Thế là Hoàng Trọng Hà đã "ngược miền nắng ấm" về nơi vĩnh hằng! Sau 55 năm hiện hữu phận người, anh "ngược miền nắng ấm" nhưng không phải là để lại tiếp tục lặn lội, nhọc nhằn mưu sinh nơi trời Âu băng giá "Như là cánh chim lìa tổ/ Mảnh hồn neo ở chốn quê/ Giã từ bờ tre, góc phố/ Ngược miền nắng ấm bay đi/…Như là cánh chim lìa tổ/ Mang đôi cánh mỏi rã rời/ Mơ trong băng giá quê người/ Một mai tìm về chốn cũ…".
Thế là Hoàng Trọng Hà đã “ngược miền nắng ấm” về nơi vĩnh hằng! Sau 55 năm hiện hữu phận người, anh “ngược miền nắng ấm” nhưng không phải là để lại tiếp tục lặn lội, nhọc nhằn mưu sinh nơi trời Âu băng giá “Như là cánh chim lìa tổ/ Mảnh hồn neo ở chốn quê/ Giã từ bờ tre, góc phố/ Ngược miền nắng ấm bay đi/…Như là cánh chim lìa tổ/ Mang đôi cánh mỏi rã rời/ Mơ trong băng giá quê người/ Một mai tìm về chốn cũ…”.
Hoàng Trọng Hà, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và đầu thập niên 80 thế kỷ XX là giảng viên Khoa Văn Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, sau đó Đại học Đà Lạt… Số phận đưa đẩy “kẻ sĩ”, có thời anh làm giáo viên Văn Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt.
Nhớ đầu tháng 10 - 2011, sau 116 số báo Cuối tuần 8 trang, Báo Lâm Đồng quyết định chuyển sang bộ mới 12 trang (số 1 bộ mới phát hành ngày 1-10-2010). Trải qua mấy chục số báo thử nghiệm nội dung, hình thức và qua ý kiến bạn đọc, tôi đang loay hoay chọn nhân sự với tâm huyết ổn định hợp lý các trang mục mở rộng, nâng cao kiến thức “hướng ngoại”, cải tiến trang văn hóa - nghệ thuật… thì tình cờ gặp Hoàng Trọng Hà trong một cuộc bù khú với nhóm bạn văn chương. Đồng niên, là thầy giáo văn cấp 3 khả kính của con gái đầu, lại sáng tác văn học… nên chúng tôi nhanh chóng đồng cảm. Sau những ly rượu nồng, sau những tiếng cười hào sảng… rồi Hà rơm rớm lệ, nhỏ nhẹ, nghẹn ngào tâm sự như dứt từng tấc lòng: Ba lần xa xứ sang Ba Lan làm “cánh cò xứ tuyết”… Cũng từng tham gia biên tập thơ cho Báo Quê Việt của cộng đồng Việt kiều ở Ba Lan… Thế nhưng… “Ngũ thập tri thiên mệnh”, đã đến lúc dừng bước “giang hồ” phiêu bạt để về chăm con thơ, mẹ già!.. Tôi chợt nhận thấy: Đây chính là người mình cần để giúp tổ chức số báo Cuối tuần. Và thế là Lâm Đồng Cuối tuần số 35 (ngày 28-5-2011), Hoàng Trọng Hà trình làng bài bình luận “Thơ viết về trẻ em của R.Tagore”. Số 36 (ngày 4 - 6 - 2011), anh chính thức làm hợp đồng biên tập viên văn hóa - văn nghệ và xuất hiện với những bài: Một lần đến Wicliczka - Di sản văn hóa thế giới, Những vần thơ tha hương (số 37)… Từ đấy, với trách nhiệm của người được đào tạo tốt về ngữ văn, tâm hồn người làm thơ và vốn sống phong phú, Hoàng Trọng Hà đã thể hiện sự cẩn trọng, khách quan khi tuyển tác phẩm, giới thiệu chân dung các văn nghệ sĩ: Phạm Quốc Ca, Lê Huy Mậu, Đình Nghĩ, Vương Tùng Cương, Lê Thanh Nguyên, Nguyễn Tấn On… Có thời gian gắn bó với nghiệp viết, có bầu bạn tâm giao hâm nóng máu văn chương, Hoàng Trọng Hà và nhất là biết mình đang bị bạo bệnh, anh dồn sức chau chuốt tập thơ “Ngược miền nắng ấm”. Đọc lại tập thơ của Hà, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế; sâu lắng… Thơ Hoàng Trọng Hà toát lên sự dung dị, chân thành của cảm xúc thấm đẫm nhân văn: “Tôi rón rén giữa hai hàng mộ/ Như học trò rón rén lên bảng đen/ Trên tấm bia dãi dầu sương gió/ Những cái tên khắc như nhãn vở khiêm nhường” (Ở nghĩa trang Thủy Thanh)… “Như tất cả mọi người/ Mẹ đi qua chiến tranh/ Cuộc chiến nơi quê nghèo, cay cực/ Những trận bão kinh hồn mái nhà tre xơ xác/ Bàn tay Người neo lại mỗi tấm gianh” (Mẹ đi qua chiến tranh)… “Tình yêu ta có mùi thơm rơm rạ/ Có hương cau, hương cốm quê nhà/ Tôi đã tới những bến bờ xa/ Chưa đủ xấu để quên tất cả/ Em, em ơi! Rạ rơm xưa ấy/ Xót trong tôi tới tận lúc này” (Ký ức đồng quê)… Và cũng vời vợi tình yêu quê hương, nỗi niềm tha hương: “Bếp lửa đỏ mà như không có thực/ Cháy miên man chẳng đốt hết đêm dài/ Mùi hương lửa gọi niềm thao thức/ Trong lòng người từng đợt tuyết rơi…” (Đêm miền tuyết trắng)… “Giã từ nhé! Trắng đêm mắt đỏ/ Rượu vơi cạn, sầu đầy ăm ắp./ Bỗng giật mình đầu hai thứ tóc/ Bước chân còn mải miết tha hương” (Khúc giã từ)…
Khát khao làm việc và sáng tạo đang độ chín để có thể cống hiến cho công chúng văn chương những tác phẩm đỉnh cao, thế nhưng khoảng 15 giờ ngày 18 - 7 - 2013 định mệnh ấy, tâm thế tôi rã rời khi nghe tiến sĩ Văn học Phan Quốc Lữ - Hiệu phó Trường CĐSP Đà Lạt thảng thốt báo tin: Hoàng Trọng Hà hấp hối rồi. Lên ngay!
