Suối Đạ Lai hiện nay được gọi là Đạ Lây theo âm đọc của người Mạ Xộp. Suối Đạ Lây bắt nguồn từ sườn phía tây ngọn Bun Trao giữa các ngọn đồi của dãy Đăng Kon Cung và dãy Dor Mu. Các buôn Mạ lẩn khuất trên các ngọn đồi nhỏ hai bên con nước...
Các buôn dọc Đạ Lai
Suối Đạ Lai hiện nay được gọi là Đạ Lây theo âm đọc của người Mạ Xộp. Suối Đạ Lây bắt nguồn từ sườn phía tây ngọn Bun Trao giữa các ngọn đồi của dãy Đăng Kon Cung và dãy Dor Mu. Các buôn Mạ lẩn khuất trên các ngọn đồi nhỏ hai bên con nước. Đầu nguồn là các buôn Mạ Đạ Đờng, các buôn này gần như ở trung tâm của vòng khuyên sông Đạ Đờng, vì vậy giọng nói ít bị pha tạp, còn giữ nguyên âm sắc của giọng nói của người Mạ gốc.
[links(right)]Buôn lớn nhất là buôn Brodee, có hai buôn nhỏ ở cách nhau một dãy đồi thấp. Buôn Brodee nổi tiếng vì cuối những năm 1950, một chủ đồn điền người Pháp tên là J.Boulbet, lấy vợ người Mạ ở buôn này, nhờ đó phát hiện ra bộ đàn đá mà Condominas và Boulbet gọi là đàn đá Brodee, Bảo tàng Lâm Đồng gọi là đàn đá B’Lao.
Bộ đàn này được lưu giữ qua 7 đời dòng họ K’Siêng. Ông K’Broih, cháu đời thứ 7 của ông K’Siêng kể lại rằng: Ông K’Siêng, tổ tiên của ông, đi làm rẫy ở núi Dlang K’Rock, đang tỉa lúa thì cây chọc lỗ chạm phải một vật cứng, phát tiếng vang lạ. Ông đào lên và phát hiện có một thanh đá. Bảy đêm sau, ông mơ thấy có sáu người lạ khi đào đất dựng buôn làng gặp nhật thực nên sáu người hóa đá. Giấc mơ được coi là điềm lành. Từ đó, ông K’Siêng mang sáu thanh đá về nhà, coi là báu vật của dòng họ và chỉ được đem gõ vào dịp đâm trâu cúng Giàng. Sau đó, đến đời thứ tư – bà nội của ông K’Broih mượn 3 thanh về buôn của bà làm lễ ăn trâu mừng lúa mới. Rủi ro nhà cháy, 3 thanh đá chảy tan. Ba thanh đá còn lại trong thời chiến tranh, cũng bị bom, vỡ thành nhiều mảnh. Đến năm 1979, các nhà khảo cổ Việt Nam đã lắp ghép và phục chế được nguyên dạng và tổ chức công bố vào năm 1980. Đàn đá B’Lao là bộ đàn đá được người bản địa đưa ra khỏi lòng đất sớm, cách nay khoảng 300 năm.
Dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Minh |
Vùng rừng buôn Brodee có nhiều cây đa, tiếng Mạ gọi là J’ri. Theo truyền thuyết ở vùng Mạ, cây đa là nơi Giàng đã chỉ cho con người tìm sắt. Từ đó con người mới rèn nên các loại dụng cụ của mình, cái crao để làm cỏ trên rẫy, con dao Piachút để vót nan, cái rìu để chặt cây… đều từ sắt mà ra. Buôn Brodee có nhiều thợ rèn giỏi, họ biết cách lấy một loại đá, dùng đất sét bọc lại rồi đốt trong lò than, sau đó đem vào đe đập bằng búa nhiều lần. Dần dần, lớp sỉ rơi ra hết, các hạt sắt dính kết lại, cuối cùng được một miếng sắt, đủ để làm một cái xà gạc hay một mũi giáo. Có lẽ sắt là kim loại duy nhất được người Mạ lấy từ đất của mình, họ biết cách chế tác công cụ bằng sắt từ một loại đá quặng nhặt nhạnh trên một số sườn núi nào đấy trong vùng. Ở ven dòng Đạ Đờng, nhiều gia đình có chiêng đồng, nồi đồng, có cả những chiếc bát đồng, mâm đồng nữa, nhưng các vật dụng đó đều được mua từ vùng khác về. Chiêng có nguồn gốc từ người Kinh, người Chăm, người Kur, nồi đồng vốn của người Kinh, mâm đồng cũng vậy. Không có một câu chuyện nào nói về việc người Mạ biết đến việc chế tác các công cụ bằng đồng hay khai mỏ đồng. Có lẽ, người Mạ đi thẳng từ thời đại đồ đá sang thời đồ sắt chăng?
Người Brodee coi thợ rèn là người được trọng vọng và có nhiều nghi lễ, kiêng cữ liên quan đến nghề rèn, như người thợ rèn phải cúng Giàng một con gà nhỏ khi bắt đầu kéo lần đầu tiên cái cần trên chiếc bễ thụt của mình, phải bôi máu gà và đổ rượu cần lên chiếc đe như là một lễ thức khai trương lò rèn, nếu không, công sức bỏ ra chỉ vô ích, đốt bao nhiêu đá cũng chẳng được tí sắt nào. Phụ nữ không được vào lò rèn, dù là lò rèn của gia đình mình, vì rèn là việc của đàn ông, cũng như làm rượu cần là việc của đàn bà vậy. Nếu có người đàn bà vào lò rèn thì người thợ rèn phải lập tức dời chỗ, di chuyển lò rèn đến một nơi mới, có thể ngay cạnh chỗ cũ nhưng phải làm cái chòi mới, còn cái chòi cũ không được đốt bỏ, mà phải để cho nó từ từ mục nát rồi một lúc nào đấy, không có ai thấy, người ta xô cho nó đổ đi.
