Tôi viết tản văn này không nhằm vào Lễ hội Vu lan, ngày mà người ta dành cho mẹ. Cũng không phải là 8 tháng 3, 20 tháng 10 là hai ngày kỷ niệm của Phụ nữ Việt Nam. Đơn giản với tôi, ngày nào cũng là ngày của mẹ.
Minh họa: Thanh Toàn |
Tôi viết tản văn này không nhằm vào Lễ hội Vu lan, ngày mà người ta dành cho mẹ. Cũng không phải là 8 tháng 3, 20 tháng 10 là hai ngày kỷ niệm của Phụ nữ Việt Nam. Đơn giản với tôi, ngày nào cũng là ngày của mẹ.
Ấu thơ
Tôi mới gặp một cháu nhỏ, cháu còn nhỏ lắm, mới bốn tháng tuổi, tên ở nhà là Súng, một cái tên có lẽ chỉ là gọi cho vui chứ không có ẩn ý gì? Ngoài mẹ cháu có bà, có dì, có một cô tên Trang bán xắp xắp thay nhau ẵm cháu. Mới chừng đó tháng mà thằng cu Súng đã không chịu bồng ngửa, phải cho cháu dựa vào ngực của bà, của dì, của cô để cháu nhìn đời bằng một cặp mắt trong veo. Cháu đang khám phá thế giới, cháu đang trải nghiệm cuộc sống của mình qua những tiếp xúc hàng ngày. Vậy đấy, cu Súng đang hạnh phúc trong tay của mấy người phụ nữ, mẹ, bà, dì, và cô Trang yêu Súng biết bao! Chắc trong trí óc non nớt của Súng, không có một chút bóng dáng ba, người đàn ông đang ra ngoài gia đình để kiếm tiền mang về nuôi vợ nuôi con? Súng chỉ biết hơi thở của những người đàn bà đang ôm ấp chở che cho Súng. Súng cảm nhận được hơi mẹ từ ngày lọt lòng, vài tháng nữa khi bập bẹ tập nói, từ đầu tiên của Súng chắc chắn là từ mẹ. Tôi đọc trong mắt mẹ Súng niềm hãnh diện biết bao khi tôi khen cu Súng trắng sao mà trắng thế!
Tập đi
Tôi chắc không gặp Súng nữa vì tôi vào chỗ bán hàng của bà ngoại Súng chỉ là một dịp tình cờ. Đó là một quán bán hàng ăn vặt ven hồ Đồng Nai, thành phố Bảo Lộc. Cô Trang bán xắp xắp, bà ngoại Súng bán bánh tiêu và giò cháo quảy, còn dì Súng, một cô bé mới lớn chắc còn đi học. Trong nhà còn một người đàn bà đứng tuổi nữa, tôi không biết quan hệ thế nào, chỉ biết bà đứng trên cầu thang im lặng nhìn xuống dưới nhà, không nói gì, không làm rộn ai, dường như cuộc đời đang trôi qua lặng lẽ trong cặp mắt vô hồn của bà.
Rồi Súng sẽ tập đi, cu cậu sẽ chập chững đi những bước đầu tiên, chắc cu Súng biết đi sớm lắm. Tôi không biết mẹ cu Súng sẽ vui ra sao khi chứng kiến bước đi đầu tiên của Súng, nhưng tôi biết chắc rằng đó là khoảng cách đầu tiên của cu cậu xa vòng tay mẹ, và khoảng cách này ngày càng xa cho đến một ngày vòng tay mẹ Súng chỉ còn chấp chới phía sau lưng Súng! Lúc đó là lúc trưởng thành, Súng sẽ bay nhảy như một con chim trên trời cao bát ngát. Súng sẽ cảm nhận bầu trời trong xanh vời vợi, thế giới trải dưới đôi cánh chim mới mời gọi làm sao? Súng sẽ chinh phục những chân trời mới, và trong những giây phút mê man với những cảnh giới cuộc đời, Súng có chút nào nhớ mẹ? Tôi tin là có, Súng sẽ nhớ mùi của mẹ mỗi lúc thất bại trên đường đời, ai trong chúng ta có lúc sẽ thấy đường mình đi sao mà chật chội, những lúc cùng cực ấy ta ước ao nếu còn nhỏ dại ta sẽ chạy vội về nhà rúc đầu vào nách mẹ để tìm chút che chở cho ta. Nhưng lúc đó Súng không còn nhỏ dại nữa, cuộc đời lôi Súng đi về phía trước, cánh cửa trở lại tuổi thơ đóng sập sau lưng Súng mất rồi!
Đời chắc không chỉ có thất bại, Súng ta sẽ có lúc thành công và hân hoan thưởng thức hương vị của thành quả mình gặt hái. Lúc đó, Súng ta rất muốn có mẹ bên mình để chia sẻ với những gì Súng ta có được!
Đó là những ý nghĩ hỗn độn của tôi khi nhìn vào cặp mắt trong veo của Súng, chứ Súng còn nhỏ lắm, Súng đang có mẹ bên cạnh chở che cho bất cứ một mối hiểm nguy nhỏ nhặt nào. Mẹ luôn suốt đời bên Súng, bao giờ Súng cũng chỉ là đứa bé trong mắt mẹ. Mãi mãi là vậy!
