Đêm mưa. Một sự trống trải hoang vu bao phủ cả không gian ảm đạm, đặc biệt như vây phủ lấy căn phòng lý tưởng có ba hướng cửa nhìn ra biển khơi bao la nơi tôi đang ở trên tầng bốn của mini hotel Đặng Anh...
Đêm mưa. Một sự trống trải hoang vu bao phủ cả không gian ảm đạm, đặc biệt như vây phủ lấy căn phòng lý tưởng có ba hướng cửa nhìn ra biển khơi bao la nơi tôi đang ở trên tầng bốn của mini hotel Đặng Anh. Cuộn tròn mình trong tấm chăn ấm áp trên chiếc giường êm ái, tôi lắng nghe tiếng gió, tiếng mưa rơi. Trong cơn mưa, gió rít từng cơn xuyên màn đêm. Gió xé tan trời đêm yên tĩnh. Gió đẩy tung sóng dâng tràn bờ tạo nên âm thanh ầm ào dữ dội. Gió khuấy động tâm can cõi lòng bao du khách, gió kêu gào khơi dậy tâm trạng u buồn đang chiếm ngự lòng tôi.
Minh họa: Phan Nhân |
Đêm đã về khuya, tôi vẫn không sao chợp mắt được. Ánh đèn ngủ sáng mờ ấm áp trong căn phòng đang cố vỗ về ru tôi vào mộng. Nhưng đầu óc tôi cứ tràn về bao điều đã diễn ra trong cuộc sống. Như một cuốn phim quay chậm từng chi tiết nhỏ nhất, mọi thứ cứ hiển hiện ra trước mắt tôi, làm đầu óc tôi quay cuồng, đau buốt… Tôi bước xuống giường, ra đứng nép mình bên khung cửa sổ phóng tầm mắt nhìn ra màn đêm qua khung cửa kính dày tràn kín những dòng nước mưa. Trong màn đêm, dưới cơn mưa núi đồi nơi xa xa chỉ một màu đem sẫm. Tiếp giáp với chân núi là mặt biển mênh mông cũng một màu đen xám xịt. Biển đang gầm thét, giận dữ. Một vài ánh đèn đây đó lấp ló lúc ẩn lúc hiện trên mặt biển. Sóng biển mỗi lúc như mạnh hơn, sóng tràn bờ, cào xé. Một cảm giác buồn man mác chiếm ngự trong tâm hồn tôi. Tôi thấy mình nhỏ nhoi, cô độc như tan loãng vào đêm, vào cơn mưa đêm, vào tiếng ì ầm của sóng biển. Tôi đứng lặng im, nhẹ khép đôi bờ mi để hình dung về biển, về người tôi thương yêu đang sống giữa thành phố hoa lệ này. Lòng tôi nhớ anh cồn cào như biển khơi đang quằn quại ngoài xa kia. Tôi khao khát vòng tay yêu thương của anh. Giờ đây trong căn nhà hạnh phúc của mình có lẽ anh đã ngủ ngon, hay anh cũng đang trằn trọc nhớ về tôi trong đêm vắng. Đau buồn tôi nghĩ đến mẹ để lòng mình được ấm áp hơn. Mẹ đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Mẹ để lại cho tôi lời nhắn nhủ trước lúc lâm chung. Trong tiếng gào thét của biển cả như có lẫn lời thương yêu của mẹ: “… Hãy tìm lại cội nguồn của mình, người thân thuộc của mình nhé con gái…”. Giữa đêm tối đơn côi, tôi thầm gọi: “Mẹ ơi!...”.
