Huyền thoại suối Đạ Lào (truyện ngắn)

04:09, 25/09/2013

Người Brum vốn ngoài miền biển, ông bà K'Brit truyền lại từ ngày xưa rằng, rừng núi vốn là của người Mạ, người K'Ho. Bên kia Đạ Bin, bên kia Đạ R'gna là rừng của người K'Ho, bên này là của người Mạ...

Mặt trời còn chưa lên, con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy, mọi người còn say ngủ,  già làng K’Brit đã lặng lẽ ngồi dậy. Bếp lửa của các gia đình trong nhà đã dần tàn hết, không gian đậm mùi khói nồng nồng, ấm ấm, khơi cho ngọn lửa gần tàn bùng cháy lên nho nhỏ, K’Brit với tay tìm ống điếu, lấy cái bù lơ nhỏ đựng sợi thuốc, nhồi đầy vào cái tẩu bằng tre đã lên nước vàng óng, tìm khúc củi ngắn còn mẩu than hồng ở trên đầu, K’Brit châm lửa mồi tẩu thuốc, lặng lẽ ngồi hút. Khói thuốc từ miệng K’Brit bung ra từng lọn, nhè nhẹ bay là là rồi bị hút vào ngọn lửa bếp, vụt bay lên cao, tan vào đám khói và lẩn mất đâu đó trên mái tranh ám bồ hóng đen xỉn.

Minh họa: Ngọc Minh
Minh họa: Ngọc Minh

Suốt đêm, K’Brit không nhắm mắt, nằm trằn trọc nghe cạp mang ngoài suối Đạ Nghịt gọi nhau bép bép, nghe con chim ăn đêm vỗ cánh vù bay qua mái nhà. Cái bụng của K’Brit cũng như con chim vậy, nó chạy khắp nơi mà chưa làm sao nghĩ được, vì sao người Brum lại muốn gặp người B’Su, lại muốn không đánh nhau với người Mạ nữa, chuyện ấy quả là “biết có, biết không” đối với đội quân xâm chiếm đông đảo, nhiều gươm dài, nhiều ngựa khỏe, có điều gì còn ẩn dấu trong đó vậy?

Người Brum vốn ngoài miền biển, ông bà K’Brit truyền lại từ ngày xưa rằng, rừng núi vốn là của người Mạ, người K’Ho. Bên kia Đạ Bin, bên kia Đạ R’gna là rừng của người K’Ho, bên này là của người Mạ. Người Mạ, người K’Ho vốn là anh em, tiếng Mạ, người K’Ho nghe được, tiếng K’Ho người Mạ nghe cũng được, hàng năm, hết mùa suốt lúa, sau nhu r’he, uống cúng Giàng lúa mới xong, người Mạ, người K’Ho lại theo hơi mặn từ biển lên, hàng đoàn người mang trầm hương, mang ngà voi, mang sừng tê ngưu, theo con nước Đạ R’gna xuống vùng người Brum đổi muối, đổi sắt. Thỉnh thoảng cũng có từng nhóm người Brum tìm trầm lâu ngày, trong rừng ra các buôn người Mạ đổi gạo. Người Mạ vẫn khui ché rượu cần, uống cùng người Brum. Đã nhiều mùa rẫy như thế, nhiều đến nỗi không ai nhớ nổi, không có cái cán xà gạc nào vạch cho đủ, không có người già nào thuộc hết các câu chuyện kể về người Brum anh em, những người thích đi săn, giỏi tìm trầm và uống rượu cần không say.

Nhưng không hiểu sao, cả đoàn quân người Brum, mang theo gươm dài, mang theo giáo sắc, cả cung tên cũng cứng hơn của người Mạ, người K’Ho,đến đánh người K’Ho trước, chỉ một đêm, đốt hết buôn Tà Ngào, lấy hết lúa của buôn B’Ngơr, bắt con gái của buôn B’Lao S’Rê, rồi sau đó đem quân đánh các buôn người Mạ.

