Vào mùa hè năm nay, NSNA Văn Thương cùng với nhóm bạn đến Kiên Lương (Kiên Giang) săn ảnh sếu đầu đỏ. Tôi xin được đi theo, để có cơ may nhìn thấy cánh đồng cỏ năng kim ở miền sông nước với những con hạc quý hiếm, mà theo cảnh báo của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới, loại sếu này đang có nguy cơ bị diệt chủng.
|
NSNA Văn Thương “săn” sếu |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Văn Thương là người khá thành công trong nghề nghiệp của mình. Từ một thành viên nhiếp ảnh cấp tỉnh, anh trở thành hội viên Hội NSNA Việt Nam, rồi được kết nạp vào Liên đoàn nhiếp ảnh quốc tế. Mới đây anh được Liên đoàn mời đi tác nghiệp nhiều quốc gia trên thế giới. Trong cuộc đời cầm máy, anh đã giới thiệu nhiều tác phẩm đất và trà ở xứ sở B’lao ra thế giới.
Vào mùa hè năm nay, NSNA Văn Thương cùng với nhóm bạn đến Kiên Lương (Kiên Giang) săn ảnh sếu đầu đỏ. Tôi xin được đi theo, để có cơ may nhìn thấy cánh đồng cỏ năng kim ở miền sông nước với những con hạc quý hiếm, mà theo cảnh báo của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới, loại sếu này đang có nguy cơ bị diệt chủng.
Đêm không ngủ
Đi xe máy một ngày đường từ Bảo Lộc đến Kiên Giang dài gần 600 km, chúng tôi bơ phờ tìm đến đồng cỏ Bàng thuộc xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, nơi được thông báo là sếu đầu đỏ thường về sau tết.
Lúc chúng tôi dừng chân đã là 5 giờ chiều, nên vào tá túc trong chiếc chòi hoang giữ trâu của người dân Kh’mer. Căn lều tuyềnh toàng nằm trên gò cao, lợp lá dừa nước đã bắt đầu phân hủy, xung quanh là cánh đồng cỏ năng rộng mút cả tầm mắt.
Ở Kiên Giang, dường như vào lúc hoàng hôn, mặt trời lớn hơn, ánh tà dương vàng úa nhạt nhòa chuẩn bị trả lại cho bóng tối mênh mông. Chị Nhi (vợ anh Thương) tranh thủ trời còn sáng vội vã tìm kiếm những cành lá, cỏ khô nhóm bếp để làm món mì tôm, trứng và rau xà lách đã mua từ lúc 3 giờ chiều ở một quán nhỏ ven đường.
Chừng 1 giờ sau, trời chuyển sang tối hẳn, muỗi từng đàn bay râm ran trong khắp căn chòi. Anh Quang Bảo (dân Sài Gòn chính hiệu) giăng mùng cá nhân, ngồi bó gối nhìn ra bóng đêm cười, vừa đập muỗi vừa chửi đàn muỗi đói. Riêng anh Hoàng Nam (có biệt danh Núi Sam) là dân thổ địa, sống bao đời trên vùng sông nước, nên anh chủ động mang theo một chiếc mùng tập thể, đốt ngọn đèn dầu le lói, rồi kéo cả nhóm vào ngồi xếp bàn ăn tối. Một bữa ăn đạm bạc, nhưng rất thú vị.
Đến 9 giờ 15 phút tối, chúng tôi nghe tiếng phọt phẹp, tiếng người hự hẹ ngoài đồng. Núi Sam bảo: “Danh Sự lùa trâu về đấy!”
Chỉ vài phút sau, tôi nghe tiếng chân loạch xoạch, tiếng tằng hắng và giọng nói lơ lớ của ông. “Ông nhà văn và các thợ chụp ảnh ở Sài Gòn đến đủ chưa Núi Sam?”.
