Ký ức Tây Nguyên của Đỗ Xuân Phòng

03:08, 07/08/2013

Trong 24 văn nghệ sĩ được vinh danh bước lên bục nhận giải thưởng văn học nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I đa số là những "cây đa cây đề" - lớp người có tuổi đời trên 60, có bề dày hoạt động VHNT; thì Đỗ Xuân Phòng là một cái tên vừa quen, vừa lạ...

Trong 24 văn nghệ sĩ được vinh danh bước lên bục nhận giải thưởng văn học nghệ thuật Lâm Đồng lần thứ I đa số là những “cây đa cây đề” - lớp người có tuổi đời trên 60, có bề dày hoạt động VHNT; thì Đỗ Xuân Phòng là một cái tên vừa quen, vừa lạ. Quen vì tác phẩm điêu khắc tượng gỗ của anh xuất hiện thường xuyên trong các triển lãm mỹ thuật Lâm Đồng từ hơn chục năm qua. Lạ vì đây là một bất ngờ, Đỗ Xuân Phòng là người trẻ tuổi duy nhất và là nghệ sĩ điêu khắc duy nhất đoạt giải. Dù mới ở tuổi 37, nhưng đó lại là thành quả xứng đáng cho suốt 20 năm gắn bó với nghiệp “đục đẽo”.

Nhà điêu khắc trẻ Đỗ Xuân Phòng bên tác phẩm Ký ức Tây Nguyên (đoạt giải B giải thưởng VHNT Lâm Đồng lần I)
Nhà điêu khắc trẻ Đỗ Xuân Phòng bên tác phẩm Ký ức Tây Nguyên (đoạt giải B giải thưởng VHNT Lâm Đồng lần I)

Với giải B ở thể loại mỹ thuật (cả hội họa và điêu khắc), tác phẩm tượng gỗ Ký ức Tây Nguyên của Đỗ Xuân Phòng được BTC giải thưởng đánh giá cao bởi mang tổng hợp các biểu tượng làm nên văn hoá Tây Nguyên. Anh đã khéo sắp xếp những hình ảnh: già làng và tẩu thuốc rê, cồng chiêng, đầu trâu, hoa văn thổ cẩm, lễ hội đâm trâu, chàng trai cô gái giã gạo, săn bắn, phía sau là bình rượu cần và những nốt nhạc… Nhìn tổng thể tượng là những hình khối, đường nét khoẻ khoắn tạo cảm xúc mạnh, chứa đựng sức gợi lớn về đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong đó, nổi bật ở tượng là ánh mắt buồn của già làng, mà dường như tác giả đã “thổi” nỗi buồn của mình vào trong đó, với thông điệp gửi gắm: Nếu không biết trân trọng, gìn giữ và bảo tồn, thì văn hoá Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong ký ức. Tượng được làm từ gỗ cây phượng đỏ lâu năm có độ rắn, vân gỗ mịn. Để tạo màu sắc cho tượng thêm rắn rỏi, anh đã dùng khò làm nên những vệt bút lửa đen xám. Tác phẩm được anh tạo tác trong gần 1 tháng, ra đời năm 2011, nhưng là kết tinh sau 30 năm sống và gắn bó với Lâm Đồng, với Tây Nguyên.

