Tôi hỏi đường vào nhà già làng K'Têu - người Châu Mạ, sinh sống ở thôn 4, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Đến nơi, già đang ngồi thu lu bên bậu cửa, trầm mặc, xa xăm dáng núi và phả những làn khói thuốc rê xanh mơ. Thấy tôi, già hỏi: "Mày muốn nghe tiếng chinh (chiêng)?".
16 giờ. Mặt trời đỏ lự đang chầm chậm rơi về chân núi. Tiếng chim Tia Chôm rung reng gọi chiều. Những đôi chân cồng kềnh của các bà, các mẹ người dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên đang bươn bả gùi những gùi cà phê nặng trĩu về cho kịp bữa cơm chiều. Tôi hỏi đường vào nhà già làng K’Têu - người Châu Mạ, sinh sống ở thôn 4, xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm. Đến nơi, già đang ngồi thu lu bên bậu cửa, trầm mặc, xa xăm dáng núi và phả những làn khói thuốc rê xanh mơ. Thấy tôi, già hỏi: “Mày muốn nghe tiếng chinh (chiêng)?”. Tôi gật đầu, rồi lặng lẽ theo già vào trong.
Đội cồng chiêng thôn 4 |
Già K’Têu dáng người rắn rỏi, chắc nịch như đồng, lôi ra bộ chiêng sáu, rồi chỉ tay vào từng chiếc một và giải thích: “Đây là chiếc chinh Me, kia là chinh R’sùng, chinh Diên, chinh Thòng, chinh Thờ và cuối cùng là chiếc chinh Tễ. Tiếng chinh Me thì trầm. Tiếng chinh Tễ thì thanh. Cồng chiêng là tiếng nói của Yàng, lời của thần linh…”.
Già K’Têu cho biết: “Mười năm trở về trước, tiếng chiêng chỉ còn biết nằm im trong cái bụng của người già. Tao nhớ lắm chớ, nhưng chẳng thể làm được gì!”. Nhìn vào mắt già, tôi thấy ánh lên một hoài niệm xa xăm, một nỗi niềm sâu kín, mơ hồ: Xưa kia, cồng chiêng luôn được đồng bào Châu Mạ “nuôi” ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà dài (hìu rọt) và trước khi sử dụng, bao giờ chủ làng (kwoang bon) cũng phải tiến hành nghi lễ để xin phép thần linh. Cồng chiêng chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của tín ngưỡng đa thần, chỉ được sử dụng vào các dịp lễ, hội đặc biệt và nhất thiết phải được các thần linh cho phép. Không gian văn hóa cồng chiêng trở thành nếp sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống tinh thần cộng đồng. Không gian văn hóa ấy đã ôm trọn cái đẹp hòa hợp, vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên, giữa sự ngưỡng vọng, tri ân của con người với thần linh, giữa con người với con người…
Những biến đổi trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của cư dân bản địa Nam Tây Nguyên đã tác động tiêu cực đến những lễ nghi xưa. Không gian rừng, không gian nhà dài, không gian diễn xướng, trình tấu cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp dưới tác động của cuộc sống hiện đại. Chiêng cồng không được sử dụng rộng rãi như trước. Thậm chí, nhiều bon làng đã không còn cồng chiêng. Số nghệ nhân trình tấu, diễn xướng cồng chiêng cao tuổi cũng mất dần theo thời gian, cộng thêm sự suy giảm số lượng nhà dài, suối thác, lễ hội…
Và thế là, đằng đẵng bao mùa qua, bao tháng qua, bao năm qua, già K’Têu vẫn đắng đau một nỗi niềm, liệu mai này có còn ai nhớ hồn chiêng, giữ hồn chiêng, nhịp chiêng để nó ngân rung, vang vọng giữa đại ngàn Tây Nguyên này.
Cho đến một ngày, cách đây khoảng mười năm, linh mục Hà Diên Tố (ở Giáo xứ Minh Rồng) đứng ra tập hợp những người biết đánh chiêng để truyền dạy kỹ thuật cồng chiêng cho bọn trẻ, thì tiếng cồng, tiếng chiêng mới lại được dịp vang ngân, nói tiếng nói của dân bon. Linh mục Hà Diên Tố thành lập được 2 đội chiêng, một đội nam và một đội nữ. Mỗi đội chiêng có 6 người. Chủ nhật hằng tuần, 2 đội chiêng này lại tấu lên những thanh âm đại ngàn... “Công của linh mục Tố lớn lắm!” - Già K’Têu biết ơn.