Một buổi chiều mùa xuân cách đây tám năm về trước, tôi và anh cùng sánh bước bên nhau dưới giảng đường đại học. Những con đường nhỏ trong trường in dấu bước chân hai chúng tôi. Tôi và anh xuất thân giống nhau, cùng là những thanh niên bước ra đô thành từ miền quê thôn dã, nhiều kỷ niệm thân thương đã đến với nhau… Những ngày còn ngồi dưới giảng đường, anh luôn quan tâm chăm sóc tôi. Còn tôi, vô tư vui vẻ đón nhận sự săn đón ân cần ấy mà không hề đắn đo suy nghĩ. Thấm thoát bốn năm học trôi qua nhanh chóng, tôi và anh chia tay. Mỗi người theo đuổi ước mơ và nguyện vọng của riêng mình. Tôi trở về nơi chốn của tôi, về làng làm người kỹ sư tâm hồn như tôi hằng ao ước. Anh về lại khung trời của anh. Tình cảm thầm kín của tôi và anh đành câm nín. Tôi biết anh yêu tôi nhiều lắm. Ngày chia tay nhau anh nói:
- Em gái ơi! Nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, mai này gặp lại.
- Dạ! Mai này gặp…
Một cái gì cay đắng nghẹn ngào trong cổ họng, tôi gượng cười, tôi muốn nói lời nhắn gởi với anh nhưng không nói thêm được lời nào, mặc dù lòng tôi có nhiều điều muốn nói.
Kết thúc những tháng ngày vô tư lự ở giảng đường đại học, tôi về quê làm việc và sống bên mẹ hiền. Tôi cố gắng chăm sóc mẹ. Mẹ đã già yếu lại mang trong mình tàn dư của chiến tranh. Những mảnh đạn xuyên qua da thịt mẹ thời mẹ còn là cô du kích tuổi hai mươi, mãi đến giờ vẫn âm thầm hành hạ mẹ mỗi khi trái gió trở trời. Tôi thiết nghĩ cũng đã đến lúc báo hiếu cho mẹ. Tôi tạm gác lại mọi suy nghĩ riêng tư của bản thân để sống và làm việc vui vẻ bên mẹ, chăm sóc cho mẹ. Căn bệnh ung thư dạ dày ngày càng hoành hành trong cơ thể mẹ nhiều hơn. Mẹ cố nén tiếng rên trong cơn đau cho tôi vui và an tâm làm việc. Nhưng tôi biết mẹ chẳng còn ở bên mình được bao lâu nữa. Từ nhỏ tôi đã không có bố. Trong tâm thức tôi, bố là một người đàn ông rất tốt, một con người sống vui vẻ chan hòa, yêu thương người thân của mình và giàu lòng vị tha… Bố là một chiến sĩ cách mạng. Bố đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt trên chiến trường miền Nam… Đó là tất cả những gì tôi biết về người thân sinh ra mình. Khi lớn lên hiểu chuyện, tôi đã mường tượng ra hình ảnh của bố qua lời kể của mẹ. Thứ còn lại của bố dành cho mẹ và tôi là chiếc mũ tai bèo đã bạc màu theo tháng năm được mẹ trân trọng treo bên cạnh bàn thờ không có di ảnh. Tôi đã quen với cuộc sống côi cút, khó khăn cùng mẹ. Có nhiều đêm cơn đau dằn xé, mẹ cố kiềm nén để khỏi bật ra tiếng rên cho tôi an lòng. Mẹ ra khỏi giường, đến bên chiếc bàn nhỏ đốt nến. Ánh sáng của ngọn nến leo lét trong đêm đủ để mẹ xem các kỷ vật mà người bố quá cố của tôi đã để lại cho mẹ. Đó là một bức thư đã nhàu nát theo thời gian và tấm ảnh chân dung của bố đã ố vàng theo năm tháng. Có lần tôi hỏi mẹ:
- Sao mẹ không làm lại di ảnh của bố để thờ?
- Không cần, mẹ muốn giữ bên mình hơn, mà con đã nhớ kỹ hình ảnh bố chưa?
