Trên những xe tải nhà binh chở đầy ắp binh lính Nhật. Họ ngồi trên ba dãy ghế, tay nắm chặt khẩu súng mút-cà-tông, lê tuốt trần. Sĩ quan binh lính đều im lặng. Động cơ xe nổ như gầm thét! Xe chạy như bay lấn át cả lề đường. Dân chúng, cảnh sát, lính Bảo an thấy xe vội nép vào mái hiên hay chạy sang lề đường...
Mấy hôm nay, xe nhà binh của Nhật chạy nhiều lần qua khu chợ Đà Lạt.
Trên những xe tải nhà binh chở đầy ắp binh lính Nhật. Họ ngồi trên ba dãy ghế, tay nắm chặt khẩu súng mút-cà-tông, lê tuốt trần. Sĩ quan binh lính đều im lặng. Động cơ xe nổ như gầm thét! Xe chạy như bay lấn át cả lề đường. Dân chúng, cảnh sát, lính Bảo an thấy xe vội nép vào mái hiên hay chạy sang lề đường. Dân ấp kể cả binh lính Pháp thấy lính Nhật đều khiếp sợ, vì quân phát xít Nhật là một đội quân thiện chiến, dám xả thân tử vì đạo. Chúng nó đánh chiếm nước Triều Tiên, đánh đuổi quân Tưởng Giới Thạch rồi tiến đến Mãn Châu nước Tàu.
Tại tỉnh Lâm Viên, có hàng ngàn quân Nhật ngang nhiên lên dựng lán trại, đóng quân, trụ sở ban chỉ huy đóng trên triền đồi đường Đăng-kia (Dankia: gần đường Phù Đổng Thiên Vương). Xe lính Nhật chạy xuống đường Thu - A (Thouard: Bùi Thị Xuân) vòng vào chợ xuống D'Ran (Đơn Dương) qua ngã ba Phi Nôm. Xe chạy đi chở đầy ắp lính, lúc về thùng xe phủ bạt kín mít. Dân chúng tụm ba tụm bảy bàn tán: xe chở lính Nhật đi dã ngoại, dàn trận đánh quân phản loạn ở Tháp Chàm lên. Người khác bảo họ điều binh tập trận. Mấy ngày chuyển quân nghi binh, đêm 9/3/1945, quân Nhật đánh úp đồn lính Bảo an, lính khổ lục (khố xanh), lính Cu-lít (cảnh sát). Chiếm Tòa đốc lý Pháp, Tòa Thị chính, Dinh Tỉnh trưởng, trong một đêm. Và treo cờ Nhật khắp mọi nơi. Nhật hất cẳng Pháp, cai trị nhân dân tỉnh Langbian. Quân Nhật truy lùng bắt sĩ quan, binh lính Pháp, người Việt nhập tịch dân Tây, giam lỏng vào các dãy nhà Xít-tê-đờ-cu (cite' Decoux) và cư xá Ben-lơ-vu (Chi Lăng).
Ngày 17/4/1945, Tổng lý Văn phòng Bảo Đại mời Thượng thư các bộ đến đại diện. Các quan đội mũ cánh chuồn, đi hia. Hoàng hậu mặc áo đỏ đi dày cườm. Vua mặc Long bào, đi giày dừa thêu rồng. Họ ngồi nghe đọc đạo dụ, thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim. Yokoyama, đại sứ Nhật Bản tại Đông Dương tới dự và công nhận, trao quyền độc lập cho Thủ tướng, mong nước An Nam hợp tác thân thiện với Chính phủ Nhật Bản, xây dựng khối thịnh vượng chung Đại Đông Á. Và từ đây, Trần Trọng Kim ra đạo dụ gửi chính quyền các tỉnh, phủ, huyện được đến công sở, dinh thự làm việc. Tại tỉnh Langbian, Nhật bổ nhiệm tay chân thân Nhật như Ưng An làm tỉnh trưởng, Trần Văn Lý làm Tổng đốc. Họ khuyên dân chúng thật sự hợp tác với nước đại Nhật Bản.
Quân Nhật nắm quyền điều hành các công xưởng, đồn điền, bắt công nhân làm thêm giờ, trả lương thấp, vơ vét tài nguyên chở về bản xứ. Bọn chúng bắt dân Mọi đi xâu, làm công không trả lương lo đào hầm, xây lô cốt. Dân chúng ngày càng thấy rõ nền độc lập giả hiệu đã được quân Nhật trao cho dân chúng Đà Lạt!.
