Máu bao giờ cũng đỏ (truyện ngắn)

04:10, 09/10/2013

Tôi luôn nghi ngại Chủ tịch thị xã của tôi cùng một số cán bộ có chức quyền nào đó vào chung cái tên mà xã hội thường nói là "một bộ phận quan liêu tham nhũng". Chuyện đó thì có thể xẩy ra lắm chứ.

Tôi luôn nghi ngại Chủ tịch thị xã của tôi cùng một số cán bộ có chức quyền nào đó vào chung cái tên mà xã hội thường nói là “một bộ phận quan liêu tham nhũng”. Chuyện đó thì có thể xẩy ra lắm chứ.

Ảnh minh họa
Minh họa: Phan Nhân

Không phải vì chủ trương của trên lấy phiếu tín nhiệm của dân đối với các cán bộ chủ chốt nên tôi có ý định ca ngợi hay bêu xấu lãnh đạo, mà cuộc sống khiến tôi phải nói lên sự thật.

Tôi là một cán bộ không có chức quyền, lại về hưu từ lâu nên chẳng có quan hệ gì đến Chủ tịch thị xã, cũng chẳng họ hàng nên chưa bao giờ được tiếp chuyện ông, thậm chí gặp mặt ngoài đời cũng hiếm. Họa chăng chỉ nhìn thấy ông trên màn ảnh vô tuyến truyền hình là cùng.

Thế rồi, Chủ tịch thị xã đã để lại trong gia đình tôi, trong họ hàng nhà tôi cứ tưởng như phải lặng đi hóa đá.

Xin bạn đọc đừng nóng ruột để tôi được giãi bày hết câu chuyện.

Gia đình tôi còn nghèo, đồng lương hưu ít ỏi, với sáu miệng ăn thì làm sao mà khấm khá được. Vì vậy, khi cưới con dâu là giáo viên, mặc dầu ở thị xã, cháu vẫn phải xin đi dạy học ở vùng sâu vùng xa. Vừa qua, tôi xem trên ti vi được biết: Hồ Giáo, hai lần anh hùng lao động có cô con gái vẫn phải đi dạy học ở vùng núi xa nhà, thì chuyện con dâu tôi đi vùng sâu vùng xa, chẳng có gì đáng nói.

Mười sáu năm chăm lo dạy học, cháu đã phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và luôn nghĩ sẽ yên vị như vậy cho đến ngày nghỉ chế độ.

Bố mẹ chồng ngày một già, sức yếu, thường hay ốm đau, hai con còn nhỏ, con dâu tôi đã nghe theo lời bạn bè, có ý định  xin về gần nhà để có điều kiện trông nom và chăm sóc gia đình. Về gần nhà, có nghĩa là phải về một trường nào đó ở thị xã. Ôi chao ôi! Chỉ nghĩ đến việc chuyển vùng về như vậy, cả nhà tôi đã nản lòng. Con dâu tôi thì nói: “Con sẽ cố gắng chạy tiền để xin chuyển về, bởi con không còn tâm trí đâu mà xa nhà được nữa”. Thương con, thương cháu nhưng tôi cũng chưa biết làm thế nào được.

Con dâu tôi đi nhiều nơi để nhờ người chắp mối. Chỗ này treo giá 40 triệu, chỗ khác 50 triệu sẽ có quyết định theo ý muốn. Số tiền như vậy thì chúng tôi đành bó tay. Thế là, lặng đi một thời gian, gia đình tôi không còn đả động gì đến việc chuyển vùng của con dâu tôi nữa.

Cuộc sống cứ thúc ép. Gia đình gặp khó khăn hơn bởi sức khỏe ông bà nội cháu ngày một xuống cấp. Con dâu tôi lại có ý định chuyển về vì có người bạn thân dẫn mối. Chẳng biết bạn thân đến chừng nào, tôi đồ rằng chắc đây lại là một đường dây chạy việc. Nhưng trong lúc này, cũng còn có một chút hy vọng. Việc chạy tiền là vô cùng khó khăn vì vậy đêm nằm không nhắm mắt được, tôi thao thức liên miên. Bà nhà tôi cũng ngậm ngùi trong cảnh sống của gia đình.

