Chân dung bác sĩ Yersin được kết từ 10 ngàn hạt đậu

09:08, 20/08/2013

(LĐ online) - Bức tranh được hoạ sĩ kiên nhẫn làm trong thời gian dài, tranh có chiều cao 1,5 mét và chiều rộng là 1,1 mét. Toàn bộ bức tranh này phải sử dụng hết 6kg hạt đậu của 9 loại đậu khác nhau là đậu ngự, đậu tương, đậu đen, đậu đỏ, đậu phụng, đậu nành, đậu  ván, đậu Hà Lan, đậu cô ve.

(LĐ online) - Họa sĩ Vi Quốc Hiệp vừa hoàn thành bức tranh chân dung bác sĩ Alexandre Yersin đầy ấn tượng. Bức tranh được kết công phu, tỉ mỉ với hơn 10.000 hạt đậu của 9 loại đậu khác nhau. 
 
Theo họa sĩ Vi Quốc Hiệp, đây là một trong số 120 bức tranh mà ông chuẩn bị cho đợt triển lãm cá nhân của mình vào đầu tháng 11 tới, nhân kỷ niệm Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển. 
 
Bức tranh được hoạ sĩ kiên nhẫn làm trong thời gian dài, tranh có chiều cao 1,5 mét và chiều rộng là 1,1 mét. Toàn bộ bức tranh này phải sử dụng hết 6kg hạt đậu của 9 loại đậu khác nhau là đậu ngự, đậu tương, đậu đen, đậu đỏ, đậu phụng, đậu nành, đậu  ván, đậu Hà Lan, đậu cô ve.
 
Hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp bên bức tranh bác sĩ Yersin kết bằng hạt đậu.
Vi Quốc Hiệp đang kỳ vọng tác phẩm độc đáo này sẽ gây được sự chú ý của người xem trong đợt triển lãm cá nhân của mình vào đầu tháng 11 tới, nhân kỷ niệm Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển. 

Từ trước đến nay rất nhiều người làm tranh bằng những chất liệu lạ như gạo, vỏ thông, ốc biển… nhưng làm tranh bằng hạt đậu thì đây là người đầu tiên – hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp khẳng định. 

Sở dĩ ông chọn làm một bức tranh ấn tượng nhất cho cuộc triển lãm sắp tới bằng hạt đậu vì loại chất liệu này chưa có ai làm, hơn nữa sau khi bác sĩ Alexandre Yersin tìm ra vùng đất nghỉ dưỡng Đà Lạt vào năm 1893 thì một trong những cơ sở được thành lập đầu tiên là một trạm nghiên cứu về canh nông mà các loại giống đậu người Pháp đưa vào Việt Nam cũng rất nhiều, tiêu biểu trong số đó là đậu Hà Lan đặc sản Đà Lạt ngày nay.
 
“Khi làm tranh bằng hạt đậu, màu của tranh hoàn toàn tự nhiên, không phải dùng kỹ thật xử lý màu. Các loại đậu mua rất dễ dàng ở chợ, về nhà tiếp tục phơi thêm cho hạt đậu thật khô, xử lý sơ qua loại thuốc chống sâu mọt là có thể thực hiện được bằng cách dán từng hạt đậu lên tranh bằng loại keo sữa màu trắng. Sau Khi hoàn thành, bức tranh hạt đậu được quét thêm một lớp dầu bóng, độ bền sẽ rất cao mà không thay đổi màu tự nhiên của hạt đậu” – hoạ sĩ Vi Quốc Hiệp cho biết. 
 
Bố cục bức tranh rất hài hòa, với gam màu ấm áp, nhẹ nhàng. Khi xem bức chân dung  bác sĩ Yersin được kết bằng các hạt đậu này, mọi người có thể nhận ra trong tranh còn xuất hiện dãy núi Langbian hùng vĩ vủa cao nguyên Lâm Viên với hai ngọn núi cao như đôi gò bồng đảo của thiếu nữ đang tràn đầy sức sống, những tầng mây trắng xóa bao quanh các thung lũng. 
 
Ở một góc khác của bức tranh này là các thác nước nổi tiếng của Đà Lạt, ngôi nhà rông của người dân tộc bản địa cùng các loài hoa tự nhiên mọc dại ven đường ở phố núi là hoa cúc quì, hoa margaret. 
 
Vi Quốc Hiệp đang kỳ vọng tác phẩm độc đáo này sẽ gây được sự chú ý của người xem bên cạnh 120 bức tranh sơn dầu với chủ đề, Biệt thự cổ Đà Lạt trong đợt triển lãm tới  nhân kỷ niệm Đà Lạt 120 năm tuổi.
 
QUỐC DŨNG