Mẹ trả lời nhưng không nhìn vào mắt tôi, mẹ cười hạnh phúc nhưng tôi cảm nhận được mẹ có điều gì đó không thể nói. Cho dù tôi cố gặng hỏi thì mẹ cũng chỉ kể về bố như một người đồng chí, một tri kỷ. Nói đến bố, khuôn mặt mẹ rạng rỡ hẳn lên. Bố như nguồn động viên rất lớn trong cuộc đời mẹ để mẹ một mình nuôi tôi khôn lớn trưởng thành và để mẹ vượt qua bao giông tố của cuộc đời. Tôi rất tự hào về bố qua lời kể của mẹ. Những đêm buồn vì cơn đau hành hạ, mẹ đem hình bố ra ngắm hàng giờ. Tôi cũng lân la đến bên cạnh để nhìn rõ khuôn mặt kính yêu của bố, vì tôi chưa được gặp bố bao giờ. Bố nở nụ cười rạng rỡ thân thiện rất đẹp trai, tấm chân dung cũng đã ố màu theo thời gian bố đã chụp ở tuổi khoảng ngoài ba mươi. Bất chợt tôi cảm giác một điều gì đó rất lạ: “Có thể bố mẹ chưa cưới nhau mà đã có tôi và bố đã hy sinh, tất cả mọi dở dang là do chiến tranh gây nên. Mẹ trở thành góa bụa…”. Tấm chân dung của bố đã in sâu vào ký ức của tôi. Ánh mắt nụ cười của bố sao như tôi đã gặp ở đâu trên đường đời, rất thật và rất gần gũi thân quen…
Cuộc sống cứ bình lặng trôi qua, tôi cầu mong sao mẹ được sống lâu hơn với tôi, với bà con làng xóm, với những kỷ vật thời chiến tranh mà mẹ còn lưu giữ. Tình cảm riêng tư của lòng mình tôi đành giấu kín. Nhưng từ trong sâu thẳm của con tim, tôi vẫn mong một ngày gặp lại anh. Thỉnh thoảng chúng tôi điện thoại hỏi thăm nhau như những người bạn thân. Rồi một ngày không bình yên đã đến với tôi, mẹ không còn đủ sức chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Mẹ nằm liệt giường, không còn ăn uống gì được nữa. Tôi đưa mẹ vào bệnh viện. Các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, bạn bè của mẹ và người trong làng thay nhau đến thăm hỏi động viên tinh thần chiến đấu với bệnh tật của mẹ… Mẹ tôi gượng cười cảm ơn mọi người. Mẹ biết mình không thể qua khỏi được cơn đau đã đến hồi kết. Mẹ thều thào nói với tôi:
- Đưa mẹ về nhà, mẹ biết sức mình không thể chịu nổi nữa rồi. Mẹ muốn về đốt nén hương cho bố con và mẹ sẽ ra đi bên cạnh ông ấy…
Tôi an ủi mẹ:
- Mẹ sẽ không sao, sẽ khỏe lại mà!
Thực tế tôi đánh lừa cảm giác của tôi thôi. Bác sĩ đã cho tôi biết mẹ không thể qua khỏi trong lần này. Tôi hoang mang lo sợ. Tôi sợ mình sẽ mất mẹ mãi mãi. Mai đây trên đường đời tôi chỉ còn lại một mình bơ vơ lạc lõng, tôi không biết nương tựa vào ai… Tôi xin xuất viện, đưa mẹ về nhà theo yêu cầu của mẹ. Có lúc mẹ ngất đi vì cơn đau ập đến, nhưng sau cơn đau thì mẹ vẫn bình tĩnh đón nhận sự thật. Mẹ bảo:
- Trong chiến tranh, có lần bị thương mẹ nằm trên bãi cỏ một mình vẫn ghìm chặt tay súng. Đừng lo con gái nhé, cái gì đến sẽ đến…
Tôi gật đầu nhưng không trả lời mẹ được. Mẹ thật dũng cảm. Nước mắt mặn chát trên bờ môi tôi. Tôi cố quay mặt đi để giấu nỗi đau tột cùng vì tôi biết mình sắp không còn mẹ nữa. Đêm hôm đó tôi ngồi mãi bên giường mẹ. Mẹ nói nhẹ nhàng, giọng mẹ trở nên yếu ớt:
- Chợp mắt một chút đi con. Mẹ không sao mà!
