Người lưu giữ hồn xưa Đà Lạt

03:10, 16/10/2013

Những bức ảnh đen trắng về danh lam thắng cảnh Đà Lạt hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn lưu giữ trong nhiều gia đình, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, hay quán cà phê đây đó giữa thành phố ngàn hoa như đưa chúng ta trở về một thời xa xưa đầy hoài niệm…

Nhà nhiếp ảnh Đặng Văn Thông
Nhà nhiếp ảnh Đặng Văn Thông

Những bức ảnh đen trắng về danh lam thắng cảnh Đà Lạt hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn lưu giữ trong nhiều gia đình, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, hay quán cà phê đây đó giữa thành phố ngàn hoa như đưa chúng ta trở về một thời xa xưa đầy hoài niệm; về một quá khứ bình yên lặng lẽ của thiên nhiên và con người như cùng chung một nhịp đập. Những bức ảnh ấy càng gợi lên, càng thôi thúc chúng tôi đi tìm một con người cụ thể, một nhà nhiếp ảnh cụ thể mà tuổi thanh xuân của họ đã kịp ghi lại những khoảnh khắc ấy, để bây giờ người Đà Lạt và du khách có dịp được ngắm nhìn.

Lần theo những thông tin có được, chúng tôi tìm đến căn nhà số 31 đường Hoàng Hoa Thám xuôi về phía Linh Phong Tự của thành phố Đà Lạt. Nơi ấy, có một người đàn ông đã hơn 80 tuổi vẫn thỉnh thoảng ngồi ngắm những bức ảnh một thời mà mình đã từng lưu lại. Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông, hội viên Hội VH - NT Lâm Đồng.

Sinh ra trên quê hương Nam Định rồi lên Hà Nội trọ học. Năm tám tuổi theo gia đình vào Đà Lạt và được cha mẹ gửi nhờ người chú ở hiệu ảnh Đà Lạt photo giúp đỡ đi học. Hằng ngày, được thấy các anh, các chú trong hiệu ảnh miệt mài pha thuốc, tráng rửa ảnh, cắt cúp ảnh và cho ra đời những bức ảnh đẹp, chàng thanh niên lòng càng ham muốn được theo đuổi nghề ảnh. Với sự chỉ bảo tận tình của các chú, các anh, sau gần hai năm, chàng thanh niên trai trẻ ấy đã một mình có thể cầm máy lặn lội tìm đến những nơi hoang vu, những nơi có những ngọn thác cao tung bọt trắng xóa, những dòng suối lặng lờ trôi, những mặt hồ yên tĩnh của cao nguyên Lâm Viên thơ mộng, huyền thoại để được trải lòng mình với thiên nhiên qua nghệ thuật nhiếp ảnh.

Hồ Mê Linh ở Đà Lạt là bức ảnh đầu tiên ông chụp vào năm 1949. Cảm giác lúc đó của ông thật sung sướng và càng giúp ông thêm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh.

Để có thêm những bức ảnh đẹp về Đà Lạt, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Văn Thông đã có dịp làm quen và được các nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Nguyễn Cao Đàm, Nguyễn Mạnh Đan hướng dẫn tận tình; được đồng nghiệp Nguyễn Bá Mậu gần gũi trao đổi và cùng tham gia triển lãm ở Sài Gòn, giúp cho ông ngày càng có thêm nhiều bức ảnh chất lượng hơn.

Sau khi học được chữ, học được nghề, chàng thanh niên Đặng Văn Thông bắt đầu kiếm sống bằng chính công việc mà mình đam mê. Lương tháng đầu tiên đã kích thích cho chàng trai trẻ thêm yêu nghề. Ông đã xin vào làm việc ở Nha Địa dư Đà Lạt - nay là Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt với công việc chụp ảnh họa viên trên giấy, chụp ảnh qua phim, từ phim qua bảng kẽm để đưa vào in ốp- xét.

Trong hơn 30 năm gắn bó với Nha Địa dư từ năm 1959, ông đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc chụp ảnh, xử lý ảnh chụp và ông đã áp dụng những kỹ thuật mới lúc bấy giờ vào những bức ảnh của mình đã chụp.

Kề từ ngày vợ qua đời năm 2007, lòng ông càng lắng lại. Hằng ngày, ngồi trong căn nhà trống vắng, nghe từng giai điệu ca khúc buồn, ông càng nhớ về người bạn đời thân yêu của mình. Những ý nghĩ chợt đến bỗng hóa thành thơ. Những câu thơ lục bát như xé ruột xé gan: “Em đi vào cõi vĩnh hằng/ Để anh ở lại trong lòng nhớ thương/ Ngàn thu vĩnh biệt đôi đường / Các con mất mẹ tiếc thương vô cùng/ Còn đâu người vợ thủy chung / Còn đâu người mẹ vui cùng đàn con/ Về nhà giờ mẹ chẳng còn / Một đời vất vả cho con nên người/ Muốn kêu hai tiếng: Mẹ ơi!/ Mẹ đâu còn nữa trên đời mà kêu”. Rồi một đêm không ngủ được, ông viết: “Đêm qua tỉnh giấc nhớ tới em / Ánh trăng chênh chếch chiếu qua rèm/ Ước sao gặp được người trong mộng/ Cho bớt lòng đau, buốt những đêm”… Người bạn đời ấy khi còn sống đã “đồng cam cộng khổ” cùng ông, nuôi các con khôn lớn và tạo điều kiện cho ông được “đi mây về gió”, được thỏa chí đam mê nghệ thuật của mình.

Thời gian mỗi ngày cứ trôi đi. Đà Lạt mỗi ngày mỗi đổi thay. Những hồ đập sông suối đầy huyền thoại một thời cũng đang dần thay đổi. Đà Lạt đã thêm nhiều công trình mới mọc lên; đường sá rộng hơn, những hàng thông ướt đẫm sương mù ngày nào, những hoa dại ven đường, những kỷ niệm một thời không quên chỉ còn lưu lại trong từng bức ảnh một thời của Trần Văn Châu, Nguyễn Bá Mậu, Đặng Văn Thông - những con người dành cả cuộc đời yêu lấy mảnh đất này, để hôm nay chúng ta luôn thầm cảm ơn những nghệ sĩ đã lưu giữ hồn xưa Đà Lạt cho các thế hệ mai sau biết về một Đà Lạt ngày xưa hùng vĩ, kỳ bí mà rất đỗi lãng mạn, quyến rũ.

Hồ Mê Linh năm 1949
Hồ Mê Linh năm 1949

 

Hồ Xuân Hương năm 1952
Hồ Xuân Hương năm 1952

 

 Chợ Đà Lạt năm 1953
Chợ Đà Lạt năm 1953

TRẦN NGỌC TRÁC