Ai có dịp dự các hội truyền thống lịch sử - văn hóa ở vùng Phù Ủng (quê hương người anh hùng dân tộc Phạm Ngũ Lão) và các miền quê thuộc huyện Ân Thi (Hưng Yên), thể nào cũng được chứng kiến một "ê kíp" trình diễn phần nhạc lễ rước khá đặc biệt, gồm cụ bà đã ngoại bát tuần đập phách cầm trịch, 3 "cây" kèn độ tuổi trung niên và đôi tay nhị hồ đang còn thanh-thiếu niên, thấy rõ hồn cốt thôn quê được mô tả bằng âm thanh nhạc cụ dân tộc... Nhóm nhạc ấy thuộc "Tứ đại đàn ca" nổi tiếng một vùng.
Ai có dịp dự các hội truyền thống lịch sử - văn hóa ở vùng Phù Ủng (quê hương người anh hùng dân tộc Phạm Ngũ Lão) và các miền quê thuộc huyện Ân Thi (Hưng Yên), thể nào cũng được chứng kiến một “ê kíp” trình diễn phần nhạc lễ rước khá đặc biệt, gồm cụ bà đã ngoại bát tuần đập phách cầm trịch, 3 “cây” kèn độ tuổi trung niên và đôi tay nhị hồ đang còn thanh-thiếu niên, thấy rõ hồn cốt thôn quê được mô tả bằng âm thanh nhạc cụ dân tộc... Nhóm nhạc ấy thuộc “Tứ đại đàn ca” nổi tiếng một vùng.
Năm 1930, vợ chồng cụ Phạm Văn Măng, chủ gánh hát làng Kim Lũ (thuộc xã Phù Ủng) sinh hạ tố nữ Phạm Thị Nguyên. Phạm Thị Nguyên càng lớn càng đẹp người, đẹp nết, lại có giọng hát hay. Tới tuần cập kê, không thiếu tài trai xa gần nhắn nhe. Tuy nhiên, chị Nguyên chỉ “quyết” anh chàng Lự họ Nguyễn, cũng là “người trong làng đất nước”, thông minh, khéo tay và hơn mình 4 tuổi.
|
Thợ kèn Nguyễn Quốc Tuấn và những nhạc cụ do gia đình anh tự chế |
Mẹ mất sớm. Lự phải bỏ học lớp 2 để theo một người thợ mộc đi làm ăn ở miền sơn tràng phía Bắc. Thân lập thân, anh chăm chỉ và quyết chí học nghề của thầy. 17 tuổi đã được thầy giao việc chủ trì cất một ngôi nhà gỗ lim kiểu tiền bẩy - hậu kẻ, có trụ giá chiêng chồng đấu sen. Thành nghề, anh về quê đi làm nhà, đóng đồ cho bà con trong vùng. Gặp chị Nguyên, trai tài gái sắc, đều làm đẹp cho đời nên hóa cơ duyên. Chị hát điệu lới lơ: “Chẳng tham ruộng cả, ao dài/ Chỉ ham một nỗi anh tài kéo cưa”. Anh đáp lại chân thành: “Trên đời anh chẳng yêu ai/ Yêu cô yếm thắm có tài lới lơ”...
Vợ chồng cụ Măng trước khi qua đời đã trao lại cho con gái và con rể chiếc kèn giỏ, bầu kèn được kết từ những nan tre nhỏ tẩm sơn ta, tuổi thọ đã hàng trăm năm. Để đáp lại sự tin cậy của cha mẹ, chàng thợ mộc tự tay làm nhạc cụ kèn, sáo, nhị, hồ và các loại đàn, từ đàn bầu, đàn tam... cho đến nguyệt, thập lục. Vợ anh đảm nhiệm việc định âm cho chúng. Nhà làm được nên họ đã có những nhạc cụ tốt cả về chất liệu, cả về thanh tính. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Đôi vợ chồng trở thành cặp đào-kép, diễn những vở tuồng cổ Nhị Độ Mai, Trương Chi...; từng sắm vai vợ chồng Chánh Soái Đặng Hồng - Lê Hoa trong vở “Ngai vàng đẫm máu”; Tần Hương Liên - Tần Sỷ Mỹ (vở Tần Hương Liên)... Sau Cách mạng Tháng Tám, ông bà xung kích tự biên tự diễn những khúc dân ca, dân vũ, cùng bà con thôn xóm thổi bùng phong trào văn nghệ “Đàn ngọt hát hay, dẻo tay cày cấy”, theo Cụ Hồ kháng chiến, kiến quốc... Tình yêu và tài hoa đã làm cho tay cưa-tay đục cùng giọng hát-cung đàn nay đây mai đó cứ sòn sòn đều nhịp, cho ra lò những tài tử tương lai.