Các người Mạ già bảo cái bụng người Brum là vậy, nó giống như con cọp, con gấu, sáng sớm ngủ gà, ngủ gật ra vẻ hiền từ, nhu mì, mà đến khi mặt trời đi ngủ là có thể vồ ăn thịt người ta ngay. Mới ngày hôm trước, vừa uống chung ché rượu cần với nhau, còn gọi nhau là anh em, còn nhận là cùng cúng chung một Giàng, uống chung một con nước, đi chung một con đường. Người Brum đông, vẫn được coi là anh, là cái gốc, người Mạ ít nên vẫn tự nhận là em, anh em như cái gùi với cái xà gạc, đi đâu cũng đi chung, làm việc gì cũng làm chung. Vậy mà hôm sau, người Brum đã mang kiếm đến giết người, đốt buôn. Bên buôn Tơng R’Lùng, quân Brum chặt đầu già làng vì buôn không nạp đủ số gạo chúng cần, ở Kon Hin chúng giết người Mạ, bêu đầu lên cọc tre, cắm trên đường lên buôn để làm người Mạ sợ. Người Mạ vì vậy phải đánh lại, người Mạ có núi, có rừng, có nỏ cẩm lai, có cái bẫy cọp, người Mạ không sợ người Brum, buôn Mạ B’Su Đăng Lú ở gần chỗ quân Brum nên phải đánh lại chúng để giữ rừng của cha ông, của Giàng núi Sin Say, Giàng núi Sa Pung, Giàng núi Pan Ber.

Người Brum như con cọp dữ, mà hôm trước lại cho người đến tìm, bảo với K’Brit là muốn làm anh em trở lại, muốn cùng nhau uống ché rượu cần hòa giải, không đánh nhau nữa, vì đánh nhau, người cả hai bên đều chết, nay cùng cúng Giàng hai bên để ăn thề, người Brum cúng Giàng của người Mạ mười xá bớ muối, người B’Su cúng Giàng của người Brum cặp ngà voi già ngày trước vẫn treo ở cây nêu mỗi khi đâm trâu cúng Giàng.

Nghĩ mãi không ra, K’Brit không nghĩ nữa, đợi sáng hẳn, ông sẽ cho mời các chủ nhà trong buôn lại, cùng bàn tính xem sao, một cái bụng K’Brit nghĩ không ra thì nhiều cái bụng cùng nghĩ, xem sự thể thế nào.

Khi các chủ nhà đến đủ, già làng K’Brit đốt bát than, bỏ vào một nhúm trầm hương, đặt lên tấm phên tre dùng làm bàn thờ cúng Giàng, lấy một nhúm bột nghệ, một nhúm bột gạo đựng trong các quả bầu khô đem rắc chung quanh để mời Giàng về dự, xong ông khui ché rượu cần khấn Giàng, xin các Giàng chỉ vẽ lối đi cho buôn B’Su Đăng Lú, cho người B’Su biết phải làm thế nào với người Brum. Khấn xong, ông với chiếc cần, tu một cang rượu và chuyển cần cho người bên cạnh, trong khi mọi người đang lần lượt uống, K’Brit bắt đầu kể lại việc người Brum đến, muốn buôn B’Su hòa giải, không đánh nhau nữa và muốn hai bên cúng Giàng của nhau ăn thề, lễ vật là cặp ngà voi của Giàng núi Pan Ber cho buôn ngày trước, còn người Brum sẽ mang đến 10 xá muối trắng, ông muốn mọi người tính xem cái bụng của người Brum thực sự ra sao, để còn tìm cách mà đối phó, vì họ vẫn như con cọp dữ, không thể tin ngay được. Mọi người bàn tán, không ai tin là người Brum có cái bụng tốt với người Mạ.
                                                                       
- Bọn Brum chỉ muốn cặp ngà voi của buôn mình, chúng bày ra chuyện cúng Giàng để mình tin thật, đưa cặp ngà voi ra, chúng lấy được rồi, sẽ lại mang quân đánh mình ngay đấy mà.

Ông K’Lé nói thế.

Ông K’Tòi bàn:

- Người Mạ có nhiều buôn, sao người Brum lại chỉ muốn ăn thề cùng buôn B’Su Đăng Lú thôi, cái bụng chúng có con Cạa, con ma ấy muốn làm người Mạ không thương nhau nữa, chúng muốn B’Su tách ra khỏi người Mạ đây, làm các buôn khác không thương người B’Su nữa. Nếu người Brum thật cái bụng, chúng phải ăn thề, phải cúng Giàng của mọi người Mạ, chúng chỉ hoà giải với B’Su, chỉ đến nói chuyện với buôn B’Su là chúng không có cái bụng muốn hòa giải. Phải coi bọn này như con cọp trong rừng, chúng không bắt được đàn trâu quây thành vòng tròn nên giả vờ bỏ đi, dụ cho trâu tản rộng ra, rồi quay lại, bất ngờ bắt mồi.

