Cảm nhận qua Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ

04:09, 11/09/2013

Lâu lắm rồi, các nhà hát ở Thủ đô Hà Nội mới đồng loạt đỏ đèn và nhộn nhịp khán giả như thời điểm này. Nhiều người tỏ ra rất vui khi có được cho mình một chiếc vé xem cả đợt Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ.

Lâu lắm rồi, các nhà hát ở Thủ đô Hà Nội mới đồng loạt đỏ đèn và nhộn nhịp khán giả như thời điểm này. Nhiều người tỏ ra rất vui khi có được cho mình một chiếc vé xem cả đợt Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ.

 Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của NH Kịch VN
Cảnh trong vở “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của NH Kịch VN


Đêm khai mạc, khán phòng 2 tầng tại rạp Công Nhân chật ních người. Điều gì khiến hơn 35 năm sau những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn sống và điều gì ngày hôm nay không ít kịch bản mới được dàn dựng biểu diễn vài ba suất đã lặng lẽ xếp kho?

Nhà văn Ngô Thảo, nguyên là Phó tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN bay từ TP.HCM ra Hà Nội để dự Liên hoan chia sẻ: “Chẳng biết là nên vui hay nên buồn khi mà hơn 35 năm qua rồi, sân khấu chưa xuất hiện được tác giả nào tài năng như Lưu Quang Vũ. Biết bao nhiêu kịch bản của các tác giả khác được dựng vở mà chẳng đọng lại theo thời gian.

Chỉ được coi là món hàng “tươi sống” lấp cho đầy dạ dày thường ngày đang đói kịch bản của các đơn vị nghệ thuật sân khấu mà thôi. Đương thời người ta coi những tác phẩm của Vũ cũng chỉ là một món hàng tươi sống như vậy, nhưng giờ xem và ngẫm lại thấy của Vũ khác hẳn với các món hàng “tươi sống” khác bởi những vấn đề xã hội mang tính nhân văn sâu sắc không bao giờ cũ.

Hội Nghệ sĩ sân khấu VN và Cục Nghệ thuật Biểu diễn cùng phối hợp tổ chức liên hoan này là việc rất nên làm. Các vở diễn sẽ giúp cho những nhà hoạt động sân khấu soi vào để tìm ra được những hướng đi mới. Ở góc độ kịch bản, tôi không dám chê các nhà biên kịch hiện nay bởi họ đều là những người có bằng cấp và điều kiện hơn cả Lưu Quang Vũ, tuy nhiên kịch bây giờ có phần xa rời với hiện thực đời sống. Cái mà họ tâm đắc đưa lên chưa phải là cái mà công chúng cần”.

Tới dự đêm diễn Mùa hạ cuối cùng của đạo diễn NSƯT Chí Trung tại Nhà hát Tuổi Trẻ có rất nhiều quan khách thuộc ngành giáo dục. Sở dĩ những vị khách này đến dự bởi đây là đề tài viết về ngành giáo dục, về tuổi trẻ học đường. Cách dàn dựng trẻ trung, cách thể hiện phù hợp với đối tượng khán giả trẻ đã khiến vở diễn vừa lãng mạn nhưng cũng rất góc cạnh khi nhấn vào sự quan liêu và những mặt trái của ngành giáo dục.

Một vị hiệu trưởng của một trường THPT cho biết: “Vở diễn rất gần gũi với đời sống hiện thực, đúng là ngành giáo dục còn rất nhiều những bất cập khi có những con sâu làm rầu nồi canh. Vở diễn như một lời gửi gắm của nghệ sĩ cũng như của chính người dân và những bậc phụ huynh mong muốn những người thầy giáo chúng tôi phải sống tốt, phải trung thực để làm gương cho học trò của mình. Rất mong rằng sau liên hoan này, sân khấu sẽ có nhiều vở diễn hay về đề tài giáo dục hơn nữa”.

NSND Trần Tiến đã từng thể hiện vai Đế Thích trong Hồn Trương Ba da hàng thịt của Nhà hát Kịch VN khi xem lại bản diễn mới cho rằng: “Bản diễn mới do đạo diễn Tú Mai dựng đã mang lại hình thức dàn dựng khác cả về hình thức sân khấu lẫn xây dựng nhân vật so với đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi đã từng làm.

