Diễn xuất là lẽ sống của người diễn viên

02:08, 14/08/2013

Nét mặt vẫn tươi trẻ, phong cách vẫn hào hoa. Chàng diễn viên điện ảnh tài năng và hào hoa từng làm mưa làm gió một thời trên màn bạc nước nhà đã quá tuổi thất thập. Trung úy Phương trong Nổi gió, Ba Duy trong Mối tình đầu, Trịnh Sâm trong Đêm hội Long Trì hay Nguyễn Hữu Chỉnh trong Tây Sơn hào kiệt…

Nét mặt vẫn tươi trẻ, phong cách vẫn hào hoa. Chàng diễn viên điện ảnh tài năng và hào hoa từng làm mưa làm gió một thời trên màn bạc nước nhà đã quá tuổi thất thập. Trung úy Phương trong Nổi gió, Ba Duy trong Mối tình đầu, Trịnh Sâm trong Đêm hội Long Trì hay Nguyễn Hữu Chỉnh trong Tây Sơn hào kiệt… Hơn 60 vai diễn trong chặng đường 50 năm theo nghiệp diễn viên của mình, NSND Thế Anh tạo dựng cho mình một sự nghiệp điện ảnh quý giá bằng tài năng, trí tuệ và miệt mài lao động nghệ thuật…                    

Vạn sự khởi đầu… từ trung úy Phương

- Học giỏi toán, muốn trở thành kỹ sư vô tuyến điện, nhưng lại làm công nhân quốc phòng rồi về học sư phạm toán. Nhưng có những ngã rẽ không thể tính trước được, ngã rẽ ấy đã dẫn cuộc đời ông theo nghiệp nghệ thuật trọn cả cuộc đời…

- Vâng, đó là việc tôi trúng tuyển vào lớp đào tạo diễn viên của Trường Nghệ thuật sân khấu - điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Hồi đó có 600 người thi, lấy 30 người. Giám khảo là các đạo diễn nổi tiếng từ Liên Xô sang cơ đấy…

- Đến giờ ông có nghĩ, đó là sự may mắn?

- May mắn, không đâu! Các vị giám khảo chuyên nghiệp và khó tính lắm. Sau vòng sơ tuyển là nhập vai tiểu phẩm do ban giám khảo đặt ra. Tôi diễn cái vai anh chàng tình báo đột nhập cơ quan chỉ huy của địch để lấy cắp tài liệu. Các đạo diễn Liên Xô xem xong là “kha-ra-sô” (tốt) ngay! Có lẽ là do từ nhỏ tôi đã mê xem phim, rồi lại có cái tài bắt chước và tán phét cũng bốc. Mà hồi đó, dù khiêm tốn nhưng cũng xin nói thật là tôi đẹp trai ngời ngời, to cao lồng lộng, họ không chọn thì cũng…phí. (cười).

- Có thể nói, với vai trung úy Phương trong phim Nổi gió của đạo diễn Huy Thành (chuyển thể từ vở kịch nói cùng tên của Đào Hồng Cẩm), anh đã nổi tiếng ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp điện ảnh…

- Năm 1965 tốt nghiệp, ra trường về Nhà hát kịch nói, diễn vài vai lằng nhằng. Đến năm 1966, khi đạo diễn Huy Thành và nhà quay phim Đăng Bảy tìm đến và bảo chụp vài tấm ảnh xem có hợp vai hay không rồi kéo tôi qua Xưởng phim bắt mặc bộ đồ sĩ quan Ngụy vào, hai ông vừa ngắm vừa xuýt xoa “trung úy Phương đây rồi”. Hai ông nói vậy bởi trước đó đã mời diễn viên khác thủ vai, quay được 400m phim rồi nhưng không đạt, phải bỏ và tìm diễn viên thay thế. Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi hoàn toàn chuyển sang hướng khác từ đó. Hồi đấy, sau khi bộ phim Nổi gió công chiếu khắp miền Bắc, tôi nổi tiếng như cồn. Đến mãi sau này, những người cùng thời vẫn nhớ đến tôi là nhớ trung úy Phương.     
             
- Ông lý giải về thành công của vai diễn đó?

- Hoàn cảnh lịch sử của đất nước đã tạo nên chất liệu của bộ phim, chất liệu của các nhân vật. Tôi vào vai trung úy Phương như các bạn đã biết, một sĩ quan Việt Nam cộng hòa có học, đẹp trai, lịch lãm nhưng lầm đường, lạc lối. Sau một quá trình nhận thức, trải nghiệm thực tiễn, anh ta đã quay về với cách mạng, về trong vòng tay người thân, đồng bào, quê hương. Tôi đã hóa thân vào nhân vật trung úy Phương bằng tất cả cảm xúc, mặc dù hồi đó hiểu biết về con người, vùng đất Nam Bộ còn mù mờ lắm. Cũng may là được công chúng chấp nhận và yêu mến. Cha ông nói, “vạn sự khởi đầu nan”, nghiệp diễn của tôi khởi đầu từ…trung úy Phương.             