Đùng một cái, con dâu tôi về nói là, nó đã cùng người bạn lên gặp Chủ tịch thị xã. Ông ấy đã tiếp đón hai đứa rất niềm nở. Sau khi nghe trình bày và xem hồ sơ, ông nói:

- Các cô gặp may đấy, năm nay, thị xã đang có chỉ tiêu biên chế giáo viên bổ sung cho các trường. Nhưng để nâng cao chất lượng đào tạo, ưu tiên nhận những giáo viên có nhân thân tốt và là giáo viên dạy giỏi. Theo hồ sơ, các cô có thể trong diện được xét. Các cô về làm thủ tục ngay đi, sắp đến ngày xét rồi đấy.

Con dâu tôi và bạn nó đề nghị ông viết cho một cái giấy để phòng giáo dục tạo điều kiện và tiếp nhận hồ sơ được dễ dàng. Chẳng ngại ngần gì, ông viết luôn một cái thư cho phòng giáo dục theo nguyện vọng của hai đứa. Ông tiễn khách ra về rất thân tình và cởi mở.

Con dâu tôi vô cùng phấn khởi và cảm động. Cả nhà tôi như bắt được vàng. Hôm sau, cháu mang ngay hồ sơ và thư của Chủ tịch thị xã đi nộp. Sau khi nhận hồ sơ của con dâu tôi, cán bộ phòng giáo dục nói:

- Sao trường hợp này không thấy Chủ tịch gọi điện cho biết nhỉ? Thôi cô cứ về đi, có gì chúng tôi sẽ báo sau!

Thì ra là như vậy. Lá thư chỉ là lá thư. Việc chỉ đạo bằng điện thoại mới là quyết định. Cuộc sống là như thế mà những người như chúng tôi thì làm sao mà hiểu được.

Đêm ấy, vợ chồng con dâu tôi bàn bạc gì với nhau lâu lắm. Sáng hôm sau, con dâu tôi nói:

- Bố ơi, bố còn bao nhiêu tiền cho con xin. Còn thiếu, con đi vay để chạy việc bố ạ.

Tôi đưa toàn bộ số tiền ít ỏi tiết kiệm được cho con. Thế là tối hôm ấy, nó cùng người bạn mang theo một gói quà và một phong bì ở bên trong đến nhà ông Chủ tịch thị xã.

Con dâu tôi phấn khởi lắm khi vợ ông chủ tịch nhận quà. Khi về nó nói: “Con đưa phong bì hai mươi triệu. Tuy với mình là to, nhưng với ông Chủ tịch thì có lẽ không thấm tháp gì. Chỉ mong ông ấy nhận cho để con được về gần nhà, có điều kiện chăm sóc bố mẹ và nuôi dạy các con là hạnh phúc lắm rồi”. Tôi cũng thấy mừng vì con đã lo được việc lớn và có hiếu với cha mẹ.

Một tiếng đồng hồ sau, con dâu tôi nhận được điện của ông Chủ tịch thị xã. Ông nói: Đúng đầu giờ sáng mai đến gặp ông tại UBND thị xã.

Lại một đêm thao thức, nửa mừng, nửa lo. Không biết điều gì sẽ xảy ra vào sáng mai.

Dậy sớm hơn mọi ngày, con dâu tôi lo ăn sáng cho bố mẹ và các con rồi phóng xe đi. Cả nhà phấp phỏng đợi chờ. Suốt đời chưa biết hối lộ ai bao giờ. Chắc có điều gì thất thố với Chủ tịch. Đoán già, đoán non chẳng đâu ra đâu mà vẫn cứ nghĩ tới. Ông ấy nhận phong bì cho thì chắc chắn là việc chuyển vùng của con dâu tôi sẽ được suôn sẻ. Còn nếu như vì một lý do nào đó mà ông ấy trả lại thì coi như mọi việc đến đây không còn hy vọng gì nữa. Nghĩ cái nọ đến cái kia khiến lòng tôi cứ bồn chồn, nằm ngồi không yên. Khi không có tiền cũng lo. Người ta không nhận cho cũng lo. Mà không khéo, mình còn phạm tội hối lộ không thành. Thật đáng tội cho những kẻ nghèo hèn.

