"Từ bục giảng yêu thương" là tập ca khúc thứ hai của nữ nhạc sỹ - nhà giáo Trần Thu Hường (Di Linh) do Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2013, sau tập ca khúc "Vầng trăng cánh võng" cũng do Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2009.
“Từ bục giảng yêu thương” là tập ca khúc thứ hai của nữ nhạc sỹ - nhà giáo Trần Thu Hường (Di Linh) do Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2013, sau tập ca khúc “Vầng trăng cánh võng” cũng do Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 2009. Trong “Lời ngỏ” của “Từ bục giảng yêu thương”, nhạc sỹ Thu Hường tâm sự: “Để viết những ca khúc này, Thu Hường như lạc vào một thế giới khác - thế giới chỉ có tình yêu… Cả cuộc đời mình, Thu Hường gắn bó với âm nhạc. Bục giảng là nơi mà Thu Hường cùng với các học trò của mình cất lên tiếng hát yêu cuộc sống. Sự hồn nhiên, ngây thơ của các em là một trong mạch nguồn xúc cảm để Thu Hường làm nên tập ca khúc này…”.
Bìa 1 tập ca khúc “Từ bục giảng yêu thương” |
Thật đúng vậy, trong ca khúc “Từ bục giảng yêu thương” (cũng là tên chung của tập ca khúc), nhạc sỹ Thu Hường viết như lời tâm sự tự đáy lòng: “Ngập tràn hạnh phúc khi tôi đứng trên bục giảng/Từng trang giáo án dâng cho đời tình yêu tuổi thơ/Đường dài hun hút bao khó khăn không nản lòng/Mong em cố gắng mãi mãi làm trò giỏi con ngoan…”. Cũng với mạch nguồn ấy, trong ca khúc “Hạnh phúc của cô”, nhạc sỹ Thu Hường đã viết: “Bên sân trường ngập ánh nắng/rộn tiếng giảng bài của cô/Ấm êm từng lời nói/ngọt ngào như tiếng chim/Những đêm miệt mài giáo án/gửi vào bao ước mơ xanh/cho em thơ khát vọng/cho từng đôi mắt đen tròn…”.
Ngoài những ca khúc gắn liền với bục giảng, với ngôi trường và đàn em thân yêu mà nữ nhạc sỹ Thu Hường đã viết với tư cách ngoài nhạc sỹ còn là tư cách của một nhà giáo, trong “Từ bục giảng yêu thương”, chị còn có không ít tác phẩm được sinh ra từ những phút giây mà nói tác giả là “như lạc vào một thế giới khác - thế giới chỉ có tình yêu”. Trong 24 ca khúc tuyển chọn trong “Từ bục giảng yêu thương”, nữ nhạc sỹ Thu Hường còn dành một phần đáng kể để đồng thanh đồng điệu với các tác giả thơ trong và ngoài tỉnh.
Có lẽ không giống như một số nhạc sỹ khác, với Thu Hường, ngay ca khúc đầu tay, chị đã gặt hái được thành công. Tác phẩm đầu tay của Thu Hường viết năm 2000 là ca khúc “Lời buồn trên đá”, phỏng thơ Bùi Kim Tú. Ở ca khúc này, chọn khóa sol hai bemon, chị viết ở giọng thứ với hành âm vừa phải: “Rồi một ngày thương nhớ phôi phai/Anh lặng lẽ khắc lời buồn trên đá/Rồi một chiều vàng xao xác lá/Nắng cuối hè lụi tắt nhớ mong/Rồi một ngày không gió không trăng/Lời tha thiết chỉ là vô nghĩa/Anh trở về vườn xưa lối cũ/Gom lá khô rơi lót chỗ em nằm…”. Ở phần điệp khúc, tác giả đã sử dụng một số dấu hóa bất thường trong chỉ 3 khuông nhạc nhưng đã tạo được sắc thái mới và có giá trị như một “điểm nhấn” của cả ca khúc: “Rồi một ngày một ngày ta mất nhau/Tình nhạt nhòa làm tim ta nhói đau/Và tình đầu tình đầu đâu dễ quên/như ngọn lửa trong ta cháy mãi/Rồi một ngày một ngày ta mất nhau/Lời hẹn hò hẹn hò xưa đã xa/Nhưng anh hỡi những kỷ niệm ngày xưa/Hãy nâng niu dấu yêu tình đầu”.
Sự thành công ngay từ ca khúc đầu tay có thể nhờ ở sự “chuẩn bị” trước đó khá dài của Thu Hường chăng? Vì nếu tính từ khi nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành nhạc - văn của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng năm 1993 thì mãi đến 7 năm sau cô giáo Thu Hường mới cho ra tác phẩm đầu tay! Và cũng có lẽ, để chuẩn bị tiếp tục cho sự ra đời của tác phẩm đầu tay ấy, sau tốt nghiệp cao đẳng sư phạm nhạc - văn, Thu Hường đã một lần nữa đến giảng đường của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rèn luyện để có được tấm bằng cử nhân chuyên ngành âm nhạc. Nhưng cũng cần nói thêm, tuổi thơ của Thu Hường đã được thừa hưởng một “dòng chảy âm nhạc” từ người ông và người bố của mình. Hường kể: “Tôi quê ở Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Tôi sinh ra trong một gia đình có đến 7 anh em. Ông ngoại tôi và cả bố của tôi vốn là những nhạc công chơi nhạc cho nhiều nơi. Về sau, bố tôi có lập ra một gánh hát bộ ở địa phương và tôi là một “kép nhí” của gánh hát bộ đó. Và, âm nhạc cũng từ đó mà ngấm vào máu…”. Như vậy, thời tuổi thơ, ngoài chuyện đến trường học chữ, Thu Hường còn theo gánh hát bộ của bố để lên sân khấu, để được đàn hát. Khi là một nữ sinh của trường trung học, Thu Hường đã cầm guitare đệm cho các bạn hát hoặc tự đệm cho mình hát trong những liên hoan, hội diễn. Rồi, lớn thêm một chút, trước khi là sinh viên của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Nẵng chuyên ngành nhạc - văn, chị cũng đã làm quen với các nhạc cụ organ, piano… Rời mái trường cao đẳng sư phạm, cô giáo Trần Thu Hường trở lại quê hương Quế Sơn dạy nhạc tại Trường Tiểu học Quế Châu. Vài năm sau, cô giáo Trần Thu Hường lên Lâm Đồng và chọn Di Linh làm nơi sinh sống, tiếp tục nghề dạy học tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi cho đến nay. Năm 2007, cô giáo Trần Thu Hường được kết nạp vào Hội VHNT Lâm Đồng (Chi hội Âm nhạc) và chỉ 4 năm sau, nhạc sỹ Thu Hường được kết nạp vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam - hội viên nữ thứ hai của Hội Nhạc sỹ Việt Nam ở Lâm Đồng cho đến lúc này.
Trong ca khúc “Từ bục giảng yêu thương”, nhạc sỹ Thu Hường còn viết: “Nhìn em thơ đôi mắt long lanh/Đầy tin yêu khi tôi giảng bài/Và từng trang giáo án tinh khôi/Ươm ước mơ cho em vào đời…”. Từ kết quả của “Từ bục giảng yêu thương”, hy vọng nhạc sỹ Thu Hường sẽ còn gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực âm nhạc trên hành trình “Ươm ước mơ cho em vào đời” trong những ngày sắp tới!
KHẮC DŨNG