Năm 1994, trước khi về với tiên tổ, cụ Lự “bàn giao” cho cụ bà thế hệ tài tử ấy. Ba trai, 5 gái, tất thảy đều mang gen ca hát của đời trước. Đặc biệt, bộ tam kèn Nguyễn Ngọc Chữ - Nguyễn Quốc Tuấn - Nguyễn Quốc Túy là cựu văn công trong quân đội. Còn út nữ Nguyễn Thị Lý tuổi Ất Mão (1975), một mình có thể lồng tiếng cho tất cả các vai nam-phụ-lão-ấu, kể cả cái giọng “Quách công công” trong những tiết mục “cây nhà lá vườn”, có khi làm cho cả diễn viên chuyên nghiệp cũng phải gật gù! Thừa hưởng “vườn cây văn nghệ” của tiền nhân, thế hệ này đã “đơm hoa kết trái”. Họ từng đảm nhiệm trọn các đêm diễn. Tuồng cổ có: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Tống Trân - Cúc Hoa; các vở chèo: Hương Thiên Lý (về ngành tình báo Việt Nam thời thực dân Pháp xâm lược), Chị Tấm anh Điền (về xây dựng nông thôn), Đường về trận địa (tình quân dân trong kháng chiến)...
Thế hệ này có vợ chồng Cả Chữ cùng tham gia hội diễn Quân khu III năm 1979, có giải mang về. Hai người đã mở đầu thế hệ thứ 4 với đứa con đầu lòng Nguyễn Ngọc Dũng, sinh năm 1982, bộ đội xuất ngũ về quê phấn đấu trở thành đảng viên, làm Bí thư chi đoàn thanh niên thôn Kim Lũ. Dũng thường xuyên đàn ca phục vụ dân sinh ở các miền quê. Em trai Dũng là Nguyễn Ngọc Thắng, sinh năm 2003, từ nhỏ đã bộc lộ tài năng với cây đàn nhị.
|
Cụ Phạm Thị Nguyên cùng các con, cháu, hầu hết là diễn viên, nhạc công của làng quê Kim Lũ, Phù Ủng (Ân Thi - Hưng Yên)
|
Tứ đại đàn ca Kim Lũ có những điểm lý thú. Tính từ đời hiện tại trở về trước, các thành viên trong gia đình này đều bẩm sinh ca hát. Không có ai qua một trường lớp đào tạo nào, ngoài 3 anh em Chữ - Tuấn - Túy có được bồi dưỡng chút ít trong quân đội. Cụ bà Phạm Thị Nguyên đang ở tuổi 84 mà giọng hát vẫn rất trong, rất trẻ; đặc biệt, cụ được mọi người cho là “hát bằng cả đôi mắt”.
Họ có tài ứng diễn hóm hỉnh. Anh Tuấn khoe, hồi anh còn là văn công tại ngũ, tốp nữ đang múa vở “Xuân về hoa nở” thì bất ngờ một diễn viên bị đứt dây chun váy. Từ cánh gà, anh nhảy đôi bước cực điệu tới giữa sân khấu nhập vai, vừa múa vừa... “biên đạo” để các chị em chuyển động tác, thành vòng tròn vây kín cô diễn viên bị sự cố đang ngồi thụp ở giữa đội hình... Loáng một cái, cả tốp múa dàn thành một bông hoa đang nở... Và sự cố tụt váy cũng được khắc phục một cách kín đáo, rất điêu luyện. Khán giả phục lăn như bi!
Chuyện 3 thiếu niên chưa đầy 10 tuổi đoạt giải nhạc cũng là nói về “Tứ đại đàn ca” này. Nguyễn Ngọc Chữ lúc 8 tuổi được giấy khen về kéo nhị tại hội thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc toàn huyện Ân Thi. Ông giám khảo phải bế Chữ đưa cao lên để khán giả nhìn thấy. Nguyễn Ngọc Dũng, năm lên 9 tuổi đã giành Huy chương vàng môn đàn bầu tại hội thi toàn tỉnh. Và Nguyễn Ngọc Thắng sinh năm 2003, cũng đúng 9 tuổi thì đoạt giải Nhất huyện Ân Thi, giải Nhì tỉnh Hưng Yên về kéo nhị.
Cụ Nguyên bảo: “Người đi làm đẹp cho đời (ý cụ nói về nghề làm nhà và làm văn nghệ) thì thường vui say với việc nhân thêm cái đẹp nên không dễ bị lây vào bất lương, tệ nạn”. Chả thế mà trong gia đình này, các cô dâu sớm muộn cũng đều yêu ca hát, biết diễn chèo, ngâm thơ... Từ già đến trẻ truyền nhau biết lựa điều hay, lẽ phải. Mấy chục người con, cháu, chắt của các cụ, ai cũng hướng thiện và chăm lo cho cuộc sống luôn rộn rã câu hát, tiếng cười...
PHẠM XƯỞNG