Những điệu chiêng, bài chiêng vốn nằm im đâu đó trong thẳm sâu ký ức bỗng trở về sống động. Lâu lắm rồi, người Châu Mạ ở Lộc Ngãi mới được nghe chiêng, tấu chiêng. Tiếng chiêng cứ thế ngân rung, hát về một thời quá vãng, đầy đam si. Cồng chiêng những ngày mùa nghe tưng bừng, rộn rã. Cồng chiêng những đêm trăng đại ngàn nghe tha thiết, yêu tin. Cồng chiêng là tiếng lòng người Châu Mạ, là lời ông bà hiển linh, của rừng thiêng nhiệm màu. Nhịp cồng chiêng sáu chậm rãi mà phóng túng, như chính phong thái trầm tĩnh, thư thả của những bước chân tự do đầy kiêu hãnh của người Châu Mạ.
Khi tiếng cồng chiêng từ đôi tay của những người trẻ rộn rã nổi lên, nhiều người Châu Mạ trẻ có, già có đã đến rất đông để xem thanh niên chơi chiêng. Nghệ nhân K’Túc - người đang miệt mài truyền dạy cách đánh chiêng cho lớp trẻ Châu Mạ, vừa mê mải đánh chiêng vừa lời rằng: “Ta về đây đầy đủ các già làng. Ta kể lại nơi đây những câu chuyện ngày xưa, chuyện trong rẫy, chuyện trong rừng, chuyện ở dưới chân rẫy, nơi chúng mình đã đi qua. Hỡi con ơi! Cháu ơi! Nhớ đánh chiêng, đánh cồng, đánh cho thật đều, nhịp nhàng nhé, hỡi con. Phụ nữ đẹp luôn đeo dây cườm, không đeo dây cườm là người phụ nữ không đẹp. Cũng như tiếng chiêng, không có bàn tay đàn ông thì điệu chiêng, tiếng chiêng không hay. Chiêng đẹp nhất là bộ chiêng có đủ chồng đủ vợ, như người ta có con trai con gái. Tất cả về đây nghe điệu đơs long. Cùng nhau đợi chờ, nhớ chuyện xưa đừng quên. Oh Bi nhé! Ta về đây kể lại chuyện xưa. Hỡi chàng trai, cô gái ơi! Nhớ con sông, con suối ta lại gặp nhau. Nhớ chuyện xưa yal yau, ta trở lại bên nhau. Nhớ khe núi, khe đồi năm ấy, ta vẫn chờ nhau”. Rồi, nghệ nhân giải thích đấy là nội dung trong bài chiêng “Câu chuyện chàng trai cô gái”. Cồng chiêng cứ thế ru đêm đại ngàn, ru hồn người Châu Mạ.
Tôi nhìn sang K’Việt - chàng trai có vẻ sáng dạ nhất trong đội chiêng 6 người và ướm thử: “Học chiêng có khó không?”. K’Việt bảo: “Chiêng học khó lắm! Phải vừa khéo cái tai vừa khéo cái tay thì mới học được”. Anh cho biết thêm: “Các bài chiêng đều có sẵn, nhưng không ai biết ký âm để truyền dạy bằng văn bản, mà chỉ bằng phương pháp thị phạm, ai có năng khiếu cảm thụ thì nhớ”. Tuy vậy, K’Việt cũng thừa nhận, mặc dù đã học đánh chiêng được 4 năm, nhưng vẫn chưa thể nhớ hết các bài chiêng, điệu chiêng. “Tao học chiêng hơn 10 năm rồi mà vẫn còn sai nhịp đấy!” - chị Ka Nhiễu thêm vào.
Dồn tất cả đam mê vào tiếng chiêng, 6 người con của núi lại tiếp tục so chiêng, giữ nhịp để hát về giấc mơ phiêu lãng đời mình: “Ai kon sõ jòi blơn leh/ Ai kon sơh jòi prên leh/ Kơnơm rơ hền lòt jòi leh/ Pi sa iar lot tă leh/ Miu sa kòn lot tă leh/ Pă rơnai sơlạ leh”. Không hiểu ngữ nghĩa của bài chiêng bằng tiếng Châu Mạ, tôi hỏi Ka Thủy. Ka Thủy chuyển ngữ sang tiếng Việt cho tôi: “Em ơi! Khi con ve sầu kêu là mùa làm cỏ khô/ Hãy mang cái gùi đi tìm trái cà/ Đừng để con chồn ăn con gà/ Phơi lúa đừng để mưa ướt”. Ka Thủy còn cho tôi biết đó là bài chiêng “Jê léh Jê lơn”.
Trăng đại ngàn đã sáng bồn chồn ở phía đằng xa, tôi đành tạm biệt những đứa con trung kiên của đại ngàn nắng gió Tây Nguyên để về lại phường phố. Ngàn mắt lá vẫn thầm thì lời huyền mật. Trên đường đêm tĩnh lặng, thảng hoặc đâu đó, tôi nghe tiếng chiêng lại vang lên, nhưng nó không còn lạc lõng, bơ vơ, không còn ray rứt, xót đau về một ngày mai vô định nữa, mà cháy bừng đam si.
Ký sự: TRỊNH CHU