Ông Ngô Huy Diễn, Nguyễn Thế Tính, Đinh Quế, Chung Văn Năm bị hiến binh Nhật bắt mới được thả ra. Họ về các ấp truyền đạt:
- Tình hình chính trị trong nước và trên thế giới chuyển biến rất nhanh, chín trăm ngày đêm Hồng quân Liên Xô đã quét sạch quân phát xít Đức ra khỏi Lê-nin-gờ-rát và tiêu diệt quân Quan đông Nhật trị tại Mãn Châu (Trung Quốc).
11 giờ đêm ngày 13/6/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Tân Trào nhận định thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín mùi. Hội nghị đã bầu Ủy ban Dân tộc Giải phóng quân do Cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Nhân dân các tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ đang nêu cao ngọn cờ dân tộc chờ đợi ngày giành chính quyền...
Đảng viên chi bộ Cầu Quẹo, chi bộ Hỏa Xa và cốt cán cơ sở đã họp bàn bạc, tỏa về các đồn điền, khóm ấp và đệ ngũ lộ xây dựng Đoàn Thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, dân quân cứu quốc và đội tự vệ chiến đấu.
Đồng chí Đinh Quế - Bí thư chi bộ nhận định thời cơ đã đến vội cử đồng chí Phạm Khắc Quán, người của ấp Nghệ Tĩnh xuống tỉnh Khánh Hòa bắt liên lạc với xứ ủy Trung kỳ xin người lên chỉ đạo.
Đồng chí Bùi San cử đồng chí Trương Văn Hoàn và ba cán bộ Việt Minh lên Đà Lạt bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa. Ngày 21/8/1945 họ họp bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền và nhất trí thành lập Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Lâm Viên (bỏ tên tỉnh Lanbian), bầu ông Phan Đức Huy làm chủ tịch. Các ông: Ngô Huy Diễn, Trương Văn Hoàn, Đinh Quế, Phạm Khắc Quán, Nghiêm Nghị (tức Nguyễn Chí Điềm) làm ủy viên. Ủy ban quyết định ngày 23/8/1945 là ngày khởi nghĩa giành chính quyền. Và đêm hôm ấy, Ủy ban Việt Minh tỉnh và Thị tứ phân công nhau đến các cơ sở trao đổi kế hoạch với cán bộ đệ ngũ lộ và giao trách nhiệm cho ban giao liên đi về Sở trà Cầu Đất, Tổng Lạch (Lạc Dương) và các khóm, ấp báo ngày giờ tổng khởi nghĩa.
Nghe nói đến ngày khởi nghĩa, trong lòng mọi người đều rạo rực, người lo may cờ, biểu ngữ, người lo sắm giáo mác, rựa, nỉa... trẻ già, trai gái trông cho chóng sáng để lên đường đánh quân thù. Tờ mờ sáng ngày 23/8/1945, các trung đội du kích, tự vệ, dân các khóm ấp: Nghệ Tĩnh, Hà Đông, Trường Xuân, Tổng Lạch, Xuân An, Tân Lạc, Đa Thành, Lò Gạch, Đất Làng (Cầu Đất) đội ngũ chỉnh tề, vai vác vũ khí, tay cầm cờ đỏ sao vàng hay cờ đỏ búa liềm, mỗi ấp đều có băng rôn, biểu ngữ, trông thấy một màu đỏ rợp trời.
Ông Nghiêm Nghị, Ủy viên Quân sự Ủy ban Khởi nghĩa đứng trên sảnh cao, tay cầm loa tuyên bố:
Kính thưa đồng bào tỉnh Lâm Viên!
Đế quốc thực dân và bè lũ tay sai phong kiến đã áp bức bóc lột nhân dân ta. Chúng ta thà hy sinh không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Vì vậy Ủy ban Khởi nghĩa và Việt Minh tỉnh kêu gọi đồng bào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Giờ khởi nghĩa đã đến, chúng ta xông lên đánh đổ bọn đế quốc phong kiến trị vì trên lãnh thổ Lâm Viên!...
Tiếng ông Nghiêm Nghị vừa dứt, tiếng hô khẩu hiệu đáp lại như sấm:
- Đả đảo đế quốc phong kiến!
- Đả đảo Chính phủ Trần Trọng Kim!
- Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Minh muôn năm!
Họ vẫy cờ, một rừng cờ tung bay phấp phới trong ánh nắng mùa thu. Biển người chuyển động, chia ra ba hướng. Ông Đinh Quế dẫn đầu đoàn đi sang bao vây Dinh Tỉnh trưởng Ưng An. Hai tiểu đội lính khố xanh, bảo vệ dinh rã ngũ trốn sau vườn. Nghe tiếng hô khẩu hiệu vang rền như sấm, Ưng An chạy sang phòng làm việc định quay tê-lê-phôn sang đồn Bảo an cầu cứu. Máy điện thoại nhẹ tênh vì đã bị ta cắt đứt từ tối hôm qua. Biết thân phận mình, y đầu hàng.