Học đã rồi hãy diễn  

- Trong căn nhà này của ông, tôi được ngắm rất nhiều poster giới thiệu về các bộ phim do ông đóng, và cả những bộ phim nước ngoài nổi tiếng mà có lẽ do ông thích nên lưu giữ…

- Quá khứ của tôi, những năm tháng quý giá của đời tôi đấy. Anh nhìn lên các poster thì biết, cái may mắn của tôi là hầu hết phim tôi đóng đều được công nhận là phim kinh điển của điện ảnh nước nhà. Còn poster những tác phẩm điện ảnh thế giới, đó là những bộ phim, những đạo diễn, diễn viên tôi từng xem, từng học tập họ với tất cả sự ngưỡng mộ, hứng thú.

- Căn nhà này do ông xây dựng từ thù lao nghệ thuật của mình?

- Ối giời, không có đâu! Đó là tiền bố tôi cho đấy. Ông cụ làm bác sĩ bên Pháp, có tích lũy chút vốn liếng nên gửi về cho hồi cụ còn sống. Chứ làm diễn viên kiểu như tôi thì còn lâu mới cất nổi căn nhà dài rộng 4m, dài 20m, 4 tầng lầu ở ngay mặt tiền trung tâm Sài Gòn như thế này!...

- Nghe nói là ông rất chăm chỉ học, đến bây giờ vẫn học?

- Mẹ tôi nói, bố tôi ngày xưa ngâm chân trong nước nóng kẻo buồn ngủ, cắt trọc tóc để làm xấu trai kẻo đi chơi, chỉ chuyên chú học. Rồi ông được cấp học bổng đi Pháp làm bác sĩ. Anh trai Nguyễn Thế Hùng của tôi cũng là một phó giáo sư, tiến sĩ dạy bậc đại học. Tôi cũng tiếp nối truyền thống gia đình, mê học. Hồi nhỏ thì mê toán. Đi làm diễn viên thì học đủ mọi lĩnh vực. Tôi cũng thạo hai ngoại ngữ, Pháp và Anh nên có thể tiếp cận với các tác phẩm nước ngoài bằng nguyên bản. Diễn xuất, với tôi là lẽ sống của người diễn viên. Có bản năng gốc, nhưng vẫn phải được học. Học trong nước, học cả ở ngoài nước. Nếu nền tri thức kém thì sẽ thiếu chất bác học trong diễn xuất…

- Lao động nghệ thuật là một quá trình tích lũy, trải nghiệm không ngừng nghỉ…

- Đúng như vậy, học cả đời cũng không thấy đủ. Ngay mỗi vai diễn, mình đã phải học từ những chi tiết nhỏ đến tư tưởng lớn. Để nhập vai chúa Trịnh Sâm hay Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh, tôi đọc không biết bao nhiêu là sách lịch sử. Miền Nam mới giải phóng, được phân vai Ba Duy trong phim Mối tình đầu, tôi vào TP HCM lăn lộn đến từng chợ lớn, hẻm nhỏ, thậm chí vào tận động ma túy, mại dâm để xem nhân vật của mình đã “sống” trong đó như thế nào. Từ một sĩ quan ta, đến sĩ quan địch, từ một ông giám đốc đến thằng biệt kích, mình phải biết họ thế nào thì mới “làm” cho ra họ được chứ. Cả đời mình, tôi luôn nhắc mình câu: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”. Phải động  não, sáng tạo thường xuyên khi làm nghệ thuật.

- Ông rất mê phim nước ngoài. Một trong những lý do có lẽ là do ông cảm nhận được giá trị lao động nghệ thuật của họ thể hiện qua những tác phẩm điện ảnh đặc sắc?

- Đó là một lý do không thể chối cãi. Cái gì cũng có giá của nó. Hôm xem xong phim “Mây Atlas”, tôi quay sang nói với một cô nhà báo, thế này thì bỏ  nghề đi cho xong. Còn lâu nữa, chúng ta mới có thể làm được những phim hay như vậy. Chúng ta còn lâu mới có được đạo diễn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Lý An. Tôi mà gặp Lý An, tôi chắp tay lạy ông ấy ba lạy. Xem “Lincohn”, thấy tay Daniel Day - Lewis đóng, mình nghĩ, tài nghệ  đến thế thì thôi, khó ai hơn kịp. Năm trước, xem Meryl Streep đóng bà đầm thép Thatcher, đã phục sát đất. Năm nay lại được xem “Lincohn”. Nhưng tìm hiểu mới biết, để có một “Lincohn”, đạo diễn mất mười năm trời nghiên cứu và diễn viên thì bỏ ra một năm rưỡi để tập tành cách đi đứng, nói năng của ngài tổng thống ngày xưa. Hay phim “Nghệ sĩ” - giải Oscar năm ngoái, cái tay diễn viên diễn với con chó của hắn mới giỏi làm sao…   

Đau đáu nỗi niềm điện ảnh

- Ông khâm phục ai nhất trong số các đạo diễn, diễn viên của điện ảnh nước nhà hiện nay?

