Sau 5 tháng, từ gốc dâu "thiên cổ" nặng hàng tấn mua về ở vùng Loan, Đức Trọng, thợ điêu khắc Lê Trọng Nghĩa đang chạm trổ hoàn thành tác phẩm "Phật Di Lặc và Thập bát La Hán" để kịp tham gia triển lãm Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 - năm 2014.
Sau 5 tháng, từ gốc dâu “thiên cổ” nặng hàng tấn mua về ở vùng Loan, Đức Trọng, thợ điêu khắc Lê Trọng Nghĩa (ngụ tại thôn Tân Lập, xã Tân Văn, Lâm Hà) đang chạm trổ hoàn thành tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” để kịp tham gia triển lãm Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5 - năm 2014.
Tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” trên gốc dâu “thiên cổ” đang hoàn thành |
Với tổng “vốn đầu tư” gần 200 triệu đồng, Nghĩa cùng những “người thợ cộng sự” đã miệt mài đẽo, gọt, đục, cắt, mài… cách điệu thành một vách đá tổ ong chiều cao gần 4m, cạnh dài nhất là 3,5m. Trong đó chân dung Phật Di Lặc được phối cảnh trọng tâm với chiều cao khoảng 1,5m, chiều ngang khoảng 1m, quây quần xung quanh là hình 18 vị La Hán với các “danh xưng” như: Khai Tâm, Tĩnh Tọa, Trầm Tư, Kỵ Tượng, Phục Hổ…
Nghĩa cũng đã tìm mua thêm 1 gốc gỗ lũa xá xị với chiều dài, chiều rộng, chiều cao lần lượt là 3,5m; 2,5m và 0,6m làm bệ đỡ cho gốc dâu “thiên cổ” nói trên. Trong đó chạm trổ 12 con vật tương ứng với 12 con giáp. Dự kiến, Nghĩa sẽ triển lãm tác phẩm “Phật Di Lặc và Thập bát La Hán” tại Vườn hoa Đà Lạt 10 ngày trước và sau khi diễn ra khai mạc Festival Hoa Đà Lạt năm 2014.
Đây là lần thứ 5 diễn ra Festival Hoa Đà Lạt, thợ điêu khắc Lê Trọng Nghĩa đều tham gia tác phẩm gỗ lũa tạo hình.
VŨ VĂN