(LĐ online) Ngày 16/8, Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Lý Hoàng Long chính thức cho biết: Tại thời điểm 0h00 (thời điểm cuối cùng nhận ảnh), có 2.037 tác phẩm của 286 tác giả (43 tác giả của Lâm Đồng) gửi tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật Khu vực Đông Nam bộ lần thứ 21 năm 2013 do Lâm Đồng đăng cai...
(LĐ online) Ngày 16/8, Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Lý Hoàng Long chính thức cho biết: Tại thời điểm 0h00 (thời điểm cuối cùng nhận ảnh), có 2.037 tác phẩm của 286 tác giả (43 tác giả của Lâm Đồng) gửi tham gia Liên hoan Ảnh nghệ thuật Khu vực Đông Nam bộ lần thứ 21 năm 2013 do Lâm Đồng đăng cai. Đây là Liên hoan có số lượng tác phẩm đạt kỷ lục từ trước tới nay và cũng là lần đầu tiên tác phẩm được chấm bằng kỹ thuật số.
Nhiều “sân chơi” rộng lớn
Năm 2013, giới nhiếp ảnh chuyên và không chuyên ở Lâm Đồng được dịp thử tay máy của mình nhiều bởi có nhiều cuộc thi về ảnh nghệ thuật. Ngoài Liên hoan ảnh của khu vực Đông Nam bộ còn có các cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013 (VN-13); “Việt Nam toàn cảnh” (Vietnam Panorama ) lần I; ảnh về đề tài “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” và sáng tác văn học-nghệ thuật chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển…
“Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ” gồm 8 tỉnh tham gia là : Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước với đề tài “Đất nước - Con người Đông Nam bộ”. Nội dung ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người khu vực Đông Nam bộ. Mỗi tác giả gửi tối đa 8 ảnh màu hoặc đen trắng. Phương thức chấm chọn là các giám khảo chấm độc lập trên phần mềm chấm ảnh online chuyên dụng. Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng Phạm Quốc Ca cho biết: Sẽ chọn ảnh triển lãm vòng 1 từ ngày 20-22/8, vòng 2 từ ngày 23-25/8 và vòng 3 từ ngày 26-27/8; sau đó, ngày 28/8 sẽ công bố ảnh được triển lãm để các tác giả phóng ảnh triển lãm tại Nhà khách Công đoàn (đường Yersin, Đà Lạt) vào ngày 7-8/9 và sẽ tiếp tục triển lãm vào tháng 12/2013 nhân dịp Kỷ niệm Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển. Từ ngày 16/8, bạn đọc truy cập vào http://lienhoananhdnb.com cùng thưởng thức.
Trẻ em Mông nơi quê mới Tây Nguyên |
Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013 (VN-13), do VAPA tổ chức và sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP). Cuộc thi với đề tài gồm 4 nội dung, chung cho ảnh màu và đơn sắc: Tự do; Thiên nhiên; Du lịch và Chân dung nghệ thuật. Mỗi tác giả gửi tối đa 4 ảnh cho mỗi nội dung; mỗi ảnh chỉ gửi ở 1 nội dung. Ảnh dự thi chưa từng đoạt giải hoặc trưng bày triển lãm ở các cuộc thi quốc tế có ký hiệu VN (…) hoặc cuộc thi cấp quốc gia do của VAPA tổ chức hoặc phối hợp tổ chức tại Việt Nam trước đây. Hạn nhận ảnh cuối cùng hết ngày 31/8/2013; chấm ảnh từ 27/9 đến 02/10; thông báo kết quả ngày 5/10 và trao giải thưởng, khai mạc triển lãm tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2013. Hội đồng giám khảo bao gồm các NSNA Việt Nam, Singapore và Indonesia.
Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Việt Nam toàn cảnh”(Vietnam Panorama ) lần 1 sẽ kết thúc ngày gửi ảnh lúc 17h ngày 24/11/2013. Đề tài của cuộc thi là “Phong cảnh Việt Nam quê hương tôi”. Chủ đề là phong cảnh địa danh, nhằm tôn vinh và góp phần bảo tồn, quảng bá hình ảnh đẹp quê hương Việt Nam ra khắp năm châu, giúp du khách cảm nhận Việt Nam là một điểm đến giàu tiềm năng du lịch, thân thiện và hấp dẫn…Ảnh có thể xử lý bằng mọi kỹ thuật và mỗi tác giả được gửi tối đa 20 ảnh (màu hoặc đen trắng). Chấm ảnh sơ khảo trên mạng vào ngày 4/12 và sẽ tuyển chọn 99 ảnh để triển lãm. Sau đó, chấm ảnh công khai, chọn 11 tác phẩm vào giải vào ngày 15/12 và sẽ trao giải thưởng, vinh danh tác giả và tác phẩm cùng lễ khai mạc triển lãm vào ngày 27/12.