Sinh ra ở quê hương Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) – nơi có nghề chạm khắc gỗ truyền thống rất nổi tiếng. Chưa đến 10 tuổi Đỗ Xuân Phòng theo cha mẹ vào Tân Hà (Lâm Hà) lập nghiệp.  Không quên các “ngón nghề” cha truyền con nối, ngay từ thời học phổ thông khi mới 15 – 17 tuổi, anh đã theo cha và anh đục đẽo, chạm khắc tạo nên những bức tượng, những phù điêu mỹ nghệ tinh xảo. “Nghiệp” gỗ đeo bám, năm 1999, Phòng lên Đà Lạt lập nghiệp với đôi tay chỉ có bộ đồ nghề cưa, đục. Anh thuê một diện tích nhỏ ngay trước cổng Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu để mưu sinh. Ngày ngày anh làm các mẫu tượng mỹ nghệ, cầu phước thọ, an khang, cầu tài, cầu lộc; làm đồ lưu niệm cho giới trẻ: những biểu tượng về tình yêu, tình mẫu tử…; tất cả chỉ việc đẽo theo khuôn mẫu dân gian, làm sao cho tinh xảo, láng lẩy, bóng đẹp là được. Song, có những lúc anh lại trăn trở trước một khúc gỗ, ngắm nghía nó rồi suy ngẫm, tưởng tượng và nghĩ sẽ làm nên một hình tượng không theo một khuôn mẫu nào, mà mang dấu ấn của riêng mình. Thế là những tác phẩm điêu khắc thực thụ bắt đầu được tạo tác và lần lượt ra đời: Tình ca, Mùa chín, Những nốt nhạc Tây Nguyên, Lời thì thầm, Văn hoá Tây Nguyên, Mẫu tử, Hạnh phúc… Ngoài thời gian chú tâm vào những sản phẩm theo thị hiếu của du khách, mỗi năm anh lại bỏ ra một thời gian cho sáng tạo nghệ thuật. Những ý tưởng sáng tạo của anh bộc lộ ngay từ khi anh còn rất trẻ. Anh đã giành giải nhất Cuộc thi Sáng tạo sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mới phục vụ du lịch lần thứ I - 2004 do UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức với tác phẩm “Đèn ngủ nhà rông” được thiết kết từ gỗ.

Năm 2002, trở thành hội viên Hội VHNT Lâm Đồng, từ đó đến nay đã hơn 10 năm nay, cái tên Đỗ Xuân Phòng gắn liền với các tác phẩm tượng gỗ góp mặt đều đặn trong các triển lãm mỹ thuật của tỉnh, của khu vực như: triển lãm Những mảng màu tháng Hai, triển lãm Mỹ thuật Lâm Đồng, triển lãm Mỹ thuật khu vực 8 tỉnh miền Đông Nam bộ. Say mê trên từng đường vân, thớ gỗ, tài năng điêu khắc của anh cũng “chín” dần qua từng tác phẩm. Âm thầm sáng tạo, nay anh đã “tích cóp” được “gia tài” hơn 60 tác phẩm. Phong cách tượng gỗ của Đỗ Xuân Phòng hướng đến những hình tượng giản dị, đời thường nhưng chứa đựng sức gợi lớn với hình khối rắn rỏi, góc cạnh, nhưng không thô ráp. Chào mừng Đà Lạt 120 năm hình thành và phát triển, anh đã thể hiện tình yêu của mình với Đà Lạt bằng tác phẩm Hương sắc. Với ý tưởng thành phố tình yêu đã nuôi lớn bao thế hệ con người hiền hoà, thanh lịch, với hình tượng: đôi trai gái lồng trong trái tim nằm ở trung tâm, phía dưới là một em bé, ở trên là bông cúc quỳ, 2 chú ong đang hút mật ở nhụy hoa đặt trên hình khối như một lẵng hoa, trên cùng là quả bầu. Phía sau tượng là một bông mai anh đào lớn. Hương sắc cũng là tác phẩm anh tham dự triển lãm khu vực Đông Nam bộ 2013 trong những ngày cuối tháng 7/2013.

Trong lúc lực lượng văn nghệ sĩ trẻ kế tục sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh ngày càng ít, bởi nợ áo cơm bủa vây, đa số những người trẻ tuổi có khả năng sáng tạo VHNT đành dứt bỏ “nghiệp” đi theo nghề, vì ai cũng hiểu cái nghiệp này chỉ là cuộc chơi sang trọng, chứ không đủ nuôi sống ai. Có thể nói, Đỗ Xuân Phòng là một nghệ sĩ trẻ có “dũng khí”, và anh đã chọn cho mình một hướng đi đúng đắn mà không phải văn nghệ sĩ trẻ nào cũng ngẫm ra: “lấy nghề nuôi nghiệp”.

QUỲNH UYỂN