Từ bao đời nay, đối với người dân bản địa trên Cao nguyên Lâm Viên thì Dã quỳ (cũng như một số loài hoa khác: Porgetmenot, Thạch thảo, Lưu ly, Conico, Tường vi…) đều xem là hoa dại. Song, Dã quỳ được yêu mến hơn (không phải sắc vàng tươi hồn nhiên của nó) mà Dã quỳ vàng được xem là loài hoa báo hiệu Đà Lạt giao mùa!
Từ bao đời nay, đối với người dân bản địa trên Cao nguyên Lâm Viên thì Dã quỳ (cũng như một số loài hoa khác: Porgetmenot, Thạch thảo, Lưu ly, Conico, Tường vi…) đều xem là hoa dại. Song, Dã quỳ được yêu mến hơn (không phải sắc vàng tươi hồn nhiên của nó) mà Dã quỳ vàng được xem là loài hoa báo hiệu Đà Lạt giao mùa! Có người bảo trong một ngày Đà Lạt có những 4 mùa. Nhưng với cư dân bản địa, mỗi năm Đà Lạt chỉ có hai mùa: Mùa mưa và mùa khô! Mùa mưa Đà Lạt thường dài hơn (bắt đầu từ tháng 4 đến giữa tháng 10). Khí hậu Đà Lạt cũng khác so với nhiều vùng miền trên cả nước, mùa mưa khí trời ấm hơn và cũng thường… buồn hơn, rất hợp với những ai đa cảm! Mùa khô (thường trước Noel), trời Đà Lạt lạnh miên man như vương víu chân người…
Dù chỉ là loài hoa dại đơn sơ, nhưng từ lâu hoa Dã quỳ được giới văn chương, thi sĩ yêu mến. Dã quỳ đã đi vào văn, thơ, nhạc, họa… rất đáng yêu và ý nhị. Nhất là đối với tuổi học trò, những ai đã và đang đi qua những năm tháng sinh viên thì hoa Dã quỳ như là biểu tượng của tình yêu tuổi học đường nhiều mơ mộng:
Tình yêu sinh viên
đơn sơ như loài hoa Quỳ dại
Lúng liếng vàng tươi trong lất phất mưa buồn…
(Ký ức Dã quỳ)
Năm nay, trời đất rất khác thường. Mùa mưa Đà Lạt đến sớm và lại kéo dài hơn mọi năm. Đã sắp hết tháng 10 rồi mà mưa vẫn dầm dề suốt ngày đêm, màu trời xám xịt u uất và đương nhiên… buồn! Mở tivi, lũ lụt miền Trung trôi nhà, người chết. Chắc nặng tình miền Trung ruột thịt nên trời Đà Lạt cứ sụt sùi! Người dân trên thành phố ngàn thông chắc mãi hướng về vùng lũ nên không mấy ai nhận biết Đà Lạt đã chuyển mùa!
Chiều nay, ngang qua đồi thông dưới lất phất mưa bay, tôi chợt nhận ra dưới chân đồi Dã quỳ lớm chớm nở. Dọc hàng rào chạy quanh Đồi Cù, trên một thảm cỏ hoang bên hông cổng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt… cũng vàng rực hoa Dã quỳ. Tôi nhủ thầm: Đà Lạt đã sang Đông! Tôi nhớ câu thơ của một chàng thi sĩ viết về Đà Lạt:
Ta mê mải bên đời lận đận
Có hay đâu trời đất đã giao mùa!
(Giao mùa II)
Cũng vì cái “tội” hoa dại, nên “đất sống” của Dã quỳ ngày một bị thu hẹp dần, mất dần. Nhiều đồi hoang, lũng dại gần đây được thay thế bằng những vườn cà phê, rau màu, cây ăn trái… Và những loài cúc, lan, hồng, Lyly… quý phái lên ngôi. Và rồi, thành phố mọc thêm nhiều dãy nhà cao tầng, những khu dân cư quy hoạch, những công trình đầu tư… đã làm cho loài hoa dại này cứ lùi dần, lùi dần ra khỏi địa bàn thành phố và có nguy cơ “vắng bóng” một ngày! Hiện nay, ở những vùng ngoại ô TP. Đà Lạt và một số huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, dọc Quốc lộ 20… người ta còn thấy thấp thoáng màu vàng tươi của loài hoa dại này mỗi khi mùa nắng Tây Nguyên về.
Nhớ dạo trước, có cô bạn sinh viên ở TP.HCM về Đà Lạt nhờ tôi đưa đi tìm để hái mang về vài bông Dã quỳ dại làm kỷ niệm. Tôi đã mất gần một buổi mới tìm được vài bông cuối mùa còn sót lại hư hao. Thế mới biết, chỉ là loài hoa dại mà Dã quỳ đáng yêu, được nhiều bạn trẻ và giới thi sĩ yêu mến, nâng niu. Đừng vội trách người dân Đà Lạt không yêu loài hoa dại này nhé. Bởi Đà Lạt có nhiều, nhiều lắm những loài hoa dại cũng đáng yêu! Cũng như nhiều loài hoa khác của Đà Lạt, nhiều du khách đã mang giống Dã quỳ về cấy trồng, chăm sóc nhưng Dã quỳ khi xa Đà Lạt là không thể… nở hoa!
Mùa khô năm nay về trên Cao nguyên Lâm Viên có muộn và dẫu trời vẫn cứ mưa hoài, nhưng “đến hẹn” Dã quỳ vẫn nở vàng tươi!...
Tản văn: THANH DƯƠNG HỒNG