Bố mẹ mình hiền lành lắm, nhà mình kinh tế tạm ổn. Mình là con thứ tư, ba anh đi công tác, còn hai em gái đang học.
- Bố mẹ mình hiền lành lắm, nhà mình kinh tế tạm ổn. Mình là con thứ tư, ba anh đi công tác, còn hai em gái đang học.
- Sao anh không lấy vợ ở làng mà xuống tận xã em để tìm hiểu.
- Mình thích lấy vợ thiên hạ. Theo các nhà khoa học phân tích: lấy vợ ở khác huyện, khác tỉnh thì con cái đẻ ra sẽ thông minh. Giống càng lạ, con của giống ấy càng tốt.
- Anh chắc là học giỏi lắm nhỉ, nên nói cứ như sách.
- Mình học hết lớp 12, do chịu khó xem sách báo nên mới biết như thế.
… Tuyết nói với bố mẹ về việc Khai muốn đặt vấn đề hôn nhân với mình. Ông Hiếu vốn hiền lành, mọi việc trong nhà đều nhường cho vợ quyết. Bà Hiếu nói:
- Tôi xem cái anh Khai này ăn nói dễ nghe, vóc dáng khỏe mạnh, mặt mũi khôi ngô, thôi thì gả con Tuyết cho nó.
Minh họa: Ngọc Minh |
**
Bà Lực nói với Khai:
- Mày muốn lấy vợ thì u cũng đồng ý. Có vợ sẽ đứng đắn con người ra, nhưng sắp tết rồi, liệu thầy mày có đồng ý không?
Khai nói với cái giọng uất ức:
- Không cho lấy con sẽ bùng đi miền Nam. Cũng chỉ tại thầy, từ khi con bảy tuổi đến nay, không ngày nào là không được một trận đòn. Hơi một tý là thét, là đánh.
- Tại mày học dốt lại lười học, ra ngoài thì nói khoác.
- Thì trong số những đứa con của một gia đình cũng phải có đứa nọ, đứa kia chứ. Chẳng lẽ thầy không chịu hiểu điều đó. Con tức nhất là buổi sáng hôm kia, ông ấy cầm cái roi trâu đánh con giữa đồng để cho bao nhiêu người đi cấy, đi cày cười vào mặt. Mà có gì đáng đánh đâu cơ chứ - chỉ có quên không đem cái điếu cày cho ông ấy, thế mà rượt đuổi đánh bằng được mới thôi. Xấu hổ quá, nhục nhã quá. Con gái làng ta nó có ỉa vào lấy làm chồng. Chỉ có lừa gái thiên hạ mà thôi.
- Thôi được rồi, tối hôm qua thầy mày cũng có nói với u phải cho mày lấy vợ để mày mới khôn lên được.
Nghe mẹ nói vậy mắt Khai sáng lên, hỏi dồn:
- Chính thầy nói thế hả u?
- Ừ, nhưng cái con bé ở làng Hạ trông có được không?
- Đẹp lắm u ạ. Con nghĩ có vợ rất vui, nhiều hôm con đi nhổ mạ, gánh phân một mình buồn lắm. Mà ngủ một mình cũng rét lắm. Thấy vợ chồng người ta đi làm với nhau mà chết thèm. Chồng cày, vợ cấy, vui lắm.