Ông K’Ru cho là:

- Bọn Brum mang muối đến, vì tưởng là B’Su mình thiếu muối,      vậy là chúng không biết người Mạ Krung vẫn đổi muối cho Mạ Ngăn ta, muối của chúng là thứ không khó kiếm, còn cặp ngà voi Giàng cho buôn ta chỉ có một, nếu ta để mất cặp ngà ấy thì Giàng núi Pan Ber sẽ không thương ta nữa, bọn Brum định làm Giàng giận ta đây mà.

Ông K’Tùi, người có gia đình bị quân Brum giết gần hết nói rằng “ không thể nào tin Bọn Brum được, chúng là bọn cướp, chúng giết nhiều người Mạ rồi, chúng đốt nhiều buôn Mạ rồi, bây giờ, chúng muốn ăn thề là chúng định lừa ta, biết chúng lừa mà ta vẫn tin, là ta như con khỉ ham ăn, hôm trước suýt bị bẫy, mà hôm sau cứ vẫn đến ăn”.

Bàn tính một hồi, mọi người đều cho là người Brum không thật tình ăn thề hòa giải, chúng đang mưu tính cướp cặp ngà voi quý của buôn, mà từ ngày hai bên đánh nhau, già làng đã cho chôn trong núi, của Giàng núi Pan Ber cho nên giờ cũng gởi Giàng núi Pan Ber nhờ giữ dùm, chỉ có các già làng mới biết chỗ giấu do già làng đời trước truyền miệng lại. Có lẽ người Brum muốn dụ buôn B’Su lấy ngà voi ra khỏi chỗ giấu, vì vậy không thể đưa cặp ngà voi ra, không thể nghe lời bọn chúng trong chuyện hòa giải, ăn thề, cứ phải đánh lại chúng, còn đánh như thế nào thì tùy già làng, cả buôn đều nghe theo.

Khi mọi người đã về nhà hết, già làng K’Brit cho người đi mời ông thầy ngải K’Tút của buôn đến, đó là một ông già, nhìn không thể biết đã sống bao nhiêu mùa rẫy, da nhăn nheo như quả đười ươi khô, nhưng đôi mắt của ông sáng như mắt con mèo rừng, ông có cách ăn nói hay như tiếng hót của chim H’ru, có thể dùng những bài hát của người xưa để dẫn dắt câu chuyện, có thể dùng lối nói vòng vo như con nước Đạ R’gna để thương lượng, ông sẽ là người thay cho buôn B’Su đi nói chuyện ăn thề. Hai người bàn về cách tổ chức đánh quân Brum khi chuyện hòa giải không thành.

Rồi ngày hẹn gặp người Brum ăn thề cũng đến, ngay từ khi mặt trời còn chưa thức giấc, con gà rừng trong cánh rừng trước buôn vừa cất tiếng gáy hồi thứ nhất, già làng K’Brit đã dẫn một đòan trai tráng rời buôn, mang theo xà gạc, nỏ và cả những ngọn giáo dài, tất cả lặng lẽ đi về mạn triền sông Đạ Bin, nơi người Brum phải đi qua để đến chỗ ăn thề. Mấy ngày trước, ông đã bàn với già làng buôn Tơng Long đem người bí mật cắt qua núi, đến mai phục sẵn ở cánh rừng, gần nơi người Brum hẹn sẽ đến, chắc giờ này cũng đã sẵn sàng.

Ông già làng ấy là anh em kết nghĩa với K’Brit. Thời trai trẻ, cả hai đã từng nhiều lần cùng nhau tổ chức đánh quân xâm chiếm. Nghĩ tới người bạn cũ, ông bất giác mỉm cười một mình, hai người có quá nhiều, nhiều như hoa mua trên đồng cỏ, những kỷ niệm gắn bó với nhau, đã nhiều lần cứu nhau thoát chết, cùng nhau vào sinh ra tử. Già làng Tơng Long là tay nỏ giỏi nhất vùng, có lần, khi K’Brit không còn mũi tên nào, trong lúc bọn Brum đang  ngay trước mặt, ông đã ra hiệu và  nhận được gần chục mũi tên, già làng Tơng Long bắn ghim búi tó, viện trợ cho ông kịp thời. Cũng chính ông già này đã làm quân Brum hoảng sợ, như con mang bị tên, bỏ chạy không dám đến rừng buôn Tong Long nữa, khi bất ngờ bọn chúng bị đàn trâu đói của buôn xông vào húc, giẫm đạp, bỏ xác lại gần hết. Có già làng Tơng Long giúp, ông vững bụng vô cùng.

Khi ánh mặt trời đã ló qua màn sương dày của vùng rừng núi, ông thầy ngải K’Tút mới dẫn một nhóm thanh niên rời buôn, mang theo hai chiếc xà bớ có cặp ngà voi cao hơn đầu người một tầm tay với, được bọc kín bằng tấm chăn thổ cẩm và bó bằng lá chuối khô bên ngoài, cả đoàn theo đường mòn của lũ chồn, lũ cáo hay đi, qua vùng trảng tranh bạt ngàn của đồi cao, len lỏi giữa những vạt hoa mua đang mùa  nở rộ, tím suốt dọc đường, xuống triền dốc thoai thoải, dẫn về đoạn suối có nhiều đá cuội tròn lẳn, hai bên bờ, những cây Ô Hạp to như miệng chiếc xà bớ, che tàn giáp nhau, lòng suối lúc nào cũng râm mát, thơm mùi hương nồng nồng của nhựa cây.

Gần đến trảng suối, đã thấy người Brum đứng lố nhố bên kia bờ, hàng xà bớ chắc là đựng muối, xếp ngay trước mặt. Một cái giàn bằng cây lồ ô tươi, cao hơn mặt nước chừng một tầm tay, đã được dựng ở giữa lòng suối, họ đã chuẩn bị cả chỗ cúng Giàng rồi. Ông K’Tút cho lấy chiêng ra, tấu lên một hồi, khoan thai trầm trầm để báo hiệu mình đã tới, người Brum cũng tấu lên một hồi chiêng đáp lại, hai bên mang đồ cúng Giàng của mình ra phía trước. Sau khi sắp xếp cho đám thanh niên dàn ra dọc bờ suối, ông bước xuống mé nước cất tiếng chào hỏi ông già cầm đầu toán quân Brum, sau vài lời làm quen ban đầu, bằng lối nói vòng vo, hoa mỹ của mình, ông nói: “Người Mạ không muốn đánh nhau nữa, muốn cùng người Brum ăn thề, cùng nhau trở lại làm anh em”. Người cầm đầu quân Brum cũng đáp lại bằng lối nói xa gần, quanh co như thế và cũng muốn người Mạ ăn thề để cùng chung sống, muốn cùng cúng Giàng của nhau để chứng tỏ lòng thành, nhưng ông K’Tút cho rằng phải tỏ cho thấy bụng hai bên thẳng như cây kiền kiền trên núi, phải cho Giàng của hai bên thấy không có cái tàu lá cây mây, cây song đầy gai sắc nhọn nào trong bụng nhau,  bằng cách đun một nồi nước sôi, hai bên bỏ  nhẫn của mình vào nồi, cả hai thò tay vào lấy chiếc nhẫn của người kia ra, nếu ai bị nước ăn là không thật bụng, là có con Briêng trong người. Người Brum không chịu, nói rằng đó là cách của người Mạ, không phải cách của người Brum, người Brum cúng Giàng của người Mạ là đã muốn ăn thề rồi.

Hai bên còn đang dằng dai thương lượng, chưa bên nào chịu bên nào thì một nhóm quân Brum cầm kiếm xông qua suối ào tới cướp cặp ngà voi.

Quả đúng như đã dự tính từ trước, quân Brum sẽ tìm cớ để đánh người Mạ, chỉ cần đưa ngà voi ra là chúng sẽ cướp, chúng bày ra chuyện ăn thề chắc cũng chỉ để cướp cặp ngà voi thôi mà, nhưng mặc kệ, con người là quý nhất, bỏ của lại cũng không sao. Ông K’Tút hô người của mình bỏ chạy lên đồi, vừa chạy vừa khua chiêng inh ỏi. Nghe tiếng chiêng dồn dập, già làng buôn Tơng Long dẫn quân từ mé rừng  gần đó ào ra, bất ngờ xông vào đám quân Brum, xà gạc vung lên loang loáng, người buôn B’Su cũng quay ngược xuống, hai cánh vây quân Brum vào giữa. Liệu chống không lại, quân Brum hò nhau vác cặp ngà voi, chạy vào rừng, mặc kệ đồng bọn bị chết, nằm la liệt.

Ông K’Tút cho thu nhặt vũ khí, đồ đoàn quân Brum bỏ lại, định mang cả các xà bớ muối về, nhưng bên trong toàn cát trắng, chỉ có một lớp muối mỏng bên trên, rõ là người Brum không thật bụng ăn thề, đến muối mà cũng không phải là thật, cái bụng người Brum nó như thế đấy, độc như bụng con chó rừng, hôm nay, nó vào buôn kiếm ăn, ngày mai gặp người mới cho ăn hôm trước, nó cũng cắn ngay.

Mãi khi mặt trời xuống ngang sườn núi Sa Pung, ông K’Brit mới dẫn đám thanh niên về, khiêng cả cặp ngà voi còn bọc trong tấm chăn màu xanh tím, lớp lá chuối bọc ngoài  rách tơi tả, chỉ còn một ít. Rõ là quân Brum chưa kịp mở ra xem, chưa biết cặp ngà dài ngắn thế nào, đã bị người Mạ lấy lại. Nhưng ông K’Brit không bảo cất ngà voi đi, mà lại cho mở lớp chăn bọc ngoài, bấy giờ mọi người mới biết, đó không phải ngà, được đẽo rất khéo bằng gỗ bạch tùng còn tươi, nhìn phớt qua nó cũng trắng và nặng như ngà vậy. Thì ra mấy ngày trước, ông K’Brit đã cùng mấy thanh niên lặng lẽ lên núi, đẽo cặp ngà voi giả để đề phòng quân Brum trở mặt. Mọi người cười nói vui vẻ vì đã không mắc lừa quân Brum, lại làm cho chúng lộ mặt cọp beo.

Khi mọi người ngồi quây tròn bên nia cơm vừa được cánh phụ nữ dọn ra, ông K’Brit mới kể cho mọi người nghe việc cướp lại cặp ngà voi giả. Lúc đó, mặt trời đã ngang tầm xà gạc, một toán hơn chục quân Brum lếch thếch về đến triền sông Đạ Bin, khi chúng chuẩn bị vượt sông thì ông ra hiệu bắn nỏ, mấy chục mũi tên bay đến, quân Brum không kịp trở tay, mấy tên bị thương la oai oái , lũ còn lại quăng kiếm, vứt ngà voi, khiêng đồng bọn qua sông, chạy về B’Lao S’rê. Ông cũng không truy đuổi làm gì, cho bọn chúng trở về báo tin, làm cho bọn Brum còn lại một phen kinh hoàng, không dám tìm cách đánh buôn B’Su Đăng Lú nữa .

Ngày hôm sau, người B’Su trở lại con suối chôn xác quân Brum bị chết ngày hôm trước, họ mang theo cả cặp ngà voi giả mà quân Brum định cướp, dựng bên cạnh nấm mồ chung của đám quân Brum xấu số. Chỗ ấy, sau này thành một đồi ma, cây cối lên cao, rậm rạp, người Brum không thấy đến đó bao giờ, hình như họ quên luôn những người anh em cũ. Người Mạ cũng không đến. Về sau, nấm mồ chỉ còn một gò đất to bên triền suối.

Từ đó, con suối có tên Đạ Lào, nghĩa là con suối lừa nhau, con suối nói dối, một trong những con nước hợp thành sông Đạ Bin. Ở ngọn đồi ven con nước, sau này , mấy nhà của buôn B’Su Đăng Lú ra lập buôn mới, đặt tên là  B’Su Đạ Lào, buôn B’Su ở suối Đạ Lào.

Trải bao thăng trầm của dòng thời gian,  B’Su Đạ Lào đã thành một buôn lớn và bên bếp lửa mỗi mùa suốt lúa xong, những người già của các buôn Mạ, vẫn kể cho con cháu nghe, chuyện về cặp ngà voi ăn thề thuở ấy.

Truyện ngắn: NINH THẾ HÙNG