"Người đời vẫn xem tác phẩm là đứa con tinh thần. Có những bài thơ làm ra, do thời thế hay hoàn cảnh phải thất lạc. Người viết ra đã phải quên đi, như một thứ hoang thai. Bỗng một ngày kia, nó hiện về, đủ xương thịt (bằng giấy in hay dòng điện tử)" – nhà thơ Võ Chân Cửu viết trong "Tìm gặp nơi đâu?", một trong "22 tản mạn" vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
“Người đời vẫn xem tác phẩm là đứa con tinh thần. Có những bài thơ làm ra, do thời thế hay hoàn cảnh phải thất lạc. Người viết ra đã phải quên đi, như một thứ hoang thai. Bỗng một ngày kia, nó hiện về, đủ xương thịt (bằng giấy in hay dòng điện tử)” – nhà thơ Võ Chân Cửu viết trong “Tìm gặp nơi đâu?”, một trong “22 tản mạn” vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Bìa 1 tác phẩm “22 tản mạn” của nhà thơ Võ Chân Cửu |
Không có nghĩa Võ Chân Cửu trong “22 tản mạn” đã làm công việc của một nhà làm sử văn học viết về một giai đoạn văn học miền Nam trước 1975, cũng không phải là công việc của một nhà văn “vẽ” lại chân dung của những nhà thơ, nhà văn đã sống và sáng tác trong giai đoạn ấy. Mà, theo suy nghĩ thiển cận của chúng tôi, “22 tản mạn” là những đoản khúc viết về những nhà thơ, nhà văn với tư cách là người trong cuộc, là kẻ dấn thân; viết bằng những cảm xúc rất thật về những điều rất thật; và viết theo một thể loại văn chương mà có lẽ ở Việt Nam chưa có tiền lệ - tản mạn pha ghi chép.
“Võ Chân Cửu sinh năm 1952 tại Bình Định. Làm thơ viết văn từ 1965. Năm 1968 vào học tại Sài Gòn. Ký bút hiệu Võ Chân Cửu từ 1969, đăng thơ và bút ký trên nhiều báo, tạp chí văn nghệ ở miền Nam. Chủ biên tập san Thi Ca. Là nhà báo chuyên nghiệp từ 1976, bút danh Hưng Văn. Các tập thơ đã in: Tinh sương (1972), Đại mộng (1973), Ngã tư vầng trăng (NXB Trẻ, 1990), Ngọn gió (NXB Văn Học, 2011). Sẽ in: Tản mạn về nghệ thuật thi ca: Mặt tiền nghệ thuật”. |
Trong “22 tản mạn” của Võ Chân Cửu, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tên tuổi từ bậc lão trượng đến lớp trung niên và đến “thế hệ đàn em” (nhưng bây giờ cũng đã là bậc cha chú của lớp 8X) hoạt động văn chương trên văn đàn miền Nam trước 1975 như Quách Tấn, Bùi Giáng, Nguyễn Mộng Giác, Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Đức Sơn, Vũ Hữu Định, Phạm Chu Sa, Hồ Ngạc Ngữ, Nguyễn Đạt…
Nhà thơ Võ Chân Cửu trong tản mạn “Đường vân gỗ” viết như một sự chiêm nghiệm: “Con người có thể làm ra nhiều thứ, kể cả chuyện “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Nhưng tạo ra được những đường vân gỗ, thì các họa sỹ tài ba nhất, cũng đều phải thua sức các dòng thực vật… “Cần có thời gian để cho dó hoá trầm, để cho cây hoá gỗ”… Văn học và thơ ca cũng vậy, dòng chảy đến hồi cực thịnh, nó phải tự chuyển mình…”. Đó là những dòng có vẻ triết lý rất ít khi bắt gặp trong “22 tản mạn” của Võ Chân Cửu. Nói cách khác, sự chiêm nghiệm của “người trong cuộc” Võ Chân Cửu về thi ca miền Nam trước 1975 không mấy khi được thể hiện dưới dạng “triết lý” như thế mà thường được anh đúc kết bằng cách nói ví von, so sánh… như: “Những lá vú sữa trên tàn cây đã nói với tôi rằng hai màu lá đối nghịch vì lẽ tự nhiên do trời sinh. Nó hợp thành một chiếc lá. Nhưng con người, thì tâm hồn có khi rất trẻ, có khi rất già nua. Nhưng qua chữ nghĩa mà anh dùng, trước sau rồi cũng khẳng định: Văn là người!”.
Tác giả Võ Chân Cửu lập luận: “Văn học miền Nam sau 1954, sau bùng phát của trường thơ “tự do”, lớp cầm bút trẻ như lúng túng giữa các kiểu “tượng trưng” và “siêu thực”. Chiến tranh ngày càng gây nên bao cảnh điêu tàn nên họ “tuyên ngôn” chối từ các tiện nghi văn minh, để tìm đến thiên nhiên đích thực. Những câu thơ “Từ núi rừng Lục Tuyết” của Nguyễn Miên Thảo xuất hiện trên tuần báo Khởi Hành năm 1969 chính là một trong các sáng tác của anh và bạn hữu lúc này…”. Rồi, đôi khi, nhà thơ Võ Chân Cửu còn nêu ý kiến của mình với lối lập luận: “Thơ ca miền Nam giai đoạn cuối (1967 - 1975) tự do trình diện nhiều món. Cả những cây bút hàng đầu của nhóm Sáng Tạo, như Tô Thùy Yên, và về sau (khi đi tù sau 1975), cả Thanh Tâm Tuyền đã không ngần ngại sử dụng lối thơ phá thể. Nhưng trong sự ràng buộc của cách gieo vần, vẫn thể hiện được nghệ thuật theo “quan niệm Dionysos”. Phải chăng trong một bát canh rau tập tàng, người nấu khéo, thấu hiểu tính năng của từng loại rau cỏ, có thể thêm thắt nhiều loại, và lại làm cho bát canh thêm thi vị…”.
Viết về Võ Chân Cửu, một bạn văn của anh bảo rằng anh là người “có tấm lòng đôn hậu, chân thật đối xử với mọi người tình nghĩa…” và “Chính cái “vốn” bạn bè này của Võ Chân Cửu đã làm sinh động, phong phú những suy nghĩ về thơ và nghiệp làm thơ mà ông muốn gửi gắm trong tập sách “22 tản mạn”.
Khắc Dũng