Tôi nghĩ hoàn toàn có thể chấp nhận được, chúng ta đừng nên so sánh giữa bản diễn cũ và bản diễn mới. Hay như nhân vật anh hàng thịt trước kia do NSND Trọng Khôi đóng rất to béo, vạm vỡ thì lần này lại giao cho nghệ sĩ Quốc Khánh người nhỏ thó. Tôi nghĩ rằng đó chỉ là cái hình thức mà thôi, quan trọng là tâm trạng của nhân vật, cái hồn của nhân vật được sáng tạo như thế nào. Mặc dù rõ ràng về vóc dáng nghệ sĩ Quốc Khánh có bất lợi hơn để tạo sự tương phản với nhân vật Trương Ba”.

Đúng là khi so sánh giữa bản diễn mới và bản diễn cũ cách đây mấy chục năm thì có cái được, có cái lại không bằng so với trước kia nhưng ghi nhận đầu tiên, đó là sự thành công nổi trội từ góc độ kịch bản. Có nhiều lý do để công chúng hào hứng với sự trở lại của các tác phẩm Lưu Quang Vũ trong đó có thể thấy rằng qua gần ba thập kỷ những tác phẩm của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên vẹn giá trị bởi tính dự báo, tính thẩm mỹ, nghệ thuật xây dựng tác phẩm, cách xây dựng nhân vật điển hình... Và quan trọng hơn là kịch khiến người xem phải suy ngẫm, thấm thía...

Một điểm nữa là tuy vẫn có một vài gương mặt diễn viên tỏa sáng trong một vài tác phẩm nhưng nhìn chung ê kíp diễn viên thể hiện trong 12 vở diễn tham dự liên hoan lần này vẫn chưa thể tạo được “lửa” bằng các thế hệ đàn anh, đàn chị trước đây. Đây không chỉ là lỗi của diễn viên mà còn là lỗi chung của cả ngành khi mà sân khấu ngày càng thưa vắng khán giả, diễn viên ngày càng ít có cơ hội đảm đương những vai diễn “để đời” như trong những tác phẩm của Lưu Quang Vũ. Có thể những vở diễn ngày hôm nay được dựng với đầu tư lớn hơn, quy mô hơn, trau chuốt hơn nhưng vẫn chưa làm nên được cái chất mà trước đây các bản diễn cũ từng có.

Sáng kiến tổ chức Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ của Ban tổ chức cũng là dịp để chính những nhà hoạt động sân khấu, những nhà lãnh đạo của các đơn vị sân khấu có dịp nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại quá khứ một thời oanh liệt của đơn vị để tìm ra những hướng đi mới hơn, khôi phục lại sự hấp dẫn vốn đã từng có của sân khấu đối với khán giả ngày hôm nay, khôi phục lại thương hiệu một thời của chính từng nhà hát, đoàn kịch. Những suất diễn đầu tiên của liên hoan chật kín không một ghế trống đã chứng tỏ khán giả không thờ ơ với sân khấu nếu sân khấu thực sự mang tới cho họ những tác phẩm nghệ thuật chất lượng.

Khai mạc Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ
 
Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ do Hội Nghệ sĩ sân khấu VN và Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức đã khai mạc tại rạp Công Nhân với vở diễn Ông không phải là bố tôi của Nhà hát Kịch Hà Nội tối 9.9. Tám nhà hát đã tham dự liên hoan với 12 vở diễn thuộc các thể loại kịch, chèo, cải lương, dân ca, kịch hình thể, đến từ miền Bắc và miền Trung.

Cụ thể, Nhà hát Tuổi Trẻ với các Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ chín, Hồn Trương ba da hàng thịt; Nhà hát Kịch Hà Nội với các vở Ông không phải là bố tôi, 2000 ngày oan trái; Nhà hát Kịch quân đội với Điều không thể mất; Nhà hát Chèo Hà Nội với Nàng Sita, Ngọc Hân công chúa; Nhà hát Kịch Việt Nam với vở Hồn Trương Ba da hàng thịt; Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế vở Điều không thể mất; Đoàn cải lương Hải Phòng 2000 ngày oan trái; Đoàn kịch Nam Định Ai là thủ phạm. Phát biểu tại lễ khai mạc, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định: “Đây là lần đầu tiên một liên hoan lớn của giới sân khấu tổ chức để tôn vinh giá trị nghệ thuật các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ.
 
Qua liên hoan, giới sân khấu tiếp tục khơi dậy và tỏa sáng, truyền cảm hứng cho lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay say mê sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật sân khấu phát triển nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục xây dựng và tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Liên hoan diễn ra từ 9.9 đến 16.9 tại Hà Nội.

TS (Theo Báo Văn Hóa)