Từ buôn Brodee về hướng nam có đường đi sang buôn B’Kuất Đăng và B’Kuất Đạ, con đường này vượt dãy Đăng Yaang ở chân một con thác đẹp, thác Liêng Nhòng. Hai buôn B’Kuất nằm giữa dãy Đăng Luah và Đăng Riong là vùng đất khá bằng phẳng. Các cánh đồng cỏ trong vùng có nhiều ốc sên, loại màu xanh lá thường bám trên mọi cành cây, ngọn cỏ, chúng ăn các loại lá non. Buôn ở trên vùng đất ấy nên có tên là B’Kuất, buôn ở vùng nhiều ốc sên.
Các buôn Mạ trong vùng cho rằng, rượu cần của buôn B’Kuất rất ngon, uống ngọt, êm mà dễ say.
Cái say của rượu cần buôn B’Kuất không giống với cơn say của rượu cần nơi khác. Nó dìu dịu, nhè nhẹ làm đầu óc lâng lâng, mùi men thơm mùi mật ong, ngòn ngọt mà dễ chịu, làm lòng người ngây ngất trong làn gió thoang thoảng, thổi qua phên nứa ngôi nhà sàn mộc mạc, hoang sơ. Dù đã chuếnh choáng say, khách vẫn cứ muốn uống thêm nữa. Người ta nói rằng sở dĩ rượu cần ở đây ngon vì nước châm vào rượu cần được lấy từ nguồn nước trên núi Đăng Riong.
Ở buôn B’Kuất Đăng có truyền miệng câu chuyện về việc người Mạ biết làm rượu cần:
Chuyện kể rằng khi người Mạ mới tới miền sông mẹ Đạ Đờng, cây rừng rậm rạp, muỗi mòng, bệnh tật nhiều. Người Mạ chỉ sốt một đêm là thành kẻ ở cõi ma, già làng hoảng sợ cầu khấn, được Giàng cho lá cây Gràng, cùng với củ riềng rừng, bảo đem giã nát trộn vào cơm để thành men. Lại được thần Nhím dạy cách trộn men vào cơm, ủ thành loại nước uống xua đuổi tà ma, yêu quái. Ché rượu cần có từ ngày xa xưa ấy và trở thành thức uống không thể thiếu trong các lễ cúng Giàng, trong mọi nghi lễ suốt vòng đời của người Mạ.
Ngày trước, từ các buôn B’Kuất đổ về phía Đạ Tẻh, các buôn Mạ bị ám ảnh nặng nề về chuyện ma lai, mà họ gọi là Cạa Sari sàng, đến nỗi, khi lấy vợ, lấy chồng, người Mạ chỉ dám tìm trong họ của mình, không dám tìm ở họ khác vì sợ lấy phải ma lai. Nhưng khi hỏi các cụ già thế nào là ma lai thì mỗi người kể một cách, và chẳng có ai dám xác định là mình đã từng gặp, họ nói rằng, đó là lời ông bà xưa kể lại. Già làng K’Pót ở B’Kuất Đạ kể rằng:
Cạa Sari sàng đáng sợ lắm, nó mà ghét ai, muốn hại ai, là người đó ốm đau, cúng trừ bệnh, hay uống thuốc cũng không hết, nó làm cho người ta chết mà chết đau đớn lắm.
Cạa Sari sàng có phép muốn biến thành gì cũng được. Khi nó biến thành con chó, con heo, con bò, lúc nó biến thành người, biến thành con gái, con trai. Chẳng ai biết nó là cạa. Cạa đội lốt người cũng có thể lấy vợ, lấy chồng, ban ngày sống như người bình thường. Ban đêm, nó bay đi tìm ăn xác chết hay ăn phân người. Xác chết bị nó ăn cũng trở thành Cạa Sari sàng, người bị nó ăn phân sẽ ốm đau, chết vì không thể chữa khỏi.
Một cụ già khác lại kể rằng:
Cạa Sari sàng có khi nhập vào một người con gái hay biến làm con gái đẹp, lấy chồng ăn ở có con cái như người bình thường, thỉnh thoảng nửa đêm, đợi khi mọi người ngủ say liền rút ruột ra khỏi thân thể, chỉ có cái đầu và bộ ruột lòng thòng bay đi Cạa Sari sàng thường bay đi ăn phân người ở các nơi thật xa buôn. Người nào bị ăn như thế sẽ bị chết dần mòn. Cạa đi ăn gần sáng mới trở về nhập phần ruột vào thân thể trở lại nằm ngủ như người thường. Loại ma này rất sợ các bụi gai hay hố phân có chất cành lá gai góc chung quanh vì vướng chùm ruột vào đó là không bay về được.
Cách mô tả về Cạa Sari sàng của người Mạ cũng tương tự như của các dân tộc Tây Nguyên khác, có lẽ họ chịu ảnh hưởng lẫn nhau trong các truyền thuyết này và thể hiện nỗi sợ mơ hồ về bệnh tật, một thứ có thể làm chết người, mà họ không thể hiểu được. Ngày trước, nghe nói rằng nhiều buôn có Cạa Sari sàng sống lẫn lộn, bị ốm đau chết lần chết mòn gần hết. Vì vậy, người Mạ luôn coi Cạa Sari sàng là mối đe dọa cần phải loại trừ. Cạa chưa ai thấy cụ thể thế nào, nhưng đã có nhiều cái chết thương tâm xảy ra vì bị dân làng nghi là ma lai, là Cạa Sari sàng.
Kỳ VI: Vùng ven sông qua các thời kỳ
Ghi chép NINH THẾ HÙNG