Nói xong, trong óc Khai hiện lên một cuốn phim quay cận cảnh vừa đẹp, vừa êm ả ngọt ngào. Cứ như đi vào một vườn hoa và bầu không khí trong lành. Vợ Khai đứng đấy trông đẹp như một người mẫu mà Khai đã từng thấy ở những tờ lịch tết. Nàng nhoẻn miệng cười vẫy tay gọi Khai… Hai vợ chồng khoác tay nhau đi giữa chợ hoa. Mưa xuân rắc nhẹ những hạt nhỏ li ti – người ta có cảm tưởng những hạt ấy không chịu rơi xuống đất, mà nó vương vào tóc, vào áo cưới của vợ chồng Khai và những đôi trai gái đang dạo chơi dưới trời xuân. Có cơn gió lạnh thoảng qua, nàng rùng mình nép vào ngực khai và ngước nhìn âu yếm. Rồi họ rủ nhau đi tát nước đêm trăng, cứ giống như ca dao và cổ tích. Giữa cánh đồng mênh mông gió lồng lộng thổi, chỉ có hai con người say sưa kéo dây gàu. Và vợ Khai cất tiếng hát lanh lảnh. Trong Khai lúc nào cũng lâng lâng khó tả. Ngồi ăn cơm với vợ mới thấy ngon- dù là cơm độn đầy khoai sắn – chứ không như bao nhiêu lần vừa ăn vừa chảy nước mắt vì trước khi ăn đã bị bố đánh, hoặc trong bữa ăn luôn bị bố mắng. Hoặc nhiều khi lý do rất vu vơ như khi Khai dọn mâm thiếu một chiếc đũa, hoặc và cơm lỡ làm rơi vài hạt ra đất, hoặc lỡ tay quăng mẩu thuốc ra giữa nhà, hoặc lỡ tay đánh vỡ một cái chén uống nước... Cảnh phim lại hiện những đêm đông trong chăn ấm, vợ chồng quấn quýt nói chuyện dưới đất trên trời, họ sẽ cho ra đời những đứa trẻ thông minh. Khai giơ nắm tay thề với vợ sẽ không đánh con, mắng vợ kèn kẹt như bố mình đã từng làm…
…Có lẽ phải cưới ngay mùa đông này. Có hai người nằm vẫn ấm hơn, nhất là một nam một nữ, trẻ tuổi sung sức.
Say sưa trong ước mơ, rồi giấc ngủ cũng thò tay kéo Khai vào mộng mị. Đang ngủ say sưa, Khai thấy một cái cột gỗ rơi vào cái chân làm Khai đau điếng, lạ quá, chỉ có mỗi cái cột ấy mà nó rơi xuống chân hàng chục lần. Tỉnh dậy thì ra bố Khai đã cầm roi quất vào chân cẳng Khai. Vừa quất vừa chửi cái tật dậy muộn. Khai bực tức nghĩ: cho ông đánh vài bữa nữa, lúc tôi có vợ thì ông đánh thế nào được.
**
Còn gần một tháng thì đến tết, đám cưới của Khai được tổ chức thật là vui. Khai hớn hở cười nói luôn miệng. Các cụ ăn uống trong nhà để đám trẻ ở ngoài sân: sáu chục mâm cỗ ăn uống rào rào. Khai cầm chén đi đến từng mâm, cứ dzô dzô 100%. Vui hết mình đi, trăm năm mới có một ngày mà. Nhưng lúc Khai đang vui, Khai không thấy được một ánh mắt tức tối gườm gườm của bố đang ngồi ở mâm trong nhà nhìn ra. Ông theo dõi từng cử chỉ của con trai. Đợi khách khứa tiệc tùng xong xuôi, đúng lúc vợ Khai đang quét dọn ngoài sân, ông gọi Khai vào bếp. Có lẽ vì ngại con dâu nghe thấy, nên ông chỉ nghiến răng, giọng nói nhỏ mà sắc như dao:
- Tổ sư cha mày, thanh niên mà uống rượu như mày thì hỏng. Không làm được ra tiền thì đái ra mà uống. Mày cứ liệu hồn đấy, đừng có mà qua mặt bố mày!
Kèm theo câu huấn thị là một cái tát như trời giáng vào mặt. Khai vừa xấu hổ, vừa tức, lần đầu tiên Khai phản kháng bằng việc gườm gườm nhìn bố như nhìn tên đao phủ, Khai nói:
- Con lớn rồi mà thầy cứ kèn kẹt thế?
- Này kèn kẹt, lớn này!
Lại hai cái tát nữa đệm theo. Rất may mẹ Khai có mặt kịp thời. Bà rên rỉ:
- Ông không buông tha nó một tí hay sao. Ghê gớm quá, ngày cưới mà đánh con. Người đâu mà lại thế.
Bà Lực chảy nước mắt. Bà thương Khai nhất nhà, lao động khỏe, không cãi bố mẹ, không có điều tiếng với hàng xóm, chỉ tội ít học. Nhưng đã thiệt thòi rồi, mà vẫn cứ bị bố đánh. Thương con nhưng bà bất lực vì bà cũng sợ ông, càng bênh con thì ông càng đánh nó dữ.
