Cù lao Chàm chỉ gồm vài hòn so với tổng thể 3.200km bờ biển nước ta thật là nhỏ bé, nhưng Cù lao Chàm có đôi mắt biển, đôi mắt biển ở Cù lao Chàm sẽ cảnh giới, hướng dẫn, chở che cho người Quảng Nam, Đà Nẵng đi làm kinh tế biển.
Kinh tế nước ta tương lai sau này sẽ là kinh tế biển, việc này Chính phủ đã soạn thảo chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Cù lao Chàm chỉ gồm vài hòn so với tổng thể 3.200km bờ biển nước ta thật là nhỏ bé, nhưng Cù lao Chàm có đôi mắt biển, đôi mắt biển ở Cù lao Chàm sẽ cảnh giới, hướng dẫn, chở che cho người Quảng Nam, Đà Nẵng đi làm kinh tế biển.
Biểu tượng đôi mắt Chùa Hải Tạng |
Biển một màu xanh ngắt, từng con sóng nhấp nhô bình yên, biển lặng, đó là cảnh một buổi sáng ngày 20 tháng 5 năm 2013 ngày mà tôi đến tham quan Cù lao Chàm. Chiếc thuyền của Công ty Du lịch Sông Hội chở khoảng 20 khách tham quan Cù lao rời bến Cửa Đại, sau khoảng một giờ cập bến Cù lao. Cù lao Chàm hiện ra trong tầm mắt tôi với một màu xanh bắt mắt. Trước khi rời thuyền, người hướng dẫn viên thông báo rằng khách tham quan không được phép mang lên Cù lao túi ni lông bởi người Cù lao Chàm “tuyên chiến” với túi ni lông đã được mấy năm! Có lẽ Cù lao Chàm là nơi duy nhất ở Quảng Nam nói “không” với túi ni lông? Quả thật sau một ngày lang thang khắp Cù lao, tôi không thấy bất cứ một túi ni lông nào dù nhỏ.
Cái không gian trong xanh của Cù lao Chàm thật là quyến rũ. Cũng núi, cũng biển, cũng trời xanh qua tán lá dừa… nhưng dường như tại Cù lao Chàm có một cái gì đó cứ níu những suy tưởng của tôi? Phải chăng đó là đôi mắt của một người già, một bà cụ tròm trèm trăm tuổi vẫn ngày ngày cặm cụi đan võng bằng những sợi ngô đồng? Một cái võng trên hai tháng rưỡi mới làm xong, người hướng dẫn khuyên khách tham quan nếu được thì mua giúp cụ với giá hai triệu rưỡi. Không, người già lành như đất, đôi mắt bạc màu thời gian của cụ cứ thăm thẳm như biển khơi, trong đó chứa bao nhiêu những giông bão cuộc đời! Khi những người chạy xe ôm mời khách, người hướng dẫn cũng nói nếu không đi bộ được thì hãy đi xe ôm đến một ngôi cổ tự, một cuốc mười ngàn đồng gọi là giúp một chút phương tiện sống cho người dân trên đảo.
Tôi không đi xe, vậy mà hay vì tôi có dịp ghé thăm một cái giếng cổ trên mấy trăm năm, nước ngọt và trong lành trên cả tưởng tượng của tôi. Tôi gặp một giàn bầu có những quả bầu hồ lô treo lủng lẳng khiến ta liên tưởng đến những bầu tiên dược chứa màu xanh khấp khởi của núi, của biển, của trời? Chủ nhà hàng ngày có sử dụng bầu để làm thực phẩm không mà sao tôi thấy những quả bầu đến tuổi sắp già vẫn còn đung đưa trong gió? Những quả bầu xanh, cái giếng nước cổ gợi nhớ đến một vùng quê yên ả, những miền quê Quảng Nam không thiếu!
