Mê hội họa từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Phi Anh đã bắt đầu những nét vẽ đầu tiên ngay khi còn học tiểu học. Từ đó, niềm đam mê vẽ tranh đã đồng hành cùng ông trong suốt quãng đời tuổi thơ, những năm tháng vào ra chiến trường và giờ đây ông được biết đến như nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ hồn cho nghệ thuật tranh bút lửa - một nghề truyền thống ở Đà Lạt đang bị mai một.
Mê hội họa từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Phi Anh đã bắt đầu những nét vẽ đầu tiên ngay khi còn học tiểu học. Từ đó, niềm đam mê vẽ tranh đã đồng hành cùng ông trong suốt quãng đời tuổi thơ, những năm tháng vào ra chiến trường và giờ đây ông được biết đến như nghệ nhân cuối cùng còn lưu giữ hồn cho nghệ thuật tranh bút lửa - một nghề truyền thống ở Đà Lạt đang bị mai một.
Hội họa như mối duyên tiền định
Khi còn học tiểu học, cậu bé Phi Anh đã sớm bộc lộ niềm đam mê hội họa. Ngày ấy, mỗi lần đi học ngang qua con đường có một người họa sĩ hay ngồi vẽ chân dung cho khách, cậu lại dừng lại và chăm chú nhìn theo từng nét vẽ. Trở về nhà, cậu bé Phi Anh tự mình mày mò vẽ những “tác phẩm chân dung” đầu tay dành tặng bạn bè. Kể từ đấy, hội họa lôi cuốn và ngấm vào cậu bé Nguyễn Phi Anh lúc nào không hay.
|
Nghệ nhân Phi Anh luôn hy vọng sẽ tìm được người nối nghề thực sự tâm huyết để nghề chạm tranh bút lửa không bị mai một, thất truyền |
Suốt những năm tháng tuổi thơ của mình, cho đến khi trưởng thành, Phi Anh chưa lúc nào ngừng vẽ. Kể cả khi bước vào chiến trường đầy bom đạn để chiến đấu vì Tổ quốc, chàng lính Phi Anh cũng không bao giờ quên đem theo cây bút chì và những mẩu giấy để vẽ mọi lúc, mọi nơi dọc đường hành quân. Sau ngày giải phóng, chàng thanh niên Phi Anh lại bôn ba khắp nơi để kiếm sống mưu sinh bằng chính năng khiếu của mình như: Làm thầy dạy vẽ, vẽ chân dung cho khách, vẽ quảng cáo…
Nhưng chẳng mảnh đất nào có thể giữ chân được người nghệ nhân tài năng này ở lại, Phi Anh đã trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình và bén duyên với nghệ thuật vẽ tranh bút lửa. Vẽ tranh bằng bút lửa hay còn gọi là “chạm tranh bút lửa” đây là một nghề kiếm sống mưu sinh thịnh hành của người dân xứ lạnh vào những thập niên 80. Nghệ thuật chạm tranh bút lửa đã khiến nghệ nhân Phi Anh từ bỏ cây cọ vẽ và gắn bó với cây bút lửa từ đó.
Tranh bút lửa rất độc đáo, bởi để làm ra một tác phẩm chỉ là một chiếc bút lửa với ngòi đồng tự chế gắn vào chiếc ổn áp biến điện từ 220V sang 12V được vẽ lên những tấm ván gỗ của cây Bạch tùng. Nghe thì đơn giản, song để tạo ra một bức tranh thì tốn rất nhiều công sức. Người vẽ cũng phải cực kỳ khéo léo, cẩn thận và tinh tế mới có thể tạo ra bức tranh hoàn chỉnh bởi cây bút lửa rất dễ gây cháy sém trong quá trình vẽ.
Nguyên liệu vẽ tranh bút lửa là tấm ván gỗ từ cây Bạch tùng đã được cắt xẻ ra từng miếng, với các kích cỡ tùy thuộc vào đề tài vẽ nhưng thường là 30x40 cm. Được đặt mua từ những người thợ mộc, nhưng khi lấy về tự tay họa sĩ phải bào mòn cho mặt gỗ thật láng mịn, sau đó mang phơi khô trong nhà vì thời tiết Đà Lạt hay có sương mù, ẩm ướt.
