Đọc lại truyện ngụ ngôn Union dans la volonté et unanimité de vues của Nguyễn Ái Quốc

04:09, 04/09/2013

Union dans la volonté et unanimité de vues dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là "Sự thống nhất trong ý chí và sự nhất trí về quan niệm"; giáo sư Phạm Huy Thông chuyển ngữ sang thành ngữ Việt Nam rất đạt: Đồng tâm nhất trí. Đây là một truyện ngụ ngôn của Nguyễn Ái Quốc vừa theo kiểu ngụ ngôn Pháp Fable, vừa theo kiểu ngụ ngôn cũng của Pháp parabole: xây dựng hình tượng nhân vật mang tính tượng trưng.

Union dans la volonté et unanimité de vues dịch sát nghĩa sang tiếng Việt là “Sự thống nhất trong ý chí và sự nhất trí về quan niệm”; giáo sư Phạm Huy Thông chuyển ngữ sang thành ngữ Việt Nam rất đạt: Đồng tâm nhất trí. Đây là một truyện ngụ ngôn của Nguyễn Ái Quốc vừa theo kiểu ngụ ngôn Pháp Fable, vừa theo kiểu ngụ ngôn cũng của Pháp parabole: xây dựng hình tượng nhân vật mang tính tượng trưng. (1)

Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua - Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920)
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua - Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920)


Sự kết hợp nhuần nhuyễn hai kiểu ngụ ngôn trong một truyện ngụ ngôn như thế khiến cho việc giải mã ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Ái Quốc trở nên khó khăn đối với các nhà nghiên cứu văn học ở nước ta. Vì không đạt được sự đồng thuận trong nhận thức về nội dung và nghệ thuật của truyện ngụ ngôn này nên ở Truyện và ký (contes et rescits) của Nguyễn Ái Quốc do Phạm Huy Thông dịch và giới thiệu (Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, Hà Nội, 1974), Union dans la volonté et unanimité de vues  chưa được đưa vào. Năm 1976 bản dịch tác phẩm đó mới xuất hiện trên Tạp chí tác phẩm mới số 58…

“Mặt trời đứng bóng chiều ướt đẫm những bắp chân, bắp tay lực lưỡng gần như để trần của hai anh. Bốn chiếc thúng nặng nề đung đưa ở đầu hai đòn gánh tre đặt ngay trên vai cháy nắng. Bụi cuốn lên quanh bước chân thoăn thoắt thành một thứ màn sương”. Đọc đoạn văn dịch này, ai cũng thấy rõ anh Hai, anh Ba là hai người dân đổi bát mồ hôi lấy bát cơm.

Đọc truyện ngụ ngôn này của Nguyễn Ái Quốc, tôi muốn nhấn mạnh rằng những câu hát tiếng Việt thể lục bát kèm theo lời dịch sang tiếng Pháp đều của chính tác giả, nghĩa là Phạm Huy Thông không dịch Seigneur chat sang tiếng Việt kon - mèo như có người nhận lầm (*). Kon - mèo được Nguyễn Ái Quốc dịch sang tiếng Pháp Seigneur chat là sự thông hiểu sâu sắc mỹ cảm của độc giả Pháp: Ngụ ngôn của La Fontaine lên án cay độc những “kẻ lớn”, “những nhân vật của giới thống trị” (2); theo truyền thống này, độc giả Pháp có ác cảm với Seigneus chat - Chúa mèo, dồn hết thiện cảm cho rat - con chuột (độc giả biết tiếng Pháp và thích văn Pháp khúc chiết, tinh tế ở Việt Nam và các thuộc địa khác của thực dân Pháp lúc bấy giờ cũng chia sẻ sự cảm nhận như vậy của độc giả cai trị chính quốc). Bởi thế, Kon - mèo được Nguyễn Ái Quốc dịch Seigneur chat không phải là cải biên bài đồng dao Việt Nam như có người hiểu sai (*) mà trái lại, giúp độc giả Pháp nhận thức đúng bài đồng dao đó, như độc giả nước ta. Bầy chim quạ được Nguyễn Ái Quốc dịch villains corbeaux - những con quạ xấu xa (khác với les corbeaux - những con quạ (nghĩa đen, trung tính), hay những thầy tu (nghĩa xấu), hoặc những kẻ tham lam mà ngốc (nghĩa bóng) là những nghĩa không tương hợp với những nội dung của hai câu lục bát về bầy chim quạ ăn xoài chín cây trên núi Thiên Thai.

Đọc và suy nghĩ, độc giả thấy: thay vì hát những bài ca lao động để vơi bớt nỗi nhọc nhằn do gánh nặng đường xa, anh Hai hát lên bốn câu lục bát về mèo, chuột, hai câu lục bát về bầy chim quạ ăn xoài chín cây. Sáu câu lục bát này ám chỉ một xã hội ở đó người áp bức, bóc lột người. Kể chuyện như vậy, Nguyễn Ái Quốc muốn nói: nhân dân lao động đang suy nghĩ rốt ráo về hoàn cảnh sống của mình, nghĩa là họ đang thức tỉnh. Anh hai nói: “Khôn ngoan hơn cường bạo, kẻ yếu chỉ có cách đó để tự vệ” sau khi hát bốn câu lục bát về mèo, chuột; anh Ba bình luận: “Bài chú hát sao nghe buồn quá! Nhưng mà sự thật là thế”. Và, sau khi nghe anh Hai hát hai câu lục bát về bầy chim quạ, anh Ba nhận xét: “Ở đâu cũng thấy cái giống chim chóc biếng lười, nó chẳng chịu làm lụng gì cả, chuyên bòn cái của người khác làm ra mà ăn”. Hai bài hát thì cũ mèm. Điều mới mẻ là ở chỗ anh Ba và anh Hai cắt nghĩa hai bài hát ấy, nói to lên cái sự thật về hoàn cảnh xã hội ở đó hai anh đang sống. Lời của anh Hai và anh Ba là lời của hai người đồng tâm, chứ không phải là “những câu triết lý yếm thế”, “triết lý đầu hàng” như có người hời hợt viết (*). Ở đây những bạn đọc thâm thuý thì nhớ đến danh ngôn: “Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim” (hai người đồng lòng thì lợi khí của nó có thể chặt được sắt).