Dứt lời, cơn đau lại đến, mẹ vội vã lấy dưới gối ra chiếc hộp nhỏ đưa cho tôi và dặn:
- Từ giờ con hãy giữ nó giúp mẹ, hãy tìm lại những người ruột thịt của con và hãy sống thật tốt con nhé! Hãy sống chân tình với nhau, yêu thương nhau…
- Người ruột thịt của con là ai hả mẹ? Mẹ nói cho con biết đi.
- Là…!
Bỏ dở câu nói, mẹ đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi cùng họ hàng bên ngoại và làng xóm tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng. Còn lại một mình, đêm đêm tôi cũng đốt ánh nến nhỏ như mẹ để xem lại kỷ vật yêu thương mà cả đời mẹ nâng niu trân trọng. Đó là bức thư bố viết vội vàng cho mẹ, và tấm hình chân dung cỡ bốn sáu của bố đang mỉm cười. Tôi cũng cất kỹ món đồ mà lúc còn sống mẹ luôn cất giữ bên mình. Tôi cũng mang theo nó trong túi xách mọi lúc như mang theo hình bóng mẹ.
***
Là cô giáo trẻ, tôi tích cực tham gia công tác xã hội trừ thời gian tôi phải đứng lớp. Giờ đây tôi chững chạc hơn, tự tin hơn trong cuộc sống. Tuy mẹ không còn bên tôi, nhưng tôi còn có nhiều bạn bè, đồng nghiệp và khối công việc luôn chờ đợi tôi. Buổi chiều mùa hạ trong chuyến đi Bắc trở về, ghé lại miền Trung tình cờ tôi gặp lại anh. Anh bây giờ cũng khác xưa nhiều, chững chạc hơn, thành đạt hơn trong cuộc sống. Bao năm qua, anh cũng chỉ đầu tư vào công việc, chăm sóc mẹ già và lo cho các em ăn học. Anh vẫn dành chỗ trong trái tim mình cho tôi. Tình cảm anh dành cho tôi vẫn không thay đổi, dù cho bao năm tháng đã đổi thay. Anh chia sẻ và thông cảm với những gì tôi phải gánh lấy một mình. Hai chúng tôi hẹn hò nhau cùng tản bộ dưới ánh trăng bạt ngàn trên bãi cát dài trắng mịn dưới chân. Đi bên nhau anh hỏi thăm tôi đủ điều trong cuộc sống và anh kể cho tôi nghe về cuộc sống và công việc của anh... Nhiều lần mẹ đặt vấn đề lập gia đình với anh, nhưng anh thoái thác. Anh vẫn mong một ngày sẽ gặp lại tôi. Anh nói:
- Anh tin một ngày không xa chúng ta sẽ gặp lại. Anh đã thầm yêu em từ ngày mình còn đùa vui dưới giảng đường và tình cảm ấy anh vẫn giữ mãi trong lòng…
Tôi bước từng bước chậm rãi bên anh. Giọt nước mắt hạnh phúc ướt đôi bờ mi và tôi im lặng không trả lời anh. Bất giác anh nắm chặt tay tôi, anh ôm tôi vào lòng. Anh đặt lên môi tôi một nụ hôn nồng cháy. Anh siết tôi chặt hơn như sợ tôi vụt mất khỏi tầm tay, nhìn vào mắt tôi anh thì thầm:
- Anh yêu em nhiều lắm! Hãy cho anh từ nay được chăm sóc em, hãy chia sẻ với anh đừng cố chịu đựng mọi khổ đau một mình trong cuộc sống nữa nghe em…
