhà văn bậc thầy, anh nghĩ: “Văn chương cũng chính là vậy, nó là một kiểu hình tướng diễn đạt một chân lý mà không có một kiểu cách nào đạt được như nó”. Bởi vậy, giữa ngổn ngang các trào lưu, anh quyết định “chọn kiểu viết mới” của tác giả. Sự bất tử vốn để lại trong anh “nhiều ám ảnh và hứng thú nhất”. Hơn thế, Ma Văn Kháng còn thừa nhận:  “Tôi bắt chước ông, tất nhiên chỉ là về hình thức cấu trúc và theo cái tạng của tôi, ở chỗ mở rộng trường phản ánh khi miêu tả và tăng cường thêm các diễn ngôn ở những chỗ có thể và cần thiết!” (tr.426). May thay, từ “bắt chước” ở đây chỉ được dùng một cách phiếm chỉ.

“Tôi vốn là người rất thích, rất chăm đọc lý luận và luôn cố gắng tìm ở đó những tia sáng có khả năng soi đường” - Ma Văn Kháng đã khởi đi một mạch khác trong tâm sự nghề nghiệp của mình như vậy. Và, người đọc có cơ hội đi theo hướng đó để hiểu thêm một khía cạnh mới khi để tâm vào vốn liếng văn hóa ở nhà văn. Có thể xem lý thuyết, và cả phê bình văn chương nữa là một trong những nền tảng bồi đắp nên tầm cao của thế giới tiểu thuyết Ma Văn Kháng. Anh bộc bạch tiếp: “Tôi có thiện cảm với các nhà lý luận phê bình văn học”; rồi: “Tôi rất chịu khó đọc lý luận phê bình. Thứ khoa học văn chương này giúp ích cho tôi rất nhiều trong quá trình sáng tác. Nó là người bạn thông tuệ của tôi”. Hiếm có nhà văn Việt Nam đương đại nào lại có những lời đánh giá cao mà thật đến thế dành cho lĩnh vực thường “bị” giới sáng tác “ghẻ lạnh” là lý luận phê bình. Có hời hợt và đãi bôi? Tôi không mảy may thấy gợi lên điều đó. Những lời nói sau vì vậy được các nhà lý luận phê bình văn chương thuộc mọi thế hệ đón nhận nồng nhiệt: “Với tôi, họ luôn luôn là những người bạn đồng hành rất đáng trọng, đều là những người học hành có bài bản, am tường nghề nghiệp và từng trải lẽ đời”. Rồi khi nghe Ma Văn Kháng lên tiếng đòi hỏi nghiêm khắc đối với lĩnh vực mà anh gọi là “chuyên ngành xã hội - thẩm mỹ lớn” này thì dường như không một ai cảm thấy chạnh lòng cả, dù chỉ là nhất thời: “Gánh vác việc này không thể là những người làm nghề nghiệp dư. Càng không phải chỉ là mấy người theo dõi, viết bài điểm sách văn nghệ trên báo chí… Viết lý luận phê bình khó lắm! Phải có học. Phải hiểu đời. Sức nghĩ phải dài rộng. Lại phải có năng khiếu, có duyên thì mới có thể đóng trọn vai được” (tr.422&423). Nhìn nhận một lĩnh vực không dễ nhìn nhận như lý luận phê bình văn chương, rất cần một sự cảm thông trên cơ sở thấu hiểu như thế! Nên nhớ có thời Ma Văn Kháng từng đảm trách cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài, nơi, theo chính lời anh, “đặc biệt là đã cho đăng tải một cách có hệ thống lý luận về tiến trình văn học thế giới, về các lý thuyết, trường phái, tư trào văn học lớn, một lĩnh vực mà đại đa số các nhà văn chưa có điều kiện nghiên cứu, học tập”.

Từ ngày xem việc nghiền ngẫm lý luận như là một trong những đường hướng nghề nghiệp của mình, tôi thường xem trọng những ý kiến bàn về văn chương của các nhà văn. Tại sao ư? Tôi nhớ tới câu nói của K. Marx được nhà văn Ma Văn Kháng hoàn toàn chủ tâm khi nhắc lại: “Vật vã gì thì cũng từ hoàn cảnh cụ thể mà vượt lên!” (tr.266). Để đi đến thành công trong lĩnh vực chồng chất thử thách khó khăn này, có mấy ai không trải qua nhiều trăn trở về nghề. Mỗi người mỗi vẻ, mỗi người mỗi khác. Có điều, nói và làm ở những nhà văn trung thực thường đi đôi với nhau, nên những lời bàn về nghề của họ cứ tự nhiên như chính sự sống văn chương lên tiếng vậy. Ý tưởng lại được diễn đạt bằng những hình thái nhuần nhị nên dễ đi vào lòng người, để rồi tự nhiên đọng sâu nơi tâm tưởng của người tiếp nhận. Phải chăng đó cũng là một trong những thành công của tập hồi ký Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương?

Đọc tới trang cuối cùng của cuốn sách, ý nghĩa thâm trầm của câu chuyện ngụ ngôn Ba Tư được nhà văn Ma Văn Kháng nhắc tới cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi. Ở một nước nọ có một nhà vua trẻ tuổi vừa lên ngôi đã ra lệnh tập hợp tất cả các nhà bác học trong nước để viết một bộ lịch sử nhân loại. Mục đích là nhằm rút ra các kinh nghiệm lịch sử để tránh sa vào vết xe đổ của người đi trước. 20 năm sau, các nhà bác học hoàn thành và trước tác của họ phải dùng 150 con lạc đà mới thồ hết. Lúc này nhà vua 40 tuổi. “Ta không còn nhiều thì giờ nữa, hãy tóm tắt lại cho ta!” - Vua ra lệnh. Lại 20 năm nữa trôi qua. Và lần này công trình tóm tắt cũng phải 1 con lạc đà oằn lưng chở mới nổi. Bấy giờ nhà vua đã 60 tuổi, mắt đã mờ và ngài đã không còn sức để đọc nữa (tr.353). Câu chuyện kết thúc ở đó, nhưng chắc gợi nên nhiều suy nghĩ bổ ích đối với mỗi người đọc. Thì ra những câu chuyện về nghề trong tập hồi ký của Ma Văn Kháng đâu chỉ giới hạn ý nghĩa đối với những người trong giới…

Phạm Quang Trung