Những đối thủ của ông đã chết từ lâu / Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa / Ông ngồi giữa thời gian vây bủa / Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
(Kính tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp)
Những đối thủ của ông đã chết từ lâu
Bạn chiến đấu cũng chẳng còn ai nữa
Ông ngồi giữa thời gian vây bủa
Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình
Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh
Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy
Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy
Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù
Trong góc vườn mùa thu
Cây lá cũng như ông lặng lẽ
Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ
Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây
Ông ra đi
Và …
Ông đã về đây
Đời là cuộc hành trình khép kín
Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến
Là một trời nhớ nhớ với quên quên
Những vui buồn chưa kịp gọi thành tên
Cõi nhân thế mây bay và gió thổi
Bầy ngựa chiến đã chân chồn gối mỏi
Đi về miền cát bụi phía trời xa
Ru giấc mơ của vị tướng già
Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở
Một chân ông đã đặt vào lịch sử
Một chân còn vương vấn với mùa thu.
Ngày 22 tháng 9 năm 1994
Anh Ngọc
Nhiều thế hệ người dân Thủ đô bày tỏ niềm thương tiếc Đại tướng - Ảnh: Anh Tuấn |
Lời bình:
Bài thơ “Vị tướng già” của Anh Ngọc viết năm 1994 sau khi nhà thơ cùng các nhà văn quân đội vào ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân kỷ niệm 50 năm thành lập quân đội. Thật lạ, là bài thơ viết về một vị danh tướng huyền thoại mà không nói gì về chiến tranh với những chiến công đã gắn với tên tuổi của ông. Ở đây nhà thơ như một nghệ sỹ nhiếp ảnh chọn góc độ tâm tình nhiều tâm trạng chạm tới những trắc ẩn nỗi niềm với góc mở tâm hồn lớn lao bao dung và nhân hậu.
Hình ảnh vị tướng già: “Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy - Đã từng gieo khủng khiếp xuống đầu thù” khi mà “Những đối thủ của ông đã chết từ lâu” - Là một phát hiện tinh tế tạo điểm nhấn khắc họa chân dung vị tướng. Cũng đôi bàn tay ấy lại gõ trên phím đàn dương cầm những bản nhạc về tình yêu cuộc sống. Ở đây với bút pháp liên tưởng so sánh: “Ông ngồi giữa thời gian vây bủa - Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình” có chút gì đó cô đơn nhưng không cô độc lại rất đời thường, rất thật mà chỉ có thi sỹ mới nhận ra. Cái nốt trầm sâu thẳm: “Trong góc vườn mùa thu - Cây lá cũng như ông lặng lẽ” là một nét khiêm nhường, tự biết, tự lớn và bình thản khi vị tướng hòa vào với thiên nhiên với khu vườn nhà mình như một cốt cách của tiên ông đạo sỹ. Nhà thơ đã phát hiện ra nét trẻ trung ấm áp và tin cậy khi ông: “Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây”. Đây có lẽ là nét riêng biệt của vị tướng đã qua bao trận mạc vẫn còn giữ được chất trẻ trung lạc quan kỳ lạ mà tuổi tác thời gian với bao biến đổi thăng trầm cuộc đời không thể xóa mờ được. Người già thường hay sống bằng ký ức, với vị tướng già cũng thế. Nhưng ở ông những âm hưởng vẫn còn lưu vọng, vẫn còn thao thức với hào khí: “Bầy ngựa chiến đã chồn chân gối mỏi - Đi về miền cát bụi phía trời xa”. Sự đồng vọng của con người với thiên nhiên với ký ức lại có sự trùng hợp cộng hưởng vào nhau như giai điệu của một bản nhạc đan xen bao nỗi niềm chia sẻ nhưng hòa âm vẫn là niềm hy vọng từ quá khứ đến tương lại khi: “Một chân ông đã đặt vào lịch sử - Một chân còn vương vấn với mùa thu”. Đây là hai câu thơ hay nhất như một điểm sáng tỏa ra hơi ấm nhân văn với một linh cảm mà nhà thơ Anh Ngọc đã tiên cảm được trước đây 20 năm giờ đã thành sự thật: “Ông ra đi - Và… - Ông đã về đây - Đời là cuộc hành trình khép kín”. Vị tướng đã cất tiếng chào đời ở một làng quê bên dòng sông Kiên Giang và lớn lên ra đi làm cách mạng . Bây giờ ông trở về vĩnh viễn nằm lại trong lòng quê hương đất mẹ. Hai bàn chân của ông thật sự đã đặt vào lịch sử trong một ngày thu, trong nỗi vương vấn tiếc thương của hàng triệu con người.
Có lẽ trong các bài thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hào hùng bao chiến công oanh liệt thì bài thơ này là một nốt trầm riêng khắc họa chiều sâu tâm trạng và có sức lan tỏa, lay thức, xúc động trong tâm hồn chúng ta về một Con Người lớn lao nhưng bình dị đời thường biết bao đã biến huyền thoại thành lịch sử…
NGUYỄN NGỌC PHÚ