Cuộc thi ảnh nghệ thuật về đề tài “Sắc màu các dân tộc Việt Nam” do VAPA và Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là cuộc thi mang hơi thở thời sự rõ nét với nội dung phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, phong tục tập quán, truyền thống văn hoá, đặc biệt là các dân tộc thiểu số. Theo đó, phản ánh công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa; các phong trào học tập, bảo vệ môi trường, an ninh - quốc phòng; những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới…Không hạn chế số lượng ảnh dự thi và chấp nhận ảnh bộ, mỗi bộ được coi là một tác phẩm, không quá 5 ảnh. Không chấp nhận tác phẩm đã đoạt giải, trưng bày triển lãm tại các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế (có ký hiệu VN...) do VAPA tổ chức hoặc phối hợp tổ chức trước đây. Hạn nhận ảnh hết ngày 30/7/2014.
Giải thưởng cuộc thi quốc tế được trao Huy hiệu xanh và các Huy chương của FIAP đồng thời các Huy chương của VAPA; các cuộc thi quốc gia được trao các loại Huy chương của VAPA, Huy tượng và kèm theo các giá trị tiền mặt, các điểm xét danh hiệu, tước hiệu…
Hẹp hơn, đó là “Cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển” phản ánh, ca ngợi quê hương và con người Đà Lạt trên mọi lĩnh vực. Tác phẩm chưa công bố trên báo chí và phương tiện truyền thông. Mỗi tác giả gửi tối đa 5 tác phẩm đơn hoặc bộ (5-7 ảnh) gồm màu hoặc đen trắng. Giải thưởng: 1 giải A+5 triệu đồng; các giải B, C và Khuyến khích tùy số lượng và chất lượng dự thi, trong đó B 3 triệu đồng, C 2 triệu đồng và Khuyến khích 1 triệu đồng/giải. Thời gian 0và nơi nhận: Từ 01/10 đến 16h30 ngày 31/10/2013, tại Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng, 2 Nguyễn Du, Đà Lạt, Lâm Đồng.
Bước chuyển giao thế hệ chưa rõ
Trao đổi về tình hình sáng tác ảnh nghệ thuật ở Lâm Đồng, NSNA Lý Hoàng Long, EVAPA, ủy viên Ban chấp hành, ủy viên Hội đồng nghệ thuật của VAPA nhận xét: Tiềm năng nhiếp ảnh của Lâm Đồng đa số đang chững lại, các tay máy cựu trào đã lớn tuổi, một phần vì công việc nhiều nên ít đi, sáng tác bế tắc và “gu” không mới. Trong lúc đó, anh em trẻ có ưu thế năng động, đam mê nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Thực trạng này cho thấy, nhiếp ảnh Lâm Đồng đang rơi vào giao thời và chưa có sự kết nối được giữa các thế hệ, nhất là ở Đà Lạt. Ở Bảo Lộc, tình hình khả quan hơn vì NSNA Văn Thương bước đầu tạo đã được không khí dìu dắt của lớp cao tuổi và sự tiếp cận hào hứng từ lớp trẻ.
Một nguyên nhân khác, ở Đà Lạt, các tay máy còn ngại tham gia cọ xát với các “sân chơi” lớn, chỉ chia sẻ với nhau qua diễn đàn mạng. Với hình thức này sẽ khó tiến bộ về tay nghề vì không chịu sự ràng buộc khắt khe từ các cuộc thi. Về xu thế ảnh nghệ thuật hiện nay, NSNA Lý Hoàng Long cho rằng: 10 năm nay, ảnh nghệ thuật lạm dụng kỹ thuật photoshop. Mặc dù nhiều cuộc thi cho phép sự can thiệp nhiều của kỹ thuật số nhưng tâm lý của đa số thành viên ban giám khảo đều thích những bức ảnh chụp khoảnh khắc. Ánh sáng, bố cục và màu sắc vẫn là những yếu tố được đông đảo giám khảo tìm đến.
Về chủ đề các cuộc thi vẫn tập trung phản ánh đất nước-con người ngoại trừ chủ đề hẹp và ảnh phổ biến kích thước 30x45cm. Theo NSNA Lý Hoàng Long, ảnh của miền Nam ít có thể hiện mới lạ, tuy rất đẹp. Đây là sự bế tắc cả 2 phía: ban giám khảo và tác giả. Hy vọng, năm 2013 với nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật đang diễn ra sẽ là cơ hội lớn để các tay máy chuyên và không chuyên Lâm Đồng gặt hái những thành tựu bất ngờ.
TĨNH XUYÊN