Khai bưng cái mặt sưng vù đi ra sau đống rơm, khóc tấm tức. Bụng cứ như bị người ta bơm đầy hơi hay là ăn phải thức ăn khó tiêu, cứ nặng anh ách. Càng nghĩ càng tức.
Sau lần bị bố tát vào lúc tan tiệc cưới, có đến hơn ba tuần, Khai không bị bố đánh nhưng cứ ngẩng mặt lên là thấy ánh mắt tối sầm của bố nhìn xoáy vào người. Khai chỉ muốn ngày ngày đi làm với vợ và ở riêng, không dính dáng với bố mẹ, nhưng ở quê đất chật người đông, đất đâu mà làm nhà. Nhưng chẳng lẽ cứ ở mãi với ông bố cay nghiệt? Chờ ông ta già yếu để bắt nạt lại thì còn lâu, bởi ông mới năm mươi tuổi, còn khỏe mạnh lắm. Ôi cha, có vợ mà không được tự do thì trên đời này không gì uất bằng. Đã nhiều lần bố đi ngang qua mặt Khai, nói nhỏ:
- Cứ để vợ mày đi vắng, tao sẽ cho mày một trận.
Thế thì Khai càng bám riết lấy vợ. Đi làm đồng, làm bãi, kể cả lúc về đến nhà, hai đứa cùng ra ao rửa chân, rồi cùng vào bếp nấu cơm, cùng dọn mâm bát, cùng rửa bát đũa khi ăn xong và cùng tếch…vào buồng. Nhưng càng quấn quýt lấy nhau thì chỉ càng làm bố thêm ngứa mắt. Có lần ông đã bóng gió:
- Cứ như vợ chồng tây không bằng. Liệu hồn đấy.
Tức quá, lấy vợ không được ở riêng thì phải được ăn riêng mới phải chứ. Trong làng này thiếu gì cặp vợ chồng trẻ như thế! Nghĩ vậy mà Khai sợ không dám nói với bố. Tuy nhiên, ý muốn ăn riêng càng lớn dần trong đầu Khai. Nhất định ăn tết xong phải thực hiện ngay…
…Hai giờ chiều ba mươi tết, mẹ đang lúi húi dưới bếp luộc bánh chưng. Bố đang xếp đặt mâm ngũ quả và chuẩn bị cúng mâm cỗ tất niên. Hai đứa em gái không làm gì, ngoài việc rủ nhau đùa nghịch. Vợ chồng Khai tranh thủ ra đồng làm cỏ. Xong xuôi, vợ giục Khai về nhà trước để cô ra chợ mua thêm gói mứt, chiều mồng một sẽ về nhà ngoại. Khai về đến sân, thấy hai đứa em bày trò chơi bề bộn. Đã mệt mỏi lại càng tức khi bố bảo Khai quét sân rồi sang bác cả xin gánh nước mưa để đun nước pha trà ba mươi tết. Khai ức quá thét luôn:
- Hai con mất dạy kia, không làm gì chỉ phá thôi.
Mồm nói, tay Khai giơ ra tát cho chúng nó mỗi đứa một cái khá đau. Cả hai đứa gào thét như bị người ta sắp chọc tiết. Bố lao từ trong nhà ra với cái điếu cày trong tay, không nói không rằng, cứ nhè vào người Khai mà quật túi bụi. Người ta có cảm tưởng rằng đây là trận đòn thù được tích tụ từ lâu, nay mới được dịp bung ra thoải mái. Vì chẳng qua lớp học võ nào do đó Khai không đỡ được nên phải co cẳng bỏ chạy ra ngõ. Đúng lúc ấy vợ Khai thò mặt vào cổng. Cô trợn mắt nhìn, bụng nghĩ thầm:
- Lấy nhau được ba ngày, mình đã nghe dân làng thì thào rằng chồng mình thường bị ăn đòn của bố. Nhưng con trai đã có vợ rồi mà lại cứ đánh thì còn ra cái gì nữa, mà lại đánh con vào đúng chiều ba mươi tết thế này?
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG