Nhà văn Nguyễn Quang Hà: Văn là người

04:09, 11/09/2013

Nhà văn Nguyễn Quang Hà được nhắc đến như một cây bút chủ lực viết về đề tài chiến tranh cách mạng của văn chương Việt Nam đương đại. Qua những trang tiểu thuyết của ông, thế hệ sinh sau đẻ muộn như tôi càng hiểu thấu đáo về cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh, đầy tự hào của dân tộc...

Nhà văn Nguyễn Quang Hà được nhắc đến như một cây bút chủ lực viết về đề tài chiến tranh cách mạng của văn chương Việt Nam đương đại. Qua những trang tiểu thuyết của ông, thế hệ sinh sau đẻ muộn như tôi càng hiểu thấu đáo về cuộc chiến tranh vệ quốc thần thánh, đầy tự hào của dân tộc. Nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Quang Hà bình dị, sống chí tình chí nghĩa, lạc quan, bao dung, độ lượng, từ nhân dân bước vào cuộc chiến với ý chí và niềm tin tất thắng… Bất ngờ được gặp ông ở Đà Lạt với nụ cười hiền hậu, dễ gần mới càng được thấy rõ văn chính là người.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà
Nhà văn Nguyễn Quang Hà


Năm 1967, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đi vào thời kỳ ác liệt, thầy giáo Nguyễn Mạnh Tràng (tên thật của nhà văn Nguyễn Quang Hà) rời bục giảng cùng đại đội Ngô Gia Tự gồm 155 thầy giáo từ quê hương Kinh Bắc tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên chiến đấu. Ngay từ những ngày đầu cùng đồng đội vào sinh ra tử trên vùng đất giao tranh ác liệt, những hành động dũng cảm, tinh thần bất khuất, kiên trung, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh cao cả của đồng chí, đồng đội, đồng bào xứ Huế đã thôi thúc Nguyễn Quang Hà cầm bút. Sau mỗi trận chiến đấu trở về căn cứ, ông lại lặng lẽ kiếm vỏ bao thuốc lá, những mảnh giấy cặm cụi ghi chép, làm thơ, viết báo. Những bài thơ của ông xuất hiện trên các báo Cờ giải phóng 1968, tạp chí Văn nghệ quân đội 1969 nóng hổi nhịp đập của chiến trường, không khí chiến đấu và những trận đánh hào hùng. Thủ trưởng Thân Trọng Một biết được niềm đam mê của Nguyễn Quang Hà đã tạo điều kiện cho ông được điều về làm phóng viên báo Cờ giải phóng - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Thừa Thiên - Huế vào năm 1970. Từ đó Nguyễn Quang Hà miệt mài đi khắp các nẻo đường trên mặt trận Thừa Thiên - Huế, mặc bom rơi, lửa đạn. Khi cùng cán bộ, du kích xuống nằm vùng bám trụ dưới các ấp. Nhiều lần băng qua bão đạn trong những vùng lõm tử địa quanh thành Huế. Lúc lên rừng thâm nhập vào các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương vừa lập công trở về căn cứ, lấy tài liệu viết bài.

Mùa hè năm 1974, Nguyễn Quang Hà bị thương lần thứ 5, sức khỏe của ông hao kiệt vì vết thương và sốt rét sau suốt 7 năm ròng rã lăn lộn ở chiến trường. Nguyễn Quang Hà được cấp trên cho ra Bắc điều dưỡng. Trong thời gian này, ông tham dự lớp bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam và được nhà văn Đoàn Giỏi và nhà thơ Xuân Diệu trực tiếp kèm cặp. Ông cho ra mắt tập thơ đầu tiên “Tiếng gà trên điểm chốt” tập hợp những bài thơ viết từ chiến trường do Nhà xuất bản Giải phóng ấn hành năm 1974. Được sự động viên, khích lệ của các bậc thầy trong làng văn, Nguyễn Quang Hà đã thử viết văn xuôi với truyện ký đầu tay viết về một đơn vị bộ binh quân giải phóng bám trụ giữ đất ở vùng tranh chấp khốc liệt hồi sau Mậu Thân. Được khen, từ đó ông dành thời gian, tâm sức viết văn xuôi. Càng ngày ông càng thấy chỉ có văn xuôi mới diễn giải và nói hết những điều muốn nói, còn với thơ, Nguyễn Quang Hà chỉ làm mỗi khi xúc cảm trào dâng.

Đất nước thống nhất, ông là người may mắn trở về, đại đội 155 thầy giáo đồng hương của ông thì 139 người nằm lại chiến trường. Sự hy sinh của đồng đội, của nhân dân Bình Trị Thiên anh dũng như sợi dây níu giữ ông trở lại xây dựng đất này và trở thành người con của Huế. Viết để tái hiện cuộc chiến đấu hào hùng và chiến thắng vinh quang. Viết để lưu giữ ký ức về đồng đội. Tất cả thôi thúc ông cầm bút. Các tiểu thuyết: Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm, Nợ đời, Nếu không có nhân dân… lần lượt ra đời. Trong đó, gây tiếng vang lớn nhất là tiểu thuyết Vùng lõm (NXB Quân đội nhân dân, 2008) viết về làng Mai Trung nằm ở ngoại ô Huế, về người lính, du kích và người dân trong “vùng lõm” nằm lọt thỏm giữa vùng địch tạm chiếm. Không ở đâu người dân đối mặt với kẻ thù nghiệt ngã như “vùng lõm”, không một tấc sắt trong tay. Người dân ở đây đã đối mặt với kẻ thù bằng chính lòng yêu nước. Vừa miêu tả cuộc chiến quyết liệt giữa ta và địch, nhà văn vừa tập trung thể hiện “cuộc chiến” nội bộ giữa ta với ta. Đó là “cuộc chiến” giữa những người có lý tưởng cao đẹp với những kẻ cơ hội. Huỳnh Thế Tô bỏ học về làng Mai Trung làm xã đội trưởng chỉ vì yêu Hoài. Y tỏ ra ta đây dũng cảm cũng chỉ để được lòng Hoài. Y chỉ lo “vun vén chức tước, tập hợp quanh mình những người dễ sai khiến để tôn mình lên”. Nhưng khi bị Hoài từ chối thì tìm cách hãm hiếp cô rồi theo giặc. Đối lập với Huỳnh Thế Tô là Nguyễn Văn Dư - một chàng trai tài trí, kiên cường, gan góc và có đời sống tâm hồn hết sức phong phú. Trước những hành động vô cùng dã man của kẻ thù, Nguyễn Văn Dư đã dũng cảm nhận về mình cái chết để cứu dân làng… Hoá thân vào từng nhân vật, nhà văn làm cho tiểu thuyết có sức cuốn hút kỳ lạ bởi sự sống động như chính những con người từ đời thực bước vào tiểu thuyết; tránh được sự công thức hoá, sơ lược, khô cứng mà người đọc vẫn từng gặp ở nhiều tiểu thuyết của một số tác giả viết về đề tài nay. Với tiếng vang lớn trên văn đàn, tiểu thuyết Vùng lõm đang được người Pháp dịch, xuất bản ra tiếng Pháp và giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Gần 40 năm miệt mài đi và viết, nhà văn Nguyễn Quang Hà đã cho ra đời 30 đầu sách với 20 tiểu thuyết, 3 tập thơ, 7 tập truyện ngắn, bút ký và hơn 50 kịch bản phim truyện, phim tài liệu, nghệ thuật. Không chỉ viết văn, làm thơ, ông còn viết nhiều phóng sự dài đấu tranh với những bất công,  ngang trái được dư luận xã hội quan tâm, khẳng định phẩm giá, bản lĩnh của người cầm bút dám nói thẳng nói thật vì sự tiến bộ xã hội.

Từng có 17 năm làm biên tập viên, rồi tiếp đến 4 năm đảm trách chức Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Thế hệ nhà văn Nguyễn Quang Hà - những văn sĩ xứ Huế đã đưa tạp chí thành một hiện tượng, một tâm điểm, có sức lan tỏa và mời gọi hầu hết những ai yêu mến văn chương ở trong nước và hải ngoại. Trách nhiệm lớn lao, công việc bận bịu là vậy, nhà văn Nguyễn Quang Hà vẫn dành thời gian và sức lực để sáng tạo một lượng tác phẩm đồ sộ đến vậy. Nay đã ở vào tuổi 75, với thương tích chiến tranh, và mấy lần phẫu thuật cắt hơn một mét đại tràng vì căn bệnh quái ác nhưng chưa một ngày ông bỏ viết. Tất cả mọi cốt truyện, tình tiết được sắp xếp trong đầu, cứ thế mà viết ra. Mặc cho công nghệ hiện đại, ông vẫn cứ cây bút, trang giấy, mỗi ngày viết 15 đến 30 trang. Mỗi năm ông vẫn vài chuyến ngao du khắp mọi miền đất nước, tham dự vài trại sáng tác, gặp gỡ giao lưu với bạn văn. 15 ngày ở Đà Lạt vừa qua, nhà văn Nguyễn Quang Hà kịp hoàn thành tiểu thuyết Đất thánh, viết về một xã anh hùng ở Huế. Sắp tới là tiểu thuyết Mỹ nữ Mộng Huyền, dù chưa ấn hành nhưng tiểu thuyết này đã được hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đặt ông chuyển thể thành kịch bản phim dài 30 tập. Còn nữa, ông có rất nhiều dự định với nhiều tiểu thuyết trong đầu sẽ viết dần, hoàn thiện nhiều bản thảo để xuất bản. Ý chí và sức làm việc của ông khiến không một người cầm bút nào không khâm phục và ngưỡng mộ.
 
Khởi nghiệp cầm bút bằng những vần thơ, chuyển qua viết văn, nhưng khi không thể lạnh lùng trước xúc cảm trào dâng, nhà văn lại làm thơ. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu chùm thơ mới nhất và giàu cảm xúc khi viết về quê hương Kinh Bắc của nhà văn Nguyễn Quang Hà.

Nhớ quê

Đường về đến đất Cầu Vân
Là Quang Biểu quê tôi rồi đó
Làng chảy dài theo sông Cầu yên ả
Đê uốn cong như cột sống của làng

Dâu xanh bên sông mẹ hái nuôi tằm
Nong kén vàng ươm như lòng mẹ
Mẹ kéo tơ. Nhộng nhem thèm em bé
Một củ khoai lùi lũ trẻ chia nhau

Đồng chiêm mênh mông bố lõm bõm cày sâu
Em hồi hộp theo mẹ ra đồng tập cấy
Lúa chín, thuyền thúng nan tre thức dậy
Theo đàn ông chở lúa về làng

Rộn ràng tết mồng năm tháng năm
Uống rượu làng Vân, ăn cơm gạo mới
Xóm Dộc, xóm Giữa, xóm Trên, xóm Dưới
Quần tụ nhau như thể một nhà

Mỗi khi làng có đám cưới, tang gia
Phúng viếng, quà mừng không nhà nào thiếu mặt
Chuyện nhỏ thôi, nhưng là điều thầm nhắc
Ở đời có nhau phải sống thế nào?

Cái thuở Quang Biểu chưa có nhà cao
Chỉ mái rạ, tường trình là quý lắm
Tắt lửa tối đèn nghĩa tình làng xóm
Đủ cho cháu con hiểu nghĩa cuộc đời

Xuân về hoa đào nở tươi
Trống đình thùng thình mở hội
Các bà chen nhau xuống đò đi chợ Nội
Mua chuối về cúng, đặt thêm chả, giò

Số ngặt nghèo phải đi xa quê
Mới thấy thèm bờ ao đánh dậm
Mới thấy thèm tiếng ru đưa cánh võng
Thèm nắng hè tắm bến Hớt ban trưa

Nhớ hạn kéo dài, trời sập đổ mưa
Lũ trai tráng tìm nơm đi úp cá
Đợi nước cạn đơm lờ, đơm đó
Trải lá trên bờ nằm ngủ dưới trăng

Xa quê lâu ngày về đến Cầu Vân
Xốn xang nghe chích chòe gọi bạn
Cảm thấy lòng trút đi gánh nặng
Bước bồng bềnh trên đất quê hương.


Gửi R.

Giờ em đã có người ta
Mình anh đi giữa nhạt nhòa sương mê
Lang thang trong xóm ngõ Hòe
Lạc vào lối miếu ven đê sau đình
Ao làng mặt nước lặng thinh
Nỗi lòng này gọi thất tình phải không?
Nhớ em thêm ở Nghè Đông*
Anh không thể dứt nổi lòng mà đi
Nhớ em tắm bến cây si
Anh ghen với nước đang ghì chặt em
Nhớ em đi cấy lấm lem
Giữa đồng anh vẫn cứ thèm được hôn
Anh hồn nhiên tựa gió nồm
Vậy mà em đã hút hồn của anh
Giờ em ấm áp gia đình
Còn anh thì vẫn một mình đơn côi
Chúc mừng em sống có đôi
Đừng quên đã có một người yêu em.

*Những địa danh ở Bắc Ninh

Trại sáng tác Đà Lạt 8/2013

Nguyễn Quang Hà
 

QUỲNH UYỂN