“Đến đủ rồi, anh Sự ăn gì chưa, vào đây ăn mì tôm nấu theo kiểu Ý của tụi này cho vui đi!”
“Chưa! Mấy con trâu cứng đầu quá, không chịu về chuồng. Mẹ! tối rồi mà chúng nó vẫn đứng đó mày ạ! Đúng là ngu như trâu!” - Danh Sự càu nhàu.
Danh Sự là một người đàn ông đã có tuổi, người Kh’mer là chủ căn nhà hoang này. Qua ánh đèn dầu lờ mờ, anh xởi lởi: “Mẹ, bụng đói meo đây, mì tôm mì tiếc gì chơi láng hết!”.
Đêm ở cánh đồng cỏ Bàng, Phú Mỹ dài dằng dặc. Chúng tôi nằm co ro, mắt mở lao láo, hình tượng đàn sếu với tiếng kêu ong óc, chúng đang bay lượn, vươn mắt lơ láo quan sát bóng người rồi xòe cánh, rà chân dài ngoằng cả mét trước khi đáp xuống.
Danh Sự vẫn không ngủ. Anh nằm vắt vẻo trên võng ở hiên nhà đu đưa kẽo kẹt… Đêm ấy, Danh Sự kể cho tôi nghe về cuộc sống phiêu bạt của dòng họ nhà sếu, mà anh đã từng là nhân chứng với loại động vật hoang dã này.
Sinh ra và lớn lên tại Kiên Lương, Danh Sự nhớ từng ụ mối, từng ngôi nhà, con lạch và biết được tâm tính các loài cá đồng vào mùa nước ròng, nước lớn. Anh tâm sự: “Ngày xưa, lúc tui còn nhỏ, năm nào cũng chờ sếu về để gài bẫy, bắt nó mần thịt. Con sếu, ngó nó thì đẹp, nhiều thịt, nhưng ăn dở ẹc ông ơi! Tui rút ra được một điều, trên đời này chưa chắc cái gì đẹp là cái đó ăn ngon ông ạ! Sau này nghe nói nó sắp bị diệt chủng nên tụi này không bắt mần thịt nữa. Anh biết không, mỗi năm từ tháng một đến tháng sáu dương lịch là mùa sếu về kiếm ăn tại cánh đồng này. Năm nào, chúng cũng mò về đây cả, có khi đến 200 - 300 con. Dần dần nó về ít đi, năm ngoái chỉ có 38 con, còn năm nay chưa đếm. Loại sếu này sống ở các vùng nước cạn, chỉ ăn củ năng kim cùng với mầm lá non cỏ bàng".
Trong chiếc mùng, các bạn tôi chìm sâu trong giấc ngủ. Nhưng tôi vẫn không thể nào ngủ được, chập chờn hình ảnh đàn sếu bay…
Nén hương mang hồn của đất
Trời sáng dần, ánh bình minh đã chiếu rực. Trên nền trời xanh trong, một đàn sếu bay về. Những tiếng kêu gọi đàn như muốn phá vỡ không gian yên tĩnh. Đàn sếu bay dưới bầu trời chập chờn mây trắng. Chúng bay có hàng lối, tuần tự con trước con sau như một hàng quân, kết lại thành hình chữ V rất đẹp. Đàn sếu bay đảo 3 vòng trước khi đáp xuống đồng cỏ bàng. Từ 5 giờ sáng, nhóm chúng tôi đã lấy bùn xoa đầy người và bò theo hướng ngược gió để chúng không phát hiện mùi lạ. Chúng tôi tay cầm máy ảnh, vai vác chân máy nhích dần từng bước, có lúc phải ngâm mình dưới nước để có thể tiếp cận trong cự ly gần nhất (150m, 100m, 70m…). Đàn sếu vẫn vô tình ung dung nhởn nhơ một cách vô tư. Có lẽ chúng không còn xem loại động vật hai chân là kẻ sát thủ nữa. Vì cũng đã lâu rồi, người Kiên Lương xem sếu đầu đỏ là những người bạn quí hiếm, góp phần minh họa cho cuộc sống yên bình mà không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu ái như thế.