- Anh hỏi thế, nhưng tôi biết, anh biết chắc là tôi sẽ không trả lời câu hỏi này.  Để tôi đọc lại cô nghe một trong những nhận xét của nhà văn hóa Đào Duy Anh trong cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” về đặc tính của người Việt mình: “Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài”.

- Lâu nay ít thấy NSND Thế Anh xuất hiện với vai trò diễn viên?

- Anh hỏi là sao tôi không chịu đi đóng phim nữa? Nói thật, cũng có mấy lần định đi, nhưng rồi không chịu đựng được cách làm phim thiếu chuyên nghiệp hiện nay, nên từ chối. Điện thoại hẹn 8 giờ sáng quay, lình sình đến 15-16 giờ mới quay. Ra phim trường, thiếu hết cái nọ tới cái kia. Kịch bản thì đoàn phim rút ra  5-7 tờ giấy, chìa cho mình: Đây, phần vai ông đây, ông nói thế này, ông nói thế kia. Tiền công thì trả theo lối cũ… Thế  là tôi “Au revoir” (tạm biệt). Tên tuổi mình trong nền điện ảnh cũng đến thế rồi. Thôi, chừng nào có ông đạo diễn giỏi làm phim cho tôi đóng; đóng xong, người ta nói là tôi đóng hay quá, xuất sắc quá thì tôi đóng.

- Hay là ông mải hoài niệm về một thời hào quang mà quên chuyện làm phim bây giờ?  

- Anh nói kháy đấy à! (cười). Nói thật, tới giờ, tôi vẫn tiếc đời lắm, vẫn  muốn có một vai diễn cho sâu sắc lắm. 75 rồi, tuổi già xồng xộc phủ đầy mình rồi, nhưng đây là lúc tôi thấy mình có thể diễn một cách rất chững chạc. Nhìn xem, bao nhiêu tay diễn viên của Hollywood 70-80 tuổi cả, mà vẫn tung hoành màn ảnh, vẫn diễn những vai trong những phim thật “ngon lành”. Anh xem “L’amour” - giải Oscar năm nay đấy, bà già cố đế vẫn được đề xuất trao giải Oscar. Vấn đề ở đây vẫn là  “độ văn trình”, nghĩa là “trình văn độ” của người làm phim thôi. Chúng ta chả có kịch bản hay nữa. Tôi ao ước có tay viết kịch bản nào, có đạo diễn nào của nước mình làm  được một cái phim như thế, mời một “kép già” như mình đóng những vai như thế. Nói thật là trong tôi vẫn tràn trề năng lượng, tràn trề đam mê điện ảnh.

- Ông có khi nào thấy “hối hận” vì toàn khen phim ngoại, dù trong lòng thì rất muốn ủng hộ Việt?

- Tôi có tật hay nói thẳng toẹt. Hồi LHP quốc tế Hà Nội cuối năm 2012, xem xong phim “Cát nóng”, của ông đạo diễn Lê Hoàng, tôi chơi một câu: “Phim ảnh kiểu này thì điện ảnh Việt Nam chạm đáy rồi”. Phim ảnh của chúng ta trong cách kể tụt hậu quá xa so người ta. Người ta lên cung trăng rồi, mình vẫn cứ lẹt đẹt trong mọi khâu…Phim Việt Nam mình không làm người xem say mê, phấn khích, cứ bằng bằng. Nước mình, lịch sử và xã hội hiện nay có bao nhiêu điều có thể làm phim tâm lý - xã hội hay được. Có ai nghĩ nổi một kịch bản cho sâu sắc mà làm thành phim cho nghệ thuật không, hay chỉ toàn kịch bản nông choẹt “bám váy” các em chân dài để bảo đảm doanh thu cho phim?!

- Làm cách nào để cải thiện tình hình “chạm đáy” của điện ảnh nước nhà?

- Tôi thấy tình hình điện ảnh của ta như bây giờ là lỗi một phần của nhà nước. Đầu tư cho điện ảnh là việc chờ con tằm nó nhả tơ. Đâu phải huỵch một phát là có ngay phim hay được đâu. Nếu tôi là lãnh đạo, tôi chọn ra những người thông thạo ngoại ngữ, cấp học bổng cho đi học nước ngoài. Người làm phim, muốn giỏi phải được đi tu nghiệp. Điện ảnh cũng luôn phải cập nhật kiến thức.

- Xin cảm ơn NSND Thế Anh về cuộc trò chuyện cởi mở này!

Uông Thái Biểu (Thực hiện)