Ngôi nhà số 9, ngõ Công Poanh (Pari) nơi Nguyễn Ái Quốc sống và làm việc từ 1920-1923
Ngôi nhà số 9, ngõ Công Poanh (Pari) nơi Nguyễn Ái Quốc sống và làm việc từ 1920-1923

Theo lời anh Ba, anh bán hàng mã nhúng hai thúng hàng của mình xuống dòng nước trong veo; rồi, theo lời anh Hai, anh bán trầu cau phơi gánh trầu không dưới ánh nắng mặt trời. Sự đồng tâm nhất trí của anh Hai và anh Ba đã được chứng nghiệm bằng hành động dứt khoát của hai anh. Truyện ngụ ngôn của Nguyễn Ái Quốc kết thúc. Lúc này, bạn đọc có thể nghĩ: Trong truyền thống có những truyền thống tích cực, đầy sức sống, lại có những truyền thống tiêu cực, cản trở sự phát triển của dân tộc, đất nước. Hành động của anh Hai và anh Ba là biểu trưng cho sự dám vượt lên lối sống, lối ứng xử kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau”(3).

Viết những lời đối thoại của anh Hai và anh Ba, Nguyễn Ái Quốc đã hé mở những dấu hiệu khác thường, nhưng bạn đọc nương theo câu tục ngữ “Buôn có bạn, bán có phường”, nếu không chú ý đến những dấu hiệu đó và vai trò khởi xướng của anh Ba trong việc “cùng nhau giao ước thắt tình hữu ái”. Ở đây, Nguyễn Ái Quốc đảm bảo nghiêm nhặt sự thống nhất giữa logic nghệ thuật và logic cuộc sống. Thế nhưng, viết đoạn hai của truyện tác giả chủ tâm phá vỡ sự thống nhất đó, bởi không phá vỡ nó, Nguyễn Ái Quốc sẽ không thể trình bày được thái độ của anh Ba và anh Hai (trình bày một cách kín đáo, tất nhiên) đối với trật tự của xã hội đương thời. Hai bài hát buồn, chứ không phải là hai bài ca lao động, của anh Hai, chính là sự phá vỡ như thế. Sự phá vỡ sự thống nhất của logic nghệ thuật và logic cuộc sống đạt tới đỉnh cao khi tác giả mô tả hành động của anh Hai và anh Ba thực hiện lời thề đồng tâm nhất trí. Ở đây, cái phi lý đã được sử dụng. Cái phi lý trong nghệ thuật không xa lạ với loài người ở Đông và ở Tây, ở thời cổ đại và ở thời hiện kim. Có người hiểu hành động của anh Hai và anh Ba trong truyện này theo logic hiện thực thông thường nên cho rằng hành động của họ là “ngớ ngẩn” (*). Thế mà, nhờ sử dụng cái phi lý, tác giả của truyện Union dans la volonté et unanimité de vues đã nói được điều hợp lý, đáng tin: đồng tâm, nhất trí chỉ có thể được coi là đích thực khi thể hiện bằng hành động cụ thể.

Sáng tác độc đáo, thú vị của Nguyễn Ái Quốc nằm trong nỗ lực chung của Người nhằm làm cho những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân ở Pháp, ở châu Âu hiểu rằng nhân dân Việt Nam và nhân dân ở các thuộc địa khác của chủ nghĩa thực dân có khả năng thức nhận hoàn cảnh bị áp bức, bóc lột nặng nề của mình, do đó đang đoàn kết lại để thay đổi cuộc sống (4).

Truyện Union dans la volonté et unanimité de vues  ra mắt bạn đọc trên L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp ngày 29/9/1922. Tháng 5/1924, bút ký của Nguyễn Ái Quốc Solidarité de classe (Đoàn kết giai cấp) được in trên LeParia (Người cùng khổ) của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa (5).

(*) Hà Quảng, Đồng tâm hay đồng tử? (thử tìm hiểu lại truyện ngắn Đồng tâm nhất trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong Tạp chí Văn học số 5/1994).

(1) Bốn câu đồng dao thể lục bát về mèo, chuột; hai câu đồng dao cũng thể lục bát về bầy chim quạ ăn xoài chín cây trên núi Thiên Thai là ngụ ngôn Pháp kiểu Fable; mô tả sự đồng tâm nhất trí của anh Hai và anh Ba là ngụ ngôn cũng của Pháp, nhưng kiểu parabole.

(2) Lịch sử văn học phương Tây, tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1979, tr.184.

(3) Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” để nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, khắc phục lối sống “ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau” còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân.

(4) Xem mấy ý nghĩ về thuộc địa (1922) và chương XII - Nô lệ thức tỉnh trong Le Procès de la colonisation Frangaise (Bản án chế độ thực dân Pháp) (1920 - 1922) đều in trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 36, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1980.

(5) Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc và những nhà yêu nước ở các thuộc địa của thực dân Pháp lúc bấy giờ đang hoạt động cách mạng ở Paris thành lập mà nhiệm vụ của nó là đấu tranh giải phóng  tất cả các dân tộc bị áp bức ở tất cả các nước.

Lê Chí Dũng