Bò trong nước bùn quánh lại, cộng với máy ảnh cồng kềnh một quãng đường dài 150m, anh Quang Bảo vừa đuối sức vừa đau lưng, nên ngồi dậy xoa bóp, bị con sếu đầu đàn phát hiện. Chúng kêu vang lên rồi cả đàn hốt hoảng vỗ cánh bay, để lại một không gian luyến tiếc và thất vọng. Nhóm chúng tôi lúc này được “phép” đứng dậy, nặng nề mang đồ nghề về lại ngôi nhà hoang. Cùng lúc ấy, anh Danh Sự trở về chắc lưỡi: “Mấy cái con trời đánh này! Khi đã bị phát hiện bất thình lình, ngày mai nó không trở lại đâu. Tôi biết mà! Hay là mấy “cha” trưa nay ra chợ mua nhang, trái cây cúng vái thổ địa coi. Biết đâu trời đất chứng giám lòng thành của mấy ông! Đất có thổ công, sông có hà bá mà. Tôi nói thiệt đó!” Danh Sự ngặt nghẽo cười. Ngay buổi chiều, chúng tôi ra chợ quê mua một con gà trống, bánh trái, nhang đèn đặt lễ trước sân chòi lạy tạ, khấn vái thổ địa, mong ước đàn sếu ngày mai trở lại…
|
Đàn sếu ở Kiên Lương
|
Đêm thứ hai về trong căn nhà hoang, liệu lời cầu nguyện của chúng tôi với hương thần thổ địa có trở nên hiện thực. Đêm đã khuya, ngoài đồng tiếng trâu giẫm chân huỳnh huỵch, tiếng con kúm núm kéo dài và tiếng chim cuốc kêu từ xa vọng về như tiếng khóc than ai oán. Tối nay, Danh Sự không về. Không biết sáng mai có sếu về hay không! Nhưng đến 4 giờ sáng, chúng tôi tiếp tục lên đường nằm phục sẵn, trên đầu đội cỏ, toàn thân trét bùn, 3 máy ảnh đặt sẵn trên bệ như lính đặc công thứ thiệt.
Năm giờ 37 phút, 5 con, rồi 7 con, rồi cả đàn 21 con đáp xuống trong lặng lẽ không một tiếng kêu. Toàn cảnh đàn sếu đủ sắc màu đang từng bước kiếm ăn, thỉnh thoảng xòa cánh, đùa giỡn. Tất cả những khoảnh khắc vàng ấy đều lần lượt ghi vào máy ảnh chúng tôi. Một vài con đã nhìn thấy những chòm “cỏ” cử động, nhưng có lẽ chúng đã nhận thấy không nguy hiểm, nên vẫn đi lại bình thường. Người ghi lại khoảnh khắc vàng nhiều nhất là Quang Bảo. Anh có nhiều tấm ảnh để đời về loại động vật sắp bị diệt chủng này.
Trên đường về Bảo Lộc, tôi cứ ám ảnh những lời tỉ tê của Danh Sự trong bóng đêm. “Năm 2000, sếu về Phú Mỹ 300 con. Năm 2005 có 100 con. Năm 2010 có 38 con. Và năm nay, chưa đếm! Không biết sang năm là bao nhiêu nữa? Ông nhà văn “đách” biết đâu! Phá bỏ đồng cỏ để làm đầm nuôi tôm nước lợ, mai mốt còn cỏ đâu mà sếu mò về kiếm ăn, rồi chúng nó cũng sẽ chết thôi, chết vì đói, chứ diệt chủng gì? Mai này, muốn xem sếu phải đến Vườn tràm chim Quốc gia ở tận Đồng Tháp các ông ơi!”.
Ký sự: TRẦN ĐẠI - VĂN THƯƠNG