Hai bên con sông, hàng chục buôn Mạ đã cư trú từ lâu đời, nhưng chia làm hai nhóm. Từ dốc Kon Oh về Đạ Tẻh là các buôn Mạ Xộp, từ dốc Kon Oh lên thượng nguồn là các buôn Mạ Đạ Đờng.
[links()]Khởi nguồn từ các khe núi hẹp của ngọn Bun Trao, sông Đạ Tẻh len lỏi qua các dãy đồi, chảy về hướng tây, con nước ngày một lớn, nhờ nhận thêm nước của gần hai chục con suối nhỏ đổ vào. Sau khi vượt dốc Kon Oh cao gần 300m, con sông chảy trên cánh đồng Đạ Tẻh, rồi chính nó lại gom nước đổ vào sông mẹ Đạ Đờng sau đoạn đường gần 50 km. Hai bên con sông, hàng chục buôn Mạ đã cư trú từ lâu đời, nhưng chia làm hai nhóm. Từ dốc Kon Oh về Đạ Tẻh là các buôn Mạ Xộp, từ dốc Kon Oh lên thượng nguồn là các buôn Mạ Đạ Đờng.
Nét đẹp buôn làng. Ảnh: Phan Văn Em |
Từ buôn Hăng Kar đổ về hướng tây, dọc sông Đạ Tẻh và các chi lưu của nó có nhiều buôn. Giáp với ngọn Đăng Cing là buôn B’Tạch, buôn này ở trên vùng đất ven sông, ẩm thấp, nhiều bàu nhỏ quanh buôn, ven bàu có nhiều cây mâm xôi (Tạch lộ) mọc. Đến mùa quả, cả vùng đầy những bụi gai, có quả chín mọng, màu đỏ tươi, nhiều nước, thành chùm nhỏ, ăn chua chua ngọt ngọt, có thể giải khát được, nên buôn có tên như thế.
Qua một quãng là đến buôn B’Lạch A. Buôn vốn ở trên một ngọn đồi thấp, không có cây cối, chỉ toàn cỏ chỉ nên mang tên là B’Lạch - buôn ở vùng đất trơ trụi. Buôn này có rừng thiêng trên ngọn Đăng Cing. Truyện truyền miệng ở buôn B’Lạch A kể rằng, ngày xưa, khi buôn mới dời đến vùng đất này, buôn phát rẫy trên ngọn đồi sau buôn, đất rất tốt, nhiều tro than nhưng trồng lúa thì chỉ được hạt lép. Dân làng đói phải làm bột xà bu, đào củ mài, củ chụp để ăn thay cơm. Già làng cúng Giàng, được Giàng chỉ chỗ trên rẫy, đào lên được cái chiêng đồng to bằng miệng chiếc xà bớ đựng lúa, đem về làm chiêng mẹ (cing me) trong bộ chiêng làm lễ cúng Giàng. Từ đó buôn không còn bị mất mùa nữa và ngọn đồi tìm được chiêng được gọi là Đăng Cing. Trong thời kháng chiến, người du kích của buôn B’Tạch tên là K’Vét đã dùng súng CKC bắn rơi chiếc máy bay trực thăng chở tư lệnh sư đoàn I kỵ binh Mỹ trên ngọn Đăng Cing này.
Vùng núi Đăng Cing có nhiều cây xà bu, một cây tựa như cây dừa, trong thân có bột. Muốn lấy bột thì cưa cây xà bu ra thành từng khúc, dùng dao đẽo mỏng gỗ thành dăm bào rồi giã nhỏ ngâm nước một đêm. Sau đó chắt lấy bột đọng thành lớp dưới đáy, nhìn giống như bột khoai mỳ, lấy lớp bột ấy sấy khô, có thể cất dùng dần. Cây xà bu có hai loại, một loại cho bột màu hồng nhạt, một loại cho bột màu trắng, cả hai loại đều ăn được. Bột xà bu có thể khuấy nước nấu thành cháo hoặc nhào bột với nước, nặn thành bánh đem luộc chín, ăn hơi dai, nhưng no bụng, có thể thay cơm vài bữa. Ăn bột xà bu lâu ngày, người không có sức, chân run rẩy, không đi đường núi đường đồi được nữa.
Trên các dãy đồi thấp ven Đạ Tẻh, có rất nhiều củ mài, củ chụp… Củ mài hay Hoài Sơn là một loại dây leo nhỏ, có củ mọc thành chùm, luộc ăn khá ngon, có vị gần giống củ từ của người Kinh. Còn dây Chụp, tiếng Mạ gọi là “Pùm xiết”, mỗi dây chỉ có một củ, nhưng rất dài, có khi đến hai, ba mét. Khi đào củ, người ta không đào hố lớn mà chặt một cây lồ ô, chẻ đầu cây ra làm 8 mảnh, vót nhọn đầu gọi là cây chụp. Dùng cây này chọc lấy đất quanh củ, chừng nửa tiếng đồng hồ có thể đào sâu hơn một mét. Vì vậy loại củ này có tên gọi bằng công cụ đào nó là củ Chụp. Ít người có thể đào hết củ Chụp, phần lớn đều bẻ gẫy lưng chừng, nhưng như thế cũng đủ, vì củ thường to khoảng một tay, một đoạn chừng gang tay là đủ cho hai người ăn một bữa.