Tật
Ai mà không có tật? Nói cách chung, đàn ông đàn bà đều có tật đại loại khác nhau về tính cách. Đàn ông thì mải vui chơi bay nhảy, đôi khi quên mất tổ ấm của mình. Cà phê ở nhà? Chán chết, phải có “không khí quán”, phải có bạn dù chỉ là để trao đổi mấy chuyện nhì nhằng. Rồi bia rượu, trà lá thuốc men, trà tam rượu tứ mà! Rồi trong những cái tật đó, đàn ông lại cố chứng tỏ mình là một đấng “anh hùng”, vợ không thể can thiệp vào chuyện “lớn” - thực ra đôi khi chỉ là những chuyện vớ vẩn - của mình! Thôi thì chỉ tạm liệt kê ra vài tật của cánh đàn ông, tạm thời như vậy.
Còn đàn bà? Cái tật của đàn bà cũng nhiều vô số. Tùy theo góc độ nhìn vào ta sẽ thấy có bà hay ngồi lê đối mách, có bà hay nói chuyện “tào lao”, có bà hay cằn nhằn những chuyện cỏn con làm điếc tai mấy ông chồng… Ôi thôi cái tật của con người sao mà nhiều đến vậy?
Tôi nói đến tật của đàn ông và đàn bà chỉ là để tôn lên những cái tính tốt mà nếu không có những thứ đó thì làm sao ta có thể nhận ra những điều cao cả? Tạm thời tôi không nhắc đến những điều cao cả của đàn ông mà chỉ nói đến đàn bà. Sao vậy? Bởi đàn bà làm nên thế giới! Chắc chắn thế, chính đàn bà làm nên thế gian đầy thử thách này. Ai lo cho anh để anh đi đánh nhau, ý tôi nói đến những cuộc chiến tranh từ thuở hồng hoang - đàn bà! Ai lo cho anh một tổ ấm để khi mệt mỏi ê chề anh quay về, thưởng thức một bữa ăn ngon, một không khí gia đình? Đàn bà! Thôi thì tạm thời liệt kê ra vài chuyện, những chuyện mà bọn đàn ông coi là vặt vãnh. Tôi muốn nói những thứ vặt vãnh ấy lại làm nên sắc màu của cuộc sống đấy thôi. Vậy thì tại sao ta lại làm mếch lòng với những người phụ nữ bằng cách phẩm bình, chê bai thậm chí giễu cợt những thứ vặt vãnh làm nên tính cách cuộc đời?
Ta không có quyền!
Trở lại chuyện của Súng. Tôi ví dụ, nếu một mai lớn lên, Súng dè bỉu mẹ mình bởi những điều nhỏ nhặt chắc mẹ Súng sẽ đau lòng lắm. Nhưng tấm lòng người mẹ sẽ dễ dàng tha thứ cho Súng, bởi, với mẹ Súng mãi mãi là một đứa bé cần phải chở che! Vậy đấy, sao ta lại làm cho mẹ buồn được chứ? Cả cuộc đời mẹ đã lo cho ta, ta đã làm tiêu hao bao nhiêu tâm lực của mẹ mà ta có biết? Cái sự tiêu hao vô hình đó dường như được biểu hiện bằng những vết nhăn trên gương mặt mẹ. Cứ nhìn những gương mặt của những mẹ già thì rõ, mỗi vết nhăn của mẹ là do ta “đóng góp” qua từng năm tháng. Đi chơi khuya chưa kịp về, mẹ nào ngủ được, trong lòng mẹ cứ bồn chồn không biết giờ hắn ở đâu, có gặp chuyện gì không? Hay khi ta rong chơi bên một cô gái đẹp, mẹ thắc thỏm không biết con nhỏ đó có bỏ bùa mê thuốc lú cho con trai của mẹ không? Không biết nó say mê con nhỏ đó, lấy con nhỏ đó làm vợ rồi coi mẹ nó ra sao? Ôi, tấm lòng người mẹ đi xa lắm, đến khi ta già rồi, với mẹ ta vẫn là một đứa trẻ thơ!
Vợ
Rồi ra Súng ta sẽ có vợ, đó là một chuyện hiển nhiên, chỉ chờ thời gian chừng hai mươi mấy năm sau nữa. Lúc ấy Súng đang xuân, đang say nồng trong tình yêu, đang đắm mê trong hương nồng người vợ, liệu Súng có chút nhớ đến mẹ? Tôi mong rằng có, nhưng tôi cũng biết chắc rằng Súng ta sẽ thay đổi trong góc nhìn về mẹ bởi bên Súng kè kè là một người phụ nữ rồi ra sẽ làm mẹ những đứa con của Súng. Là vợ tốt thì vợ Súng sẽ cùng Súng sống chan hòa yêu thương mẹ, tất nhiên rồi có lúc sẽ xảy ra những va chạm nhỏ, tôi tin vợ chồng Súng sẽ vượt qua một cách ngoạn mục khiến mẹ hài lòng. Còn nếu giả dụ như vợ Súng là một một nàng dâu không hoàn hảo, cãi chồng, cãi mẹ chồng…thì thật tội nghiệp cho Súng ta, một bên là vợ, một bên là mẹ Súng chẳng biết đi đằng nào! Không, đừng để Súng phải đứng giữa hai dòng nước, phải chọn một dòng hay để nước cuốn trôi! Súng sẽ chọn lẽ phải, chân lý bao giờ cũng là cứu cánh của cuộc đời.
Tôi chấm dứt tản văn này, Súng còn nhỏ lắm!
Võ Anh Cương