Người hát tiếp sử thi Raglai

09:08, 31/08/2013

(LĐ online) - Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai tổ chức tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) từ ngày 29-31/8. Đây là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc Raglai, đồng thời cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc Raglai với du khách trong và ngoài nước...

(LĐ online) - Ngày hội văn hóa dân tộc Raglai tổ chức tại huyện Bác Ái (Ninh Thuận) từ ngày 29-31/8. Đây là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa của dân tộc Raglai, đồng thời cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc Raglai với du khách trong và ngoài nước; là dịp để đồng bào Raglai các vùng miền gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm bảo tồn các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình…

Bà Katơ Thị Sính
Bà Katơ Thị Sính

Trước ngày hội, chúng tôi về huyện Bác Ái, nơi gần như 100% cư dân là người Raglai. Anh Nguyễn Văn Bền, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bác Ái cho biết, huyện đang tất bật chuẩn bị cho ngày hội văn hóa: Tu sửa Nhà Văn hóa, dựng nhà sàn truyền thống, tập luyện văn nghệ, thể thao… Theo anh Bền, huyện Bác Ái huyện có đến 38 đội mã la, nhiều người biết làm và biết chơi đàn chapi, còn hát sử thi thì chỉ có bà Katơ Thị Sính.

Vội vã về làng tái định cư (thôn Ma Ty, xã Phước Tân) tìm nhà bà Sính. Cô con gái bà Sính là Katơ Thị Đuôi cho chúng tôi biết bà đi rẫy, thế là chúng tôi chở luôn cả hai mẹ con chị Đuôi lên rẫy tìm bà.

Dưới mái lán lợp lá dầu, bà Sính kể chuyện học hát sử thi từ người mẹ là bà Katơ Thị Cuống như thế nào.  Chúng tôi nói bà cho nghe, bà bảo: Dài lắm, hát ngày này sang ngày khác, hàng tháng mới hết…Nhưng rồi bà chậm rãi châm thuốc, nhai trầu, và cất tiếng hát. Giọng bà dìu dặt, ngân nga, rành rọt từng câu, từng chữ. Bà say sưa hát, mộc mạc, hồn nhiên, làm chúng tôi thực sự xúc động.

Bà say sưa kể, chúng tôi say sưa nghe, nhìn ngắm và chụp ảnh. Bà mặc áo “kuang” (áo truyền thống của phụ nữ Raglai) hai màu xanh - trắng, khuyên tai có tua chỉ đỏ, cổ đeo nhiều chuỗi hạt cườm, người bà nhỏ như sắt lại vì vất vả. Một hồi, bà dừng lại và vui vẻ “dịch”, đại ý câu chuyện nói về người hùng chế ngự thiên nhiên, cứu dân làng… Bà bảo: nhiều lắm, có chuyện về Sa Ea, chuyện về Udai - Ujac, chuyện về đánh giặc, chuyện về tình yêu. Kể chuyện cho con cháu biết về ngày xưa...
 

Bà Sính và con cháu
Bà Sính và con cháu

Bà Sính cho biết được mẹ dạy hát (kể) sử thi từ lúc 9-10 tuổi. Nhiều lần được hát chung với mẹ. Bà nói: “Giọng của bà Cuống đẹp lắm. Bà Cuống mất cuối tháng 12 năm 2008, lúc gần trăm tuổi. Bây giờ chỉ còn lại mình. Mình cũng dạy cho mấy đứa cháu Katơ Thị Hương, Katơ Thị Thấm đấy, nhưng chúng không để ý lắm đâu”.

Giọng bà thoáng buồn nhưng rồi vui trở lại: “Cái này (những bài sử thi - PV) ông Hải Liên (nhà nghiên cứu văn hóa Ninh Thuận - PV) ghi được nhiều lắm, mấy chục cuốn băng ấy. Ông ấy là người Kinh nhưng biết nhiều về người Raglai lắm”.

Chúng tôi hỏi thăm bà chuyện làm ăn sinh sống, chuyện làm rẫy nuôi bò, và biết rằng cuộc sống của bà con Raglai còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mọi người vẫn bình thản sống, vẫn chơi đàn chapi, thổi khèn bầu, đánh mãla, và bà Sính vẫn hát sử thi…

Chiều về, hai chiếc xe máy của chúng tôi lại chở luôn ba mẹ con, bà cháu bà Sính từ rẫy trở lại nhà. Ngắm nhìn trên tường nhà bà Sính, rất nhiều bằng khen, giấy khen về những đóng góp của bà với văn hóa văn nghệ tỉnh nhà, và cả Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

Tham gia Ngày hội văn hóa Raglai sẽ có khoảng 500 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công là người dân tộc Raglai của 4 tỉnh: Ninh Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận; cùng các đoàn nghệ thuật các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh (tỉnh Bình Thuận). Tỉnh Ninh Thuận có 6 đoàn của 6 huyện: Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước, Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Hải tham gia.

Thanh Hằng