Cầu tàu Cù lao Chàm |
Vậy cái gì khiến tôi thao thức không ngủ trưa được sau khi thưởng thức một bữa ăn ngon với những đặc sản của Cù lao dưới một hàng dừa xanh gió hây hây thổi, trước mặt là biển, phiá trên là trời trong xanh cao ngằn ngặt? Tôi giật mình thổi ra rằng thứ khiến tôi thao thức chính là đôi mắt, đôi mắt ở chùa Hải Tạng! Chùa Hải Tạng là một ngôi chùa cổ, dễ có đến mấy trăm năm, đời vua Tự Đức cho dời vào chân núi nhìn ra mấy chục đám ruộng duy nhất ở Cù lao Chàm và tồn tại cho đến ngày nay, kể từ năm 1848. Tôi không thao thức vì trong chùa có tượng ông Thiện ông Ác không giống những ngôi chùa khác, không phải vì một quả chuông xưa cũ, một bảo vật của Chùa, cũng không vì tượng ông tổ Bồ đề Đạt ma hay những câu xăm bí hiểm khiến không ít người thổn thức, đăm chiêu hay mừng rỡ. Cái làm tôi thao thức chính là đôi mắt, đôi mắt ở trên cửa ra vào chánh điện. Rất may cho tôi, người hướng dẫn du lịch Cù lao Chàm là một người rất am hiểu văn hóa Quảng Nam, ông tên là Thanh, đã 66 tuổi, là một người khuyết tật nhưng với vốn kiến thức uyên sâu và khoa ăn nói đã “hút hồn” du khách bốn phương trời. Ông Thanh cho biết rằng, những ngôi nhà xưa của người Quảng, trước cửa ra vào ở phía trên bao giờ cũng có biểu tượng một đôi mắt, ông gọi là đôi mắt nhà. Khi ta có việc đi ra khỏi nhà, lúc về trước khi cúi xuống xem chừng cái ngạch, bao giờ người ta cũng ngước lên để nhìn vào đôi mắt nhà, đôi mắt sẽ dò xét ta có làm điều gì sai trái ở bên ngoài để khỏi hổ thẹn với lương tâm, với các bậc tiền hiền, với cửu huyền thất tổ? Ở Cù lao Chàm cũng vậy, Chùa Hải Tạng cũng có đôi mắt, đôi mắt ấy chứa âm dương ngũ hành soi thấu mạng căn của từng người đến viếng chùa lễ Phật, có phải ai cũng đến chùa với một chữ “tâm”đâu? Tôi không rành lắm với thứ triết lý của ông Thanh, trong thâm tâm tôi tán thành với những gì ông nói. Đôi mắt ở Chùa Hải Tạng khiến tôi chú ý không phải với cái ý của ông Thanh mà chính là đôi mắt Chùa Hải Tạng nhìn ra biển, đôi mắt âm dương soi rọi khắp bốn biển bất kể ngày đêm để canh chừng cho sự bình yên của Cù lao Chàm, của Quảng Nam, của dải đất miền Trung và cho Tổ quốc! Ông Thanh nói thêm gọi là Cù lao bởi nơi đây là nơi hứng con nước từ sông ra biển giống y như cái cù lao trong chai nơi đó là nơi nước dội vào khi ta rót nước vào chai. Cù lao xưa kia thuộc vương quốc Chăm pa nên gọi là Cù lao Chàm, Cù lao Chàm nơi hứng con nước từ con sông Thu Bồn chảy ra mang biết bao phù sa nên Cù lao Chàm có đến trên 50% loài hải sản có trên thế giới. Một con số biết nói!
Tôi ước ao có một lần đi thăm Trường Sa, tôi sẽ lên chùa Trường Sa xem thử có đôi mắt như Chùa Hải Tạng ở Cù lao Chàm? Nếu chưa có tôi sẽ cầu xin thầy trụ trì cho gắn một phiên bản đôi mắt ở Chùa Hải Tạng.
Một đôi mắt biển ở Trường Sa, một đôi mắt Việt Nam!
Võ Anh Cương