Gần trưa, con dâu tôi về. Chưa kịp để nó dựng xe, tôi đã vội vàng hỏi luôn:

- Công việc thế nào rồi con?

- Chưa biết thế nào, bố ạ!

- Thế nào là thế nào?

- Ông ấy trách con: “Sao lại làm như vậy. Cháu coi thường tôi quá. Đồng tiền là quan trọng đối với con người, nhưng cũng có thể làm hoen ố nhân phẩm con người. Cháu đưa phong bì tiền cho tôi là cháu khinh tôi đấy. Khi xem hồ sơ của cháu, tôi thấy đạt được những tiêu chuẩn mà thị xã đề ra. Nền giáo dục của chúng ta rất cần những người thầy thực sự là thầy. Bây giờ cháu phải cầm phong bì này về và cứ yên tâm. Sau khi xem xét, nếu đủ mọi điều kiện, hội đồng xét duyệt sẽ nhận cháu về”.

Tôi an ủi con dâu:

-    Thôi con ạ, như vậy là không xong rồi. Bố mẹ không sống được bao lâu nữa. Con cứ yên tâm đi xa mà dạy học cho tốt. Người không có tiền thì suốt đời lam lũ. Âu đó cũng là lẽ thường tình.

Cả nhà tôi lúc này đều im lặng. Cái im lặng chìm sâu, nặng nề. Mỗi người lại như... muốn hoá đá.

Tôi kể chuyện này với ông bạn già của tôi cho lòng khuây khoả. Bạn tôi giật mình bảo:

- Có lẽ ông suy đoán lung tung thế thôi, chứ tôi tin Chủ tịch thị xã là một người trong sáng. Ông là học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở tận Hà Nội ra, người có rất nhiều tâm huyết xây dựng quê hương, một con người sống có tình có nghĩa.

Ông bạn tôi kể lại chuyện đi xin việc cho con. Ông cũng mang theo phong bì tiền như người ta mách bảo. Ông run run khi ngồi trước mặt mình là một người có uy quyền. Ông Chủ tịch thị xã đã tươi cười, đẩy nhẹ cái phong bì về phía bạn tôi rồi nhẹ nhàng nói giọng vừa nghiêm túc vừa hài hước:

- Xin bác cầm lại cái này. Tôi rất buồn khi trong xã hội ta còn có những người như bác nghĩ. Tôi không muốn theo vết đi của những người đó. Lúc này, bác còn gọi tôi là “anh”, nhưng nếu tôi nhận cái phong bì này thì tin chắc rằng, sau lưng tôi, bác sẽ gọi tôi bằng “thằng”. Danh dự là cái tài sản lớn nhất của đời người phải không bác. Tôi muốn nói thêm với bác là: cái gì của mình thì sẽ là của mình, còn cái gì không phải của mình thì nó sẽ ra đi. Thậm chí trước khi ra đi, nó còn gây thêm những tổn hại khôn lường.

Ông bạn già của tôi đã nói đúng. Khoảng một tháng sau, con dâu tôi nhận được quyết định về thị xã. Có lẽ niềm vui này không sao tả xiết. Tôi rất cảm động và ân hận vì những ý nghĩ không đúng của mình. Lúc này tôi mới nhớ đến câu nói của bạn tôi hôm nào. Bạn tôi nhắc lại một câu danh ngôn của ai đó: “Máu từ trong tim chảy ra bao giờ cũng đỏ”.

Nhìn cả nhà vui vẻ, tôi như sống trong mơ, nhưng đó lại là chuyện thực trong cuộc đời này đấy bạn ạ!

Truyện ngắn: Phạm Đức