Giật mình, thấm thoắt Hoàng Trọng Hà gắn bó với báo Lâm Đồng Cuối tuần bộ mới qua các bài viết về văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là chịu trách nhiệm tổ chức các chuyên mục “Theo dòng sự kiện”, “Du lịch”, “Nhìn ra bốn phương” đã được 101 số. Vâng 101 số báo liên tục và tôi biết có rất nhiều số anh đã miệt mài trước màn hình computer, vì trách nhiệm với bạn đọc mà quên những cơn đau triền miên hành hạ trên giường bệnh ở TP.HCM hay Đà Lạt... Một ngày trước khi biên tập số báo 138, tôi nhận tin nhắn “Anh lo các chuyên mục nhé! Hà lại phải đi TP.HCM điều trị”! Tôi phôn ngay: Tính thăm ông đây, giờ lên! Hà thều thào trả lời: Mình đang trên xe, chuẩn bị đi rồi!... Những bài tổng thuật về Theo dòng sự kiện, Du lịch, Nhìn ra thế giới của Hà xuất hiện lần cuối cùng là số 137 (ngày 18 - 5- 2013) thì đúng 2 tháng sau, do nan bệnh ung thư kéo dài hơn 2 năm, Hoàng Trọng Hà đã rời vòng tay, ánh mắt săn sóc, chăm chút của người thân, bằng hữu, đồng nghiệp; vĩnh biệt trần thế cũng vào ngày 18.
Hoàng Trọng Hà “Ngược miền nắng ấm”… song anh đã lưu quang những giọt nắng ấm áp tỏa ra từ một tâm hồn chân thành, nhân ái; nghị lực sống và khát vọng sáng tạo…trong ký ức thân quyến, đồng nghiệp, bằng hữu, bạn đọc!
THANH ĐẠM
Một ngày nào đó
Trút bỏ những lo toan
Trút bỏ bộ đồ đang mặc
Lấm bụi đường những chuyến đi xa
Một ngày nào đó
Tôi sẽ trở về nhà
Khi anh đào nở hoa trước ngõ…
Sẽ trở lại những ngày bình thường
Những ngày mà tôi ao ước
Ăn bữa cơm chính tay vợ nấu
Ngồi trên ghế nhà mình mà xem ti vi
Ngủ trên giường của mình không ác mộng
Nghe giọng nói trẻ thơ mỗi sớm mai hồng…
Mọi thứ hôm nay sẽ thành ký ức
Để những ngày mà tôi ao ước
Sẽ lại là những ngày bình thường.
Sẽ là những ngày bình thường
Ngọn gió phiêu du thôi hãy ngủ yên!
Warszawa, 2010
HOÀNG TRỌNG HÀ
Hà ơi!
(Tưởng nhớ nhà thơ, nhà báo Hoàng Trọng Hà)
Mang tên một dòng sông mà không còn được chảy
Tin dữ chiều nay. Sao vội thế Hoàng Hà
Mất thật ư? Mà ta như thấy
Hồn hậu tiếng Hà cười,
Sớm chủ nhật ấy Hà qua...
Chữ ký còn tươi nguyên tập thơ Hà đề tặng
Những trang thơ — lai lịch một Hoàng Hà
Một hành trang thi nhân đam mê, vật vã
Hạnh phúc lẫn cùng đau đắng xót xa
Giờ tìm gặp nhau bằng những gì quá khứ
Bằng con chữ đa mang Hà để lại cho đời
Ta thấu lạnh những câu thơ xứ tuyết
Thuở lần hồi cơm áo đất xa xôi
Rồi cánh chim về với đại ngàn
Đà Lạt thông ru, gió sương phố núi
Bầu bạn sẻ chia, gia đình nguồn cội
Trả nợ văn chương như học trò biết lỗi
Thơ thuần phác, nhân tình, ám ảnh lắm, Hà ơi!
Ta từng nói cùng nhau: âu cũng là số phận
Hà đã đi... không thể nữa rồi
Đừng khóc mãi, xin những người đưa tiễn
Hãy nhẩm đọc thơ Hà và lặng ngắm mây trôi...
Đà Lạt tháng 7.2013
VƯƠNG TÙNG CƯƠNG