Đoàn người do ông Nghiêm Nghị chỉ huy đi xuống bao vây đồn lính Bảo an. Quản Trang, trưởng đồn thấy biển người hô vang khẩu hiệu, y sợ hãi đầu hàng và giao nạp súng ống cho Việt Minh. Lá cờ đỏ sao vàng kéo lên đỉnh cột cờ, cờ tung bay phấp phới. Nhìn lá cờ được tự do bay phấp phới, mọi người đều vui sướng.
Dinh Tổng đốc Lâm - Đồng - Bình - Ninh bị bao vây, Trần Văn Lý ngoan cố không chịu ra hàng. Y nghe tiếng hô: Đả đảo đế quốc phong kiến vọng vào. Trung đội lính khố xanh vất súng, chạy ra hào trốn. Bị mất liên lạc với các đồn lính, y thấy mình bơ vơ.
Ông Trương Văn Hoàn hạ lệnh bắt giam Trần Văn Lý và thu giữ ấn tín, sổ sách và tài sản giao cho Ủy ban Khởi nghĩa quản lý.
Sau khi chiếm được đồn Bảo an, ông Nghiêm Nghị chia lực lượng đi sang nhà thờ Con Gà đánh đồn lính Cu-lít (Police: Cảnh sát), phá nhà tù, thả tù nhân chính trị ra. Một đoàn khác đánh chiếm đồn lính khố lục (khố xanh) treo cờ đỏ sao vàng lên. Chỉ trong một ngày, nhân dân tỉnh Lâm Viên đã nổi dậy, đập tan ách áp bức bóc lột của Pháp - Nhật và xóa bỏ chế độ phong kiến tại Đà Lạt.
Và đêm hôm ấy, Ủy ban Khởi nghĩa và Ủy ban Mặt trận Việt Minh đã bầu được Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên. Ông Phan Đức Huy làm Chủ tịch. Ông Đinh Quế làm Phó Chủ tịch Thường trực và năm ủy viên.
Tránh mũi phản công của quân đội Nhật, phái đoàn ngoại giao của Ủy ban Khởi nghĩa sang gặp Bộ Tư lệnh Nhật để đàm phán.
Trong lúc này, quân đội Nhật tại tỉnh Lâm Viên liên tiếp nhận được điện báo: Bắc kỳ, Trung kỳ, Đồng Nai Thượng... chính quyền lọt vào tay của Việt Minh. Quân Nhật đã đầu hàng vô điều kiện với quân đồng minh. Nay mai, quân Anh và quân Tưởng Giới Thạch sẽ lên tước vũ khí quân Nhật tại Lâm Viên...
Tiếp đoàn đàm phán, quân đội Nhật tạm thời hòa hoãn nhưng bọn chúng ngoan cố muốn chiếm Đà Lạt làm căn cứ để phản công, chiếm lại toàn cõi Đông Dương. Vì vậy, bọn chúng rải quân chiếm giữ các vị trí quan trọng như Khách sạn Palace, Hotel DuParc, nhà Dây thép (Bưu điện), nhà Dây thép gió (Te'légraphe sans files: vô tuyến điện), nhà Kho bạc, Nha địa dư, Viện Pasteur (pát-tơ) và Nhà máy đèn.
Ủy ban Cách mạng họp bàn nhận định:
- Tỉnh Lâm Viên là một tỉnh nhỏ nhưng tướng Yokoyama tư lệnh quân đội Nhật mới bổ sung thêm một ngàn quân lên Đà Lạt. Quân đội Nhật là đội quân thiện chiến, được trang bị vũ khí tối tân.
Bên ta mới giành được độc lập, tự do, các đội quân du kích, tự vệ chiến đấu được thành lập, chỉ có giáo mác mới làm quen với súng trường, nòng dài, bắn phát một; số súng này lấy của đồn lính Bảo an, lính khố xanh. Hiện nay, bên ta chưa có lực lượng vệ quốc quân, chỉ có dân quân tự vệ phải đương đầu với quân đội Nhật Bổn.
Quân đội Nhật đã khiêu khích vi phạm nền độc lập, chủ quyền của ta, nhân dân Lâm Viên phải đánh!...