Dựa lưng vào Đăng Pàng Per là B’Lạch A, B’Lạch B, hơi chếch về hướng bắc là B’Trou Đăng, B’Trou Đạ nằm dọc theo con suối Đạ Tẻh. Từ buôn B’Trou Đăng có đường cắt ngang đỉnh Pàng Per sang buôn Đăng Đừng bên kia núi, nhưng con đường này ít người đi vì trên núi Pàng Per có nhiều cọp dữ. Ngay cạnh buôn B’Trou Đăng là đất của buôn B’Nao, buôn ở đầm lầy. Sở dĩ có tên này vì buôn nằm cạnh một vùng trũng kẹp giữa hai dãy đồi thấp tên là Nao Lùng - Đầm lầy giống cái tô. Ngày trước, trảng Nao Lùng mọc rất nhiều địa lan ra hoa màu trắng hồng vào mùa mưa, tên dân gian gọi là Trúc Lan vì thân giả của loài lan này có đốt, khá giống thân cây trúc. Trên núi Pàng Per có rừng Giàng của hai buôn B’ Trou. Người B’Trou nói rằng ông tổ của họ là K’Per đã đến sinh sống ở núi này sinh con đẻ cái, qua nhiều đời truyền lại đến ngày nay. Núi Pàng Per cũng là ngọn núi thiêng của các buôn Mạ quanh vùng.
Tại buôn B’Trou Đăng, cuối tháng 3 năm 1975, một trận địa pháo gồm 2 khẩu 130 ly đã được lập trên ngọn đồi nhỏ ven suối Đạ Tranh, để bắn vào trung tâm thị xã Bảo Lộc. Pháo được kéo từ Tà Lài - Long Khánh về dốc Ma Thiên Lãnh - Đạ Huoai rồi vượt đèo Kon Oh lên suối Đạ Tranh buôn B’ Trou. Đoạn đường gần 40 cây số, được làm một phần bằng xe cơ giới, một phần bằng sức người trong vòng một tuần lễ.
Vùng rừng hai buôn B’Trou còn có một loại cây khác, lá non và lá bánh tẻ ăn được, vị hơi chua gọi là si Trou, người Mạ thường nấu canh bằng loại lá này. Vị ăn như canh chua của người Kinh, nếu có ít lá R’nhao thêm vào thì canh càng ngon, giống như có bột ngọt vậy. Buôn sống ở vùng rừng có nhiều cây Trou nên tên buôn cũng chính là tên của loại cây này. Cách buôn B’Trou Đăng khoảng một tầm xà gạc về hướng tây, là buôn Đăng Nar, buôn ở trên đồi có cục đá thần tên Nar. Chuyện truyền miệng ở buôn Đăng Nar:
Ngày xưa lâu lắm rồi, buôn làng mất mùa. Ba năm liền, rẫy chỉ cho một ít lúa con, lúa mẹ cũng ít, lúa lép nhiều hơn lúa mẩy. Chòi lúa các nhà chưa đến mùa phát rẫy mà không còn hạt lúa nào, mọi người phải vào rừng tìm đọt mây, củ mài, củ chụp ăn thay cơm. Già làng đã nhiều đêm không ngủ, hút hết cả bù lơ thuốc mà vẫn không tìm được cách gì cho con cháu khỏi đói, cuối cùng ông quyết định phải tìm đất mới dời buôn. Nhưng đi đâu bây giờ, thôi thì phải hỏi Giàng, thế là già làng và ông Bơjủ của làng đem con gà trống lên rừng Giàng cúng, xin Giàng cho đất mới. Giàng đồng ý, cho buôn dời đến vùng núi có tảng đá thần. Giàng bảo: Tảng đá thần ấy tên Nar, hình như chóp núi Pang Per, nằm trên đồi cao, có cây si Cle mọc bên trên, khe của tảng đá có nước thần chảy ra. Cả buôn đi tìm hết bảy đêm mới thấy nơi có tảng đá như Giàng chỉ, nên già làng cho dời buôn, đến ngọn đồi có tảng đá ấy. Từ đó buôn được gọi là Đăng Nar, buôn trên đồi có tảng đá Nar. Hàng năm, trước mùa phát rẫy, buôn Đăng Nar luôn cúng Giàng tảng đá trước khi cúng Giàng rừng và không năm nào buôn Đăng Nar bị mất mùa nữa. Tảng đá Nar đến nay vẫn còn, dù buôn Đăng Nar không còn ở nơi cũ nữa, nhưng vẫn du cư quanh vùng núi ấy và vẫn cúng Giàng đá Nar trước mỗi mùa phát rẫy.
Kỳ V: Các buôn dọc Đạ Lai
Ghi chép: NINH THẾ HÙNG