Nghệ nhân Phi Anh chia sẻ, trong thời gian đầu học vẽ tranh bút lửa không ít lần ông chán nản và phải bỏ đi rất nhiều tác phẩm chưa hoàn thiện. Không chỉ là yếu tố kĩ thuật, nghệ thuật chạm tranh bút lửa đòi hỏi người vẽ phải có năng khiếu thẩm mỹ hội họa và đặc biệt cảm xúc chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định làm nên một bức tranh bút lửa có hồn.
Đến thập niên 90, nghề vẽ tranh bút lửa đi xuống bởi hợp tác xã giải thể, gỗ cây Bạch tùng ngày càng khan hiếm khiến cho các nghệ nhân bút lửa gặp nhiều khó khăn nên lần lượt bỏ nghề. Chỉ duy nhất nghệ nhân Phi Anh vẫn theo đuổi nghề tới cùng và coi đó như là “mối duyên tiền định” của mình.
Năm 2005, tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc thi “Sáng tạo những sản phẩm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp độc đáo phục vụ du lịch”, nghệ nhân Phi Anh đã đoạt giải Nhất với tác phẩm “Bác Hồ trong hang Pắc Pó” và sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng, ông đồng thời cũng được nhận Bằng khen “Nghệ nhân xuất sắc”. Ngoài ra ông còn rất nhiều tác phẩm tranh bút lửa nổi tiếng khác như “Già Làng”, “Bà cháu”, bức tranh duyên nợ giữa nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly…
Hiện nay, tranh của ông đã có mặt nhiều nơi trên thế giới, được bày bán ở các của hàng bán sẩm phẩm dành cho du lịch, khách quốc tế và kiều bào xa quê hương thường tìm đến ông và đặt mua mang về làm quà cho người thân. Nổi tiếng và đắt khách, song chưa bao giờ nghệ nhân Phi Anh tự cho phép mình cẩu thả trong sáng tác mà ông chỉ dành thời gian công sức để vẽ những đề tài độc đáo.
Ngoài tài năng vẽ tranh bút lửa, nghệ nhân Phi Anh còn vẽ một số thể loại tranh khác như tranh sơn mài, tranh phù điêu hay còn gọi là tranh đắp nổi bằng giấy.
Đau đáu với nghề truyền thống bị mai một
Cả cuộc đời gắn bó với tranh bút lửa như có duyên nợ đã được hơn 30 năm, đến nay, dù đã ngoài 60 tuổi, song tình yêu nghề trong ông vẫn luôn mãnh liệt. Điều đáng tiếc là giờ đây, Nguyễn Phi Anh là nghệ nhân cuối cùng hiện còn theo đuổi nghề vẽ tranh bút lửa-một nghệ thuật mang đặc trưng riêng của người dân Đà Lạt.
Ông chia sẻ: “Bây giờ lượng khách mua tranh bút lửa rất ít, trong khi đó để tạo nên một bức tranh lại mất rất nhiều công sức. Bây giờ, gỗ cây Bạch tùng cũng hiếm và đắt hơn trước nên giá thành của tranh bút lửa cao hơn so với một số thể loại tranh khác. Những người theo nghề này phải cực kỳ đam mê và xác định lấy công làm lãi là chính, nên hiện nay là không có ai đủ kiên nhẫn để theo đuổi nghề này. Đó là điều khiến tôi luôn trăn trở”.
Nghệ nhân Phi Anh cho biết, hiện nay đã có nhiều người tìm đến ông học vẽ nhưng chủ yếu là do hiếu kì nên cuối cùng vẫn bỏ dở dang, không theo đuổi đến cùng. Nghệ nhân Phi Anh có hai người con nhưng cũng không có ai nối nghiệp bố vì thấy nghề vẽ tranh bút lửa quá vất vả và khó kiếm sống. “Trước đây, có cô con gái từ bé cũng rất yêu thích hội họa giống bố, nhưng lớn lên thì từ lại chọn cho mình một nghề khác, bởi thấy chú cực với nghề này quá”- nghệ nhân Phi Anh bày tỏ.
Phi Anh đã dành trọn tuổi trẻ, niềm đam mê cho nghệ thuật chạm tranh bút lửa, và giờ đây ở bên kia con dốc cuộc hành trình đời mình, ông vẫn cần mẫn vẽ và luôn hy vọng sẽ tìm được người nối nghề thực sự tâm huyết để nghề chạm tranh bút lửa không bị mai một, thất truyền./.
Theo Ngọc Hà Lê (Tổ Quốc)