Ngày 30/10/1945, đồng chí Nghiêm Nghị, ủy viên quân sự đã dàn trận: ba trung đội tự vệ, du kích đào hầm hào, chặt cây chất trên con đường vòng quanh cầu Ông Đạo làm chướng ngại vật. Họ được trang bị ba tiểu liên, hai trung liên, bố trí đánh chặn quân Nhật từ Đăng Kia xuống.
Các trung đội tự vệ, du kích khác được trang bị thêm súng trường, hai khẩu tiểu lên. Họ hành quân bí mật, cấp tốc bao vây các cơ quan đang bị quân Nhật chiếm đóng. Dựa vào gốc cây, hầm hố, góc tường ngắm bắn quân địch. Quân địch hốt hoảng nống ra. Hai bên giao tranh ác liệt. Chị em phụ nữ gánh cơm nắm, nước uống vào trận địa tiếp tế cho các chiến sĩ.
Cuộc chiến đấu diễn ra trong hai ngày. Tư lệnh quân Nhật đồng ý đình chiến và trao trả những người bị Nhật bắt cho đội Hồng thập tự tỉnh. Trong hai ngày giao tranh, bên ta tiêu diệt 28 tên Nhật và giao cho Nhật một số tên bị thương. Bên ta, 40 chiến sĩ hy sinh (1). Đội cứu thương cáng và điều xe ngựa chở 80 người bị thương về "nhà thuốc" của tỉnh chữa trị.
Họ đưa thi hài tử sĩ lên các đồi thông, một số đưa về Mả thánh chôn cất.
Với tinh thần căm thù giặc sâu sắc, gan vàng đọ sắt thép, dân quân tự vệ, du kích Đà Lạt đã chiến đấu với quân Nhật để bảo vệ chủ quyền, giành độc lập tự do.
Trận chiến đấu ngày 30/10, quân Nhật cho đây là trận thua đau đầy nhục nhã, nên ngày 9/11 Bộ Tư lệnh Nhật tại Nam Kỳ điều 40 chiếc xe quân sự chở 300 tên lính từ đèo B'Lao tiến lên. Bọn chúng lọt vào trận địa phục kích, bị quân ta đánh cho tơi tả, buộc quân Nhật phải rút lui về đóng tại đồn điền Didier. Ngày sau, bọn chúng củng cố lực lượng, trấn an tinh thần binh lính, chở quân tiến lên Đà Lạt. Quân Nhật nội thị phối hợp đánh chiếm lại các công sở.
Thực hiện kế hoạch đánh chiếm lại cực Nam Trung Kỳ, quân đội Pháp dựa vào lực lượng quân đồng minh. Ngày 27/1/1946, 140 xe quân sự chở đầy ắp lính Pháp, có pháo binh, xe thiết giáp yểm trợ, quân địch đánh vào phòng tuyến Trại Mát, phòng tuyến Phi Nôm (D'Ran). Hơn một trăm ngày đêm, quân ta dũng cảm chiến đấu với quân Pháp và Nhật. Quân địch bị thiệt hại nặng. Để bảo toàn lực lượng, quân đội ta cùng đồng bào sơ tán tạm lánh xuống Đá Trắng (Ninh Thuận) và vùng Suối Hộ, Suối Đa - Đa Nham (Bình Thuận). Ông Chung Văn Năm, ông Ngô Huy Diễn, Thư ký Tỉnh bộ Việt Minh đã hy sinh. Ông Phan Đức Huy và cán bộ ủy ban tỉnh chuyển xuống Ninh Thuận. Cấp trên điều động ông Đinh Quế, ông Nghiêm Nghị ra Hà Nội. Tỉnh Lâm Viên lại lọt vào tay quân Pháp. Vì vậy, chiến công ngày 30/10 và thi hài 40 liệt sĩ vô danh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Đà Lạt.
Tính ngày ấy đến ngày hôm nay, sáu mươi tám năm trôi qua, trận chiến đấu đầu tiên (30/10) của nhân dân Đà Lạt đã lập được chiến công lừng lẫy, một bản anh hùng ca bất diệt chưa được tôn vinh xứng đáng ngang với tầm vóc lịch sử!
Máu thịt của 40 chiến sĩ vô danh đã tô thắm đất trời Đà Lạt. Các rừng thông xanh mướt, lá thông reo đêm ngày như ước mong các vị sử học, các nhà chính trị lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp xây một tượng đài khắc dòng chữ: Nhân dân tỉnh Lâm Viên khởi nghĩa giành độc lập, tự do (23/8/1945) và một bia mộ 40 liệt sĩ vô danh để cho con em và du khách đến Công viên hoa Đà Lạt được thắp nén nhang tưởng nhớ đến trang sử này.
Ghi chép: Nguyễn Thái Huyền