Triển lãm tranh của họa sĩ Hoàng Khải Nguyên

05:10, 23/10/2013

(LĐ online) - Trong không gian biệt thự, rừng thông, đồi hoa và gió tại Zen Gallery, lần đầu tiên một triển lãm cá nhân mang tên Hoàng Khải Nguyên đã đưa đến cho công chúng yêu hội họa 30 bức tranh lạ mà đẹp.

(LĐ online) - Trong không gian biệt thự, rừng thông, đồi hoa và gió tại Zen Gallery (27C Phạm Hồng Thái - phường 10 - Đà Lạt), lần đầu tiên một triển lãm cá nhân mang tên Hoàng Khải Nguyên đã đưa đến cho công chúng yêu hội họa 30 bức tranh lạ mà đẹp.

Họa sĩ Hoàng Khải Nguyên nói về ý tưởng nghệ thuật của mình trong tác phẩm
Họa sĩ Hoàng Khải Nguyên nói về ý tưởng nghệ thuật của mình trong tác phẩm


Hoàng Khải Nguyên sinh năm 1957 tại Đà Lạt, chưa từng qua một trường lớp đào tạo hội họa nào, nhưng niềm đam mê với đường nét màu sắc đã khiến cọ và giá vẽ theo ông trên mọi chặng đường mưu sinh. Từng có 8 năm sống và vẽ ở Sài Gòn sôi động, tranh ông góp mặt nhiều cuộc triển lãm từ những năm 80 – 90 của thế kỷ XX. Trở về Đà Lạt, ông tìm cho mình không gian riêng, lặng lẽ sáng tạo.

Thế nhưng cũng có một thời gian suốt 4 năm ông không cầm cọ vì không tìm ra nguồn cảm hứng mới. Để rồi một ngày kia ông ngẫm ra: Nguyên nhân của mọi phiền não, chính là vọng tưởng, con người tự mong cầu, mơ mộng, tưởng tượng ra những thứ vượt quá thực tiễn cuộc sống để rồi tự thất vọng, hụt hẫng.

Hình ảnh con cá đang bay có mặt trong các bức tranh của Hoàng Khải Nguyên mang đậm triết lý nhân sinh, ông gửi vào tranh và mong muốn: Mọi người sẽ nhận ra rằng những vọng tưởng đang xảy ra từng giây, từng phút nối tiếp trong tâm trí chỉ là những hư vọng, cũng giống như cá thì không thể bay trong không gian. Hãy thoát ra khỏi vọng tưởng, sống với thực tại, không ngồi tưởng tượng, mong cầu, mơ mộng, cứ bắt đầu bằng lao động, sáng tạo cống hiến hết mình, thì thành quả được sẽ tự đến, cuộc sống sẽ tự tốt đẹp hơn. Hãy cứ gieo đi rồi sẽ được gặt, như một sự tất yếu.

Như khơi được mạch nguồn sáng tạo cho riêng mình, cũng là lúc người họa sĩ nhận ra rằng thời gian trôi nhanh, đời người hữu hạn, ông lao vào vẽ, đã cầm đến cọ, đã vẽ là như ngọn lửa cháy đến cùng. Nét thiền trong tranh Khải Nguyên với 2 màu sắc chủ đạo xanh và vàng giáng chiều tạo nên vẻ thoát tục, nhưng hình ảnh, đường nét vẫn bám rễ vào hiện thực. 30 bức tranh thì có đến 17 tác phẩm hoa sen với các sắc vàng, xanh biếc, xanh dương, sen ở đồng bằng, sen trên núi cao, sen trong đầm, sen trong bình, sen trên bàn, sen trên tay thiếu nữ: thanh khiết, đẹp và lạ.

Cùng thưởng lãm các tác phẩm hội họa của Hoàng Khải Nguyên để cảm nhận một phong cách mới vừa góp mặt vào làng cọ Lâm Đồng.

QUỲNH UYỂN