Tôi gật đầu nhận lời anh. Tôi cũng rất yêu anh. Tôi xúc động không nói được nên lời. Tôi thấy mình thật hạnh phúc sau bao năm xa cách anh, sau bao năm hy vọng và chờ đợi. Anh dìu tôi đi trên bãi biển. Biển đêm nay bình yên, hiền hòa. Mặt biển lặng sóng, tiếng vỗ rì rầm ngoài khơi xa như điệp khúc tình yêu reo vui chào đón tôi ghé lại thăm thành phố biển mà anh đang sống. Tựa đầu vào vai anh, tôi ngắm những ánh đèn sáng ngoài khơi xa của những chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Ánh đèn sáng lấp lánh đây đó trên mặt biển như một thành phố nơi xa xôi. Gió biển mát rượi chào đón ôm lấy đôi tình nhân hạnh phúc nắm tay đi bên nhau sau bao nhiêu xa cách. Đi bên anh, tôi thấy mình nhỏ nhoi yếu đuối; tôi cần sự chăm sóc của anh, tình yêu của anh và sự sẻ chia của anh để tôi vững bước đi trên đường đời. Tôi nũng nịu nói nhỏ với anh:
- Anh! Em cũng rất yêu anh…
Anh ôm tôi trong vòng tay yêu thương, biển và anh thật thân thiết đối với tôi.
Hôm sau, anh đưa tôi về ra mắt mẹ anh trước khi tôi trở lại miền Nam. Lòng tràn ngập niềm hạnh phúc pha chút hồi hộp, lo âu. Như đã được hẹn trước, mẹ anh ra đón hai chúng tôi ở cổng. Tôi cúi đầu chào mẹ qua lời giới thiệu của anh. Mẹ vui mừng nắm lấy tay tôi dắt vào nhà. Mẹ già nua, ốm yếu, nhưng mẹ rất nhân hậu, chân tình… Mẹ và anh đưa tôi vào phòng khách ngồi nói chuyện. Mẹ hỏi thăm tôi đủ điều. Mẹ ân cần vui vẻ tạo cho tôi cảm giác thân thuộc như vừa đi xa về chính ngôi nhà mình. Mẹ bảo hai chúng tôi ngồi nói chuyện, mẹ bước sang phòng thờ để đốt nhang cho tổ tiên và khoe với người cha quá cố của anh rằng: Con trai mẹ đưa bạn gái về giới thiệu, mẹ sắp có con dâu. Tò mò tôi bước theo sau mẹ, bỗng tôi không tin ở mắt mình. Bức ảnh người trẻ tuổi đặt trên bàn thờ bên cạnh hai bức ảnh của ông bà chính là bố tôi mà. Vẫn ánh mắt, nụ cười ấy không thể nhầm lẫn được. Tôi nghĩ có thể mình lầm tưởng thôi. Tôi vội giở trong túi xách của mình mở ví lấy tấm hình của bố ra xem. Tôi không tin nổi vào mắt mình. Bức ảnh trên bàn thờ mà mẹ anh đang đốt nén hương lầm thầm khấn và tấm hình nhỏ trong ví của tôi là một người. Tôi đứng không vững trên đôi chân của mình. Tôi cố gượng, nhất thời tôi không thể chấp nhận sự thật này. Tôi không thể yêu anh, vì tôi và anh cùng chung huyết thống, cùng chung một người cha. Đầu óc tôi quay cuồng, trong mơ hồ văng vẳng bên tai lời dặn dò của mẹ tôi trước lúc ra đi. Cố gượng cười nhưng tay chân tôi run rẩy, tôi chào từ biệt mẹ và anh để ra về. Nhốt mình trong khách sạn, tôi từ từ bình tâm lại. Giờ đây tôi mới hiểu tại sao trên bàn thờ của bố tôi không có di ảnh…
Truyện ngắn: KIM CHUNG