"Napoléon Việt Nam đã đến đây rồi à"

03:10, 09/10/2013

Dẫu biết đời người là hữu hạn, nhưng tối 4/10/2013 khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào lúc 18 giờ 9 phút tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009, trái tim chúng tôi vẫn không hết bàng hoàng...

Dẫu biết đời người là hữu hạn, nhưng tối 4/10/2013 khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào lúc 18 giờ 9 phút tại bệnh viện nơi ông nằm điều trị từ năm 2009, trái tim chúng tôi vẫn không hết bàng hoàng. Bởi lẽ, cách đây 12 năm, trong một chuyến đi làm phim tài liệu về đại tá Lê Kích - một người lính mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức yêu quý, chúng tôi được gặp Đại tướng và phu nhân tại Nhà khách T.78 ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là những kỷ niệm mà chúng tôi không bao giờ quên.

Đại tá Lê Kích mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đại tá Lê Kích mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp


Với sự giúp đỡ của nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển, lúc đó là Trưởng đại diện của Báo Quân đội Nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh và qua thiếu tướng Minh Long, đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên thư ký riêng của Đại tướng, chúng tôi đã có được cuộc hẹn với Đại tướng. Khi chúng tôi đến cũng là lúc đoàn cán bộ Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh vào thăm và chúc thọ Đại tướng. Khoảng 5 phút sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân - bà Đặng Thị Bích Hà đi từ trên lầu xuống. Mọi người rất xúc động khi được Đại tướng chậm rãi bắt tay từng người một với ánh nhìn vô cùng thân thiết, yêu thương. Đại diện Hội Cựu chiến binh thành phố tặng tướng Giáp lẵng hoa với lời chúc mừng đại thọ. Đại tướng nói vui: "Tôi xin chấp hành". Rồi mời mọi người cùng vỗ tay.

Đại tướng kể về những khó khăn buổi đầu của chính quyền cách mạng còn non trẻ, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: "Bác là một vị lãnh tụ vĩ đại. Bác Hồ thường nói làm cách mạng trước hết là đạo đức, dĩ công vi thượng; chỉ có dân, có nước; không vì cá nhân mình; phải dựa vào dân thì có tất cả. Câu nói ấy của Bác đã bao nhiêu năm vẫn còn nguyên giá trị" và khẳng định "Thắng lợi của Việt Nam là thắng lợi của tinh thần yêu nước Việt Nam và trí tuệ thông minh Việt Nam".

Cuộc gặp mặt hôm đó, Đại tướng còn dành nhiều thời gian cho đại tá Lê Kích và đoàn làm phim chúng tôi. Đại tướng thăm hỏi ân cần, gần gũi như người ông, người cha dành cho con cháu trong gia đình.

Không chờ đợi lâu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc ngay về những kỷ niệm với đại tá Lê Kích - người lính cách mạng Việt Nam mà ông nhớ nhất, khi một đơn vị chiến đấu do Lê Kích chỉ huy giải phóng Mường Mày ở Lào, thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc Lào, giải phóng tỉnh Xiêng Khoảng, khai thông đường số 7; giải phóng Cánh đồng Chum là căn cứ địa lớn nhất của Pháp ở Lào. Sự kiện này làm chấn động cả châu Á. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: "Lê Kích là một con người kiên cường, có quyết tâm lớn, không lùi bước trước khó khăn nào; là một con người hoàn thành tối nhiệm vụ trong những điều kiện khó khăn nhất. Dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những việc mà chúng ta cho là không làm được, coi như là huyền thoại. Anh là một trong những con người của dân tộc Việt Nam làm được những việc khó khăn cho là không làm được".

Với Đà Lạt - Lâm Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã nhiều lần đến thăm và làm việc.

Ngày 16 tháng 4 năm 1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là Phó trưởng đoàn, ông Nguyễn Tường Tam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn trong Chính phủ liên hiệp dự hội nghị đàm phán với Pháp tại Đà Lạt. Đoàn đi trên chiếc máy bay Đa-kô-ta đến Pắc Xế để lấy thêm xăng bay tiếp. Nhưng máy bay trục trặc. Ngày hôm sau, cả đoàn mới đến được Đà Lạt và ở Khách sạn Lang Biang nhìn ra hồ Lớn (nay là Hồ Xuân Hương).

Sau Hội nghị Đà Lạt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong cuốn sách «Những chặng đường lịch sử» của mình, có đoạn: "Qua cuộc đàm phán này, càng thấm thía một điều: Trong đấu tranh chính nghĩa đòi độc lập tự do cho đất nước, ngoại giao nhất thiết phải dựa trên lực lượng của nhân dân. Mỗi người dân Việt Nam cần phải có đầy đủ nghị lực và quyết tâm bồi bổ thực lực của mình. Dân tộc ta phải mạnh. Đất nước ta phải mạnh. Công việc ngoại giao phải bắt đầu từ đó. Lại nhớ lời Bác nói hôm nào: "Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng, chiêng có to, tiếng mới lớn"…".

Với Học viện Lục Quân thì ngay từ Khóa I Lớp Huấn luyện bổ túc quân sự ngày 7 tháng 7 năm 1946, khai giảng tại Tông (Sơn Tây), đồng chí Võ Nguyên Giáp, Bí thư Trung ương Quân ủy, Chủ tịch Quân ủy Hội đã đến thăm và nói chuyện.

Sau năm 1975, Học viện Lục Quân chuyển lên Đà Lạt. Ngày 4 tháng 8 năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên Học viện.

Cũng vào năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vào thăm vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Đây là một vùng đất đặc biệt trong giai đoạn lúc bấy giờ. Tấm ảnh tư liệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng trước bản đồ quy hoạch vùng kinh tế mới Hà Nội đã làm cho một nhà báo nước ngoài phải kinh ngạc, thốt lên "Napoléon Việt Nam đã đến đây rồi à!". Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp kỷ niệm với cán bộ, nhân dân khu Ba Đình, thị trấn Nam Ban với những "bông hoa" là những quả bắp Tây Nguyên đầu mùa vừa thu hái. Thật cảm động vô cùng…

Dấu ấn đặc biệt trong những ngày Mùa xuân 1975 lịch sử, khi Đại tướng đã có một mệnh lệnh nổi tiếng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng!" Mệnh lệnh đó như lời hiệu triệu mạnh mẽ thúc giục mọi người xốc tới chiến đấu và chiến thắng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng toàn tài của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được nhân dân kính trọng, thế giới khâm phục về đức độ, tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống thường ngày. Tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) và tạo ra những bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bây giờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giã từ chúng ta vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì Đại tướng để lại cho lịch sử, cho muôn thế hệ mai sau mãi mãi trường tồn. Với 103 năm sống trên cõi đời này, trải qua bao thăng trầm và vinh quang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một con người vĩ đại, một trái tim lớn hòa chung nhịp đập của nhân dân, của đất nước, là tấm gương sáng làm lay động hàng triệu triệu con người yêu hòa bình trên trái đất này. Và với Đà Lạt - Lâm Đồng, hình ảnh của Đại tướng vẫn còn đọng lại trong trái tim mỗi người chúng ta.

TRẦN NGỌC TRÁC