Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đến nay là đúng đắn, đem lại nhiều thành tựu cho văn hóa văn nghệ với những tác phẩm giàu tính tư tưởng, phong phú về nội dung, đậm đà bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn. Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các chặng đường cách mạng, tạo nên sự nảy nở và phát triển của văn hóa, văn nghệ.
Tại lớp tập huấn “Quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật và hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật vừa được tổ chức tại TP Đà Lạt, giáo sư, nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức khẳng định: Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng từ Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 đến nay là đúng đắn, đem lại nhiều thành tựu cho văn hóa văn nghệ với những tác phẩm giàu tính tư tưởng, phong phú về nội dung, đậm đà bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn. Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943 là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các chặng đường cách mạng, tạo nên sự nảy nở và phát triển của văn hóa, văn nghệ.
Điểm du lịch hấp dẫn - Thung lũng Tình Yêu Đà Lạt. Ảnh: N.M |
Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khởi thảo và được công bố năm 1943. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam thời đó, “văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản và hoàn toàn có tính cách thuộc địa” thống trị thì sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam có thể coi là một ngọn đuốc thần kỳ, có tác dụng soi đường, chỉ lối và định hướng tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa, văn nghệ cho toàn Đảng, toàn dân và cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam; đặc biệt nó đã lôi cuốn, thuyết phục và tập hợp đông đảo những người hoạt động văn hóa yêu nước Việt Nam vào Hội văn hóa cứu quốc, một thành viên của Mặt trận Việt Minh; khai sinh và phát triển nền “văn hóa xã hội chủ nghĩa” ở nước ta. Điều quan trọng là ảnh hưởng của văn hóa cứu quốc đến những sáng tác của các nhà văn, tạo nên nhiều ánh sáng mới, tư tưởng mới trong nhiều tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng (Vũ Như Tô), Nam Cao (Sống mòn, Điếu văn), Tô Hoài (Xóm giếng ngày xưa…) và đặc biệt là Nguyên Hồng với nhiều truyện ngắn tiến bộ và cách mạng. Đề cương nhấn mạnh: Văn hóa văn nghệ là một mặt trận quan trọng cũng như các mặt trận về kinh tế, chính trị, xã hội. Đề cương động viên trí thức văn nghệ sĩ tham gia cách mạng, cổ vũ tinh thần yêu nước chống lại chính sách văn hóa của Pháp, Nhật.
Cách mạng tháng Tám thành công, văn nghệ được mở ra chân trời mới, nhiều cây bút được hồi sinh, tiếp nhận ánh sáng mới. Lúc này, Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn giữ nguyên giá trị và càng tác động sâu sắc đến văn hóa văn nghệ trong tình hình mới. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất họp và cũng thể hiện tư tưởng của Đề cương văn hóa Việt Nam, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của cách mạng, như tinh thần của Hồ Chủ tịch: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Các nhà thơ, nhà văn cách mạng đều có nhiều sáng tác ca ngợi chế độ và cuộc đời mới. Xuân Diệu với 2 trường ca “Ngọn quốc kỳ”, “Hội nghị non sông” và những bài thơ đả kích, châm biếm địch. Nguyễn Huy Tưởng với kịch “Bắc Son”, Nguyễn Đình Thi với bản nhạc “Diệt phát xít” và “Người Hà Nội” có những giá trị bền vững. Trong văn xuôi, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài… đều có những sáng tác phản ánh cái mới trong cuộc sống.
Với sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam, hoạt động của các tổ chức văn hóa, văn nghệ của Đảng, nhất là hoạt động sáng tạo của các nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ ngày càng phong phú và sắc bén; họ luôn bám sát nhiệm vụ của Đảng giao, phản ánh sắc sảo, sinh động đời sống thực tiễn đấu tranh cách mạng, kịp thời động viên, cổ vũ phong trào toàn dân thi đua tăng gia sản xuất, giết giặc lập công, xây dựng đời sống văn hóa mới. Sự “lột xác” của không ít văn nghệ sĩ thể hiện ở chỗ dám trút bỏ “bộ cánh ủy mị, thướt tha”, tâm hồn mộng mơ, suốt ngày “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, thậm chí “để tâm hồn treo ngược ở cành cây” hay “lả lướt đìu hiu cùng ngọn gió” để quay về với đời sống hiện thực, hòa mình vào cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập của đồng bào, biết “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng). Vì vậy, trong sáng tác và tác phẩm của họ đã sáng ngời “ánh thép” và các văn nghệ sĩ đã biết “xung phong”.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chủ trương lớn của Đảng về văn hóa: “Văn hóa hóa kháng chiến và kháng chiến hóa văn hóa”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đề ra những đường lối sáng suốt, xác định vị trí quan trọng của văn hóa văn nghệ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Người nhấn mạnh quan điểm: Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Phương châm ấy luôn xác định vị trí quan trọng của văn nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ chống lại những khuynh hướng thù địch. Đường lối của Đảng về văn hóa văn nghệ đã đánh giá cao và khơi dậy phong trào sáng tác của quần chúng. Thơ ca, kịch, tấu… của bộ đội, công nhân, dân công sáng tác kịp thời theo các chiến dịch.
Thời kỳ hòa bình lập lại, đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc, các phong trào cách mạng sôi nổi trên các trận tuyến về kinh tế, văn hóa, văn nghệ và có nhiều tác phẩm thể hiện được những tinh thần mới của thời đại. Từ 1965, cả nước bước vào thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “không có gì quý hơn độc lập tự do” – là phương châm lớn động viên khích lệ toàn dân và mỗi người trong trách nhiệm của mình với dân tộc. Thơ ca chống Mỹ cứu nước rất thành công với các tác phẩm của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi và đặc biệt là các nhà thơ trẻ trước đây ở miền Nam như Giang Nam, Thanh Hải, Lê Anh Xuân và sau này là Thanh Thảo, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm…
Đi theo cách mạng, tắm mình trong thực tiễn, trực tiếp cầm bút và cầm súng chiến đấu; sử dụng sáng tạo phương pháp sáng tác xã hội chủ nghĩa, các văn nghệ sĩ nước ta thật sự đã trở thành những dũng sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, lý luận của Đảng; đã góp phần to lớn vào việc đưa ánh sáng của Đảng đến với đồng bào, chiến sĩ, củng cố niềm tin chiến thắng cho họ; qua đó thổi luồng không khí cách mạng vào đời sống xã hội Việt Nam; làm cho kẻ thù khiếp sợ. Nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị ra đời, khắc họa sinh động hình tượng “bộ đội Cụ Hồ”, phản ánh sát thực chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; có tác dụng tuyên truyền, giáo dục to lớn…
Thời kỳ đất nước thống nhất, Nam Bắc một nhà, hoạt động văn hóa văn nghệ quy về một mối và phát triển với nhiều chủ đề, nhiều bình diện, nhiều màu sắc. Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ tiếp nhận cái mới, khai thác truyền thống theo tinh thần, đường lối của Đảng. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là bước phát triển cao dựa trên nền móng của Đề cương Văn hóa Việt Nam 1943). Nhờ đó, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ngày càng sáng rõ, tỏa sáng; các tổ chức văn hóa, văn nghệ ở nước ta ngày càng được củng cố, phát huy tốt hơn vai trò, tác dụng. Đề cao bản sắc văn hóa dân tộc trong tình hình mới là một điều đúng đắn để giữ vững sức sống, bản lĩnh và giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Vấn đề quan trọng là hòa hợp giữa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là minh chứng hùng hồn khẳng định sự nhất quán, sức sống bền vững của đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn đã được Đảng ta vạch ra từ Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943.
LAN HỒ